Sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, hàng vạn thí sinh đang băn khoăn không biết sẽ chọn ngành, chọn trường nào phù hợp với sở thích, năng lực và hoàn cảnh gia đình.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Thị Khánh Linh - Sinh viên năm thứ 3 khoa Quản trị kinh doanh Khách sạn du lịch, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) đã kể câu chuyện của chính mình, mong rằng có thể là một gợi ý giúp cho các thí sinh.
Khánh Linh chia sẻ: “Lúc đầu, em định chọn ngành luật. Em thừa 2 điểm nếu vào Đại học Luật Hà Nội tại thời điểm đó, nhưng vì điều kiện gia đình không thuận lợi nên phải tìm một hướng khác.
Sau khi tìm hiểu mọi thông tin và tham khảo, em nhận thấy ngành du lịch sẽ rất phát triển khi đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, từ đó sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm khi ra trường. Bản thân em nhận thấy cũng khá phù hợp với ngành du lịch nên đã tìm hiểu và đăng ký nhập học tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Thái Nguyên)".
Chọn ngành đúng với mong muốn nên Khánh Linh dồn nhiều tâm sức học tập, rèn luyện để có cơ hội tìm được việc làm ưng ý. Nhờ vào sự kết nối của một thầy giáo đang làm việc tại Khoa Quốc tế của trường, đầu năm thứ 3 đại học, Khánh Linh may mắn là một trong hai sinh viên của trường trải qua nhiều vòng phỏng vấn đã giành được 1 suất học bổng của Tập đoàn nước ngoài New Century Group Limitted đi thực tập tại Singapore về quản trị du lịch trong 1 năm.
Đây là một cơ hội rất lớn để được học tập, trau dồi ngoại ngữ, được giao tiếp với các bạn sinh viên đến từ khắp các nơi trên thế giới, hơn nữa đây là môi trường làm việc quốc tế, chuyên nghiệp sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc lập nghiệp sau này.
Nguyễn Thị Khánh Linh - Sinh viên năm thứ 3 ngành Quản trị kinh doanh Khách sạn du lịch, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NVCC. |
Khánh Linh cho biết: “Đến Singapore, em thực tập 1 năm ở “Amusemant World Cruise” thuộc Tập đoàn New Century Group Limitted, với 1/3 thời gian là đào tạo lý thuyết, còn lại là thực hành và được hưởng mọi chế độ đãi ngộ như những nhân viên thực thụ đang làm việc tại đó, ngoài ra còn được hưởng thêm phụ cấp hàng tháng theo học bổng.
Phần lý thuyết em cũng được đào tạo rất khác so với ở trong nước bởi đây là một môi trường quốc tế. Thời điểm đó thì em mới học hết năm thứ 2 chỉ có kiến thức đại cương, hoàn toàn chưa được học một chút nào về chuyên môn nên quả thực khi sang đây có rất nhiều bỡ ngỡ, lạc lõng trước cả thực tế công việc và giáo trình.
Tất cả những điều họ dạy hoàn toàn mới mẻ khiến cho em cảm thấy thú vị, đó cũng là động lực thôi thúc tôi phải chịu khó học hỏi, tiếp thu những kiến thức quý giá. Thời gian đó, em được thực tập trong bộ phận khách sạn, nhà hàng trên một con tàu biển du lịch quốc tế có sức chứa hàng nghìn du khách, đó cũng là một trải nghiệm tuyệt vời.
Trên tàu có rất nhiều nhà hàng, phòng nghỉ, khu cho khách hàng, cho nhân viên, khu Bar, Casino… em được trải nghiệm công việc mỗi nơi trong 1 tháng với nhiều tiêu chuẩn cao cấp khác nhau, mỗi tuần thêm 2 buổi học từ cách sắp đặt một bàn ăn tiêu chuẩn, phục vụ khách hàng thế nào, tính huống gặp khách hàng khó tính sẽ phải làm sao… đó hoàn toàn là những nghiệp vụ cơ bản”.
Theo Khánh Linh: “Thời gian được làm những công việc cụ thể tại Singapore mới là những kinh nghiệm quý giá đối với bản thân". Ảnh: NVCC. |
Khánh Linh trong một buổi tập cứu hộ trên tàu du lịch có sức chứa hơn 1.000 khách tại Singapore . Ảnh: NVCC. |
Cơ hội hiếm để học hỏi
Theo Khánh Linh: “Thời gian được làm những công việc cụ thể ở nước ngoài mới là những kinh nghiệm quý giá đối với bản thân tôi, nhưng điều khiến em ấn tượng nhất là được đào tạo huấn luyện 1 buổi 1 tuần với các kỹ năng cứu hộ thoát hiểm cho khách du lịch và chính bản thân mình.
Môi trường làm việc trên tầu là nhà hàng, khách sạn… khép kín, nếu có xảy ra vấn đề cháy nổ, thiên tai…thì việc các đơn vị cứu trợ tiếp cận ngay lập tức là gần như không thể.
Một chiếc tàu du lịch với hơn 1 nghìn khách, nên tất cả các bộ phận đều được tập huấn rất kỹ khi có tình huống xấu xảy ra, ngoài ra em còn được học cách đọc kí hiệu đèn báo trong điều kiện bóng tối, cách lấy và mặc áo phao nhanh nhất, hướng dẫn khách hàng đứng theo chỉ dẫn để dễ dàng thoát hiểm, xử lý ra sao khi khách bị lạc mất con nhỏ trong lúc hỗn loạn…
Ngoài ra, em còn được học cách dùng cần cẩu thả các thùng tự nổi đựng vật dụng thiết yếu từ trên thành tàu xuống biển trong tình huống xấu xảy ra, trong thùng có đèn pin, áo phao, đồ ăn, nước uống, thuốc… Thùng này to khoảng 200 lít và trong tình huống không có ai giúp đỡ thì nhân viên nam phải làm gì, nhân viên nữ có thể làm gì.
Em thấy rất thú vị khi được học những kỹ năng bổ ích như vậy, nó là kỹ năng sinh tồn rất quan trọng, chuyên nghiệp, thực tế chứ không đơn thuần chỉ là những bài học.
Để chuẩn bị cho 1 năm thực tập tại Singapore, trước khi đi em được đơn vị cấp học bổng đào tạo 1 tháng tại Trường Cao đẳng Hàng Hải (Hải Phòng), sau khi học em được cấp 3 chứng chỉ cơ bản, chuyên sâu có giá trị trên toàn thế giới với chức năng cứu hộ hàng hải, cứu hộ người trên biển, cứu hộ trong đám cháy…”.
Khánh Linh nói: “Đến Singapore cũng là lần đầu em ra nước ngoài, lúc đó 20 tuổi, thi được học bổng là đi ngay. Sang đến nơi, thời gian đầu em cũng gặp không ít khó khăn vì môi trường làm việc rất chuyên nghiệp, vốn tiếng Anh của em lúc đó mới chỉ “đủ dùng”, mất hơn 1 tháng chịu khó học hỏi em mới tự tin để nghe và hiểu được bởi suốt thời gian học tiếng Anh ở trong nước em thiếu hẳn phần nghe nói giao tiếp thực tế.
Cùng khi đó, trưởng bộ phận phục vụ trên tầu của em là một nữ người Philippines, trong một cuộc họp họ đã nói thẳng là không có nhiều thiện cảm với nhân viên nữ người Việt Nam vì mỏng manh, yếu, không theo được việc… còn nữ giới của họ khỏe mạnh hơn, xông pha mọi việc.
Sau khi nghe trưởng bộ phận nói như vậy, em đã cùng các bạn nữ Việt Nam sang thực tập cùng động viên nhau cố gắng trong tất cả mọi việc đều phải hoàn thành một cách tốt nhất, một thời gian ngắn sau trưởng bộ phận đã phải thay đổi cách suy nghĩ, nhận xét về nữ sinh Việt Nam”.
Bạn sinh viên cùng thực tập đến từ Nepal đã giúp đỡ Khánh Linh trau dồi thêm ngoại ngữ. Ảnh: NVCC. |
Khánh Linh và các bạn cùng thực tập trên tàu du lịch tại Singapore. Ảnh: NVCC. |
Cần thay đổi suy nghĩ về việc chọn nghề
Khánh Linh chia sẻ thêm: “Sau khi ra trường, em mong muốn về Việt Nam nhưng tiếp tục làm việc tại một tập đoàn quốc tế để tích lũy thêm kinh nghiệm, hoặc được làm việc ở chính nơi thực tập.
Tập đoàn nơi em đã thực tập có rất nhiều công việc, nhiều bộ phận khác nhau và em quan tâm đến những vị trí điều hành tại văn phòng như văn thư, tuyển dụng, sắp đặt công việc cho các bộ phận khác… hơn là làm nhân viên phục vụ tại nhà hàng mặc dù đó là những vị trí phải lao động trí óc rất vất vả.
Với góc nhìn của một người trong nghề, được học, được đào tạo và tiếp xúc với môi trường du lịch quốc tế… em nhận thấy phục vụ du lịch không phải là một nghề an nhàn, có lẽ vì thế rất ít gia đình hướng cho con theo nghề này nếu như bố mẹ không phải là người trong ngành.
Trước đây, nếu người nào đó có một chút tài năng, được đào tạo thời gian ngắn là đã có thể làm hướng dẫn viên… Nhưng thực tế hiện nay không thể làm như vậy bởi theo những gì em được học và trải nghiệm đây là một ngành đòi hỏi mọi chất lượng phục vụ cao hơn so với trước kia từ con người, dịch vụ.
Du khách giờ đây thiên về hưởng thụ chất lượng cao, muốn được trải nghiệm nhiều hơn… vì thế mọi dịch vụ cần phải được chuyên nghiệp, nguồn nhân lực phải được đào tạo bài bản nghiêm túc hơn nữa, cũng nhờ vậy mà ngành du lịch sẽ ngày càng phát triển hơn và rất cần những con người có tri thức, được đào tạo bài bản theo chuẩn quốc tế.
Và những người được đào tạo bài bản như vậy, có năng lực và ngoại ngữ sẽ là mục tiêu săn đón của nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế, nếu chỉ làm theo năng khiếu, theo thói quen sẽ không còn chỗ đứng trong ngành”.
Khánh Linh cho biết thêm: “Ngay như trong khoa em hiện nay có rất đông các bạn sinh viên theo học, có thể nói số lượng tăng nhiều so với mấy khóa trước. Theo em việc chọn những trường có danh tiếng là suy nghĩ hơi cũ đã ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều thế hệ, chọn trường theo phong trào, chọn theo sở thích của cha mẹ… hơn là theo ý thích của bản thân người học. Em thì nghĩ khác, học ở môi trường nào cũng chỉ là một yếu tố thôi, quan trọng là học mà không đam mê thì rất khó thành công”.