Trong các trường học, hiệu trưởng được xem là người đầu tàu, là linh hồn cho mỗi đơn vị. Người hiệu trưởng tài năng, đức độ, sống có trách nhiệm với đơn vị, với đồng nghiệp và học trò thì uy tín nhà trường sẽ đi lên.
Ngược lại, những hiệu trưởng mà đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, tiền bạc không rõ ràng, tham lam thì dẫn đến niềm tin của giáo viên, của phụ huynh không còn và tất nhiên là cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ bị lòi ra.
Trong tuần qua, có 2 sự kiện liên quan đến hiệu trưởng được báo chí phản ánh, đó là một hiệu trưởng ở Quảng Trị “ém” tiền của học trò và một hiệu trưởng ở Đắk Nông giữ học bạ của học trò vì em này không có tiền nộp quỹ đã khiến cho dư luận bất bình.
Chỉ tiếc, những chuyện tương tự như thế này đã được báo chí phản ánh nhiều lần trong thời gian qua và hình như nó cũng chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Xy- nơi mà hiệu trưởng bị tố đã "ém" tiền của học trò Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet |
Khi hiệu trưởng bị tố “tận thu” cả tiền của học trò
Trong các trường học hiện nay thì luôn có các cuộc thi, hội thi được các cấp tổ chức dành cho học sinh ở các nhà trường và tất nhiên là khi học sinh tham gia đạt giải thì đều được khen thưởng bằng tiền.
Đối với những trường học vùng khó khăn, trường có học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo thì luôn có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh đang theo học. Những khoản tiền này thường chỉ có hiệu trưởng và kế toán nhà trường mới có thể biết và ký nhận cho đơn vị.
Có lẽ vì vậy, mà trong tuần vừa qua thì nhiều bài viết được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh trường hợp ông Đoàn Minh Lộc - hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Xy (xã Xy, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bị tố bớt xén tiền thưởng, “ém” tiền hỗ trợ học sinh nghèo.
Cụ thể, học kỳ 1 năm 2018-2019, khối lớp 9 của trường Trung học cơ sở Xy (sau sáp nhập thành Trường Tiểu học và THCS Xy) có 22 em thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ , mỗi em sẽ nhận được 400 nghìn đồng theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP (tiền hộ nghèo).
Thế nhưng, cả 22 học sinh này không được nhận số tiền hỗ trợ theo quy định. Một năm sau đó, khi mà giáo viên của trường có ý kiến thì hiệu trưởng Đoàn Minh Lộc mới nhờ giáo viên của trường đến nhà phát cho học sinh nhưng vẫn chưa đủ.
Ngoài ra, tháng 5/2020, có 60 học sinh đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ được nhận mỗi em 500.000 đồng từ số tiền của một ngân hàng trao tặng nhưng khi trao quà thì ông Đoàn Minh Lộc đã chỉ đạo giáo viên thu lại mỗi em 400.000 đồng và đưa ông Lộc giữ.
Ngày 26/3/2021, tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Xy diễn ra cuộc thi về giáo dục nhận thức bom mìn. Đơn vị tài trợ hỗ trợ 18,1 triệu đồng. Theo kế hoạch tổ chức cuộc thi, giải nhất được trao 1 triệu đồng, nhưng trường chỉ chi 400.000 đồng; giải nhì 700.000 đồng thì chỉ được nhận 300.000 đồng; giải ba 500.000 đồng chỉ còn 200.000 đồng…
Khác với trường hợp ông Đoàn Minh Lộc- hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Xy đã “ém” tiền chế độ, tiền khen thưởng của học trò thì trường hợp ông Nguyễn Ngọc Hải, hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Huy Tập (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông) bị giáo viên trong trường tố cáo có nhiều sai phạm trong công tác, trong đó có việc giữ lại hồ sơ học bạ của học sinh chỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không nộp đủ 550 ngàn đồng tiền quỹ.
Theo các giáo viên, em Y.H. theo học tại trường Tiểu học Hà Huy Tập. Tuy nhiên, hoàn cảnh của em Y.H rất đáng thương, em bị bố mẹ bỏ rơi, được ông bà là Y Liêng nuôi nấng, chăm sóc. Gia đình ông Y Liêng là hộ cận nghèo, hàng ngày đi nhặt rác kiếm sống. Ngoài giờ học, em Y.H. còn phải đi chăn bò (con bò được nhà nước hỗ trợ) phụ giúp ông bà.
Dù hoàn cảnh bi đát, khó khăn đến vậy nhưng khi kết thúc năm học 2019-2020, do không có 550 ngàn đồng để đóng tiền quỹ nên bị nhà trường giữ lại học bạ nên em Y.H phải nghỉ học vì không thể chuyển cấp được.
Theo giáo viên chủ nhiệm lớp 5 của em Y.H, khi hết năm học, cô đã trình bày hoàn cảnh gia đình Y.H rất khó khăn nhưng hiệu trưởng vẫn khiên quyết giữ hồ sơ.
Sau đó, em Y.H. được một giáo viên trường Mầm non tư thục P.L (xã Tâm Thắng), khi biết việc em Y.H không được rút hồ sơ để đi học, cô đã chở em Y.H lên trường đóng tiền cho hiệu trưởng và chở em Y.H. lên trường Trung học cơ sở Phan Đình Phùng xin vào học và mua 2 bộ đồng phục cho em, tổng cộng hết 920 ngàn đồng. Lúc này, trường đã vào học được khoảng 3 tuần.
Ngoài chuyện giữ học bạ của học sinh, giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập còn tố cáo hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hải từ năm 2018 - 2021 có rất nhiều giải thưởng cá nhân mà học sinh tham gia các phong trào đạt được thành tích cao nhưng chỉ nhận được giấy khen, không nhận được đúng số tiền thưởng của ban tổ chức.
Rõ ràng, cả 2 hiệu trưởng được báo chí đề cập nhiều trong tuần vừa qua dù khác về địa bàn nhưng mục đích, hành vi thì khá giống nhau. Họ đều “tận thu” tiền của học trò mình, dù là tiền chế độ học sinh nghèo, tiền khen thưởng hay tiền đóng quỹ hàng năm…
Những số tiền này, đáng lẽ ra học sinh được nhận, hoặc học sinh không phải đóng nhưng dù được nhận hay phải đóng tiền thì cũng đều phải thông qua sổ sách của kế toán nhưng dưới “bàn tay” ma thuật của hiệu trưởng đã làm mất đi vẻ đẹp tôn nghiêm của chốn học đường.
Trên cương vị một hiệu trưởng nhà trường, đáng lẽ ra họ phải gương mẫu, phải trung thực để quyền lợi của học sinh phải để học sinh nhận, nhưng tiếc rằng quyền lợi của trò thì hiệu trưởng đã bớt xén hoặc gây khó khăn khi giữ học bạ cuối cấp, bắt buộc học trò phải đóng quỹ mới cho… ra trường.
Rõ ràng, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay dành cho giáo dục, nhất là đối với học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn, học sinh thuộc dân tộc thiểu số dù có nhân văn đến đâu mà gặp những hiệu trưởng như thế này thì mọi thứ cũng đều bị bay biến mất.
Khi hiệu trưởng không trở thành đầu tàu trong mỗi đơn vị
Trong từng đơn vị trường học, người hiệu trưởng luôn được xem là linh hồn của trường học. Nếu hiệu trưởng giỏi quản lý, gương mẫu trong công tác, sống có trách nhiệm trước đơn vị thì trường học sẽ đi vào nền nếp và phát triển ngày một tốt hơn.
Gặp những hiệu trưởng yếu chuyên môn, yếu quản lý mà lại tham lam, xem trường học là nơi để tận thu, kiếm chác từ những đồng tiền chế độ của học sinh nghèo hay những đồng tiền khen thưởng của học sinh thì đó là những hiệu trưởng…mạt hạng.
Những trường học như vậy thường dễ dàng mất đoàn kết nội bộ, có nhiều thị phi từ cấp dưới và tất nhiên là họ không phục. Khi đã nhìn ra những sai phạm của hiệu trưởng thì tất nhiên sẽ có giáo viên lên tiếng, tố cáo.
Lúc sự việc bị phanh phui, cho dù những vị hiệu trưởng này tìm cách gỡ gạc lại danh dự cho mình nhưng có lẽ lúc ấy đã quá muộn màng. Cả 2 trường hợp hiệu trưởng mà chúng tôi đề cập trong bài viết này ở phần trên đều đã được các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ vấn đề.
Số tiền ấy không lớn, không phải là quá nhiều đối với những nhà giáo đang đảm nhận chức vụ hiệu trưởng nhà trường nhưng nó lại là những món tiền cần thiết cho học trò nghèo. Vài trăm ngàn ấy cũng có thể giúp cho những em học trò nghèo không phải bỏ học giữa chừng, được cắp sách đến trường.
Hiệu trưởng mà đi “tận thu” của học trò như vậy, quả là đáng trách, đáng khinh, làm mất đi danh dự của một nhà giáo và làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, họ không xứng đáng là người đứng đầu một đơn vị giáo dục, nhất là các trường học này đều là những trường còn khó khăn, những nơi rất cần sự phát triển của giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/quang-tri-xem-xet-ky-luat-hieu-truong-bi-to-bot-xen-tien-ho-tro-hoc-sinh-ngheo-post218757.gd
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/cau-hoc-tro-ngheo-khong-co-tien-nop-quy-bi-hieu-truong-giu-hoc-ba-746061.html#inner-article
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.