Bộ cần ngăn chặn kênh bán kèm các thứ ăn theo sách giáo khoa "móc túi" phụ huynh

19/07/2021 06:41
HƯƠNG MAI
GDVN- Đa phần các trường học không lựa chọn 1 bộ sách giáo khoa duy nhất mà thường lựa chọn một số đầu sách thấy ưng ý nhất trong 3 bộ sách đã được Bộ phê duyệt.

Năm học 2021-2022 tới đây, toàn ngành giáo dục sẽ thực hiện giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 2 và lớp 6. Như vậy, năm học tới sẽ có 3 khối lớp thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.

Khác với sách giáo khoa lớp 1 ở năm học trước có tới 5 bộ sách giáo khoa thì năm học tới đây sẽ còn 3 bộ sách là: “Kết nối tri thức với cuộc sống”; “Chân trời sáng tạo” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách “Cánh Diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC).

Danh mục sách giáo khoa bán kèm sách tham khảo, vở bài tập lớp 1 Trường tiểu học An Phong quận 8 thành phố Hồ Chí Minh năm học 2020-2021, ảnh: P.L

Danh mục sách giáo khoa bán kèm sách tham khảo, vở bài tập lớp 1 Trường tiểu học An Phong quận 8 thành phố Hồ Chí Minh năm học 2020-2021, ảnh: P.L

Trong 3 bộ sách này, đa phần các nhà trường, các địa phương không chọn 1 bộ sách mà thường chọn đan xen cùng lúc nhiều bộ sách khác nhau.

Đây cũng là ưu điểm vì các địa phương, các nhà trường sẽ căn cứ vào những đầu sách tốt nhất để lựa chọn nhưng đó cũng là hạn chế vì việc nhà trường lựa chọn như vậy rất khó để phụ huynh có thể tự mua sách ở các nhà sách bên ngoài.

Khả năng nhà trường sẽ là đầu mối cung cấp sách giáo khoa của chương trình mới cho học sinh

Đến thời điểm hiện tại, các địa phương và các nhà trường đã lựa chọn xong các bộ sách giáo khoa cho lớp 2 và lớp 6 và các Nhà xuất bản cũng đang tiến hành tập huấn trực tuyến về sách giáo khoa mới cho giáo viên về các bộ sách mà các nhà trường lựa chọn.

Đa phần các trường học không lựa chọn 1 bộ sách duy nhất mà thường lựa chọn một số đầu sách thấy ưng ý nhất trong 3 bộ sách đã được Bộ phê duyệt, đó là các bộ: “Kết nối tri thức với cuộc sống”; “Chân trời sáng tạo” và bộ sách “Cánh Diều” .

Điều này cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh phải đăng ký mua sách giáo khoa cho con em mình tại các nhà trường chứ rất khó có thể tự mua từ các nhà sách.

Chẳng hạn, đối với lớp 6 của năm học tới có 12 đầu sách giáo khoa và số lượng lên đến 15 cuốn. Bên cạnh đó, còn có 15 cuốn sách bài tập đi kèm. Nếu tính sách giáo khoa, sách bài tập lớp 6 của chương trình mới đã có tới 30 cuốn sách.

Chừng ấy sách mà đa phần các nhà trường chọn ít nhất cũng đến 2 bộ sách khác nhau thì phụ huynh sẽ không biết đâu mà lần để mua cho con em mình.

Bởi, lâu nay các trường học chỉ dạy có một bộ sách giáo khoa thì đầu năm học, phụ huynh có thể ra các nhà sách mua một bộ sách đã được gói sẵn rất dễ dàng và thuận lợi, không phải lựa chọn gì cả.

Thế nhưng, từ bây giờ thì hoàn toàn khác, nhiều trường học đã lên kế hoạch cho phụ huynh, học sinh đăng ký mua sách giáo khoa vào đầu năm học tại nhà trường. Sau đó, nhà trường đăng ký số lượng mua và các công ty, các nhà sách sẽ chuyển đến đơn vị.

Việc mua bán sách giáo khoa của chương trình mới gần như đang được thực hiện khép kín theo số lượng đăng ký của nhà trường, của các địa phương rồi các công ty phát hành sách chuyển đến theo đơn đặt hàng và phát đến tay học sinh.

Phụ huynh dù muốn hay không muốn thì cũng phải mua theo con đường này bởi nếu ra nhà sách sẽ không biết đâu mà lần, nhất là ở các trường học ở vùng quê thì các nhà sách thường ít, không đa dạng, phong phú như các trường thuộc khu vực thị thành nên việc phụ huynh tự đi mua sách cho con em mình cũng không phải là việc dễ dàng.

Liệu các nhà sách, các trường học có “lồng ghép” sách bài tập, sách tham khảo để bán cho học sinh?

Với chủ trương các nhà trường để các tổ chuyên môn tự lựa chọn sách giáo khoa, chúng tôi cho đây là điều hợp lý bởi mỗi bộ sách có một triết lý triển khai riêng và nhà trường sẽ căn cứ vào thực tế để chọn 1 đầu sách mà mình thấy phù hợp nhất để giảng dạy.

Việc bán sách giáo khoa tại các nhà trường sẽ thuận lợi cho học sinh có đủ sách giáo khoa, phụ huynh đỡ vất vả ngược xuôi đến các nhà sách lựa chọn, không phải tất bật chạy đi đổi nếu như lựa mua phải những đầu sách không đúng với sách nhà trường giảng dạy.

Tuy nhiên, nếu các nhà trường đứng ra bán sách giáo khoa cho học trò cũng rất dễ phát sinh ra nhiều chuyện khác mà những năm qua dư luận xã hội đã từng chứng kiến, đó là tình trạng vừa bán sách giáo khoa, vừa “lồng ghép” cả sách bài tập, sách tham khảo vào để bán cho học sinh.

Trong khi đó, có những cuốn sách mà phụ huynh mua nhưng con em mình không dùng đến, hoặc không cần thiết nhưng vì “chủ trương” của nhà trường nên họ đành phải “mua trọn gói”…

Sách giáo khoa mới rất đắt, đắt gấp nhiều lần so với sách giáo khoa hiện hành, nếu cộng thêm các loại sách bài tập, sách tham khảo thì sẽ là số tiền khá lớn.

Hiện nay, các Nhà xuất bản đã công bố giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 dao động khoảng trên dưới 300 ngàn đồng/ 1 bộ sách (bao gồm cả sách Tiếng Anh). Nếu cộng thêm sách bài tập cũng tương đương với số tiền sách giáo khoa nữa.

Trong khi đó, có nhiều trường bán thêm sách tham khảo cho học sinh nữa thì tất cả cũng ngót nghét đến gần cả triệu đồng tiền sách vở/ năm học/ 1 học trò.

Ngoài ra, đối với học sinh khi học chương trình mới còn phải mua thêm một số thiết bị hỗ trợ học tập nữa nên nếu các cấp quản lý không siết chặt thì có thể nhiều sản phẩm sẽ được bán cho học trò trong những năm học tới đây.

Chính vì thế, để tránh tình trạng như các năm học trước đây thì lãnh đạo Bộ cần có văn bản hướng dẫn cụ thể những sách nào, thiết bị nào là học sinh bắt buộc phải mua nhằm giúp phụ huynh có thể lựa chọn những sản phẩm thiết thực, phù hợp cho con em mình.

Đặc biệt, Bộ và các Sở cần chỉ đạo các nhà trường công bố kế hoạch, niêm yết giá các loại sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo lên website của nhà trường. Trong đó, nhà trường phải lưu ý phụ huynh sách nào bắt buộc, sách nào không bắt buộc…

Nếu không, những cá nhân, đơn vị đứng ra bán sách sẽ “biết cách” tiếp thị đến phụ huynh, học sinh cả những đầu sách không thực sự cần thiết như báo chí đã từng phản ánh nhiều năm qua. Nhưng, khi dư luận lên tiếng thì sách đã bán mua xong rồi, các trường rút kinh nghiệm, Bộ Giáo dục lại phải ra văn bản “chỉ đạo muộn” nhưng lúc đó cũng chẳng còn tác dụng gì nữa.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI