Kết quả thi hai môn Lịch sử và Giáo dục công dân trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đặc biệt là năm 2021, môn học nào phản ánh đúng tình trạng “Dạy thật, học thật, thi thật”?
Thứ nhất, nói về môn Lịch sử
Tại một địa phương:
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết trong 06 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 (mà học sinh thành phố lựa chọn), môn Lịch sử chỉ có 37,05% bài thi đạt từ trung bình (5 điểm) trở lên. Lịch sử trở thành môn có kết quả kém nhất kỳ thi năm 2021 này.
Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, một địa phương từng được biết đến với câu quảng bá “Thành phố đáng sống”. Với 2/3 học sinh thành phố tham dự kỳ thi bị điểm dưới trung bình môn Lịch sử, Đà Nẵng sẽ cần bao lâu để Lịch sử hết đứng chót bảng?
Kết quả thi môn Lịch sử toàn quốc:
Môn Lịch sử kỳ thi năm 2021 có 637.005 thí sinh dự thi, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 331.429 (chiếm tỉ lệ 52,03%). Với tỷ lệ này, môn Lịch sử cũng là môn có điểm trung bình thấp nhất trong tất cả các môn thi kỳ thi năm 2021.
Nói cách khác, trên bình diện quốc gia, Lịch sử cũng là môn đội sổ.
(Tỷ lệ điểm dưới trung bình các môn còn lại như sau: Toán: 17,41%; Ngữ văn: 12,06%; Vật lý: 13,06%; Hóa học: 16,31%; Sinh học: 34,52%; Địa lý: 4,63%; Giáo dục công dân: 1%; Tiếng Anh: 40,27%).
Kết quả thi môn Lịch sử trong 07 năm gần đây:
Năm |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
Điểm trung bình |
5,19 |
4,49 |
4,60 |
3,79 |
4,30 |
5,20 |
4,97 |
Tỷ lệ điểm dưới trung bình (%) |
41,05 |
56,16 |
61,90 |
83,24 |
70,01 |
46,95 |
52,03 |
Số liệu năm 2015 được tính toán dựa vào phổ điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Trong bảy năm từ 2015 đến 2021, điểm trung bình cao nhất môn Lịch sử chỉ là 5,2 và có tới 05 năm, tỷ lệ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông dưới trung bình chiếm hơn 50%.
Lý do chọn mốc thời gian năm 2015 vì đây là thời điểm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 3538 phê duyệt phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học cao đẳng (gọi là kỳ thi 3 chung: chung đợt, chung đề, dùng chung kết quả).
Thứ hai, nói về môn Giáo dục công dân
Ngược với Lịch sử, môn Giáo dục công dân luôn là môn có kết quả thuộc nhóm tốt nhất trong số các môn thi dựa vào số liệu trong 05 năm gần đây:
Kết quả thi môn Giáo dục công dân trong 05 năm gần đây:
Năm |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
Điểm trung bình |
7,80 |
7,13 |
7,37 |
8,14 |
8,37 |
||
Tỷ lệ điểm dưới trung bình (%) |
1,19 |
4,93 |
3,96 |
1,10 |
1,00 |
Năm 2015 và 2016 không thi môn Giáo dục công dân, chỉ thi 08 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Môn Giáo dục công dân có điểm trung bình cao nhất là 8,37 (năm 2021) và tỷ lệ điểm dưới trung bình chưa năm nào vượt quá 5%.
Để có cái nhìn toàn cảnh hơn, hãy so sánh điểm thi giữa hai môn Lịch sử và Giáo dục công dân bằng cách lấy điểm trung bình học bạ (lớp 12) trừ điểm trung bình thi để cho ra số điểm chênh lệch.
Để tiện so sánh, xin lấy số liệu 05 thành phố trực thuộc trung ương:
Môn Lịch sử:
Địa phương |
Hà Nội |
Hải Phòng |
Thành phố Hồ Chí Minh |
Đà Nẵng |
Cần Thơ |
Cả nước |
Điểm trung bình học bạ |
8,231 |
8,310 |
8,134 |
7,587 |
7,529 |
7,659 |
Điểm trung bình thi |
4,855 |
5,142 |
5,270 |
4,526 |
5,220 |
4,971 |
Chênh lệch |
3,376 |
3,168 |
2,864 |
3,061 |
2,040 |
2,689 |
Môn Giáo dục công dân:
Địa phương |
Hà Nội |
Hải Phòng |
Thành phố Hồ Chí Minh |
Đà Nẵng |
Cần Thơ |
Cả nước |
Điểm trung bình học bạ |
8,534 |
8,680 |
8,498 |
7,995 |
8,459 |
8,182 |
Điểm trung bình thi |
8,172 |
8,832 |
8,588 |
8,012 |
8,512 |
8,372 |
Chênh lệch |
0,362 |
-0,152 |
-0,09 |
-0,016 |
-0,053 |
-0,190 |
Nhận xét: với cả nước, điểm trung bình môn Lịch sử trong kỳ thi thấp hơn rất nhiều so với điểm học bạ lớp 12, môn Giáo dục công dân cho kết quả ngược lại – điểm trung bình thi cao hơn điểm học bạ.
Giữa hai môn Lịch sử và Giáo dục công dân môn học nào phản ánh đúng tình trạng “Dạy thật, học thật, thi thật”?
Thực ra tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nên kết quả “đội sổ” của môn Lịch sử năm 2021 không còn gây sốc cho xã hội.
Phải chăng tất cả các đối tượng liên quan: nhà giáo, học sinh, người quản lý, người tuyên truyền, người hoạch định chính sách,… đều bất lực trước sự “đội sổ” của môn Lịch sử?
Phải chăng câu nói: “Dân ta phải biết sử ta; Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” là câu ít được người dạy, người học và người quản lý nhớ nhất?
“Nội dung môn học khô cứng, số liệu nhiều khó nhớ, cách dạy không sáng tạo, học sinh không hứng thú,…” luôn là lý do biện minh cho kết quả thi Lịch sử thấp.
Trong khi chờ đợi một phép màu nào đó có thể biến Lịch sử thành gói kem ốc quế mà bất kỳ học sinh nào cũng thích, phải chăng nên tạm thời cho các cháu uống cốc thuốc đắng nhằm chữa bệnh “chán lịch sử” bằng cách biến Lịch sử thành môn thi bắt buộc?
Tin rằng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm đưa Lịch sử ngang hàng với Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ thì mọi chuyện sẽ khác.
Được biết thời gian thi các môn như sau: Ngữ văn: 120 phút; Toán: 90 phút, mỗi môn thành phần trong bài thi tổ hợp 50 phút (cả môn tổ hợp là 150 phút), Ngoại ngữ: 60 phút.
Như vậy nếu đưa Lịch sử thành môn chính và thi trong 60 phút cùng buổi với Ngoại ngữ thì tổng thời gian thi chỉ là 120 phút, ít hơn thời gian thi môn tổ hợp.
Theo quy định trong Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (tự nhiên hoặc xã hội) để xét công nhận tốt nghiệp nếu đạt trên 1,0 điểm và có tổng điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên (theo thang điểm 10) đều được công nhận tốt nghiệp.
Giáo dục công dân luôn là môn có điểm thi cao, Địa lý là môn được sử dụng công cụ hỗ trợ (Atlat) nên tâm lý thí sinh là tập trung vào hai môn này còn Lịch sử chỉ cần thoát điểm liệt.
Vấn đề là vì sao môn Giáo dục công dân lại trở thành phao cứu sinh cho thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp tổ hợp khoa học xã hội?
Đọc toàn bộ 40 câu hỏi của mã đề 310 và các phương án đáp án kèm theo, có thể thấy bộ phận ra đề đã chủ động gợi ý chọn đáp án ngay trong câu hỏi, chẳng hạn câu 85:
“Việc công dân bàn bạc và quyết định trực tiếp mức đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương là thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội ở phạm vi:
A: quốc gia; B: lãnh thổ; C: cả nước; D: cơ sở.
Hoặc câu 86:
“Hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị coi là tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự là vi phạm:
A: dân sự; B: kỷ luật; C: hình sự; D: hành chính.
Với câu 85, chỉ cần đọc đề là biết đáp án bởi: “công trình phúc lợi ở địa phương” không thể là “quốc gia, lãnh thổ hay cả nước”.
Với câu 86, đề đã nói rõ đây là quy định trong Bộ luật Hình sự thì cần gì phải suy nghĩ.
Rõ ràng với cách ra đề như trên, việc có được điểm cao, thậm chí là điểm tối đa với môn Giáo dục công dân là khỏi phải bàn luận.
Phải chăng vì đây là Giáo dục công dân nên kết quả không được phép thấp?
Trong 40 câu hỏi, rất nhiều câu bắt đầu bằng cụm từ “Theo quy định của pháp luật” (các câu 82, 88, 92, 98, 99, 100, 102, 103, 107), việc học sinh đạt điểm rất cao môn Giáo dục công dân có đồng nghĩa với sự hiểu biết “quy định của pháp luật” cao tương ứng?
Câu trả lời là không.
Học sinh cả nước giỏi môn “Giáo dục công dân” như thế, thấm nhuần pháp luật như thế thì tại sao báo chí lại đồng thanh lên tiếng:
“Báo động tình trạng bạo lực học đường”. [1]
“Bạo lực học đường ngày càng gia tăng và nghiêm trọng”. [2]
“Báo động nạn bạo lực học đường”. [3]
“Bạo lực học đường gia tăng - Sự xuống cấp nghiêm trọng của các giá trị đạo đức”. [4]
…
Bài “Báo động tình trạng bạo lực học đường” [1] đăng trên báo Nhân Dân điện tử ngày 13/04/2021 nghĩa là chỉ trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 khoảng ba tháng.
Vậy phải hiểu thế nào về nghịch lý giữa điểm cao chót vót môn Giáo dục công dân với thực tế bạo lực học đường?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://nhandan.vn/dien-dan-giao-duc/bao-dong-tinh-trang-bao-luc-hoc-duong-641813/
[2]http://mgiadinhvatreem.vn/xem-tin_bao-luc-hoc-duong-ngay-cang-gia-tang-va-nghiem-trong_570_35682.html
[3] https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bao-dong-nan-bao-luc-hoc-duong-892820.ldo
[4] https://vovgiaothong.vn/bao-luc-hoc-duong-gia-tang-su-xuong-cap-nghiem-trong-cua-cac-gia-tri-dao-duc-xa-hoi