LTS: Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành gây nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề tiêu chuẩn đầu ra.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng.
Phóng viên: Thưa thầy, thầy đánh giá như thế nào về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Tiến sĩ mới được ban hành? Nó có những ưu – nhược điểm nào so với Thông tư 08/2017 trước đây?
Giáo sư Trần Văn Nam: So với quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ ban hành theo thông tư 08/2017/TT-BGDĐT, ngày 04/4/2017 và quy chế mới ban hành theo thông tư số 18/2021/TT- BGDĐT, ngày 28/6/2021 tôi thấy có những ưu điểm nổi bật, nhưng cũng có những điểm cần trao đổi thêm.
Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư về cơ bản vẫn giữ như quy chế cũ, nhưng có một số nổi bật: quy chế khung, có những quy định, các mức cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu của một Tiến sĩ.
Các cơ sở giáo dục Đại học có thể dựa vào quy chế này ban hành quy chế riêng cho cơ sở mình với các tiêu chuẩn cao hơn.
Quy chế phù hợp với Luật Giáo dục đại học, tạo điều kiện thuận lợi và linh hoạt hơn cho cả cơ sở đào tạo và nghiên cứu sinh trong quá trình tuyển sinh và đào tạo Tiến sĩ, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy tự chủ.
Tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, nhằm tạo lập niềm tin của xã hội về chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam.
Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc tổ chức triển khai, từ xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh và công nhận nghiên cứu sinh, tổ chức đào tạo, chuẩn đầu ra và cấp bằng.
Quy chế cũng quy định tiêu chuẩn để hướng dẫn nghiên cứu sinh, số lượng nghiên cứu sinh được hướng dẫn tối đa, thời gian đào tạo, số lượng tín chỉ, chuyên đề,… công nhận năng lực ngoại ngữ theo khung 6 bậc...
Giáo sư Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ về những bất cập, hạn chế của Thông tư 18/2021 so với Thông tư 08/2017. Ảnh: AN |
Còn nhược điểm thì chủ yếu xoay quanh quy chế mới là chuẩn đầu ra chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0,75 điểm trở lên).
Phóng viên: Thông tư mới không quy định bắt buộc Nghiên cứu sinh phải có bài báo thuộc danh mục ISI-Scopus.
Xung quanh vấn đề này đã nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều nhau. Trong đó, có ý kiến cho rằng, đây là một bước “thụt lùi” so với các quy định trước đây. Quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?
Giáo sư Trần Văn Nam: Tôi nhớ năm 2003 Giáo sư Trần Văn Thọ (Tokyo) có viết trên Tia Sáng đặt ra hai vấn đề: (1) Việt Nam duy trì quy trình đào tạo Tiến sĩ theo tiêu chuẩn riêng của mình và văn bằng này xem như hàng nội địa tiêu thụ tại nước mình; (2) Xem học vị Tiến sĩ phải tương đương hoặc gần tương đương văn bằng nước ngoài.
Và nếu chọn phương án 2 thì có nhiều giải pháp cần phải cải tiến, mãi đến năm 2017 quy định mới ban hành chuẩn đầu ra tiếp cận với quốc tế.
Đó là nghiên cứu sinh cần công bố tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus;
Hoặc đã công bố tối thiểu 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Do quy định này và tiêu chuẩn ngoại ngữ đầu vào khắt khe nên số lượng nghiên cứu sinh ở các cơ sở đào tạo bị giảm đáng kể và số nghiên cứu sinh đủ điều kiện bảo vệ cũng giảm.
Nhưng rõ ràng người hướng dẫn có trách nhiệm hơn, thái độ làm việc của nghiên cứu sinh nghiêm túc hơn, chất lượng luận án được nâng cao, số lượng bài báo ISI-Scopus cũng tăng lên hàng năm.
Nhờ yêu cầu như vậy nên những người muốn làm nghiên cứu sinh trong nước cũng phải có thời gian chuẩn bị về ngoại ngữ rất nghiêm túc, không khác gì chuẩn đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Nghiên cứu sinh tham gia vào các dự án nghiên cứu của thầy, đề tài Nafosted cũng tăng lên đáng kể. Nhờ có đề án 322, 911 mà Việt Nam có một đội ngũ Tiến sĩ được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, họ am hiểu quy trình đào tạo tiến sĩ và có kinh nghiệm làm dự án, viết báo ISI.
Nhiều người sớm trở thành Phó Giáo sư và ngay cả Giáo sư rất trẻ nên cũng là lực lượng hướng dẫn nghiên cứu sinh có công bố quốc tế ISI khá mạnh ở các đại học.
Nhiều đại học, hay người hướng dẫn còn yêu cầu nghiên cứu sinh phải đạt cao hơn, không chỉ 1 mà 2, 3 bài với chuẩn Q1, Q2,…
Tiến sĩ tốt nghiệp trong nước và nước ngoài ít nhất cũng có một chuẩn so sánh là công bố quốc tế, họ hoàn toàn tự hào là mình không thua kém gì.
Rõ ràng nhờ thông tư 08/2017 mà số lượng bài báo ISI không chỉ lĩnh vực khoa học cơ bản, tự nhiên, kỹ thuật tăng lên mà khoa học xã hội cũng tăng lên đáng kể.
Số lượng Phó Giáo sư, Giáo sư theo tiêu chuẩn mới tiếp cận với quốc tế trong những năm gần đây cũng tăng lên và trẻ hóa nhiều, phần lớn cũng nhờ đào tạo nghiên cứu sinh và công bố quốc tế.
Phải nói thêm rằng các Tạp chí khoa học trong nước đều đặt mục tiêu vào danh mục WoS/Scopus, nhưng vẫn còn khó khăn lắm, một phần lớn là do chất lượng các bài báo và trích dẫn (Việt Nam chỉ có 7 Tạp chí trong hệ thống Web of Science và 06 Tạp chí trong hệ thống Scopus).
Vì vậy các bài đăng trên Tạp chí trong nước không thuộc danh mục WoS/Scopus rõ ràng không thể đánh đồng chất lượng cao được, mặc dù là được Hội đồng chức danh Giáo sư ngành cho điểm từ 0 đến 0,75.
Tôi cũng được biết trong các Hội đồng chức danh Giáo sư ngành khi đánh giá các bài báo ở Tạp chí Việt Nam thì ít có bài nào đạt điểm tối đa theo quy định. Cho nên có 3 bài để đạt 2 điểm công trình thì rất khó khăn.
Vì vậy, theo tôi trước mắt nên giữ lại tiêu chuẩn tối thiểu phải có 1 công bố trên ISI-Scopus, sau đó từng bước nâng dần lên 2 bài. Giai đoạn đầu sẽ ít nghiên cứu sinh, nhưng chất lượng Tiến sĩ tiệm cận quốc tế, sau đó sẽ tăng dần số lượng nghiên cứu sinh.
Nghiên cứu sinh cần công bố tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có tối thiểu 1 bài là tác giả chính đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus.
Bài còn lại là tác giả chính công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0,75 điểm trở lên) hoặc công bố trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai đề án 89 với việc đào tạo 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ nhưng với quy chế đào tạo Tiến sĩ theo thông tư 18/2021 mới ban hành gây nhiều lo ngại sẽ có những "lò ấp" Tiến sĩ ra đời. Ảnh: AN |
Phóng viên: Lâu nay, dư luận xã hội vẫn bức xúc trước tình trạng các “lò ấp” Tiến sĩ với chất lượng đào tạo kém, liệu với quy định mới này (Thông tư 18/2021) có khiến tình trạng trên tái diễn phức tạp hơn? Và vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng hiện nay trong đào tạo Tiến sĩ là gì, thưa thầy?
Giáo sư Trần Văn Nam: Tôi nghĩ với quy định mới này thì chắc chắn sẽ có một số cơ sở đào tạo đại học tái diễn tình trạng đào tạo tiến sĩ như cũ, một số ít cơ sở sẽ vẫn giữ chuẩn đầu ra như đang triển khai theo thông tư 08/2017.
Vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng hiện nay trong đào tạo tiến sĩ là phải có quy trình đào tạo theo chuẩn mực các nước tiên tiến và chúng ta đã có cơ sở từ Thông tư 08/2021 rồi.
Cộng thêm người hướng dẫn chính phải biên chế chính thức của cơ sở giáo dục đại học của nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh phải làm tập trung toàn thời gian, luận án tiến sĩ phải có tính học thuật và tính độc sáng, phải có công bố trên tạp chí WoS/Scopus.
Phóng viên: Tại các nước tiên tiến trên thế giới thì quy trình đào tạo Tiến sĩ như thế nào thưa thầy và họ có bắt buộc nghiên cứu sinh phải có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI-Scopus không?
Giáo sư Trần Văn Nam: Theo tôi được biết thì một số các nước tiên tiến trên thế giới giao quyền lại cho các đại học và Giáo sư hướng dẫn, đặc biệt là các đại học hàng đầu.
Nhưng việc đăng các bài báo trên tạp chí ISI hay các hội nghị khoa học uy tín là việc làm thường xuyên của Giáo sư và Giáo sư cũng bắt buộc nghiên cứu sinh thực hiện.
Còn lại một số các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Đài Loan, Úc,… và các nước đang phát triển (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ,… thì đều quy định nghiên cứu sinh phải có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus; thậm chí có đại học quy định hẵn thuộc ISI với hạng Q cao nữa (Q1/Q2).
Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi !