Hạ chuẩn sẽ giúp thêm nhiều người dễ kiếm được danh tiến sĩ để làm "quan"

21/07/2021 06:38
Tùng Dương
GDVN- Nguy hiểm hơn, nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn có thể dễ dàng “tác động” vào quá trình xét duyệt đăng bài trên tạp chí trong nước, tạo kẽ hở cho tiến sĩ rởm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quy chế về đào tạo tiến sĩ để thay thế quy chế năm 2017. Với quy chế mới, có nhiều ý kiến cho rằng đó là bước "thụt lùi".

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng viện Văn hóa dân gian ứng dụng, ông Sơn chia sẻ:

“Việc “hạ chuẩn” đào tạo Tiến sĩ theo quy chế mới 2021 là không đúng với sự phát triển của khoa học, muốn phát triển thì rất cần sự hòa nhập với quốc tế, bây giờ bỏ bớt các công trình nghiên cứu quốc tế đi thì làm sao phát triển được khoa học?.

Quy định cho phép nghiên cứu sinh có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên. Theo tôi, quy định này đi ngược lại xu hướng hội nhập của khoa học Việt Nam, “hạ chuẩn” so với Quy chế cũ năm 2017.

Những bài báo in tạp chí khoa học trong nước cũng đáng khuyến khích, nhưng việc quản lý chưa chặt dẫn đến tình trạng lộn xộn, không có thực chất. Phần lớn các tạp chí nghiên cứu trong nước được xuất bản bởi các trường đại học, cá nhân tôi cho rằng quy trình duyệt bài còn lỏng lẻo, thậm chí có phần tuỳ tiện.

Tôi biết một tác giả có đến 3 bài đăng trong cùng một số báo, còn có khá nhiều người không viết được nhưng lại đi thuê, thậm chí có những bài báo quốc tế cũng đi thuê viết.

Nguy hiểm hơn, nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn có thể dễ dàng “tác động” vào quá trình xét duyệt đăng bài trên tạp chí trong nước, tạo kẽ hở cho việc ra đời các tiến sĩ rởm. Còn nếu nói đăng các bài báo nghiên cứu ở các tạp chí trong nước là để góp phần nâng cao chất lượng các tạp chí đó, tôi cho đó là ngụy biện”.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng viện Văn hóa dân gian ứng dụng. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng viện Văn hóa dân gian ứng dụng. Ảnh: NVCC.

Nhiều ý kiến cho rằng tạp chí nước ngoài cũng có thể “can thiệp” được để nghiên cứu sinh đăng bài? Ông Sơn cho biết: “Tạp chí nước ngoài mà “can thiệp” được thì đó chỉ là những tạp chí lá cải, thậm chí họ còn có dịch vụ tổ chức các chuyến du lịch, hội thảo trá hình để từ đó giúp nghiên cứu sinh đăng được bài báo quốc tế trên những loại tạp chí như vậy.

Còn những tạp chí quốc tế có uy tín, để mà đăng được một bài báo trên đó là thực sự khó khăn, đòi hỏi đề tài có chất lượng thật sự. Những tạp chí này họ không “quen biết” ai, không ai can thiệp được, họ có nhưng người phản biện uy tín và nghiên cứu sinh cũng không được biết. Như vậy những bài báo đó mới thật sự chất lượng.

Một nhà nghiên cứu khoa học về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, thì ông ta phải có những đề tài nghiên cứu thế nào, sách chuyên khảo ra làm sao, có bao nhiêu bài báo quốc tế, bài trong nước? Ngoài ba vấn đề đó, các nghiên cứu của ông có tác dụng gì cho khoa học, xã hội? Đây là vấn đề thiết thực, là gốc, còn đề tài “luyên thuyên” thì không có tác dụng, mà hiện tượng này hiện nay khá phổ biến”.

Học Tiến sĩ với mục đích làm “quan”?

Ông Sơn nêu quan điểm: “Làm quản lý và làm khoa học khác nhau, đừng lấy danh tiến sĩ khoa học để làm quản lý, lấy danh tiến sĩ với mục đích làm “quan”.

Tôi thấy rất phổ biến hiện nay có việc một số cán bộ đang là lãnh đạo, lại đi “làm thêm” tiến sĩ là không chuẩn, bởi những vị này lấy đâu ra thời gian? Bản thân tôi đã làm tiến sĩ nên tôi quá hiểu, bởi thời gian vài năm trời chỉ có nghiên cứu, vậy nên những vị lãnh đạo kia “đóng cửa” công việc suốt mấy năm liền để làm tiến sĩ hay sao? Tôi cho đó là sai.

Việc làm tiến sĩ mất rất nhiều thời gian, từ học lý thuyết, cập nhật thêm kiến thức, rồi nghiên cứu… vậy mà vị lãnh đạo đó vừa giải quyết công việc chuyên môn, lại vừa làm tiến sĩ. Đó là nói dối”.

Có giáo sư hướng dẫn hàng chục nghiên cứu sinh cùng một lúc, chưa kể có tiến sĩ về kinh tế lại đi hướng dẫn nghiên cứu sinh về Lịch sử, về vấn đề này, ông Sơn nếu quan điểm: “Đó là sai, bản thân tôi cũng đã hướng dẫn nghiên cứu sinh, đã là hướng dẫn phải hiểu sâu về vấn đề đó, phải am hiểu tường tận thì mới có thể góp ý.

Nguyên tắc, mình hướng dẫn thì không được phép làm hộ cho nghiên cứu sinh, mà chỉ hướng dẫn cách làm. Vậy mà hướng dẫn lại không có chuyên ngành thì hướng dẫn cái gì? Đây là kiểu cái gì cũng biết nhưng không vấn đề nào sâu.

Hơn nữa, hàng chục luận án tiến sĩ cùng một lúc thì người hướng dẫn làm sao có đủ thời gian, 1 đến 2, thậm chí hướng dẫn đến 3 học trò cùng một lúc đã là quá nhiều. Muốn hướng dẫn một luận án thường phải đọc rất nhiều tài liệu, tự học chuyên sâu, học hơn cả học trò thì mới hướng dẫn được”.

Nếu quy chế mới quy định chuẩn đầu ra thấp, sau 10 hay 15 năm tới, khi những lứa tiến sĩ này tốt nghiệp, liệu chất lượng tiến sĩ của chúng ta sẽ thế nào?. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Nếu quy chế mới quy định chuẩn đầu ra thấp, sau 10 hay 15 năm tới, khi những lứa tiến sĩ này tốt nghiệp, liệu chất lượng tiến sĩ của chúng ta sẽ thế nào?. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Ông Sơn nhấn mạnh: “Tôi thấy việc Bộ ra quy chế mới là “hạ cấp”, có ý kiến cho rằng do “sơ xuất”, nhưng theo tôi đây là hợp thức hóa tiến sĩ hạ cấp, là lợi ích nhóm. Có thể nói nếu như quy chế này thì đã cung cấp công cụ pháp lý để cho các nhóm lợi dụng, sử dụng danh tiến sĩ để làm “quan”.

Điều nữa, phải siết chặt việc học tiến sĩ bởi không ít cán bộ, công chức hiện nay đua nhau đi học tiến sĩ, nếu những vị đó chuyển sang nghiên cứu khoa học thì hãy thôi làm lãnh đạo. Còn làm giám đốc sở, quản lý nhà nước thì cần phải đi học quản lý hành chính công, chứ không phải cố “gắn mác” tiến sĩ ngành chung chung.

Theo tôi, nếu không cải tiến hơn thì cũng nên kế thừa những điểm tiến bộ về chuẩn đầu ra theo quy chế năm 2017, nghiên cứu sinh phải công bố tối thiểu hai bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó một bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục tạp chí ISI/Scopus, hoặc công bố tối thiểu hai báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, hoặc hai bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

Yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có tiến sĩ thật. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giữ yêu cầu công bố quốc tế trong khoa học xã hội và nhân văn, bởi quy định này không cao so với khu vực.

Ngành Khoa học xã hội nhân văn và tất cả ngành khác hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ với tiến sĩ theo khung bậc 8 trình độ năng lực quốc gia là rất cao, như tiếng Anh phải là B2, bậc 4/6. Có thể nâng chuẩn với một số ngành Khoa học tự nhiên, Công nghệ.

Nhưng ở quy chế mới là chuẩn đầu ra về chuyên môn, ngoại ngữ và hội nhập quốc tế đều thấp hơn. Chính vì vậy, việc cần phải sửa đổi quy chế mới vừa ban hành là thực sự góp phần nâng cao chất lượng khoa học công nghệ, chất lượng đội ngũ trí thức Việt Nam. Đây là điều mấu chốt.

Nếu quy chế mới quy định chuẩn đầu ra thấp, sau 10 hay 15 năm tới, khi những lứa tiến sĩ này tốt nghiệp, liệu chất lượng tiến sĩ của chúng ta sẽ thế nào? Điều này có thể gây ra hệ lụy cho chất lượng đào tạo đại học và sau đại học của Việt Nam”.

Tùng Dương