Quyết định 2454, 2455 có thành "cái roi" ép giáo viên đi học chứng chỉ tích hợp?

05/08/2021 07:06
Sơn Quang Huyến
GDVN- Giáo viên cố gắng tự học tập, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực của bản thân, góp phần nâng cao chất lượng bộ môn tích hợp, để mình không bị đào thải.

Ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2454 về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý.

Hai quyết định này khiến nhiều giáo viên lo lắng, bức xúc: “Giáo viên lo thiếu chứng chỉ bồi dưỡng môn tích hợp, có bị tinh giản biên chế?”, “Chương trình bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên, thầy cô có thể phải đóng tiền”, “Giáo viên đã khổ vì chứng chỉ lắm rồi, sao còn phải bỏ tiền học 2 môn tích hợp?”, “Thầy cô dạy 2 môn tích hợp mới cần chuẩn bị tâm thế, tài chính, thời gian”.

Giáo viên có thể tự học để dạy môn tích hợp được không?

Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) ở Vũng Tàu chia sẻ: “Mình có bằng Cao đẳng Sư phạm Hóa – Sinh, nay đã học có bằng Đại học Sư phạm ngành Hóa học.

Thực tế, mình vẫn dạy 2 môn Sinh, Hóa từ trước đến nay, khi dạy môn Khoa học tự nhiên rất thuận lợi, chỉ cần củng cố lại kiến thức môn Vật lý nữa, tin chắc mình sẽ dạy tốt môn Khoa học tự nhiên”.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: baochinhphu.vn.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: baochinhphu.vn.

Giáo viên nói chung và giáo viên tích hợp nói riêng, đang tiến hành bồi dưỡng mô đun 1, 2, 3, 4 trong Chương trình bồi dưỡng của Bộ, để triển khai chương trình lớp 1, 2, 6.

Thực tế, giáo viên dạy môn tích hợp khi bồi dưỡng mô đun 1, 2, 3, 4 đều bồi dưỡng nội dung như nhau, chỉ có khi làm sản phẩm Kế hoạch bài dạy… để “nộp bài cuối khóa” (bài kiểm tra chấm điểm tích lũy để cấp chứng chỉ) của mô đun theo đơn môn của mình.

Ví dụ, giáo viên môn Sử hoặc Địa khi bồi dưỡng mô đun 1, 2, 3, 4 đều bồi dưỡng nội dung như nhau, khi làm sản phẩm Kế hoạch bài dạy để “nộp bài cuối khóa”, giáo viên môn Địa làm Kế hoạch bài dạy chủ đề của phần Địa lý trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý; giáo viên đơn môn Sử làm Kế hoạch bài dạy chủ đề của phần Lịch sử trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý 6; Tương tự, với môn Khoa học tự nhiên, cũng vậy.

Mục tiêu của Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên ghi rõ:

“1.2.1. Mục tiêu chung

Sau khi hoàn thành chương trình, học viên có phẩm chất, năng lực tối thiểu để đáp ứng được việc dạy học môn KHTN trong chương trình giáo dục THCS; có khả năng tự học, tự nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

1.2.2. Mục tiêu cụ thể

Hoàn thành chương trình, học viên có các năng lực đáp ứng việc dạy học môn KHTN, bao gồm các năng lực thành phần:

  • Năng lực KHTN gồm 3 thành tố: nhận thức KHTN, tìm hiểu thế giới tự nhiên và vận dụng kiến thức, kĩ năng trong giải quyết các vấn đề dạy học, giáo dục và thực tiễn.

  • Năng lực dạy học KHTN cơ bản gồm 6 thành tố: phân tích kiến thức, kỹ năng môn KHTN; phân tích và phát triển kế hoạch giáo dục nhà trường môn KHTN trên cơ sở chương trình môn học đã có; lập kế hoạch dạy học KHTN; xây dựng các tư liệu dạy học và sử dụng các phương tiện dạy học KHTN; tổ chức các hoạt động dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; và đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh trong học tập KHTN”.

Như vậy giáo viên đã được đào tạo qua trường Sư phạm và hoàn thành bồi dưỡng mô đun 1, 2, 3, 4 môn Khoa học tự nhiên đã có “Năng lực Khoa học tự nhiên, Năng lực dạy học Khoa học tự nhiên”; “có khả năng tự học, tự nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”.

Mục tiêu của Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý ghi rõ:

1.2.1. Mục tiêu chung

Trang bị cho học viên các năng lực trên cơ sở những kiến thức, kĩ năng nền tảng, hiện đại để đáp ứng tốt việc dạy học môn Lịch sử và Địa lí trong chương trình giáo dục THCS. Qua đó, giúp học viên có khả năng nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu, thích ứng với mọi điều kiện dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông.

1.2.2. Mục tiêu cụ thể

Hình thành được cho người tham gia bồi dưỡng:

+ Năng lực dạy học môn Lịch sử và Địa lí: Có năng lực chuyên môn cơ bản, nền tảng về khoa học Lịch sử và Địa lí; năng lực phân tích và phát triển kế hoạch giáo dục nhà trường môn Lịch sử và Địa lí dựa trên chương trình khung đã có; Năng lực thiết kế chủ đề học tập môn Lịch sử và Địa lí; Năng lực tổ chức dạy học môn Lịch sử và Địa lí; Năng lực sử dụng các phương tiện dạy học; Năng lực đánh giá kết quả học tập của học sinh.

+ Năng lực giáo dục: Có năng lực giáo dục thông qua các nội dung môn Lịch sử và Địa lí, đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo hướng tiếp cận năng lực.

+ Năng lực phát triển cộng đồng và năng lực phát triển bản thân: Phối hợp được với các lực lượng giáo dục khác để giáo dục học sinh, tạo động lực thúc đẩy học sinh tham gia các hoạt động chính trị, xã hội của cộng đồng nhằm phát triển xã hội học tập; có khả năng hiểu bản thân, quản lý bản thân và tạo động lực để phát triển bản thân.

Giáo viên đã được đào tạo qua trường Đại học Sư phạm và hoàn thành bồi dưỡng mô đun 1, 2, 3, 4 môn Lịch sử và Địa lý đã có “Năng lực dạy học môn Lịch sử và Địa lí, Năng lực giáo dục; Năng lực phát triển cộng đồng và năng lực phát triển bản thân”.

Vì vậy, giáo viên đơn môn đã học Sư phạm hay Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và hoàn thành mô đun 1, 2, 3, 4 trong bồi dưỡng chương trình 2018 hoàn toàn có thể tự học để dạy môn tích hợp.

Trong tất cả các phương pháp pháp, kĩ thuật dạy học, tự học là phương pháp tối ưu nhất, để nâng cao năng lực và phẩm chất người học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục nên khuyến khích giáo viên tự học để dạy môn tích hợp, đó là giải pháp căn cơ, cũng là biện pháp xây dựng xã hội, trường học, cá nhân học tập suốt đời; làm tấm gương tự học cho học sinh noi theo.

Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT có thành cái “roi” lùa giáo viên đến lớp học chứng chỉ và đóng tiền cho các trường sư phạm?

Giáo viên nói chung, giáo viên tích hợp nói riêng đã rất khổ vì các loại chứng chỉ, giấy phép con trong thời gian qua.

Giáo viên ngoài đóng tiền học phí còn đóng tiền “quỹ lớp”, tiền “bôi trơn”…, cứ thế xuất hiện chợ “bán chứng chỉ”.

Khi có văn bản của Bộ, các cơ sở giáo dục sẽ liên kết, liên danh, tìm cách “mở lớp”, … sĩ số càng nhiều càng ít, tất cả vì … “hoa hồng”.

Ngay cả khi Bộ đã có dự định bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, vậy mà có địa phương vẫn còn “mở lớp” đó thôi.[1]

Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT liệu có thành cái “roi” lùa giáo viên đến các lớp học chứng chỉ và đóng tiền cho các trường sư phạm như đã từng xảy ra khi yêu cầu giáo viên có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp trước đây?

Để hạn chế Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT có thể bị lợi dụng, Bộ cần có kế hoạch, lộ trình thực hiện Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT minh bạch, không để cơ sở biến Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT thành “vòng kim cô” cho giáo viên.

Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT có đi ngược xu hướng "cắt giảm văn bằng, chứng chỉ, giảm tiêu cực cho xã hội"?

Việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức được thực hiện từ năm 2003. Số lượng chứng chỉ bắt buộc hiện tại lên tới hơn 200. Không phủ nhận hệ thống này góp phần nhất định vào việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Nhưng mặt trái, gánh nặng của nó dường như ngày càng lớn hơn.

Cắt giảm văn bằng, chứng chỉ, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí xã hội là con số rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Về mặt xã hội, giảm chứng chỉ với công chức, viên chức cũng làm triệt tiêu những tiêu cực phát sinh như tội phạm làm giả bằng cấp, cơ sở đào tạo "mua bán" bằng cấp… [2]

Giáo viên đã có bằng cấp đạt chuẩn Luật Giáo dục 2019, nay phải gánh thêm “giấy phép con” “Hoàn thành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn …”; phải chăng Quyết định 2454, 2455/QĐ-BGDĐT đi ngược lại “Cắt giảm văn bằng, chứng chỉ: Giảm tiêu cực cho xã hội”?

Giáo viên cố gắng tự học tập, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực của bản thân, góp phần nâng cao chất lượng bộ môn tích hợp, cũng là để mình không tự đào thải.

Thế nhưng, giáo viên cũng cần được tự do, được tự học, góp phần xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giam-doc-so-giao-duc-nghe-an-noi-gi-ve-cong-van-boi-duong-chuc-danh-giao-vien-post218542.gd

[2]https://vov.vn/chinh-tri/cat-giam-van-bang-chung-chi-giam-tieu-cuc-cho-xa-hoi-878232.vov

Luật Giáo dục 2019.

Quyết định Số: 2454,2455/QĐ-BGDĐT.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến