Sau trả lời chất vấn, có tư lệnh ngành "ghi điểm", cũng có người "mất điểm"

03/06/2021 12:59
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Nghiêm Vũ Khải nhận định, Quốc hội đã đổi mới mạnh mẽ hoạt động chất vấn, dẹp hiện tượng "câu giờ" - trả lời vòng vo, lan man... đi vào hỏi nhanh - đáp gọn.

Ngày 23/5 vừa qua, toàn dân đã tiến hành bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quốc hội khóa XV sẽ có những vị đại biểu từ các khóa trước tiếp tục tái cử và cả những đại biểu mới lần đầu tham gia hoạt động nghị trường. Nhân dân gửi gắm, kỳ vọng các đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, những thành tựu lịch sử của các khóa trước, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm đại biểu Quốc hội (khóa XI, XII, XIV), trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nghiêm Vũ Khải bày tỏ sự tin tưởng Quốc hội khóa XV sẽ phát huy được những thành tựu đã đạt được, đồng thời có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác xây dựng luật, phục vụ tốt hơn nữa đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Muốn có được kết quả tốt thì sự nỗ lực của từng đoàn đại biểu và cá nhân đại biểu, các ủy ban phụ trách nội dung ở các lĩnh vực, triển khai các chương trình giám sát... đều rất quan trọng.

Ông Khải cho hay: “Cả 3 khóa tôi đều là thành viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đây là một ủy ban thực hiện nhiệm vụ trên cả 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu là xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Phải nói rằng, một tỷ lệ rất cao các dự án đầu tư, công trình quan trọng quốc gia đã được giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì thẩm tra, báo cáo Quốc hội xem xét trước khi biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư. Ví dụ Dự án Thủy điện Sơn La, Dự án Đường Hồ Chí Minh, Dự án trồng mới 5 triệu héc-ta rừng…”.

Ông Nghiêm Vũ Khải - đại biểu Quốc hội (khóa XI, XII, XIV). Ảnh: quochoi.vn

Ông Nghiêm Vũ Khải - đại biểu Quốc hội (khóa XI, XII, XIV). Ảnh: quochoi.vn

Chất vấn ngày càng được coi trọng, không trả lời vòng vo

Ông Nghiêm Vũ Khải cho biết, trong 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Quốc hội (xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước) thì hoạt động giám sát của được cử tri quan tâm thường xuyên nhất, đặc biệt là chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường.

Hoạt động chất vấn trực tiếp tại nghị trường bắt đầu từ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VII diễn ra vào tháng 12/1985. Kỳ họp này cũng đã ghi dấu ấn đột phá về hoạt động chất vấn, mở ra kỷ nguyên “nói thẳng, nói thật” của Quốc hội. Sau mỗi kỳ họp, hoạt động chất vấn của Quốc hội lại ngày một thêm hoàn thiện, thật sự là một dòng chảy của dân chủ và đổi mới.

Theo quy định của pháp luật thì giám sát của Quốc hội thể hiện trên các hoạt động như xem xét các báo cáo định kỳ của các cơ quan trình Quốc hội; Yêu cầu gửi báo cáo giải trình một số vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm; Báo cáo trả lời ý kiến cử tri; Tổ chức đoàn giám sát, gửi câu hỏi chất vấn, chất vấn trực tiếp tại các phiên họp của đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Có một thời gian dài, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp xin ý kiến Đại biểu Quốc hội về chủ đề chất vấn và người phải trả lời chất vấn. Sau khi tổng hợp ý kiến Đại biểu Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập danh sách để Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách các “tư lệnh ngành” phải đăng đàn.

Tại các kỳ họp như vậy, Đại biểu Quốc hội chỉ được chất vấn trực tiếp những người có trong danh sách. Còn đối với các chức danh khác thì chất vấn và trả lời chất vấn bằng văn bản. Trước đây, thời gian hỏi và trả lời cũng không quy định chặt chẽ nên đã từng xảy ra hiện tượng “câu giờ” thông qua việc trả lời lan man, vòng vo.

Tại các kỳ họp gần đây của Quốc hội khóa XIV, đã có nhiều đổi mới là quy định về thời gian chất vấn 1-2 phút, trả lời 3 phút. Chủ tịch Quốc hội trực tiếp chủ trì các phiên chất vấn.

Khi cần thiết, chủ tọa yêu cầu cả người hỏi và người trả lời phải tuân thủ quy định về thời gian, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề cần chất vấn, cần trả lời theo tinh thần “hỏi nhanh – đáp gọn”.

Cách làm này đòi hỏi tất cả các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đều phải sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của Đại biểu Quốc hội. Do đó những người nắm các chức danh này phải luôn luôn cập nhật tình hình, tập trung cao độ, nắm vững bản chất vấn đề, quy định của pháp luật, xác định rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục.

“Bản chất của chất vấn không phải hỏi để biết hoặc để kiểm tra kiến thức của tư lệnh ngành, mà là nhằm đánh giá hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có trách nhiệm của tư lệnh ngành.

Mục đích chủ yếu phát hiện những bất cập trong cơ chế, phân công trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, tổ chức hoạt động quản lý nhà nước”, ông Khải cho biết đây là yêu cầu cốt lõi, ý nghĩa của hoạt động chất vấn.

Qua hoạt động chất vấn, cả người chất vấn và người trả lời chất vấn đều thu được những kinh nghiệm quý. Tuy không phải là cuộc thi nhưng qua đây có người “ghi điểm”, có người “mất điểm”, thậm chí còn ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp sau này.

Là đại biểu được nhân dân, cử tri tin tưởng qua nhiều nhiệm kỳ, ở cương vị Đại biểu Quốc hội ông Nghiêm Vũ Khải là người thẳng thắn chỉ ra những bất cập, góp ý để các tư lệnh ngành rút kinh nghiệm, tháo gỡ nút thắt kịp thời, nhanh chóng.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận tổ về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020, Đại biểu Nghiêm Vũ Khải khẳng định, đây là các dự án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia rất quan trọng của đất nước, theo tinh thần thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội, giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí rất lớn.

Vì vậy, hồ sơ của các dự án này cần được chuẩn bị kỹ để các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, các nhà khoa học thảo luận trước khi trình ra Quốc hội để các đại biểu xem xét, quyết định.

Ông nhấn mạnh, các chủ trương thực hiện các dự án, thông qua đó, tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ. Tuy nhiên, do các dự án được thực hiện với kinh phí lớn, cần tuân thủ nghiêm túc pháp luật, nhất là Luật Đầu tư công, đảm bảo hiệu quả và ngăn chặn thất thoát, lãng phí.

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, ông Nghiêm Vũ Khải cho biết: “Nhiệm kỳ qua, Quốc hội khóa XIV đã làm rất tốt quyền lập pháp, vai trò giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là kỳ Quốc hội có nhiều đổi mới sâu sắc, nâng cao hiệu quả làm việc của Quốc hội”.

Tuy nhiên, theo ông Nghiêm Vũ Khải, quá trình giám sát rất công phu nhưng việc tiếp tục truyền đạt kết luận giám sát phần nhiều còn mang tính kiến nghị, đề xuất, định hướng.

Bên cạnh đó, cần phải quan tâm hơn nữa đến việc đúc kết, lưu giữ hồ sơ để những người sau biết những người trước đã làm được những gì, rồi làm tiếp, kế thừa.

“Việc xây dựng văn bản pháp luật có những kết quả rất tốt, số lượng văn bản được ban hành khá lớn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Ví dụ, Luật Bảo vệ môi trường của chúng ta đã phải thay đổi nhiều lần, lần sửa sau rất gần với lần sửa trước.

Bởi vậy, khi xây dựng luật cần phải có sự thống nhất, tương thích,hài hòa giữa văn bản pháp luật chuyên ngành với văn bản pháp luật chung. Cần phải xây dựng luật có “tuổi thọ” dài hơn để ổn định”, ông Khải nhận định.

Để hoạt động chất vấn ngày càng phát huy hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, theo Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, cần tập trung đổi mới, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách:

Thứ nhất, cần tổng kết thực tiễn hoạt động chất vấn để nhận diện những tồn tại, hạn chế; nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm. Từ đó đề ra và thực hiện các giải pháp đồng bộ, toàn diện để nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn.

Thứ hai, sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, chất vấn; quyền chất vấn của Đại biểu Quốc hội phải được bảo đảm; Nghiêm cấm các hành vi ngăn cản Đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn dưới mọi hình thức; Tăng cường trách nhiệm chất vấn của các Đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Thứ ba, tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội tại các cơ quan Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội; Hỗ trợ Đại biểu Quốc hội tiếp cận thông tin kịp thời, mau chóng, chính xác; Bồi dưỡng kỹ năng chất vấn, tạo điều kiện cho đại biểu có thêm những lập luận và chứng cứ xác thực khi thực hiện quyền chất vấn.

Thứ tư, tăng thời lượng chất vấn tại nghị trường, đa dạng hóa hoạt động chất vấn ở các ủy ban của Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội; Đồng thời quy định rõ về hiệu lực, hiệu quả, hậu quả pháp lý của hoạt động chất vấn đó. Tăng thời lượng truyền thông để cử tri biết, theo dõi, giám sát.

Thứ năm, để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa thì cần tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội và các cơ quan dân cử theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, thiết thực và hiệu quả.

Cao Kim Anh