Nhà giáo Ưu tú là một danh hiệu cao quý của Nhà nước dành để tôn vinh những nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề, là tấm gương sáng, là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, xuất sắc có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng.
“Nhà giáo Ưu tú” phải đạt những tiêu chuẩn nào?
Theo quy định tại Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” thì danh hiệu Nhà giáo Ưu tú được xét tặng cho các các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt các tiêu chuẩn cụ thể sau:
1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương nơi cư trú.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề, là tấm gương sáng, là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, xuất sắc có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng; đi đầu trong việc đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; quản lý, giảng dạy đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Các nhà giáo Hà Nội được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú năm 2017, ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN. |
3. Đã 07 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 07 lần được tặng danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 07 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng; 01 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bộ hoặc danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ; 01 lần được tặng Bằng khen cấp tỉnh, bộ.
Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Đã 05 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 05 lần được tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 05 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng.
4. Tài năng sư phạm, sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được quy định cụ thể với từng đối tượng...
5. Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.
Số lượng “Nhà giáo Ưu tú” nơi nhiều, nơi ít
Năm 2021, Chủ tịch nước đã ký quyết định số 445/QĐ-CTN ngày 01/4/2021 về việc phong tặng Danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” cho 917 cá nhân đã có công trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc. Đây thực sự là những bông hoa tiêu biểu của ngành giáo dục trên cả nước.
Tuy nhiên nhìn vào danh sách những cá nhân ở các địa phương đã đạt được danh hiệu trên, chúng tôi nhận thấy có sự mất cân đối rất lớn. Cụ thể, cùng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhưng có nhiều địa phương đề nghị xét và đạt rất cao, nhiều nơi lại rất ít.
Theo đó, địa phương có nhiều người được công nhận Nhà giáo Ưu tú như Long An (89), Cần Thơ (75), Sóc Trăng (63), Bến Tre (57), Đồng Tháp (55), Kiên Giang (50), Hậu Giang (33), Thành phố Hà Nội (33), Nghệ An (32)…
Một số tỉnh có số lượng rất ít như Tây Ninh (3), Thừa Thiên – Huế (4), Quảng Nam (3), Đà Nẵng (3), Phú Yên (2), Thanh Hóa (2)…
Các tỉnh chỉ có 1 người là Bắc Kạn, Bình Phước, Đồng Nai, Ninh Thuận, Thái Bình, Đắc Nông.
Nhìn vào số lượng này, nhiều người đặt câu hỏi vì sao lại có sự mất cân đối như vậy? Có phải những địa phương có nhiều Nhà giáo Ưu tú là những nơi có chất lượng giáo dục cao?
Sở dĩ có sự mất cân đối này, theo người viết có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, một số địa phương triển khai chưa tốt kế hoạch xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 15 năm 2020.
Ngày 16/12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn số 5651/BGDĐT-TĐKT về việc triển khai xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 15 năm 2020, ngay sau đó nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai việc xét tặng danh hiệu cao quý này đến tận cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, một số nơi chỉ làm qua loa, chiếu lệ.
Chúng tôi nhận được phản ánh của nhiều nhà giáo cho biết họ chỉ nghe thông tin này khi được Sở Giáo dục và Đào tạo chốt danh sách và công khai thăm dò trên website của ngành.
Nghĩa là trước đó Sở Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn đến các đơn vị trường học trực thuộc, các huyện để triển khai nhưng vì lý do nào đó, nhiều huyện không thông tin đến các cơ sở giáo dục trực thuộc nên nhiều nhà giáo đã không có cơ hội, điều kiện để tham gia xét danh hiệu này.
Thứ hai, quan điểm xét danh hiệu Nhà giáo Ưu tú ở các địa phương có sự khác biệt khá lớn. Trên cơ sở điều kiện, tiêu chuẩn của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, hội đồng xét nơi này dễ thông qua, còn nơi khác lại khống chế tỉ lệ nên mặc dù nhiều nhà giáo có quá trình cống hiến, thành tích đạt theo quy định vẫn bị loại ra ngoài vì không đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định.
Những kiến nghị, đề xuất
Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú được xét ba năm một lần và được công bố vào ngày 20/11 hàng năm. Để mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được có cơ hội tham gia xét vào danh hiệu này, chúng tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể phân bổ số lượng, chỉ tiêu về tỉnh căn cứ trên dân số, số lượng giáo viên ở các cấp học của địa phương đó.
Trên cơ sở chỉ tiêu này, các tỉnh sẽ triển khai kế hoạch xét và tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét danh hiệu của các cá nhân. Sau đó Hội đồng xét cấp tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương, các đơn vị trường học thành lập các hội đồng xét cấp huyện, cấp cơ sở.
Nếu làm được điều này, Sở Giáo dục và Đào tạo - cơ quan thường trực của Hội đồng xét danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú cấp tỉnh - sẽ nắm được số lượng, nguyện vọng xét danh hiệu của các cá nhân trên toàn tỉnh, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe” ở một số địa phương, đơn vị. Đồng thời qua đó sẽ đánh giá đúng mức quá trình cống hiến của đội ngũ nhà giáo.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.