Nhiều nhân viên trường học viết tâm thư xin được xét đặc cách, không thi tuyển

07/08/2021 06:20
AN NGUYÊN
GDVN- “Nhân viên kế toán hợp đồng chúng tôi đã công tác lâu năm, có người công tác từ năm 2008 đến nay, có người đi xe máy gần 30km đến làm việc tại vùng khó khăn..."

Đó là những dòng tâm tư của nhiều nhân viên trường học hiện đang làm việc tại các trường mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) gửi đến cơ quan chức năng.

Nhân viên trường học “tâm tư” trước ngày thi tuyển

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, trong năm 2021, ngoài kế hoạch thi tuyển giáo viên các bậc học thì địa phương này cũng tổ chức thi tuyển đối với 592 nhân viên trường học.

Nhân viên trường học phải kiêm nhiệm nhiều công việc trong trường nhưng chưa có được chế độ đãi ngộ tương xứng. Ảnh: AN

Nhân viên trường học phải kiêm nhiệm nhiều công việc trong trường nhưng chưa có được chế độ đãi ngộ tương xứng. Ảnh: AN

Trong đó có các vị trí như: kế toán, văn thư, thư viện, y tế… Các thí sinh sẽ phải trải qua hai vòng thi gồm: vòng 1 kiểm tra điều kiện dự tuyển, văn bằng, chứng chỉ, vòng 2 thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành thời gian 180 phút, nội dung kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt đồng nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm.

Kế hoạch này được ban hành, nhiều nhân viên trường học ở các địa phương của Quảng Nam đã bày tỏ sự lo lắng trước nguy cơ mất việc nếu không vượt qua kì thi tuyển.

Sau khi Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam có bài phản ánh về nhiều trường hợp nhân viên trường học đang làm tại các trường từ bậc mầm non đến trung học cơ sở ở Tam Kỳ (Quảng Nam) cầu cứu vì đứng trước nguy cơ mất việc.

Thì đến nay đã nhận thêm nhiều “tâm thư” của những nhân viên trường học ở các địa phương khác như huyện Hiệp Đức (Quảng Nam).

“Theo kế hoạch số 4343 ngày 14/7/2021 của tỉnh Quảng Nam về việc thi tuyển viên chức giáo dục năm 2021, qua tâm thư của đội ngũ nhân viên kế toán văn thư lâu năm tại thành phố Tam Kì, chúng tôi cũng đồng cảnh ngộ ấy.

Năm 2008 chúng tôi được Ủy ban nhân dân huyên Hiệp Đức ký hợp đồng làm việc vào các vị trí văn thư, kế toán tại các trường trên địa bàn huyện và được đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Riêng vị trí văn thư đến hiện tại đang có nhân viên 47 tuổi, hợp đồng từ năm 2002 đến nay. Nếu không vượt qua kì thi thì tất cả chúng tôi sẽ bị chấm dứt hợp đồng”, một nhân viên trường học ở huyện Hiệp Đức cho hay.

Theo cô NNH. (nhân viên thư viện một trường trung học cơ sở ở Hiệp Đức) cho biết, trong những năm qua, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức xét đặc cách cho giáo viên trong ngành được vào biên chế giáo dục.

Nhưng không tổ chức xét đặc cách cho những nhân viên kế toán văn thư công tác lâu năm vào biên chế nhà nước để họ yên tâm công tác, ổn định cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho nhà nước.

“Nhân viên kế toán hợp đồng chúng tôi đã công tác lâu năm, có người công tác từ năm 2008 đến nay đã hơn 13 năm, có người đi xe máy gần 30km đến làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn, công việc kế toán trong nhà trường đã nhiều (kế toán ngân sách, kế toán bán trú,..).

Chúng tôi còn phải kiêm nhiệm thêm công tác văn thư; kiêm nhiệm cùng lúc kế toán 2 trường nhưng chỉ hưởng một khoản lương của một trường, không có khoản phụ cấp nào thêm.

Gắn bó với công việc kế toán nhà trường từ những đồng lương rất thấp, chỉ hưởng bậc lương, phụ cấp khu vực, trách nhiệm kế toán, không có khoản phụ cấp khác.

Vậy mà vì muốn gắn bó với nhà nước, chúng tôi vẫn phải tiếp tục công việc dù rất vất vả, áp lực”, cô H. cho biết.

Theo các nhân viên hợp đồng này thì họ đã có nhiều năm làm việc, cống hiến trong ngành, nổ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với niềm hi vọng được xét tuyển vào biên chế nhà nước như các anh chị đi trước để yên tâm công tác, ổn định cuộc sống.

Giờ quay lại ôn thi thì thật sự khó khăn, nếu không trúng tuyển thì việc đã lớn tuổi, ra ngoài xã hội tìm một công việc mới thật sự rất khó khăn đối với huyện miền núi Hiệp Đức.

“Cùng công tác trong ngành giáo dục nhưng giáo viên được ưu tiên trong công tác xét tuyển viên chức, còn nhân viên thì không, điều đó quá thiệt thòi cho đội ngũ nhân viên chúng tôi.

Chúng tôi, nhân viên hợp đồng rất mong các cơ quan các cấp quan tâm, xem xét, tạo điều kiện để chúng tôi được xét đặc cách vào biên chế để tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục”, bức tâm thư của các nhân viên hợp đồng có đoạn viết.

Quy định không cho phép xét đặc cách

Ngày 6/8, Trao đổi với Tạp chí Điện tử giáo dục Việt Nam, bà Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc sở Nội vụ Quảng Nam cho biết, đã nhận được nhiều phản ánh cũng như kiến nghị từ các huyện về đề nghị xét đặc cách cho những nhân viên trường học.

Tuy nhiên, theo quy định thì nhân viên trường học không thuộc diện được xét đặc cách mà phải tiến hành thi tuyển theo quy định.

“Trước đây, trên cơ sở đề nghị của các ngành chức năng thì tỉnh đã tiến hành xét đặc cách cho các giáo viên có hợp đồng từ trước năm 2015 và có đóng bảo hiểm.

  1. Còn không có chủ trương xét đặc cách cho nhân viên các trường học. Do đó, các nhân viên này muốn tiếp tục được tuyển dụng thì phải qua thi tuyển”.

Bà Hoa cũng chia sẻ với hoàn cảnh của nhiều nhân viên hợp đồng vì đã có thời gian dài công tác trong ngành giáo dục nhưng chưa được nhận vào biên chế.

Theo Giám đốc sở Nội vụ Quảng Nam thì trước đây, Sở dự định có văn bản kiến nghị tỉnh cũng như Bộ Nội vụ về việc xét đặc cách cho những nhân viên trường hợp có thâm niên công tác. Nhưng sau đó, trên cổng thông tin điện tử của Bội Nội vụ đã có phản hồi về vấn đề này.

Bộ Nội vụ cho rằng, đối với các trường hợp ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập không đúng quy định của pháp luật thì không thuộc đối tượng được tiếp nhận vào làm viên chức.

Tuy nhiên, nếu đơn vị đó có nhu cầu tuyển dụng đối với vị trí việc làm phù hợp thì có thể đăng ký tham dự (bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển) theo quy định.

"Bộ Nội vụ đã trả lời rõ ràng như vậy rồi nên chúng tôi cũng không thể làm khác được, dù rất chia sẻ với những khó khăn, cống hiến lâu năm của các nhân viên trường học", bà Hoa nói.

AN NGUYÊN