"Đại biểu Quốc hội phải luôn trăn trở về trách nhiệm của mình"

07/06/2021 06:25
Phạm Minh
GDVN- Không ai phân công cho mình một nhiệm vụ cụ thể, đại biểu Quốc hội phải tự trăn trở, tự suy nghĩ và tự quyết định mình phải làm gì.

Ngày 23/5, với lá phiếu và quyền bầu cử thiêng liêng, cử tri cả nước đã lựa chọn những nhân sự xứng đáng làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để thay mặt nhân dân thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, đất nước.

Mỗi lá phiếu cử tri có giá trị vô cùng đặc biệt, không chỉ thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện sự công tâm và trách nhiệm chính trị của nhân dân đối với vận mệnh đất nước.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) chia sẻ: “Quốc hội là một cơ quan quyền lực cao nhất đồng thời cũng là môi trường tự do và bình đẳng đúng nghĩa. Đại biểu Quốc hội hoạt động hoàn toàn độc lập, tự mình quyết định làm gì, làm thế nào. Môi trường đó đặt ra cho người đại biểu Quốc hội một trọng trách vô cùng lớn lao, là phải tự quyết lấy vai trò, trách nhiệm của chính mình".

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, áp lực của đại biểu Quốc hội là phải tự quyết lấy vai trò, trách nhiệm của chính mình. (Ảnh: NVCC)

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, áp lực của đại biểu Quốc hội là phải tự quyết lấy vai trò, trách nhiệm của chính mình. (Ảnh: NVCC)

Trên thực tế, đại biểu Quốc hội tham gia một kỳ họp có thể lựa chọn phát biểu hoặc không, không có ai phân công, không có ai chỉ đạo yêu cầu anh phải nêu kiến nghị, bàn luận như thế nào về các vấn đề đưa ra nghị trường. Mỗi đại biểu phải tự ý thức trách nhiệm và hoàn toàn tự mình quyết định phải làm gì.

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng quyền lực đó có thực sự được phát huy hay không, quyền lực đó có tạo lên những thay đổi tích cực, giải quyết những bất cập tồn tại của đất nước hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động và tiếng nói của mỗi đại biểu Quốc hội có làm tròn vai là đại diện cho quyền lợi, tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

"Ở vị trí của một đại biểu Quốc hội, áp lực lớn nhất với tôi là luôn phải tự mình suy nghĩ, tự mình trăn trở, mình phải làm gì để đáp ứng được kỳ vọng của người dân, phải luôn đăt ra câu hỏi: những mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của người dân cần được đáp ứng như thế nào?

Làm thế nào để chuyển mong muốn đó thành mục tiêu của đường lối chính sách, thể chế hóa thành luật pháp để quay trở lại đáp ứng những mong mỏi của người dân, phục vụ cho cuộc sống xã hội.

Những nguyện vọng rất chính đáng, nhiều vấn đề đang rất bức xúc, nổi cộm, nhiều vấn đề trong luật pháp, chính sách còn bất cập và chưa rõ ràng.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, tôi thấy những gì mình đã làm được còn quá ít so với những điều xã hội mong muốn và những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đó là lý do tôi thấy mình còn mang nợ trong nhiệm kỳ XIV và sẽ tiếp thục theo đuổi nếu được cử trị tín nhiệm bầu vào nhiệm kỳ tới.

Từ khi tham gia làm đại biểu Quốc hội, thời gian tôi dành cho bản thân, gia đình không còn nhiều, những người thân thiết nhất cũng băn khoăn và ái ngại cho tôi. Nhưng bản thân tôi lại nghĩ rằng, một khi mình đã được người dân tin tưởng, một khi ngồi vào ghế nghị trường Quốc hội, ở vị trí cơ quan quyền lực cao nhất, mình phải làm gì để xứng đáng và không hổ thẹn khi đối diện với người dân đã đặt niềm tin vào mình.

Hàng ngàn câu hỏi xã hội đang đặt ra: Đất nước mình đầy tiềm năng và thế mạnh, người Việt mình thông minh, cần cù sáng tạo, khó khăn mấy cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng, vậy tại sao đất nước còn nghèo, trong xã hội vẫn tồn tại ở đâu đó thiếu công bằng giữa những người ngồi không ăn chơi giàu có với người lao động nhưng nghèo khó, giữa người tài giỏi chính trực với những kẻ bất tài nhưng đầy mánh khóe và cơ hội, tham nhũng vẫn còn nhức nhối trong xã hội...

Trước những bức xúc đó của đất nước, những người được dân tin tưởng bầu vào cơ quan quyền lực cao nhất mà không trăn trở, không suy nghĩ, không hành động thì có tội với đất nước, đắc tội với nhân dân. Đó chính là những điều đầu tiên cần có trong tư duy, suy nghĩ để thay đổi hành động của những người có trách nhiệm”, ông Cường chia sẻ.

Chất vấn không phải làm gia tăng bức xúc, mà xử lý khoảng trống về pháp lý

Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn chia sẻ, đại biểu Hoàng Văn Cường đã nhiều lần tham gia chất vấn trên nghị trường Quốc hội. Theo ông,mục đích của hoạt động chất vấn là đi đến bản chất của vấn đề, đánh giá những thiếu hụt, khoảng trống về pháp lý và trên cơ sở đó đưa ra hướng xử lý tốt nhất.

Xã hội còn có vô vàn khó khăn, nhiều bức xúc, nhiều trăn trở, thậm chí có cả những bất công. Nhưng vào nghị trường Quốc hội không phải mình góp nhặt, nhắc lại và phơi bày những câu chuyện đó để làm gia tăng thêm sự bức xúc, thậm chí tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.

Những câu chuyện đó chỉ là minh chứng cho vấn đề cần giải quyết, điều quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm và cách giải quyết vấn đề đặt ra.

Do vậy, đại biểu Quốc hội phải lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư của người dân, để tìm ra vấn đề đang nằm ở đâu, vấn đề này thuộc trách nhiệm của ai, ở khâu quản lý nào? Nguyên nhân từ đâu, có thiếu hụt, khoảng trống nào trong hành lang pháp lý? Trên cơ sở đó phải chỉ ra hướng xử lý và cách khắc phục", ông Cường chia sẻ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết: “Trong công tác lập pháp, điều tôi băn khoăn nhất là thiếu cơ chế giám sát quyền lực, phòng chống tham nhũng từ khâu xây dựng chính sách, luật pháp. Luật pháp trao quyền cho các tổ chức, cá nhân thay mặt nhà nước thực thi quyền lực, nhưng người được trao quyền lực đó có thực thi đúng và đầy đủ nhiệm vụ được giao hay không, hậu quả của việc không làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao thì phải chịu trách nhiệm và xử lý như thế nào?

Nhiệm vụ của người được trao quyền lực là thực hiện các công việc để thực thi quyền lực được giao còn trách nhiệm của người được trao quyền lực là phải gánh chịu hậu quả xảy ra khi quyền lực được thực thi sai hoặc không thực thi hết quyền lực đã trao để xẩy ra hậu quả.

Để xảy ra tham nhũng không chỉ những người tham nhũng phải chịu tội mà những cơ quan được trao quyền kiểm tra kiểm soát chống tham nhũng như thanh tra, kiếm toán … cũng phải chịu tội. Để xẩy ra trộm cướp hoành hành, vi phạm trật tự giao thông… thì công an phải chịu xử lý trách nhiệm chứ không chỉ xử lý kẻ cướp và người vi phạm giao thông.

Thực tế khá phổ biến trong các qui định của pháp luật hiện nay đang mập mờ đánh tráo khái niệm khi qui định trách nhiệm của những người được trao quyền lực lại liệt kê ra những việc người đó phải làm, không qui định người đó phải chịu trách nhiệm gì về hậu quả xảy ra khi thực thi. Đó là lý do dẫn đến tình trạng khi xây dựng pháp luật cơ quan nào cũng muốn giành nhiệm vụ, công việc về ngành mình, cơ quan mình: vì thêm chức năng nhiệm vụ thì thêm quyền lực nhưng không phải chịu trách nhiệm gì về hậu quả xảy ra”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, ông vẫn luôn trăn trở về “món nợ” với cử tri vì còn nhiều điều muốn làm mà chưa làm được, là đại biểu Quốc hội, dù có cố gắng bao nhiêu thì vẫn khó có thể giải quyết được hết những trăn trở, mong muốn của người dân.

“Trọng trách đó vô cùng lớn lao, càng thôi thúc tôi phải nỗ lực hơn nữa nếu được cử tri tín nhiệm. Tôi luôn tâm niệm rằng mình phải đi từ cuộc sống của người dân, phải lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri, đưa những nguyện vọng đó thành đường lối, chính sách, thể chế.

Hoạt động của mỗi đại biểu là yếu tố quyết định góp phần xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, hành động theo ý chí, nguyện vọng vì lợi ích của nhân dân”, ông Cường chia sẻ.

Phạm Minh