Cô sinh viên Khoa Luật Kinh tế với ước mơ làm Công chứng viên

21/06/2021 06:29
Tùng Dương
GDVN- Với ý định sẽ vào Trường Đại học Luật Hà Nội, nhưng thi xong em lại có suy nghĩ nếu theo học Luật kinh tế thì cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ lớn hơn.

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là các em học sinh sẽ dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển vào Đại học, việc ôn tập thế nào để thi được điểm cao và quan trọng nữa là chọn ngành nghề hay trường nào để theo học cũng là một việc không mấy dễ dàng.

Nhiều em chọn trường đại học theo định hướng của cha mẹ, một số thì theo các bạn, theo phong trào... nhưng cũng nhiều em lựa chọn trường dựa trên năng lực, sở thích.

Theo Nhật Minh: "Quan trọng là ý thức học tập rèn luyện của mình thế nào mà thôi, vì giáo trình học tại các trường hầu như giống nhau". Ảnh: NVCC.
Theo Nhật Minh: "Quan trọng là ý thức học tập rèn luyện của mình thế nào mà thôi, vì giáo trình học tại các trường hầu như giống nhau". Ảnh: NVCC.

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, sinh viên Lưu Vũ Nhật Minh - K15 khoa Luật Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) đã cho biết: “Khi ôn thi em dự định sẽ vào Trường Đại học Luật Hà Nội, nhưng thi xong em lại nghĩ nếu theo học Luật kinh tế thì cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ rộng hơn, chính vì vậy mà em đã chuyển nguyện vọng vào Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh tại Thái Nguyên.

Khi có kết quả thi, mặc dù đỗ cả hai trường nhưng em vẫn chọn học tại Thái Nguyên vì nhà em ở Thành phố Thái Nguyên, đến Hà Nội thì xa, mọi chi phí rất cao không phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Hơn nữa chương trình đào tạo và trình độ giảng viên tại Đại học Thái Nguyên cũng không hề thua kém so với mặt bằng chung, môi trường học tập cũng rất tốt.

Theo em quan trọng là ý thức học tập rèn luyện của mình thế nào mà thôi, chứ giáo trình học tại các trường hầu như cũng giống nhau. Những năm học vừa qua em đều đạt điểm tổng kết học kỳ trên 8,0 và giành được học bổng toàn phần ở quỹ “khuyến khích học tập” của nhà trường, còn 1 năm nữa là tốt nghiệp, em cũng sẽ phấn đấu để đạt kết quả học tập tốt.

Với 2 năm đầu học đại cương, năm thứ 3 em mới được học các môn Luật kinh tế, Luật Thương mại, thương mại quốc tế, Công pháp và tư pháp quốc tế... Ngoài ra em cũng đã được làm quen học chuyên ngành kinh doanh.

Ước mơ từ nhỏ của em sau này sẽ làm Công chứng viên chuyên về các hợp đồng kinh tế, xong 4 năm đại học em sẽ học thêm nghiệp vụ 1 năm, đồng thời phải qua 5 kỳ thi trong năm năm liên tục để đủ điều kiện làm việc hoặc mở một văn phòng Công chứng riêng cho mình. Hiện đang học năm thứ III nhưng em đã thực tập tại một văn phòng công chứng, giúp công chứng viên soạn thảo các văn bản, hợp đồng cùng giấy tờ liên quan…”

Nhật Minh và các bạn sinh viên cùng khóa tham gia nhiều hoạt động tại trường. Ảnh: NVCC.
Nhật Minh và các bạn sinh viên cùng khóa tham gia nhiều hoạt động tại trường. Ảnh: NVCC.

Quyết tâm theo học Luật Kinh tế

Nhật Minh chia sẻ: “Lúc ôn thi tốt nghiệp xét tuyển đại học, em chọn khối A đồng thời rất thích môn Hóa và thường đạt đạt điểm cao, cũng đã có thời gian em làm gia sư môn Hóa, vậy nên em cũng có chút chia sẻ về cách ôn tập môn này cho các bạn sắp thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Đầu tiên, cần tổng hợp các công thức hay dùng, một số mẹo để nhớ công thức và có thể học được mẹo này tại các bài giảng trực tuyến trên mạng, nhưng công thức hoặc mẹo này cần phải được ghi chép ra một quyển sổ thật cẩn thận, ngoài ra cần giải nhiều bài tập mẫu.

Mỗi ngày cần dành khoảng 2 tiếng đồng hồ để giải bài tập, giải các dạng bài theo định hướng của thầy cô và theo đề mẫu tham khảo nhưng chủ yếu nằm trong sách giáo khoa lớp 12. Có thể những bài tập đó mình đã giải và biết làm rồi nhưng để lâu không làm lại cũng rất dễ quên, vậy nên cần làm đi làm lại.

Nhưng câu càng dễ càng không được phép làm sai và cố gắng làm được 70% để đạt được 7 điểm, những câu còn lại rất khó nên cần cố gắng ôn luyện thường xuyên.

Phần lý thuyết cần phải học kỹ bởi có hiểu lý thuyết mới suy ra để làm bài tập, nếu giải một tập bài thì phần tính toán cũng không quá khó nhưng phải suy luận ra được những chất tạo thành sau phản ứng, hơn nữa những phương trình như vậy mà mình không nhớ được lý thuyết thì cũng sẽ không thể biết được nó sẽ tạo ra cái gì.

Nếu thực sự có biết cách giải bài đó nhưng không nhớ nó sẽ tạo ra chất gì thì dẫn tới việc không giải được bài. Nên chú trọng ôn tập lý thuyết cẩn thận, đó là nền tảng để giải được bài tập Hóa, không hiểu thì không thể làm được bài.

Tự ôn tập ở nhà nhưng cũng không vì thế mà ngại hỏi xin ý kiến các thầy cô, các bạn, vướng mắc chỗ nào cần hỏi ngay để rút kinh nghiệm, có như vậy mới nhớ lâu kiến thức. Ngoài ra cần chuẩn bị một số bút mầu để gạch chân nhưng từ khó, nhưng công thức cần được viết ra giấy nhớ dán ở nơi dễ nhìn tiện cho việc ôn tập hàng ngày, chỉ cần đi qua là đã có thể nhìn thấy và học nhẩm”.

Nhật Minh với hoạt động tham gia tình nguyên viên phục vụ cho kỳ tuyển sinh K 17. Ảnh: NVCC.
Nhật Minh với hoạt động tham gia tình nguyên viên phục vụ cho kỳ tuyển sinh K 17. Ảnh: NVCC.

Đối với môn Toán, Nhật Minh cho biết: “Cũng không hề dễ dàng nhất là với môn Hình học, chính vì vậy khi ôn em tập trung vào môn Hình, vẽ đúng và đẹp, dễ nhìn và mặc dù thi trắc nghiệm nhưng việc giỏi vẽ hình cũng không thể bỏ qua, có thể vẽ ra nháp cho chuẩn rồi từ đó chọn ra phương án đúng tích vào bài thi trắc nghiệm.

Hình vẽ chính xác, đẹp cũng giúp mình tưởng tượng dễ hơn. Em làm khá nhiều bài tập mẫu cả phần Đại số và Hình học, làm đi làm lại đồng thời kết hợp học kỹ lý thuyết.

Một lưu ý nữa là học kiến thức trong sách giáo khoa không bao giờ đủ và đó mới chỉ là những kiến thức cơ bản, là nền tảng nhưng lại không cung cấp đủ các dạng bài tập, lúc này cần phải học thêm ở các trang luyện ôn tập, giải bài thi mẫu, tài liệu tham khảo trên Internet thì mới có đủ kiến thức để làm các câu hỏi khó trong đề thi”.

Theo Nhật Minh: “Với môn Vật lý thì ngược lại, em lại hoàn toàn tin tưởng vào những kiến thức trong sách giáo khoa, trong sách đã khá đầy đủ kiến thức căn bản, nếu nắm vững rồi linh hoạt áp dụng làm bài cũng dễ dàng đạt được 7 đến 8 điểm.

Sau khi thi xong, em nhận thấy so với nhưng câu hỏi trong đề thì phần kiến thức trong sách giáo khoa khá là chi tiết, chỉ cần chăm đọc sách, ôn luyện giải nhiều bài tập thì đã có thể làm đúng được nhưng câu hỏi về lý thuyết.

Các câu hỏi trong đề thi môn Vật lý chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, ngoài ra có thể ôn thêm phần bài tập trọng điểm ở sách giáo khoa lớp 10, lớp 11”.

Tùng Dương