Mỗi đứa trẻ không chỉ cần được rèn luyện đạo đức, nỗ lực học tập tốt mà còn phải có những kỹ năng tự lập trong đời sống. Một trong những vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm đó sử dụng đồng tiền thế nào cho phù hợp, không lãng phí là yêu cầu rất khó.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Giáo dục trẻ đối với các bậc cha mẹ chưa bao giờ dễ dàng, thậm chí nếu không biết cách thì còn vô tình tạo nên những thói quen xấu gây ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của các con sau này.
Một trong những yếu tố khá quan trọng mà cha mẹ cần phải chú ý, đó là giáo dục sớm cho con biết cách quản lý tài chính, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì nếu các em được dạy về đồng tiền từ khi còn nhỏ sẽ có khả năng đưa ra những quyết định chính xác về tài chính, biết làm ra tiền và trân trọng giá trị lao động.
Vấn đề đặt ra là cha mẹ cần phải giáo dục về tài chính cho con từ khi nào, cách giáo dục ra sao?".
Phó Giáo sư Trần Thành Nam: "Có hai vấn đề cha mẹ người Việt Nam rất ngại nói với con là “tiền” và “tình yêu”. Ảnh: NVCC. |
Theo thầy Nam: “Ngay từ 3 tuổi nhiều em nhỏ chơi trò chơi bán hàng và hay dùng giấy hoặc lá cây thay tiền, lúc này là cơ hội để cho cha mẹ giới thiệu những khái niệm cơ bản về tiền để các em hiểu được phần nào về chức năng dùng để trao đổi và mua bán.
Hoặc cha mẹ có thể dạy con bỏ lợn tiết kiệm, đấy cũng là việc dạy liên quan đến tài chính. Tầm 5- 6 tuổi khi các em có khái niệm về con số thì đây là lúc có thể hướng dẫn chúng nhận diện những con số trên đồng tiền.
Tầm 10 tuổi, lúc này cần giúp trẻ nhận ra một số vấn đề như việc chi tiêu cũng là một lựa chọn, nếu dùng hết số tiền con có để mua một đồ vật này thì sẽ không còn đủ tiền để mua đồ vật khác nữa, điều này giúp cho các em biết được cách cân đối lựa chọn thông minh. Khi lớn hơn nữa thì cần dạy cho con cách làm thế nào để tiền sinh lợi, có thể đầu tư, hiểu về lãi suất, có khái niệm về ngân hàng… những cái rất gần với cuộc sống".
Một nghiên cứu của Trường Đại học Cambridge, vương quốc Anh cho biết: Thói quen tài chính của đứa trẻ được hình thành từ khi lên 7 tuổi. Vậy nên các bậc cha mẹ cần giáo dục cho con biết sớm về việc này, biết quản lý càng sớm càng tốt. Vậy thì chúng ta cần phải dạy ra sao?
Thầy Nam nói: “Quản lý tài chính là một kỹ năng của công dân thế kỷ 21, áp lực về tài chính dường như ai cũng có và nó rất dễ dẫn đến tổn thương về sức khỏe tinh thần, cũng như các hành vi không đúng chuẩn mực của mỗi người.
Vậy nên khái niệm về tiền, cách thức đầu tư thông minh, quản lý và nhận ra thói quen tiêu dùng của bản thân để nhận ra thời điểm nào đó mình “cuồng” mua sắm? Hoặc ra quyết định chi tiêu không chính xác, quản lý rủi ro mất cân bằng tài chính ra sao…? Tất cả các con cần phải được làm quen từ đầu.
Chúng ta biết hiện nay có một số các bạn trẻ luôn dùng đồ đắt tiền, tiêu không suy nghĩ nhưng thực tế nhiều lúc không có tiền để ăn trưa, đó là lỗ hổng về quản lý tài chính.
Chúng ta đang trong thời đại 4.0, thói quen chi tiêu hiện nay mọi người không còn dùng tiền mặt nhiều mà trả bằng thẻ, qua các thiết bị thông minh… nên cũng rất cần dạy cho trẻ làm quen với hệ thống này, cha mẹ cũng có thể quản lý và hướng dẫn con trên chính thiết bị thông minh của mình”.
Nhiều gia đình thường hay cho một số tiền nho nhỏ khi trẻ giúp đỡ làm những việc như rửa bát, lau nhà… từ đó trẻ có một khoản tiết kiệm thả vào lợn đất hoặc tự chi tiêu những gì mình thích. Liệu có phải cha mẹ cứ dùng tiền trả công như vậy là đã dạy trẻ quản lý tài chính? Hay lại hình thành thói quen thực dụng?
Thầy Nam nêu quan điểm: “Nhiều khi cha mẹ lại hiểu dạy trẻ quản lý tài chính là phải dùng tiền thật, theo tôi cũng không cần thiết phải như vậy. Đối với trẻ còn nhỏ tuổi thì nên dùng tiền tượng trưng, hoặc những phiếu thưởng để cho trẻ quan sát được trực quan bằng mắt.
Ở đây quan trọng là giáo dục thái độ của con về việc kiếm được những phần thưởng, đó là quy đổi công sức lao động của con khi giúp đỡ gia đình thì sẽ có được, thậm chí cần giáo dục trẻ cách thức cho đi, ủng hộ khi có nhiều phần thưởng bằng cách nhờ bố mẹ quy đổi một phần ra tiền thật để mua tặng bạn khó khăn trong lớp như cái bút, quyển sách… hoặc thưởng cho các em trong gia đình. Đó cũng là dạy cách chi tiêu phù hợp, có ích”.
Theo Phó Giáo sư Trần Thành Nam, cha mẹ cần quan tâm dạy con về việc chi tiêu phù hợp trong các tình huống, từ đó trẻ dần hình thành thói quen sử dụng tiền đúng mục đích, không hoang phí. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Giáo dục chứ không nên né tránh
Thầy Nam chia sẻ: "Hầu hết thế hệ tôi hoặc những phụ huynh cuối 7x, đầu 8x được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh còn khó khăn. Chúng ta nỗ lực học tập, lao động để cuộc sống của mình và những người thân yêu đỡ vất vả hơn. Mặc dù thấy rõ tầm quan trọng của tiền bạc, nhưng chúng ta thường không được chỉ dạy về kỹ năng tài chính.
Do tự mày mò tìm kiếm và học hỏi cách quản lý chi tiêu không hệ thống, con đường đến với thành công và tự chủ tài chính của chúng ta cũng lâu hơn. Nhưng con cái của chúng ta đang sống trong bối cảnh khác, xã hội ngày càng trở nên phức tạp với nhiều cám dỗ. Các con được sống đủ đầy hơn, khó nhìn được sự vất vả của bố mẹ và giá trị của đồng tiền. Dần hình thành thói quen tiêu “không phải nghĩ”, thậm chí dồn hết vào những thứ có hại như game online hay chất cấm...
Con có thể trở nên ích kỷ vì chỉ biết nhận mà không biết chia sẻ với người khác. Vì vậy, trách nhiệm của những bậc làm cha mẹ hiện nay là không để con cái mình thiếu hiểu biết về tài chính, đó là kỹ năng để con sống trách nhiệm hơn với bản thân và những người xung quanh, đồng thời rút ngắn con đường đến với thành công trong tương lai".
Thầy Nam phân tích: “Thế hệ trẻ ngày nay đang phải đối mặt với những tình huống tài chính vượt ra ngoài những gì mà các thế hệ trước đã trải qua khi ở cùng độ tuổi. Các yếu tố như thị trường lao động thay đổi, nhu cầu học tập suốt đời, hợp đồng làm việc ngắn hạn, tuổi thọ cao hơn, những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn… đều có tác động đến sức khỏe tài chính cá nhân.
Chính vì vậy, năng lực tài chính được xem là một kỹ năng sống quan trọng của công dân thế kỷ 21, nội dung này đã được chính thức đưa vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tích hợp giáo dục tài chính trong 6 môn học, gồm: Toán, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm.
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cũng cần sớm dạy con các chủ đề bao gồm Kiếm tiền – Tiết Kiệm – Chi tiêu – Thiện nguyện hay Quyên góp. Với kiếm tiền, cha mẹ có thể giới thiệu cho con biết tiền là gì cũng như nó đến từ đâu. Nói cho con biết bản chất của tài chính là sự quy đổi sức lao động và chúng ta có thể kiếm được nếu làm việc chăm chỉ.
Cha mẹ cũng có thể chỉ cho con thấy mọi đồ vật trong nhà mà con sử dụng đều đến từ sự vất vả và thời gian lao động của mọi người mà có. Ví dụ như để con có một chiếc balo đẹp đi học cha mẹ phải lao động trong một ngày, để con có một chiếc xe đạp cha mẹ phải lao động trong một tuần, để con có được một chuyến du lịch, cha mẹ phải lao động trong một tháng...
Cha mẹ cần giúp con hiểu rằng khi muốn mua một thứ gì đó con cần tiết kiệm và tại sao việc này lại quan trọng? Những công việc cụ thể con có thể làm để tiết kiệm.
Cha mẹ làm gương để hướng dẫn con thực hành tiết kiệm. Mua heo đất cho cả nhà cùng nuôi và để con trải nghiệm cảm giác thích thú mỗi ngày khi thấy heo nặng hơn.
Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn con thực hành tiết kiệm điện, nước... đó cũng là một cách thức để tiết kiệm tiền. Nếu làm được như vậy, chắc chắn một ngày không xa, cha mẹ sẽ thật xúc động nghe đứa con nói thật tuyệt vời, thật khó khăn nhưng mà con đã kiếm được những đồng đầu tiên của mình rồi. Con sẽ tặng mẹ một món quà bằng tiền tiết kiệm của con nhé.
Trên thực tế, có hai vấn đề mà cha mẹ người Việt Nam rất ngại nói với con đó là “tiền” và “tình yêu”, vì không biết nên nói với con thế nào? Nhiều cha mẹ không được dạy, trải nghiệm của họ về kinh tế như cách làm ra đồng tiền, cách chi tiêu, mua sắm hoặc suy nghĩ chín chắn về cư xử và mọi chuyện trong tình yêu... cũng khác, nên họ ngại.
Tuy nhiên, bố mẹ không cần phải là những chuyên gia để có thể dạy được con, chỉ cần họ thay đổi thái độ suy nghĩ về vấn đề này và cùng trải nghiệm với con trong những chương trình đã được chính thức đưa vào các nhà trường, dẫn dắt mỗi ngày một chút là được ”.