Mỗi lần đăng bài báo nào tít có cụm từ “Học thật, thi thật, nhân tài thật” là điện thoại của phóng viên reo liên tục với những câu “khẩu lệnh” như: "Chữ Thật có vấn đề gì không em?, Mình chỉ thích yên ổn thôi nên cắt chữ Thật giúp mình nhé!...".
Mặc dù, trước đó, nhân vật đã đồng ý toàn bộ nội dung họ thông tin cho phóng viên rồi, nội dung trao đổi đó cũng được ghi âm, nếu không thì nguy cơ cao bản thân phóng viên phải dính vào những vụ kiện tụng không đáng có. Dù số lượng lượng bài báo mà phóng viên đã đăng có chữ Thật mới dừng lại ở một con số nhưng lần nào đăng bài tít bài có chữ "Thật" là điện thoại của tôi lại nói liên hồi.
Chuyện là, gần đây, Tòa soạn có chỉ đạo phóng viên tích cực tham gia viết tuyến bài về “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Đây là một trong những nội dung Thủ tướng chỉ đạo trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây.
Bản thân là một phóng viên nên ngay khi được Tòa soạn giao đã rất tích cực liên hệ rất nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục và các chuyên gia giáo dục để ghi nhận ác ý kiến ngõ hầu chia sẻ các cách làm hay, các quan điểm để chung tay góp phần thực hiện được, đúng chữ "Thật" trong giáo dục.
Thế nhưng, việc thực hiện và ghi nhận các ý kiến thầy cô, đặc biệt là các cán bộ phòng, sở trong ngành thì quả thật không đơn giản. Trong khi tòa soạn liên tục thúc giục phóng viên giao bài vở thì dù đã phỏng vấn xong, các nhân vật trả lời xong nhưng họ lại từ chối lên báo. Thậm chí, bài được đăng nhưng nhân vật, cán bộ quản lý lo lắng vì các chia sẻ, góp ý đăng báo khiến phóng viên không ít lần bối rối.
Ảnh minh họa: Hữu Đức |
Cách đây hơn một tháng, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Tòa soạn về việc viết tuyến bài quanh chủ đề "Học thật, thi thật, nhân tài thật", phóng viên ngay lập tức liên hệ một vị Giáo sư, Tiến sĩ đang dạy ở các trường đại học uy tín bậc nhất ở phía Nam, với hy vọng có một bài phỏng vấn hay.
Cuộc liên hệ này, bản thân phóng viên cảm thấy rất tự tin do vị giáo sư này khá thân thiết và vị này vốn dĩ khá mạnh dạn chia sẻ chính kiến của mình trên báo chí từ trước.
Nào ngờ, khi gặp, vị này đã từ chối dứt khoát vì đề tài liên quan tới chữ Học thật. Không những thế, phóng viên còn có một giờ đồng hồ để nghe vị này "chỉ đạo" với những câu yêu cầu đại loại là: nên viết về ứng dụng 4.0 trong giáo dục, phương pháp dạy lấy người học làm trung tâm, đừng viết đề tài moi móc làm gì, viết phải có tầm…
Phóng viên tiếp tục liên hệ một vị là Phó Hiệu trưởng một trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng là chỗ quen biết với phóng viên, nên khi điện thoại, vị này bảo hiện đang bận nên yêu cầu phóng viên gửi câu hỏi qua thư điện tử và sẽ phản hồi sau. Và rồi, sau khi phóng viên gửi câu hỏi về chủ đề trên không nhận được bất kỳ hồi âm nào.
Phóng viên tiếp tục đến một trường đại học công lập ở phía Nam để gặp một giảng viên với hy vọng lắng nghe góp ý từ lĩnh vực giáo dục đại học về câu chuyện "Học thật, thi thật, nhân tài thật". Đáng tiếc, phóng viên vừa đề cập đến đề tài này vị giảng viên có mối quan hệ thân tình với mình lại “đá quả bóng trách nhiệm” cho vị lãnh đạo trường. Ba lần phỏng vấn bất thành với các chuyên gia ở các trường đại học về chủ đề "Học thật, thi thật, nhân tài thật".
Quay trở lại bậc học phổ thông, phóng viên tìm đến một vị phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo ở một thị xã của tỉnh phía Nam. Lúc đầu, phóng viên rất phấn khởi khi gặp được vị cán bộ quản lý giáo dục này vì ông rất cởi mở.
Cán bộ này cho biết, để có học thật, thi thật, nhân tài thật đòi hỏi ngành giáo dục phải làm tốt hai yếu tố quan trọng là đầu tư vật lực và nhân lực.
Về vật lực hiện nay cũng tạm ổn, còn riêng về nhân lực đang gặp vướng mắc. Khó nhất là khâu tuyển dụng giáo viên. Quy định về tiêu chuẩn giáo viên thì cao, trong khi thực tế nguồn lực đào tạo tại trường Đại học công lập ở tỉnh nhà không đáp ứng, còn nếu tuyển giáo viên từ Thành phố Hồ Chí Minh thì các giáo viên đấy lại khó khăn về đi lại.
Một cái khó nữa là mức lương giáo viên mới vào còn rất thấp và bất cập. Vô lý nhất là đối với giáo viên tiếng Anh, với trình độ tương đương theo quy định của ngành thì trường hợp này họ sẽ đi ra ngoài tư nhân, ít ai chấp nhận vào trường công dạy học.
Chính vì vậy, hiện nay ở địa phương còn thiếu giáo viên trầm trọng, có trường tiểu học còn phải phân công giáo viên dạy 2 lớp.
Do đó, nếu làm tốt hai yếu tố này, chất lượng giáo dục sẽ nâng cao đáng kể. Và một khi chất lượng thực sự đã tốt rồi thì chắc chắn không ai bỏ thời gian ra dạy giả, học giả, thi giả. Nghe xong, phóng viên phấn khởi xin chụp một tấm hình để có nguồn ảnh tư liệu.
Tuy nhiên, phóng viên lại nhận được câu trả lời hết sức bất ngờ của vị cán bộ quản lý giáo dục này: “Chụp hình làm gì anh, nói chuyện nghe vậy thôi chứ đừng đăng”.
Đối với những bài báo được đăng, chỉ cần tít bài có cụm từ “Học thật, thi thật, nhân tài thật” là lập tức bị nhân vật phản ứng. Lý do mà các nhân vật này đưa ra, chỉ đơn giản là không muốn mất lòng người khác, đặc biệt là sợ những người có liên quan không vui. Dù nhân vật thừa nhận, bài viết trích đăng đúng ý kiến nhưng họ vẫn lo người khác hiểu nhầm ý của họ, đặc biệt là lãnh đạo phòng, sở hiểu nhầm ý họ chia sẻ.
Qua những chia sẻ của các giáo viên, cán bộ ngành giáo dục mà phóng viên được tiếp xúc, phỏng vấn, những câu chuyện của họ cho thấy, họ đều những nhân tố tích cực góp phần không nhỏ cho sự phát triển ngành giáo dục nước nhà, là những “ong thợ” tận tụy trong nghề.
Điều này đã là rất tuyệt vời nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu chính những người ưu tú trong ngành, mạnh dạn đóng góp, thẳng thắn phê bình những thiết sót, tồn tại để xây dựng nền giáo dục nước nhà ngày một phát triển. Và cũng chỉ là các giáo viên, cán bộ quản lý của ngành mới hiểu rõ nhất đâu là bất cập, đâu là điểm sáng tạo, tiến bộ để giáo dục hạn chế cái chưa được, nhân lên cái tốt.
Điều đó phần nào cho thấy, để đạt được chữ Thật trong ngành Giáo dục và Đào tạo chắc chắn sẽ có rất nhiều việc phải làm.