Giáo viên THẬT trước làm gương cho lãnh đạo được không?

17/06/2021 06:44
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những thầy cô giáo dũng cảm đối đầu với cái xấu, lan tỏa sự tử tế, chính họ đang làm THẬT, đang làm gương cho học trò và cho... lãnh đạo, cho bạn và tôi đó thôi.

Chưa bao giờ chữ THẬT được nhắc nhiều đến thế trên các diễn đàn giáo dục. Ngay sau khi ông Nguyễn Kim Sơn được Quốc hội chuẩn y làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, không ít ý kiến đóng góp chấn hưng nền giáo dục nước nhà phải lấy chữ THẬT làm đầu, gửi đến tân bộ trưởng.

Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết đã nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, chữ THẬT đã trở thành “chủ đề nóng”, được dư luận quan tâm đặc biệt trong thời gian vừa qua.

Phần lớn dư luận đều mong muốn chữ THẬT được thực thi trong giáo dục, dẫu biết rằng khi thực hiện chữ THẬT thì thành tích trong báo cáo của xã hội không còn “lung linh” như trước đây.

Thực hiện chữ THẬT có thể gây “đau thương, mất mát” cho xã hội, cho phụ huynh, cho học trò vì đang quen nghe những con số đẹp, thành tích vượt trội của con cái mình.

Điều đặc biệt, đại đa số ý kiến đề xuất, chữ THẬT phải bắt đầu từ lãnh đạo nói chung, từ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói riêng, qua các chỉ đạo, chính sách với ngành giáo dục.

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên THẬT trước làm gương cho lãnh đạo được không?

Bài viết “Đã đến lúc Bộ phải bỏ mẫu giáo án 5512, giáo viên phải quên... giáo án cũ” của tác giả Hồng Nhung đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của giáo viên, được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Ngoài tính thời sự của giáo án theo công văn 5512, giáo viên cũng bình luận nhiều đến ý tưởng của bài viết “Trước khi chờ lãnh đạo THẬT, giáo viên chúng ta hãy THẬT trước, làm gương cho học trò và cho... lãnh đạo”.

Cô giáo có tên Thùy Vi bình luận: “Ngược đời quá, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, lãnh đạo phải làm gương cho nhân viên, sao có chuyện giáo viên làm gương cho lãnh đạo được?”.

Bạn đọc Nguyễn Doãn Thăng bình luận: “Lãnh đạo chưa làm thật, giáo viên làm thật bị đánh giá là sai thì phải làm sao”.

Thế nhưng, trong thực tế, không ít giáo viên đang làm gương cho lãnh đạo thực hiện chữ THẬT. Minh chứng hùng hồn nhất, chính là hàng trăm ngàn thầy cô giáo môn “phụ” không dạy thêm, chưa sống được bằng lương của mình, vẫn hàng ngày “khéo ăn thì no” để cống hiến thanh xuân cho học trò.

Còn đó hàng trăm ngàn giáo viên miền biên viễn, cõng chữ lên non, gieo mầm tri thức cho học sinh nơi 4.0 (nơi chưa có điện, đường, trường, trạm) đó thôi.

Để thấy rõ hơn những giáo viên đang THẬT trước, làm gương cho học trò và cho... lãnh đạo xin bạn đọc vào chủ đề Gương sáng cô thầy, Gương giáo dục của Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Những tấm gương được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam “vinh danh” đã và đang sống đẹp, đang là tấm gương sáng cho lãnh đạo, đồng nghiệp, học trò, xã hội.

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm trên google cụm từ “thầy giáo cứu học sinh bị đuối nước”.

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm trên google cụm từ “thầy giáo cứu học sinh bị đuối nước”.

Không ít thầy cô giáo đang THẬT, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng cứu học sinh, người dân bị đuối nước, chỉ cần gõ vào Google cụm từ “thầy giáo cứu học sinh bị đuối nước” có ngay 1.080.000 kết quả trong 0.54 giây.

Dư luận cả nước đang xôn xao chuyện “Cậu học trò nghèo không có tiền nộp quỹ bị Hiệu trưởng giữ học bạ?”, hai giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông) đã đứng đơn tố cáo hiệu trưởng trường này có nhiều sai phạm trong công tác, trong đó có việc giữ lại hồ sơ học bạ của học sinh chỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không nộp đủ 550 ngàn đồng tiền quỹ, suýt làm em không được đến trường.

Lãnh đạo như thế, nhưng một giáo viên Trường Mầm non tư thục P.L (xã Tâm Thắng huyện Cư Jút, Đắk Nông), khi biết việc em Y.H không được rút hồ sơ để đi học, cô đã chở em Y.H lên trường đóng tiền cho hiệu trưởng, chở em Y.H lên Trường Trung học cơ sở Phan Đình Phùng xin vào học và mua 2 bộ đồng phục cho em, tổng cộng hết 920 ngàn đồng. Lúc này, trường đã vào học được khoảng 3 tuần.[1]

Những thầy cô giáo dũng cảm đối đầu với cái xấu, lan tỏa sự tử tế, chính họ đang làm THẬT, đang làm gương cho học trò và cho... lãnh đạo, cho bạn và tôi đó thôi.

Phải nói một cách chân thành, chúng ta không dám sống chính mình, chúng ta đang đồng lõa với cái không thật, dù biết rõ tác hại của nó. Giáo viên chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân của bệnh “ngụy thành tích” trong giáo dục.

Napoléon Bonaparte từng nói: “Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”. Trong khi chờ đợi những chỉ đạo, quyết sách sách từ lãnh đạo THẬT, giáo viên chúng ta hãy THẬT trước, phải không thầy cô.

Không ít giáo viên đang âm thầm thực hiện chữ Thật nhưng không dám nói, không dám nhận mình THẬT, vì “Ai cũng gù, thẳng lưng là khuyết tật”, thế nhưng để bắt đầu một đám cháy đốt sạch sự giả dối vẫn cần những ngọn lửa nhỏ trong mỗi giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/hieu-truong-giu-hoc-ba-hoc-sinh-vi-khong-nop-du-550-ngan-dong-tien-quy-746061.html

Lê Mai