Chữ THẬT của Bộ trưởng và câu chuyện "giặc ở sau lưng"

26/05/2021 06:40
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chữ THẬT phải được cả cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng gánh, chỉ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn không thể gánh nổi, có như thế chữ THẬT mới trường tồn, mới bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết đã nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “học thật, thi thật, nhân tài thật” đã trở thành “chủ đề nóng”, được dư luận quan tâm đặc biệt trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt những định hướng quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt những định hướng quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trả lời phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Học thật, thi thật, nhân tài thật, tất cả gộp cả trong một chữ THẬT. Một chữ thôi, nhưng chứa đựng trong nó đòi hỏi rất cao, là sức nặng của một định hướng vô cùng lớn, vô cùng khó nhưng ngành giáo dục cần làm, phải làm và quyết tâm làm”. [1]

Chữ THẬT nặng muôn cân, mình Bộ trưởng e khó gánh nổi

Năm 2006 sau khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa công bố các video, bằng chứng tố cáo tiêu cực trong thi cử tại Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A gây chấn động dư luận, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động phong trào “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích” (Hai không).

Báo Tuổi trẻ ngày 01/08/2006 đưa tin, ngày 31-7, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và 64 Giám đốc sở các tỉnh, thành trong cả nước đã ký tên chung trong bản cam kết với Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ với nội dung chính: “Không chấp nhận, không tiếp tay cho gian lận thi cử, không chấp nhận bệnh chạy theo thành tích trong đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo”. [2]

Ảnh chụp màn hình bài báo "Đồng lòng nói không với tiêu cực" đăng trên Báo Tuổi trẻ ngày 1/8/2006.

Ảnh chụp màn hình bài báo "Đồng lòng nói không với tiêu cực" đăng trên Báo Tuổi trẻ ngày 1/8/2006.

Năm 2007, sau 1 năm thực hiện thực hiện cuộc vận động “Hai không”, kết quả là tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc chỉ còn 66,7%, nghĩa là giảm gần 25,3% so với tỉ lệ bình quân 92% năm 2006.

Năm 2008, tỷ lệ này tăng 9% lên khoảng 76%; năm 2009 tỷ lệ tốt nghiệp đạt 83,8% và năm 2010 vọt lên 92,57% và duy trì trên con số này, kết quả mà có tờ báo gọi là "bất thường đến giật mình". Tỷ lệ này trái ngược với kết quả thi tuyển sinh lớp 10 công lập ở khá nhiều địa phương, cá biệt có trường chuẩn quốc gia đầu vào lấy 0,58 điểm/môn là đỗ lớp 10, nhưng đầu ra có tỷ lệ tốt nghiệp đến 92%.

Phong trào “hai không” trên thực tế đã chấm dứt nhanh chóng với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông tăng vọt từ năm 2010, cho dù 7 năm sau đó, ngày 28/12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn ra văn bản số 6122/BGDĐT-TĐKT gửi các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo giáo viên về việc "khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục". [3]

Có thể thấy, chữ "THẬT" trong giáo dục rất nặng, một mình Bộ trưởng e khó gánh nổi.

Người viết nhắc lại thông tin trên để bạn đọc thấy rõ vai trò trách nhiệm, chia sẻ gánh nặng cũng như áp lực với người đứng đầu ngành giáo dục, chung sức góp phần thúc đẩy chữ THẬT sẽ được thực hiện trong nhiệm kì mới của Bộ trưởng.

Vì vậy, lần này khi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sốc lại chữ "THẬT" trong giáo dục, dư luận xã hội nói chung, giáo giới nói riêng vừa mừng, vừa mong mỏi, nhưng cũng vừa lo cho Bộ trưởng, có rất nhiều nhà giáo đã lên tiếng góp ý, hiến kế tâm huyết cho Bộ trưởng.

Thần thiêng nhờ bộ hạ, Bộ trưởng nên chấn chỉnh đội ngũ tham mưu

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác xây dựng Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước và trong quản trị cơ quan Bộ Giáo dục. [4]

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác xây dựng Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước và trong quản trị cơ quan Bộ Giáo dục.

Điển hình hơn cả là vụ bê bối thi trung học phổ thông tại ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La năm 2018, đến nay, nhiều cựu lãnh đạo các sở ngành 3 địa phương này đã dính vòng lao lý, thế nhưng những người có trách nhiệm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa thấy công bố hình thức xử lý cho dư luận rõ.

Những văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo ngành giáo dục, nếu không đạt chất lượng, không gắn với thực tiễn thì sẽ đi ngược với “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Loạt Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, vừa ra đời đã nhận biết bao nghi ngờ về tính thực tiễn của nó, đặc biệt là quy định mỗi hạng giáo viên là một ... hạng đạo đức khác nhau.

Hay như chủ trương giảm tải hồ sơ sổ sách cho giáo viên của Bộ rất được hoan nghênh, nhưng thực tế khi triển khai lại đẻ ra những quy định mới khiến giáo viên ngập đầu vì phải viết hàng trăm, hàng ngàn phiếu nhận xét học sinh theo khoản 1, khoản 2 điều 1 Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT.

Ngay như chuyện giáo án, giáo viên cũng bị xoay như chong chóng khi Bộ chỉ đạo thay mẫu giáo án mới theo Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 với rất nhiều bất cập được các nhà giáo phân tích, góp ý ngay trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trước bức xúc, góp ý của giáo viên, thay vì hướng dẫn cụ thể vào các vấn đề vướng mắc, lại xuất hiện các "thư công tác" được cho là của Vụ Giáo dục trung học gửi xuống các sở, điều đặc biệt là các "thư công tác" này không có số hiệu, con dấu, chữ ký theo quy định về văn bản hành chính, nội dung thì giáo viên thắc mắc một đằng "thư công tác" trả lời một nẻo.

Vì thế, thiết nghĩ để có dạy thật, học thật, nhân tài thật, Bộ trưởng cần chấn chỉnh ngay đội ngũ tham mưu, để mỗi quy định liên quan đến hàng triệu giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên phải thực sự góp phần thúc đẩy giáo dục phát triển chứ không phải tạo ra lực cản hành chính, cắt thủ tục này lại mọc ra hồ sơ, sổ sách, minh chứng khác.

Cảnh giác với "giặc ở sau lưng"

Bộ trưởng là một nhà giáo xuất thân từ lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có lẽ không lạ gì "truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy, An Dương Vương khi bị giặc đuổi bắt, phải chạy ra biển và nhờ thần Kim Quy che chở. Thần Kim Quy xuất hiện và bảo: Giặc ở sau lưng ngươi đó! Đó chính là Mỵ Châu, công chúa mà An Dương Vương mang theo khi chạy giặc và cũng chính cô là người rải lông ngỗng để giặc truy sát nhà vua." [5]

Nhắc đến câu chuyện và lời cảnh báo của người xưa cũng là vạn bất đắc dĩ, khi người viết đọc được bài "Vụ làm giả Kế hoạch 26 liên quan đến một nữ Phó Vụ trưởng", đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thứ Tư ngày 19/5, bài báo cho biết:

Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng là người ký và chỉ đạo phát hành hai công văn, gồm: Công văn số 195/BGD ĐT-GDCTHSSV về tổ chức Tập huấn cán bộ nguồn về Công tác xã hội và bảo vệ trẻ em tại TP. Lleiku, tỉnh Gia Lai từ ngày 28 - 30/01/2021 và Công văn số 638/BGDDT-GDCTHSSV về tổ chức Tập huấn cán bộ nguồn về Công tác xã hội và bảo vệ trẻ em tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp từ ngày 03 – 05/03/2021.

Căn cứ để triển khai lớp tập huấn này là Kế hoạch 26/KH-BGDĐT (Kế hoạch 26). Tuy nhiên, hoạt động tập huấn này không có trong bản gốc Kế hoạch 26 (bản gốc). Bởi vậy, bằng các thủ thuật cắt ghép, bản gốc của Kế hoạch 26 đã được chỉnh sửa, thêm một số cụm từ “tập huấn”, “công tác xã hội trong trường học” vào phụ lục số 10 để có thể phát hành được hai Công văn triển khai tập huấn tại Gia Lai và Đồng Tháp. Bản Kế hoạch làm căn cứ để đóng dấu ban hành lớp tập huấn này được lưu tại Văn thư của cơ quan Bộ. [6]

Người viết tin rằng Bộ trưởng sẽ chỉ đạo xác minh chân tướng vụ việc, xử lý nghiêm minh đúng người đúng tội, nhưng vẫn mong Bộ có thông tin kịp thời và đầy đủ để dư luận nắm rõ. Bởi lẽ một số học trò "nhất quỷ nhì ma" chế công văn giấy tờ như một trò đùa dại dột thì người viết đã từng nghe, nhưng việc làm giả một kế hoạch của Bộ xuất phát từ một vụ tham mưu của Bộ, thì đúng là lần đầu tiên được biết.

Lời nhắc nhở của người xưa, "giặc ở sau lưng", có lẽ Bộ trưởng cũng nên lưu tâm.

Quay trở lại với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 6/5/2021, Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đăng trên Báo Chính phủ ngày 13/5/2021 thì nội dung thứ 4 trong 10 nội dung Thủ tướng lưu ý Bộ trưởng và tập thể lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo là:

Thứ tư, tăng cường công tác xây dựng Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước và trong quản trị cơ quan Bộ. Hầu hết các trường hợp bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua đều có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ tại cơ quan, đơn vị. Đây là bài học sâu sắc cần được các cấp uỷ nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng cùng tập thể lãnh đạo Bộ và Ban Cán sự Đảng Bộ cần phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, thống nhất chỉ đạo và làm tốt công tác xây dựng Đảng, tuân thủ đúng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, phương thức lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. [4]

Vẫn còn đó ngổn ngang nhiều thứ “cản đường” học thật, thi thật, nhân tài thật kế bên phòng làm việc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Chính vì thế, chữ THẬT phải được cả cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng gánh, không thể chỉ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gánh nổi, có như thế chữ THẬT mới trường tồn, mới bền vững, đi vào cuộc sống.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bo-truong-bo-gddt-tat-ca-huong-toi-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-gWm4uGqGR.html

[2]https://tuoitre.vn/dong-long-noi-khong-voi-tieu-cuc-153496.htm

[3]https://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:HQOnzAQ9kQcJ:https://moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBDH/Attachments/2315/6122BGD%25C4%2590T-T%25C4%2590KT.docx+&cd=3&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

[4]http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=431148

[5]https://soctrang.dcs.vn/Default.aspx?sname=tinhuy&sid=4&pageid=469&catid=54388&id=288303&catname=Van-hoa---Xa-hoi&title=Khong-con-o-xa-nua---Ngay-sau-lung-chung-ta-thoi-

[6]https://nongnghiep.vn/vu-lam-gia-ke-hoach-26-lien-quan-den-mot-nu-pho-vu-truong-d291382.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến