Thầy cô làm lãnh đạo mà vi phạm pháp luật, học trò biết nhìn vào đâu?

29/06/2021 09:28
Tùng Dương
GDVN- Luật pháp đã có đủ các điều khoản tăng nặng hoặc giảm nhẹ, phải kiên quyết bỏ hẳn các “thư tay”, các đơn xin giảm tội …Có như vậy phép nước mới nghiêm minh.

Bà Vũ Liên Oanh, cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, cùng cựu Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Ngô Vui và 13 người bị điều tra sai phạm đấu thầu trang thiết bị giáo dục. Vụ án xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03 Bộ Công an) khởi tố ngày 24/6.

Bà Oanh giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh từ năm 2013 cho đến khi nghỉ hưu vào 2019. Bước đầu C03 xác định 15 bị can có sai phạm trong việc thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Quảng Ninh. Theo một số chuyên gia nhận định, đây là "vụ án phức tạp liên quan một tổ chức tội phạm chuyên đấu thầu các thiết bị y tế, giáo dục tại nhiều tỉnh".

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh (trái) và cựu Trưởng phòng Tài chính Ngô Vui. Ảnh: Bộ Công an.

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh (trái) và cựu Trưởng phòng Tài chính Ngô Vui. Ảnh: Bộ Công an.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Cựu giáo chức tại Hà Nội về vấn đề này, thầy Ngọc cho biết:

“Thời gian qua, tại một số địa phương liên tục xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ trong ngành giáo dục vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của học sinh cũng như làm giảm sút uy tín, hình ảnh của người thầy, gây bức xúc trong ngành và xã hội.

Thực trạng hiện nay có một số người làm việc không coi trọng pháp luật, đạo đức xuống cấp. Hiện tượng không bình thường xảy ra trong một số vụ án gần đây là người phạm tội có chức quyền, có học hàm học vị, họ phạm tội lợi dụng quyền hạn, tham nhũng, trực tiếp làm khổ nhân dân.

Một người đứng đầu ngành giáo dục của một tỉnh, đáng ra cần phải làm gương về đạo đức lối sống trước học sinh và đồng nghiệp, nhưng họ đã bắt chấp tất cả để làm sai, để tham nhũng, vậy thử hỏi các em học sinh biết nhìn vào đâu, tin vào ai khi chính thầy cô lại vi phạm pháp luật?

Hàng năm, ngân sách nhà nước đã chi rất nhiều cho ngành giáo dục, đây luôn được xem là một trong những công cụ quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại nghèo đói và bất bình đẳng, đồng thời đặt nền móng cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững của quốc gia.

Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 8 khẳng định, “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân” và “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội".

Bên cạnh những nhà giáo ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, thì xã hội cũng băn khoăn, lo lắng trước một bộ phận cán bộ công chức trong ngành tha hóa về đạo đức, nhân cách chạy theo lối sống kiếm tiền, tự đánh mất mình, mất lòng tin của xã hội, làm hình ảnh của mình xấu dần trong mắt học trò.

Đau lòng hơn, còn có những người lợi dụng uy tín để trục lợi cá nhân thông qua các hoạt động phục vụ giáo dục. Có những cán bộ quản lý vì lòng tham mà tiếp tay cho nạn tham nhũng, dư luận cũng đặt ra câu hỏi là còn hay không những nơi khác vi phạm tương tự? Những “tấm gương” này không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của thầy, cô giáo, mà còn tác động xấu tới nhận thức của học sinh, niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục nói chung”.

Một số nơi ở vùng sâu, vùng xa, ngành giáo dục còn gặp khó khăn về điều kiện kinh tế. Ảnh minh họa: T.D.

Một số nơi ở vùng sâu, vùng xa, ngành giáo dục còn gặp khó khăn về điều kiện kinh tế. Ảnh minh họa: T.D.

Giáo dục là phải nêu gương tốt

Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Thị Thu - cựu giáo chức ở Hà Nội nêu quan điểm:

“Cùng với sự phát triển của đất nước, do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, đã xuất hiện một số cán bộ ngành giáo dục chưa thật sự gương mẫu, có nguy cơ suy thoái về phẩm chất đạo đức, nhân cách, xói mòn lương tâm nghề nghiệp. Một bộ phận cán bộ quản lí giáo dục chưa gương mẫu trong việc thực hiện chức trách nhiệm của người đứng đầu, thậm chí còn lợi dụng quản lí để cố tình thực hiện những sai phạm.

Đã là thầy cô, là người đứng đầu một Sở Giáo dục thì hơn ai hết tự bản thân người đó phải ý thức được cương vị của chính mình, phải biết chăm lo cho học sinh, những tương lai của đất nước, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có lối sống và ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gương cho người học noi theo.

Bởi vậy việc nâng cao phẩm chất đạo đức của nhà giáo là vấn đề vô cùng quan trọng đặt ra ở bất cứ thời nào, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Quan sát trước sau trong ngoài, tôi xin nêu một vài ý kiến đóng góp. Một đất nước cần có kỷ cương nghiêm minh, mọi người không trừ ai, phải thượng tôn pháp luật. Ai có tội phải xử lý nghiêm minh, làm sai làm hỏng phải đền. Ai có công được biểu dương khen thưởng. Quá trình xét xử phải công bằng minh bạch.

Để làm việc có kết quả, người bất tài, kém đức, mang danh hiệu bằng cấp giả phải bị loại trừ ra khỏi hệ thống. Luật pháp đã có đủ các điều khoản tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt, nên cần phải bỏ hẳn các “thư tay”, các đơn xin giảm tội …Có như vậy phép nước mới nghiêm minh.

Theo tôi, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở, ngành giáo dục cần mạnh tay, kiên quyết loại bỏ, sa thải ra khỏi ngành hoặc khởi tố hình sự đối với những người làm công tác quản lý trong ngành để những thầy cô giáo khác thấy mà sợ, mà tự biết chỉnh đốn mình.

Kiên quyết không chấp nhận thỏa hiệp, xin giảm án, dung dưỡng cho những sai phạm không thể chấp nhận nổi của một số cán bộ, thầy cô giáo trong thời gian gần đây vì điều này chỉ khiến ngành giáo dục càng thêm bệ rạc, mất uy tín trước phụ huynh, học sinh và xã hội.”.

Tùng Dương