Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH như cơn mưa xóa tan "nắng hạn" mẫu giáo án 5512

25/06/2021 06:51
HƯƠNG MAI
GDVN- Hơn 6 tháng qua- kể từ khi Bộ ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có khoảng vài chục bài viết phản ánh về chủ đề này.

Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường và từ đó đến nay đã có rất nhiều bài viết phản biện về chủ đề này của giáo viên được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam...

Những bài viết được đăng tải đã nói lên những bất cập trong các kế hoạch đã được nội dung Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn. Sau đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành đã lên tiếng giải thích về nội dung Công văn, về thực hiện các kế hoạch nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ đội ngũ nhà giáo.

Phần đầu của Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH, ảnh chụp từ màn hình

Phần đầu của Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH, ảnh chụp từ màn hình

Chính vì thế, ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục đã ban hành công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học cho năm học 2021-2022 tới đây.

Điều đặc biệt là trong Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH mà Bộ vừa ban hành chỉ yêu cầu chỉ áp dụng Công văn 5512 đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, cụ thể là với lớp 6 từ năm học 2021-2022 và các phụ lục mẫu giáo án, mẫu kế hoạch 5512 "chỉ để tham khảo" thay vì bắt buộc như Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.

Còn từ lớp 7 đến lớp 12 thì theo "chương trình cũ" vẫn thực hiện theo các văn bản ban hành trước đó.

Nội dung chỉ đạo của Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH khác với Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH như thế nào?

Trong phần Tổ chức thực hiện của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì Bộ đã yêu cầu các Sở Giáo dục thực hiện như sau:

1. Sở Giáo dục và Đào chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào, các trường trung học phổ thông triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hướng dẫn này; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; định kỳ hằng năm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào .

2. Hiệu trưởng tổ chức xây dựng và ban hành Kế hoạch giáo dục của nhà trường, hằng năm báo cáo Sở Giáo dục và Đào (đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông) và Phòng Giáo dục và Đào (đối với trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở) trước khi bắt đầu năm học mới”.

Điều này cũng đồng nghĩa các trường phổ thông sẽ phải thực hiện đầy đủ 4 kế hoạch đã được hướng dẫn cụ thể trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH được ban hành ngày 18/12/2020.

Cụ thể là giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ sẽ thực hiện 2 kế hoạch theo Phụ lục 3 và 4, những giáo viên kiêm nhiệm chức danh tổ trưởng chuyên môn còn phải thực hiện thêm kế hoạch của phụ lục 1 và 2 nữa.

Tuy nhiên, trước sự phản ánh bất cập của đội ngũ giáo viên trên cả nước, nhất là những bài phản biện được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và một số tờ báo khác một cách thấu tình đạt lý nên đến ngày 23/6/2021 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH yêu cầu năm học 2021-2022 chỉ thực hiện ở lớp 6.

Cụ thể, Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH đã hướng dẫn như sau:

Đối với lớp 6: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512);

Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)".

Như vậy, Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH đã gỡ bỏ được gánh nặng cho hàng triệu nhà giáo trong năm học tới đây bởi rất nhiều áp lực đã được giảm tải. Việc thực hiện chỉ dừng lại ở lớp 6 mà các kế hoạch trong Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH “được sử dụng để tham khảo” chứ không phải là sự bắt buộc như trước đây.

Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng bởi trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay mà giáo viên đang còn phải tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới mà phải soạn toàn bộ các kế hoạch như hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH thì quả là quá tải.

Cảm ơn Bộ trưởng đã thấu hiểu nỗi vất vả của giáo viên

Hơn 6 tháng qua- kể từ khi Bộ ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có khoảng vài chục bài viết phản ánh về chủ đề này một cách thấu đáo, tỉ mỉ.

Đa số tác giả các bài viết này là những nhà giáo đang công tác tại các nhà trường phổ thông trên cả nước- họ viết bằng trách nhiệm của những người đang chung sức, chung lòng vì sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà.

Họ viết vì thấy thời gian đầu tư cho các kế hoạch này quá nhiều mà khó mang lại hiệu quả trong giảng dạy. Đồng thời, nếu thực hiện các kế hoạch theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH một cách máy móc, áp đặt thì sẽ tạo kẽ hở cho nhiều người bán- mua giáo án, tài liệu...và làm khổ nhiều giáo viên đứng lớp.

Rất may, lãnh đạo ngành mà đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã lắng nghe, thấu hiểu nỗi vất vả, khó nhọc của giáo viên nên đã có chỉ đạo kịp thời, kết quả là Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH đã được ban hành ngày 23/6 vừa qua.

Thông qua bài viết nhỏ này, chúng tôi- những nhà giáo đang trực tiếp đứng lớp xin gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo - đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cảm ơn Ban biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trở thành cầu nối giữa giáo viên đến Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đăng tải liên tục những bài viết về chủ đề Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH trong những tháng qua.

Việc Bộ ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH là một sự cầu thị kịp thời để giáo viên yên tâm bước vào năm học mới tới đây bởi nó đã giúp cho đội ngũ nhà giáo trên cả nước vơi bớt nỗi lo về giáo án 5512 đã từng ám ảnh họ.

Quý thầy cô quan tâm Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ngày 23/6, xin mời theo dõi TẠI ĐÂY.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI