Bộ trưởng ơi, giáo án mẫu 5512 đang đẻ ra những cái chợ dối trá

09/06/2021 06:30
Hồng Nhung
GDVN- Học sinh bị đầu độc bởi văn mẫu, giáo viên lại đồng phục giáo án mẫu thì bao giờ mới có sáng tạo trong dạy và học, bao giờ mới có "học thật, thi thật"?

Chuyện “văn mẫu” triệt tiêu sự sáng tạo, trí tưởng tượng của con trẻ trong nền giáo dục Việt Nam, không còn xa lạ với dư luận. Vẫn còn đó những câu chuyện khi học sinh làm bài theo cảm xúc, cách nhìn của mình bị cô giáo cho điểm thấp với lời phê ngọt ngào: “không đúng mẫu”.

Sáng tạo và trí tưởng tượng của mỗi cá nhân hình thành nên phẩm chất, năng lực của mỗi người. Triệt tiêu sự sáng tạo và trí tưởng tượng của ai đó là đang “đúc khuôn”, đang gián tiếp làm mất tự do, mất đi sự độc lập, sáng tạo của mỗi người.

Không có tự do, không có độc lập, là không có hạnh phúc. Như vậy văn mẫu là “kẻ thù” của mỗi người, của xã hội và của bất cứ nền giáo dục nào.

Để biết văn mẫu đang hoành hành như thế nào, bạn gõ cụm từ “văn mẫu” vào Google thấy ngay 242.000.000 kết quả trong vòng 0.39 giây.

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm văn mẫu, luận văn trên Google

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm văn mẫu, luận văn trên Google

Thật kinh hoàng khi văn mẫu đã có từ lớp… 1. Học sinh vừa bước chân đến trường đã bắt đầu bị ép mình vào “văn mẫu”.

Học sinh, phụ huynh, giáo viên suy nghĩ vô tư, sách văn mẫu là sách tham khảo, nên mua về sử dụng vô tội vạ, chỉ với mục đích duy nhất cho con mình làm đúng mẫu, đạt được điểm cao.

Sách văn mẫu đã tạo cho học sinh thói quen “đạo văn” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà không biết, học sinh coi sử dụng văn bản, trí tuệ, sáng tạo của người khác là bình thường.

Thầy cô sử dụng văn mẫu để dạy cho học trò, vô tình đang đầu độc con trẻ, tiêu diệt hoàn toàn sự sáng tạo, tư duy trừu tượng của trẻ, biến trẻ thành nô lệ mà không biết.

Nguy hại hơn, thầy cô đang triệt tiêu hoàn toàn sự phản biện của trẻ, không được suy nghĩ khác, không được nói điều mình nghĩ, nói cách khác đang làm việc phản giáo dục mà không biết. Có thể chính thầy cô là “sản phẩm, nạn nhân” của văn mẫu chăng?

Văn mẫu không dừng lại ở bậc học phổ thông, văn mẫu hoành hành ngay cả bậc đại học. Chúng ta không lạ gì với “chợ luận văn”, từ luận văn tốt nghiệp đại học đến luận văn thạc sĩ, luận văn tiến sĩ... cứ có tiền mua là có.

Chính “văn mẫu” đã làm đảo lộn giá trị cuộc sống, giá trị học thuật, thật giả lẫn lộn, trắng đen khó phân biệt. Chưa bao giờ “Tiến sĩ giấy” lại chính xác theo nghĩa bóng như hôm nay!

Từ văn mẫu đến... giáo án mẫu

Khi thay đổi chương trình giáo dục, sẽ có hàng loạt nhà xuất bản bán sách giáo án mẫu với một cái tên mĩ miều hơn “Thiết kế bài giảng môn...”.

Thế nhưng "Thiết kế bài giảng môn...” không theo mẫu, có nơi 2 cột, có nơi ba cột, có nơi ... dàn hàng ngang không theo quy tắc nào chung, chỉ duy nhất ai viết người đó biết sử dụng.

Nói chung, cũng còn chừa chỗ cho người có sáng tạo, muốn sáng tạo, muốn thể hiện cái “tôi” cái “gu” riêng của mình.

Nhóm kín "Chợ giáo án - giáo trình - tài liệu cho giáo viên" trên facebook có 27.900.000 thành viên. Ảnh chụp màn hình.

Nhóm kín "Chợ giáo án - giáo trình - tài liệu cho giáo viên" trên facebook có 27.900.000 thành viên. Ảnh chụp màn hình.

Sau khi Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ra đời, bỗng nhiên xuất hiện “thị trường giáo án”, mức độ tìm kiếm “giáo án mẫu”, thể hiện tìm kiếm “giáo án mẫu” trên Google chẳng hề kém “văn mẫu” hay “luận văn”.

“Thị trường giáo án mẫu” xuất hiện được cho là do giáo án soạn theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH dài quá, hình thức quá, thiếu thực tế, nên giáo viên tìm mua giáo án mẫu để đối phó hoạt động thanh tra, kiểm tra trong nhà trường.

Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ghi rõ: Căn cứ vào Kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo khung Kế hoạch giáo dục của giáo viên tại Phụ lục III); trên cơ sở đó xây dựng các Kế hoạch bài dạy để tổ chức dạy học (theo khung Kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV).

Điều đáng buồn hơn, “giáo án mẫu” (Kế hoạch bài dạy) do cơ quan giáo dục quy định cụ thể bằng công văn, giấy trắng, mực đen, mộc đỏ chót!

Học sinh đã "đồng phục" văn mẫu. Văn mẫu đã và đang vẽ nên “tiến sĩ giấy” thực sự giữa đời thường, gây nhiễu nhương cho xã hội.

Nay giáo viên “đồng phục" giáo án, còn đâu “kĩ sư tâm hồn”? Mỗi giáo viên chỉ là “thợ dạy”, “thợ dạy” làm sao phát huy phẩm chất, năng lực học trò, khi chính thầy cô không được phát triển phẩm chất, năng lực?

Bài viết “Bộ nên cầu thị thu hồi Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, bỏ mẫu giáo án dài dòng vô bổ” đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận, được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội, các hội nhóm giáo viên, nhận được vô số bình luận.

Tập trung nhất, vẫn là ủng hộ quan điểm của bài viết, đề nghị “Bộ nên cầu thị thu hồi Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH”.

Còn đó “vòng kim cô” sẽ không có sáng tạo, không có tự do, không có hạnh phúc. Muốn có “học thật, thi thật, nhân tài thật” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phải xóa bỏ văn mẫu, giáo án mẫu.

Có như thế mới phát huy được phẩm chất và năng lực của người học và người dạy, mới có thầy cô hạnh phúc, học trò hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc.

Nên chăng “Bộ nên cầu thị thu hồi Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, bỏ mẫu giáo án dài dòng vô bổ”.

Tài liệu tham khảo:

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.

https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/bo-nen-cau-thi-thu-hoi-cong-van-5512-bgddt-gdtrh-bo-mau-giao-an-dai-dong-vo-bo-post218407.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hồng Nhung