Làm sao ngăn ngừa một bộ phận hiệu trưởng tự diễn biến thành "ông trời con"?

16/07/2021 06:28
BÙI NAM
GDVN- Hàng năm giáo viên được đánh giá hiệu trưởng công bằng, công khai, minh bạch bằng hình thức bỏ phiếu kín và kiểm phiếu công khai, tại chỗ do cấp trên chủ trì.

Một trong những vấn đề quan trọng quyết định sự thành bại của giáo dục, công cuộc đổi mới đó chính là thay đổi cách thức quản lý tại cơ sở, trong đó có việc thay đổi cách chọn lựa, bổ nhiệm các hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục công lập.

Chế độ của giáo dục phổ thông công lập của ta hiện nay theo chế độ thủ trưởng, tức hiệu trưởng là thủ trưởng, là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi mặt của nhà trường, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên đều là người giúp việc và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng nhà trường.

Do đó, hiệu trưởng đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại của giáo dục tại trường, quyết định sự phát triển của cơ sở giáo dục có đúng đắn hay không.

Hiệu trưởng tốt trường phát triển tốt, hiệu trưởng tham lam, vụ lợi, yếu về chuyên môn, đạo đức,… thì cầm chắc mất đoàn kết nội bộ, giáo viên chán nản, học sinh học không tốt, báo cáo giả dối, gian lận,…

(Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Hcpharmacy.org)

(Ảnh mang tính minh họa, nguồn: Hcpharmacy.org)

Một số hiệu trưởng là “ông trời con”

Một số hiệu trưởng tự cho mình là người có địa vị cao nhất trường, tự coi mình là ông/bà chủ của trường có quyền sinh sát trong tay, nên tự biến mình trở thành “ông trời con” tự tung tự tác, lộng quyền,… gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục rất nhiều.

Một trong số đó là những người có chỗ dựa từ cấp trên, nhiều người được bổ nhiệm không phải do tài giỏi, chuyên môn, đạo đức tốt mà do quen biết, hoặc do chạy chọt, nịnh bợ,...

Hiện nay số vụ việc hiệu trưởng lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật không phải là hiếm gặp. Có thể lược qua một số vụ việc các hiệu trưởng vi phạm bị khởi tố, bắt giam, xử lý trong thời gian qua như:

Ngày 13/7/2021, tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Bắc Giang.

Ông Trần Quang Vinh và bà Nguyễn Thanh Mai là Hiệu trưởng, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch của Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Bắc Giang đã bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. [1]

Ngày 25/5/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Trần Thị Liên (sinh năm 1971) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - về tội "Tham ô tài sản". Sau khi thu tiền ăn bán trú của học sinh, nữ hiệu trưởng trường tiểu học ở Kiên Giang không nộp vào kho bạc theo quy định mà giữ lại để quản lý và tự chi dẫn đến tham ô tiền tỉ. [2]

Tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam trong thời hạn 3 tháng đối với Vũ Cảnh Phương (sinh năm 1977, trú tại thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) về hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng chức vụ hiệu trưởng, Vũ Cảnh Phương đã chiếm đoạt tiền đóng bảo hiểm thân thể của nhiều học sinh và giáo viên trong trường. [3]

Chiều ngày 1/6/2020, tin từ Công an tỉnh Ninh Bình cho biết đơn vị này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Thị Sơn (sinh năm 1966), Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Thành, thành phố Ninh Bình; Đỗ Thị Như Thanh (sinh năm 1976), Phó Hiệu trưởng, và Đinh Thị Huế (sinh năm 1988), Kế toán, để điều tra, làm rõ tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".[4]…

Trên đây, chỉ là một trong số rất ít các trường hợp các vị hiệu trưởng không giữ mình, vi pham đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, tài chính,… bản chất chính do ý thức kém, tâm không trong sáng, vụ lợi,…

Những hiệu trưởng vi phạm pháp luật, đạo đức, có người đã bị khởi tố, xử lý, bên cạnh đó vẫn còn người chưa bị phát hiện, chưa bị xử lý,…

Họ coi họ như là “ông trời con” nên lạm quyền, cố tình vi phạm, trước sau gì thì họ cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tất nhiên, mục đích cao cả là không phải là xử lý, khởi tố, mà phải có công cụ hiệu quả “nhốt quyền lực vào trong lồng” để họ không dám vi phạm, để họ làm nhiệm vụ của mình.

Làm sao ngăn ngừa hiệu trưởng tự diễn biến thành “ông trời con”

Ở đâu hiệu trưởng được gọi “ông trời con”, ở đó họ tự coi mình là vua một cõi, tự tung tự tác, lộng quyền, “thượng đội hạ đạp”, sẵn sàng trù dập, kỷ luật giáo viên chỉ với vi phạm nhỏ,…

Trường nào có được hiệu trưởng đủ tâm, đủ tầm, trong sáng,… thì trường đó chất lượng giáo dục mới cất cánh, môi trường giáo dục mới thực sự trong sạch.

Do đó, người viết xin được nêu các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, đổi mới phương thức, cách thức bổ nhiệm hiệu trưởng

Điều này là quan trọng, trước hết chính quyền phải sàng lọc lựa chọn những hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục, giám đốc sở có tài, có đức, có tâm trong sáng, chuyên môn vững vàng,…

Việc thi tuyển hoặc bổ nhiệm thì hình thức nào cũng có cái hay của nó, nhưng tiên quyết nhất là trước khi bổ nhiệm phải lựa chọn những người có chuyên môn, đạo đức tốt, đừng dựa vào mối quan hệ, nịnh bợ, luồn cúi,… những người đó lãnh đạo thì chắc chắn giáo dục sẽ không phát triển được.

Chỉ cần nắm dư luận xung quanh địa phương, nơi người dự kiến bổ nhiệm công tác là sẽ cơ bản nắm được đạo đức, chuyên môn của người đó.

Thứ hai, các hiệu trưởng phải nhận thức được mục đích của quyền lực là để phục vụ, không phải để vinh thân phì gia

Có giáo viên khi được bổ nhiệm hiệu trưởng thì bắt đầu thể hiện quyền uy, sẵn sàng trù dập cấp dưới, nịnh bợ cấp trên để giữ ghế, để vơ vét, lạm thu,…

Điều này chính là một sai lầm rất lớn, cần phải có chế tài phòng ngừa.

Hiệu trưởng thực chất là một viên chức quản lý là người thay mặt nhà trường hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên và học sinh tiến bộ, là cầu nối giữa các chỉ đạo văn bản của cấp trên đến giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Hiệu trưởng trường công lập là một cá nhân được nhà nước thuê và trả tiền lương hàng tháng, cộng phụ cấp chức vụ để thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.

Hiệu trưởng trường công lập chỉ khác giáo viên ở chỗ là làm công tác quản lý giáo dục thuộc sự quản lý trực tiếp của ủy ban nhân dân huyện/ tỉnh, nên quyết định kỷ luật, sa thải, nâng lương, luân chuyển, điều động,… đều do ủy ban nhân dân cấp tương ứng thực hiện.

Hiệu trưởng chủ yếu giải quyết các công việc liên quan đến tài chính, nhân sự đơn vị (bố trí, phân công công việc,…) trong phạm vi thẩm quyền của mình theo quy định pháp luật.

Nên nếu cố tình làm trái, cố tình vi phạm,… thì phải bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Hiệu trưởng biết được điều này sẽ ít vi phạm, sẽ không còn là “ông trời con nữa”.

Thứ ba, nghiêm khắc xử lý vi phạm

Việc xử lý một số vi phạm của hiệu trưởng hiện nay vẫn còn một số địa phương chưa nghiêm, nghi ngờ có tình trạng bao che nên dẫn đến các vụ vi phạm diễn biến tăng lên.

Nên người viết cho rằng phải kiên quyết, xử lý mạnh tay với các vị hiệu trưởng tham lam, lạm quyền.

Thực tế, lãnh đạo cấp trên, thanh tra cả năm thanh tra 1, 2 lần sẽ không biết được việc thực hiện nhiệm vụ, hiệu trưởng có lạm quyền, vụ lợi hay không.

Chính giáo viên trong đơn vị biết rất rõ những việc này, hãy để hàng năm giáo viên được đánh giá hiệu trưởng công bằng, công khai, minh bạch bằng hình thức bỏ phiếu kín và kiểm phiếu công khai, tại chỗ do cấp trên chủ trì.

Hiện nay việc đánh giá hiệu trưởng làm qua loa, hời hợt hình thức, hiệu trưởng giao phiếu cho các tổ, đánh giá rồi gửi về hiệu trưởng, ai mà đánh giá không tín nhiệm, không đạt hiệu trưởng đều biết nên không công bằng, giả tạo, hình thức.

Việc này nên được lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện/ tỉnh thực hiện và công khai, minh bạch hàng năm.

Hiệu trưởng hai năm liên tiếp tín nhiệm dưới 50% thì lập tức cho thôi nhiệm vụ.

Hiệu trưởng cũng chuẩn bị sẵn tinh thần, không có đức thì bị cách chức, không có tài thì nên từ chức, quay trở về làm giáo viên.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm việc luân chuyển, điều động hiệu trưởng từ nơi này đến nơi khác, theo tôi mỗi hiệu trưởng chi nên làm tối đa 1 nhiệm kỳ (5 năm) là được (quy định hiện nay hiệu trưởng tối đa 2 nhiệm kỳ), nếu giỏi thì đi xây dựng giúp đỡ trường khác, nếu còn chưa tốt thì đi học hỏi thêm, nếu vi phạm thì cho trở lại làm giáo viên

Hiệu trưởng chính là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng quyết định việc tiến bộ thành công của các cơ sở giáo dục, quyết định sự tiến bộ, thành công của giáo viên nên phải được cân nhắc và lựa chọn một cách cẩn thận, tránh các lãnh đạo tham lam, vụ lợi, kém chuyên môn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nld.com.vn/phap-luat/hieu-truong-va-truong-phong-truong-trung-cap-nghe-gtvt-bi-khoi-to-20210713171802469.htm

[2] https://nld.com.vn/phap-luat/bat-tam-giam-nu-hieu-truong-chiem-doat-tien-an-ban-tru-cua-hoc-sinh-20210525121028821.htm

[3] https://nld.com.vn/phap-luat/bat-hieu-truong-chiem-doat-tien-bao-hiem-than-the-cua-nhieu-giao-vien-hoc-sinh-2021021918031

[4] https://nld.com.vn/phap-luat/nu-hieu-truong-bi-khoi-to-bat-giam-vi-an-chan-20200601174311365.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM