Thi tốt nghiệp trung học phổ thông – mất lòng cũng phải nói

14/06/2021 13:16
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là kỳ thi được tổ chức để cấp bằng cho những người muốn có bằng, những người không cần bằng không phải tham gia kỳ thi này.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông là kỳ thi được viết trong Luật Giáo dục 2019. Ngôn từ trong luật cho thấy đây không phải là kỳ thi bắt buộc mọi học sinh học hết chương trình trung học phổ thông phải tham gia, cũng không phải là kỳ thi bắt buộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quản lý như là kỳ thi quốc gia.

Những ý kiến cho rằng đây là “kỳ thi theo luật định”, là “kỳ thi quốc gia” đều không đúng với ngôn ngữ trong các điều khoản của Luật Giáo dục mà chỉ đúng với quy định trong một văn bản dưới luật là “Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia” ban hành kèm theo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xin giải thích thêm một chút về nhận định này:

Thứ nhất, khoản 2, điều 12 Luật Giáo dục viết: “Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương”.

Theo quy định trong luật, bằng tốt nghiệp trung học cơ sở được cấp căn cứ vào học lực và học sinh không phải thi.

Muốn có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp và đạt yêu cầu theo quy định, cụ thể khoản 3 điều 34, Luật Giáo dục viết:

“Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông…”.

Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là kỳ thi được tổ chức để cấp bằng cho những người muốn có bằng, những người không cần bằng không phải tham gia kỳ thi này nhưng vẫn được cấp “Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông”.

Ảnh minh họa: EVNNPC.

Ảnh minh họa: EVNNPC.

Thứ hai, luật quy định bằng tốt nghiệp trung học phổ thông do “Người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp”.

Như vậy người cấp bằng (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Giám đốc Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bằng mình cấp phát nhưng lại không được phép quản lý toàn bộ quá trình tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông bởi khâu ra đề lại do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Với đặc thù chia năm sẻ bảy của giáo dục, nói theo cách văn học là “Hoa thơm mỗi đơn vị hưởng một ít”, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng không ngoại lệ, cũng bị cắt khúc chia sẻ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý giáo dục địa phương.

Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ phải ôm đồm chuyện ra đề thi mà không dám giao cho địa phương tự chủ? Phải chăng có sự lo ngại chuyện địa phương ra đề và tổ chức thi kiểu “tháo khoán” nhằm nâng cao thành tích mà không quan tâm đến chất lượng?

Để khắc phục tình trạng này, chỉ cần siết chặt khâu tuyển sinh đại học, thống kê tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được tuyển vào đại học là biết được chất lượng giáo dục.

Thứ ba, hiện nay, bằng đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ do cơ sở giáo dục đại học cấp phát và người đứng đầu cơ quan này chịu trách nhiệm từ khâu tuyển sinh, giảng dạy đến lập hội đồng thi hoặc hội đồng bảo vệ luận án, ra đề thi, công nhận kết quả,…

Không có cơ sở giáo dục đại học nào nhận đề thi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức thi tốt nghiệp cho sinh viên của mình. Càng không thể nói bằng tốt nghiệp trung học phổ thông quan trọng hơn các loại bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ.

Với chức năng quản lý nhà nước về Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên ban hành các Thông tư quy định “Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, các văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế, thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thi chứ không nên làm những công việc cụ thể như ra đề thi.

Thứ tư, không có điều khoản nào trong Luật Giáo dục 2019 quy định bắt buộc phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thống nhất toàn quốc và kỳ thi này do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khâu ra đề.

Vậy nên câu hỏi quan trọng nhất là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, có đóng góp thiết thực vào quá trình đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà?

Trả lời câu hỏi này, hãy nhìn vào tỷ lệ tốt nghiệp trong hai khoảng thời gian gần với các sự cố nổi bật của giáo dục.

Năm 2007 là năm nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, tỷ lệ tốt nghiệp giảm thê thảm so với năm 2006 nhưng ngay sau đó là sự hồi phục diệu kỳ.

Tỷ lệ tốt nghiệp trước và sau “sự cố” năm 2007

Tỷ lệ tốt nghiệp trước và sau “sự cố” năm 2007

Năm 2018 là năm cả nước bàng hoàng với sự gian lận quy mô lớn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Sang năm 2019, có thể do phản ứng của xã hội và sự thận trọng của cơ quan quản lý nên tỷ lệ tốt nghiệp giảm gần 4%. Đến năm 2020, mọi chuyện lại trở lại bình thường và xã hội lại thấy sự vươn lên ngạo nghễ của tỷ lệ tốt nghiệp ở mức 98,34%.

Tỷ lệ tốt nghiệp trước và sau “sự cố” năm 2018

Tỷ lệ tốt nghiệp trước và sau “sự cố” năm 2018

Kết quả tốt nghiệp năm 2007 là hệ quả tất yếu của quá trình nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích, nó không phản ánh việc giảng dạy tốt hay không tốt tại các trường phổ thông, cũng không cho thấy mặt bằng kiến thức của học sinh năm học này kém hơn các năm trước hoặc sau năm 2007.

Từ các sự kiện năm 2007 và 2018 có thể thấy tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông không phản ánh đúng chất lượng giáo dục cũng như chất lượng kỳ thi tại nhiều địa phương.

Nói cách khác, bằng các biện pháp nghiệp vụ khi ra đề, ôn tập, tổ chức thi cử,… hoàn toàn có thể chủ động điều tiết tỷ lệ tốt nghiệp mà kết quả trước và sau các năm xảy ra “sự cố” 2007 và 2018 là ví dụ cụ thể.

Kết luận:

Thứ nhất, với tỷ lệ tốt nghiệp được duy trì ở mức trên 95% như nhiều năm gần đây, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là không cần thiết.

Tuy nhiên sẽ không phải là nghịch lý nếu nói tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cao trên 95% là phù hợp bởi khi học xong lớp 12, phần lớn học sinh ở độ tuổi 18, lứa tuổi có quyền công dân, có thể bắt đầu cuộc sống tự lập bằng cách đi làm hoặc tiếp tục học tập.

Chủ trương phân luồng được đề cập trong Quyết định số 522/QĐ-TTg phấn đấu đến năm 2025 có 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề.

Có nên tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chuyển sang học nghề bằng cách không đặt yêu cầu quá khắt khe về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông?

Đánh trượt hoặc để học sinh lưu ban lớp 12 với tỷ lệ cao dễ mang tới sự ám ảnh tâm lý cho học sinh và gia đình, tạo nên gánh nặng cho cả xã hội.

Với cách lập luận này, việc đánh giá và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ nên thực hiện nhẹ nhàng và nên giao cho cấp tỉnh thực hiện.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm hộ các cơ sở giáo dục đại học khâu tuyển sinh đầu vào bởi có tới hàng trăm trường đại học chọn phương án tuyển sinh bằng học bạ nếu thí sinh có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đây không phải là cuộc đua công bằng bởi không phải đại học nào cũng đào tạo các ngành nghề giống nhau và sự chênh lệch “đẳng cấp” giữa trường công lập và tư thục không phải là không có.

Xu thế “Tự chủ đại học” là không thể đảo ngược, các cơ sở giáo dục đại học phải tự lo việc tuyển sinh cho mình chứ không thể dựa dẫm vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo.

Thứ ba, nếu thực hiện chuyển kỳ thi hoặc xét tốt nghiệp trung học phổ thông về cho địa phương thì phải thực hiện đồng bộ với quy định tuyển sinh đại học nghĩa là không thể dùng điểm trong học bạ trung học phổ thông làm cơ sở xét tuyển đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học phải tự tổ chức hình thức tuyển sinh để tuyển chọn sinh viên và việc này không nhất thiết chỉ làm một lần trong một năm.

Xuân Dương