Không có nỗ lực của thầy cô, chương trình và sách giáo khoa mới khó thành công

24/06/2021 06:07
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sĩ số lớp học cao chắc hẳn là một trong những trở ngại đáng kể đối với việc đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh phát triển năng lực.

Năm học 2020 – 2021, sách giáo khoa lớp 1 Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được đưa vào nhà trường, năm 2021 – 2022 sắp tới, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 cũng sẽ được triển khai. Khá nhiều câu hỏi, băn khoăn cần lời giải đáp của các chuyên gia giáo dục và các tác giả chương trình.

Để giải đáp các câu hỏi, băn khoăn này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng - nguyên Điều phối viên chính của Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Bộ Giáo dục và Đào tạo), thành viên Ban Phát triển Chương trình môn Tiếng Việt – Ngữ văn; hiện là Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt – Ngữ văn (bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) để lắng nghe chia sẻ của ông về câu chuyện đổi mới giáo dục.

Phóng viên: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 định hướng tăng cường tích hợp trong một môn học và giữa các môn học. Vậy khi biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt – Ngữ văn, để có một số văn bản “đồng hướng” về đề tài, thể loại giúp tăng cường khả năng kết nối, tích hợp giữa môn Tiếng Việt – Ngữ văn với các môn khác, các tác giả có gặp trở ngại gì, thưa thầy?

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng: Tích hợp là định hướng chung của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Định hướng đó không chỉ triển khai qua việc xây dựng một số môn học tích hợp mới mà còn thể hiện qua việc tăng cường kết nối trong nội bộ một môn học như môn Tiếng Việt – Ngữ văn và giữa các môn học như giữa môn Tiếng Việt – Ngữ văn với các môn Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên,…

Theo quan điểm của chúng tôi, tích hợp là xuất phát từ yêu cầu thực tế của dạy học. Vì vậy, việc triển khai tích hợp trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Tiếng Việt lớp 2 và Ngữ văn lớp 6 của chúng tôi được thực hiện một cách tự nhiên và không có gặp trở ngại gì.

Ngoài việc tăng cường tích hợp nội môn bằng cách thiết kế cấu trúc bài học dựa trên các hoạt động giao tiếp và tổ chức các hoạt động giao tiếp dựa vào trung tâm của bài học là văn bản; chúng tôi cũng chú trọng tích hợp liên môn bằng cách đưa vào sách một số văn bản có nội dung và đặc điểm thể loại tạo điều kiện cho sự kết nối giữa Tiếng Việt – Ngữ văn với một số môn học khác.

Việc tăng tỉ lệ văn bản phi hư cấu, đặc biệt là văn bản thông tin trong sách giáo khoa mới so với sách giáo khoa trước đây càng tăng thêm cơ hội để triển khai định hướng này.

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng. (Ảnh: NVCC)

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng. (Ảnh: NVCC)

Ngay từ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 năm ngoái đến sách giáo khoa Tiếng Việt 2 năm nay, chúng tôi đã thiết kế một số chủ điểm về gia đình, nhà trường, thiên nhiên, kĩ năng sống (giữ gìn vệ sinh, tuân thủ luật giao thông, xử lí tình huống khi bị lạc,…), đất nước và con người Việt Nam,… và sử dụng nhiều văn bản “đồng hướng” với các môn học khác.

Sách giáo khoa Ngữ văn 6 có bài học riêng về văn bản thông tin viết về Trái Đất và vấn đề bảo vệ môi trường sống. Những văn bản thông tin này giúp học sinh phát triển kĩ năng đọc các văn bản phi hư cấu, đồng thời cung cấp cho các em vốn sống, hiểu biết, trải nghiệm cần thiết đối với giới trẻ ngày nay.

Học sinh cần vận dụng nhiều kiến thức, kĩ năng có được từ các môn học khác như Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên để đọc những văn bản này, và ngược lại, kiến thức, kĩ năng có được từ việc đọc những văn bản này sẽ giúp các em học tốt hơn các môn có liên quan.

Có thể nói sách giáo khoa Tiếng Việt 1, Tiếng Việt 2 và Ngữ văn 6, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” đã có sự tích hợp rất chặt chẽ và hiệu quả giữa kiến thức, kĩ năng môn Tiếng Việt – Ngữ văn với nhiều môn học.

Một số chuyên gia đánh giá, trong biên soạn sách giáo khoa và các tài liệu đi kèm các tác giả vẫn chưa chú trọng nhiều phát triển năng lực của người học. Thưa thầy, vấn đề định hướng phát triển năng lực được cụ thể hóa như thế nào trong sách giáo khoa Tiếng Việt – Ngữ văn, môn mà thầy làm Tổng chủ biên?

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng: Đánh giá nói trên của các chuyên gia có thể xuất phát từ thực tế sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của một số môn học nào đó. Chúng tôi khẳng định là sách giáo khoa môn Tiếng Việt – Ngữ văn, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” rất chú trọng đến mục tiêu phát triển năng lực cho học sinh, đặc biệt là năng lực đặc thù của môn học này là năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học.

Thông qua các bài học được thiết kế dựa trên các hoạt động đọc, viết, nói và nghe, bộ sách giáo khoa của chúng tôi tạo điều kiện cho giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động học tập, nhờ đó các em phát triển hiệu quả kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.

Bên cạnh đó, các năng lực chung của học sinh như năng lực tự chủ và tự học, năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cũng được phát triển hiệu quả nhờ việc tăng cường hoạt động tương tác trong lớp học, chú trọng rèn luyện cho học sinh kĩ năng tự đọc sách và tạo ra nhiều tình huống để học sinh được trình bày chủ kiến hoặc đề xuất giải pháp cho các vấn đề gần gũi với cuộc sống của các em.

Chương trình mới yêu cầu giáo viên đổi mới, dạy học sinh theo hướng phát triển năng lực. Nhưng vấn đề về sĩ số lớp vẫn không được khắc phục đã khiến cho nhiều thầy cô loay hoay không biết phát huy năng lực bằng cách nào, thầy có thể đưa ra lời khuyên gì?

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng: Sĩ số lớp học cao chắc hẳn là một trong những trở ngại đáng kể đối với việc đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh phát triển năng lực.

Chẳng hạn đối với môn Tiếng Việt – Ngữ văn, thay vì thuyết giảng, giáo viên cần tổ chức các hoạt động dạy học ở trong lớp để học sinh có cơ hội được đọc, viết, nói và nghe trong quá trình học tập, chứ không chỉ ngồi nghe thầy cô giảng bài như trước. Nếu học sinh trong một lớp học quá đông thì rất khó tổ chức hoạt động dạy học theo hướng đó một cách hiệu quả, nhất là hoạt động trao đổi nhóm sẽ rất hạn chế.

Ảnh minh họa: Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam

Ảnh minh họa: Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam

Tuy có khó khăn, nhưng các thầy cô vẫn có thể khắc phục phần nào khó khăn nếu biết linh hoạt và sáng tạo trong dạy học. Điều căn bản là giáo viên ý thức được học sinh cần được hoạt động và biết cách tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh dưới nhiều hình thức đa dạng.

Các em có thể làm việc cá nhân, làm việc nhóm hoặc trao đổi, trình bày trước lớp. Khi tổ chức làm việc nhóm, không nhất thiết phải sắp xếp lại bàn ghế mà cho những học sinh ngồi cạnh nhau trao đổi nhóm đôi hoặc nhóm 3, nhóm 4. Bằng cách đó, các thầy cô vẫn có thể phát huy được tính tự chủ, tích cực, năng động của học sinh trong học tập.

Thông qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy có gửi gắm gì đến với đội ngũ thầy cô giáo đang thực hiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới?

Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng: Triển khai chương trình và sách giáo khoa mới mang lại nhiều hi vọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho nhà trường phổ thông, trong đó có các thầy cô giáo. So với đổi mới chương trình và sách giáo khoa đầu những năm 2000 thì đổi mới lần này yêu cầu toàn diện và sâu sắc hơn. Chúng tôi cố gắng biên soạn những bộ sách giáo khoa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nhưng đồng thời cũng có tính đến sự kế thừa sách giáo khoa lâu nay.

Để giúp các thầy cô hiểu đầy đủ các ý tưởng mới của sách, nhanh chóng làm quen với cách dạy theo sách mới và triển khai dạy học một cách thuận lợi, chúng tôi cũng biên soạn các tài liệu như sách giáo viên, bài giảng tập huấn (video, tài liệu dạng PDF,…). Vì thế, các thầy cô không nên quá lo lắng khi đón nhận sách giáo khoa mới.

Tuy vậy, những khó khăn bước đầu khi triển khai sách giáo khoa mới vào nhà trường chắc hẳn là khó tránh khỏi. Chúng tôi mong các thầy cô hiểu và chia sẻ những khó khăn đó. Nếu không có sự nỗ lực của các thầy cô thì chương trình và sách giáo khoa mới khó triển khai thành công.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng.

Thùy Linh