Chủ đề về giáo án theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đã có khá nhiều bài phân tích của các thầy cô giáo được Tạp chí Giáo dục Việt Nam đăng tải trong những tháng vừa qua nhằm phản ánh về những bất cập trong việc thực hiện các mẫu kế hoạch bài dạy (giáo án) theo 4 phụ lục mà Công văn này hướng dẫn.
Tuy nhiên, phải đến loạt bài phản biện trong những ngày gần đây thì những nội dung của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH mới được mổ xẻ một cách tường tận và đặc biệt vấn đề này đã được Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành lên tiếng giải đáp.
Tuy nhiên, điều mà đội ngũ giáo viên đang công tác tại các trường phổ thông mong muốn là 4 mẫu kế hoạch được hướng dẫn trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, đặc biệt là Kế hoạch bài dạy (giáo án) cần ngắn gọn, trọng tâm nhằm giúp cho giáo viên giảm được áp lực hồ sơ sổ sách để có thời gian nhiều hơn đầu tư cho chuyên môn của mình.
Ngoài giờ lên lớp thì giáo viên còn phải đầu tư rất nhiều thời gian cho việc soạn giáo án (Ảnh minh họa: baonghean.vn). |
Những khó khăn của giáo viên khi thực hiện Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH
Thực lòng, chúng tôi không muốn đề cập lại vấn đề này nữa bởi trong thời gian qua có nhiều bài phản biện về chủ đề này của một số nhà giáo đã nói rõ những bất cập trong nội dung của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.
Song, nếu như giáo viên không lên tiếng thì chắc chắn là những năm tới đây sẽ gặp rất khó khăn, vất vả khi phải thực hiện việc soạn các kế hoạch chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) một cách máy móc, mất thời gian nhưng ít hiệu quả.
Bởi từ lâu nay nhiều trường học, hội động bộ môn rất cứng nhắc khi áp dụng các chủ trương, các kế hoạch chuyên môn mà ngành triển khai đến cơ sở.
Chẳng hạn như những năm qua khi mà mô hình trường học mới được triển khai thí điểm ở các địa phương, cho dù đa phần các trường phổ thông không dạy VNEN, thậm chí mô hình này giờ đây đã không còn bắt buộc nữa nhưng giáo án vẫn được triển khai soạn như VNEN, phải tuần tự qua 5 bước theo quy định.
Khi triển khai thao giảng, thi giáo viên giỏi hay kiểm tra các chuyên đề về hồ sơ sổ sách mà giáo viên không soạn theo 5 bước VNEN là bị nhắc nhở, ghi biên bản, khiến cho nhiều giáo viên ức chế.
Bây giờ, nếu như Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH được triển khai rộng rãi ở các địa phương, các nhà trường trong năm học tới đây thì chắc chắc dưới cơ sở cũng phải thực hiện theo hướng dẫn của Công văn này.
Các bước tuần tự của từng kế hoạch hay từng hoạt động chắc chắn phải liệt kê hết vào giáo án của mình, không liệt kê hết thì không đúng hướng dẫn, sẽ bị bắt bẻ. Nhưng, giáo án mỗi tiết dài cả chục trang giấy thì thời gian nào để giáo viên có thể ngồi mà làm được, thời gian nào để giáo viên đứng lớp và tham gia các hoạt động khác của nhà trường?
Cũng chính vì thế mà trên các trang mạng xã hội của giáo viên những tháng qua đã xuất hiện nhiều trang lập ra chỉ nhằm mục đích là bán mua giáo án 5512.
Nhưng, mua được giáo án rồi thì việc in ra cũng nhiêu khê vô cùng. Chẳng hạn như môn Ngữ văn của mỗi khối mà soạn theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH cũng lên đến hàng ngàn trang giấy.
Trong khi, mỗi giáo viên đâu chỉ một mình giáo án bởi theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH thì có tới 4 kế hoạch, đó là: Phụ lục 1: Kế hoạch dạy học môn học; Phụ lục 2: Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục; Phụ lục 2: Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học và Phụ lục 4: Kế hoạch bài dạy (giáo án).
Như vậy, những giáo viên dạy lớp bình thường thì làm 2 kế hoạch theo phụ lục 3, 4, những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn thì phải soạn cả 4 kế hoạch theo 4 phụ lục đã được hướng dẫn cụ thể.
Chính vì Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH không xuất phát từ thực tế dưới cơ sở nên khiến cho giáo viên khổ sở về hồ sơ sổ sách, khó tập trung đầu tư cho chuyên môn của mình một cách tốt nhất.
Lãnh đạo Bộ nên có những chỉ đạo phù hợp về Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH
Từ nay đến thời điểm khai giảng năm học 2021-2022 còn hơn 2 tháng nữa- thời gian đủ để lãnh đạo Bộ mà nhất là Vụ Giáo dục Trung học có những nghiên cứu thấu đáo và hướng dẫn một cách phù hợp nhất về các kế hoạch trong Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH mà Bộ đã ban hành.
Giáo viên chúng tôi hy vọng những nội dung của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH sẽ có những thay đổi, điều chỉnh một cách ngắn gọn và Bộ nhanh chóng hướng dẫn cụ thể về vấn đề này trước khi năm học 2021-2022 chính thức bắt đầu.
Người thầy đi dạy, giáo án rất quan trọng nhưng không nên trói buộc trong một khuôn mẫu nhất định, nhàm chán, không cần thiết khi cùng một nội dung mà cứ phải ghi đi, ghi lại trong nhiều hoạt động dạy học khác nhau.
Lãnh đạo Bộ mà nhất là lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học cần tạo cho giáo viên một không gian sáng tạo trong việc thực hiện giáo án của mình. Không nhất thiết phải đóng khung trong một khuôn mẫu cứng nhắc, gò bó.
Giáo án chỉ là một bản thiết kế cơ bản cho một giờ dạy trên lớp mà khi lên lớp thì giáo viên sẽ linh động với tình hình thực tế để giảng dạy chứ không thể cầm cuốn giáo án để đọc, để thực hiện một cách máy móc từng câu chữ trong giáo án được.
Vì thế, những mục tiêu, những ý định triển khai nội dung bài học chỉ cần những ý sơ lược, miễn sao nó đáp ứng được chuẩn nội dung kiến thức là phù hợp.
Bộ đang hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh thì đừng bắt giáo viên phải làm những việc nhàm chán như Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đã hướng dẫn. Cái gì đã có, đã liệt kê rồi thì thôi, không nên lặp lại, chứ không phải mục nào cũng yêu cầu: “nêu cụ thể…” như hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đã đề cập.
Mỗi lần thay đổi về chuyên môn sẽ có tác động đến hàng triệu giáo viên đang trực tiếp đứng lớp mà nhất là khi Bộ đã và đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở những năm đầu tiên. Nhiều khó khăn, bỡ ngỡ về chương trình mới đã khiến cho giáo viên vất vả, cộng thêm giáo án 5512 thì sẽ càng làm cho giáo viên quá tải.
Mỗi bộ giáo án của từng khối lên đến cả hàng ngàn trang giấy A4 là một sự lãng phí không cần thiết, trong khi mỗi giáo viên luôn phải dạy nhiều khối, nhiều môn học thì mỗi năm tốn không biết bao nhiêu giấy mực.
Nhưng, nếu tốn kém mà hiệu quả thì cũng đành lòng, đằng này tốn kém mà không phát huy được tác dụng thì đó là một sự lãng phí vô ích.
Cả nước có hơn 1 triệu giáo viên đang trực tiếp đứng lớp, mỗi giáo viên phải in cả ngàn trang giáo án theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH thì quả là lãng phí vô cùng.
Hy vọng, những tiếng lòng, những bài viết về chủ đề Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đã đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian qua sẽ được lãnh đạo Bộ lắng nghe để có những hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời trước thềm năm học mới.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.