Thầy cô dạy 2 môn tích hợp mới cần chuẩn bị tâm thế, tài chính, thời gian

01/08/2021 07:26
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều mà nhiều người băn khoăn hơn cả là sau 3 tháng bồi dưỡng thì những giáo viên đơn môn hiện nay có thành những giáo viên tích hợp đích thực hay không?

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở đang tạo ra những lo lắng nhất định cho một bộ phận giáo viên sẽ dạy 2 môn tích hợp tới đây.

Sự lo lắng không chỉ đơn thuần từ việc họ sẽ phải đầu tư tiền bạc để học tập, đi lại trong 3 tháng liên tục hoặc các ngày nghỉ cuối tuần mà còn sự trăn trở sau khi học hết chương trình này rồi thì những giáo viên đơn môn hiện nay liệu có cáng đáng để dạy được toàn bộ các phân môn trong môn học tích hợp hay không?

Bởi, ngay cả khi vừa học xong lớp 12, thi và học theo một chuyên ngành mà mình yêu thích, ra trường dạy 1 môn mà đôi khi còn cảm thấy khó khăn thì vài tháng ngắn ngủi để làm chủ thêm 1-2 phân môn mới là chuyện không hề đơn giản, nhất là những giáo viên đã có thâm niên hàng chục năm đứng lớp.

Quyết định ban hành Khung chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên Ảnh chụp từ màn hình

Quyết định ban hành Khung chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên

Ảnh chụp từ màn hình

Băn khoăn về thời gian và kinh phí bồi dưỡng 2 môn tích hợp

Thứ nhất, theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT mà Bộ vừa ban hành thì việc bồi dưỡng cho giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý sẽ phải học từ 20-36 tín chỉ và có thời gian bồi dưỡng trong 3 tháng.

-Phương án 1: Học tập trung, liên tục (có thể học vào kỳ nghỉ Hè hoặc mỗi tháng một đợt từ 3 đến 4 ngày cuối tuần).

-Phương án 2: Theo hình thức tích lũy tín chỉ. Người học hoàn thành Chương trình bồi dưỡng sau khi tích lũy đủ số tín chỉ qui định.

Như vậy, nếu theo phương án 1 thì các học viên sẽ phải học liên tục trong 3 tháng thì sẽ hết hơn 1 mùa hè. Hoặc học vào 4 ngày cuối tuần/ tháng thì nó cũng sẽ kéo dài hết hơn 1 năm vì cả năm chỉ có 52 ngày Chủ nhật.

Nếu học theo phương án 2 bằng hình thức tích lũy tín chỉ thì thời gian cũng sẽ tương đương với phương án 1. Vì theo hướng dẫn thì học viên sẽ phải học 80% trực tiếp tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm.

Hơn nữa, khối lượng tín chỉ 20-36 tín chỉ sẽ tương đương với 300- 540 tiết nên số lượng tiết học không hề nhỏ chút nào. Đó là chưa kể học viên còn phải dành nhiều thời gian ôn tập để làm bài kiểm tra, làm tiểu luận theo yêu cầu của giảng viên.

Thứ hai, theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thì kinh phí bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý được quy định như sau:

- Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương.

- Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng.

- Do người học tự đóng góp.

Với hướng dẫn như thế này thì có thể kinh phí bồi dưỡng sẽ được ngân sách của ngành, của địa phương, nhà trường chi một phần và giáo viên sẽ chi trả một phần. Song, cho dù kinh phí đào tạo này được ngân sách chi trả toàn bộ thì sự tốn kém cho quá trình tham gia học tập của giáo viên cũng sẽ là rất lớn.

Giáo viên 2 môn tích hợp lo lắng là hoàn toàn có cơ sở

Việc Bộ ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT vào ngày 21/7 vừa qua chắc chắn nó sẽ khiến cho một bộ phận đội ngũ giáo viên sẽ dạy 2 môn tích hợp thêm nhiều ưu tư, trăn trở.

Chưa nói đến “độ khó” của nội dung kiến thức phân môn mới mà bản thân họ không đam mê, không thích và đã bỏ nhiều năm qua, thậm chí vài chục năm nên đến nay đã lãng quên vì thời gian quá lâu nên thời gian tham gia khóa bồi dưỡng này sẽ thêm nhiều khó khăn, vất vả.

Bởi, từ năm học tới đây thì cấp Trung học cơ sở sẽ thực hiện giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 và được thực hiện cuốn chiếu ở những năm tiếp theo.

Vì thế, ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, soạn các kế hoạch theo Công văn 5512, bồi dưỡng chương trình mới đối với các module còn lại thì tất nhiên giáo viên còn phải tham gia tập huấn nhiều đợt về chương trình, sách giáo khoa mới và hoàn tất các công việc ở trường khi Ban giám hiệu phân công.

Bây giờ thêm việc tham gia bồi dưỡng chuyên đối với môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý quả là một áp lực rất lớn sẽ đè lên vai người thầy.

Áp lực về thời gian tham gia học tập, làm bài tập, viết tiểu luận và cả chuyện di chuyển, đi lại trong nhiều tháng trời của những thầy cô giáo ở cách xa trường, nhất là những thầy cô lớn tuổi.

Áp lực về chi tiêu khi sẽ phải đầu tư tiền bạc cho việc bồi dưỡng trong khoản tiền lương ít ỏi hàng tháng của mình.

Bởi vì, cứ cho rằng giáo viên không phải chi trả khoản học phí thì việc đi học ròng rã 3 tháng trời hay học vào các ngày cuối tuần, hoặc học theo hình thức tích lũy tín chỉ thì giáo viên cũng sẽ phải đầu tư một khoản kinh phí không hề nhỏ cho việc đi lại, ăn uống, thậm chí là phải thuê trọ nếu nhà xa và phải học liên tục dài ngày.

Rồi tiền tài liệu, tiền quỹ lớp và bao khoản sẽ phát sinh trong quá trình học tập.

Trong khi, theo quy chế hiện hành, việc giáo viên đi học tập trung dài ngày thì khoản công tác phí cho việc đi lại rất ít ỏi, thậm chí là nhiều trường không có.

Song, những khó khăn về nội dung học tập, về thời gian và tiền bạc thì có thể giáo viên sẽ khắc phục được bởi mỗi khi ngành giáo dục thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới thì giáo viên thêm phần vất vả cũng là lẽ thường tình và họ cũng đã quá quen với những áp lực này.

Nhưng, điều mà nhiều người băn khoăn hơn cả là sau 3 tháng bồi dưỡng về chuyên môn thì những giáo viên đơn môn hiện nay có thành những giáo viên tích hợp đích thực hay không?

Chứng chỉ thì học rồi sẽ có nhưng giáo viên có làm chủ được toàn bộ kiến thức môn tích hợp để giảng dạy hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Dù hy vọng, tin tưởng nhưng để giáo viên môn Vật lý dạy được cả kiến thức Sinh học và Hóa học, hoặc ngược lại là cả một vấn đề không hề đơn giản chút nào. Nhưng, biết làm sao được khi mọi kế hoạch đã được triển khai, thôi thì chúng ta cứ hy vọng vậy!

Tài liệu tham khảo:

- Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT

- Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO