Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 và áp dụng cho học sinh lớp 6 trong năm học tới đây.
Vì thế, trên các phương tiện thông tin đại chúng có rất nhiều bài viết phản ánh về những ưu điểm ở những nội dung mà Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn khi thực hiện việc đánh giá học sinh ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì chúng tôi vẫn còn nhiều những băn khoăn. Đó là, liệu rồi khi thực hiện đánh giá, xếp loại học tập cho học sinh theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT trong những năm học tới đây nếu không khéo vẫn xảy ra tình trạng loạn danh hiệu Học sinh Xuất sắc, Học sinh Giỏi.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Tiền Phong. |
Bởi cứ nhìn vào số liệu báo cáo điểm học bạ lớp 12 trong năm học vừa qua và danh hiệu học tập ở cấp Tiểu học thì chúng ta có thể sẽ mường tượng ra nhiều điều...
Danh hiệu Học sinh Giỏi sẽ…mất giá khi thực hiện chương trình mới
Những năm qua, việc đánh giá, xếp loại học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông được thực hiện theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT.
Năm học 2020/2021 vừa qua thì thực hiện theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông cuối học kỳ, cuối năm học sẽ được xếp loại ở 5 mức: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém. Các trường chỉ khen thưởng đối với học sinh Giỏi và Khá.
Khen thưởng danh hiệu Học sinh Giỏi khi học sinh thỏa mãn điều kiện tất cả các môn học có điểm trung bình từ 8.0 điểm trở lên, không có môn học nào dưới 6,5 điểm, các môn không cho điểm xếp ở mức Đạt. Trong đó, có 1 trong 2 môn Văn hoặc Toán (Thông tư 58) và 1 trong 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ (Thông tư 26) đạt từ 8.0 điểm trở lên.
Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiên tiến khi thỏa mãn điều kiện tất cả các môn học có điểm trung bình từ 6,5 điểm trở lên, không có môn học nào dưới 5.0 điểm, các môn không cho điểm xếp ở mức Đạt. Trong đó, có 1 trong 2 môn Văn hoặc Toán (Thông tư 58) và 1 trong 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ (Thông tư 26) đạt từ 6,5 điểm trở lên.
Điều này cũng đồng nghĩa danh hiệu Học sinh Giỏi được xếp ở mức cao nhất trong việc đánh giá, xếp loại học sinh ở cấp học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Ngày 20/7/2021 vừa qua, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT được ban hành và sẽ được áp dụng thực hiện đối với lớp 6 trong năm học tới đây. Những năm tiếp theo, sẽ áp dụng theo lộ trình: năm học 2022-2023 đối với lớp 7, lớp 10; 2023-2024 đối với lớp 8, lớp 11; năm học 2024-2025 áp dụng đối với lớp 9, lớp 12.
Theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT thì khi giảng dạy và học tập Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ không còn phân loại học sinh theo các mức: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém như hiện nay mà thay vào đó, kết quả học tập của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Cuối năm học, hiệu trưởng tặng danh hiệu Học sinh Xuất sắc đối với học sinh có kết quả rèn luyện và học tập cả năm học được đánh giá ở mức Tốt; kết quả học tập 6 môn học trở lên điểm cả năm đạt 9.0 trở lên;
Khen danh hiệu Học sinh giỏi cho học sinh có kết quả học tập và rèn luyện cả năm đánh giá mức Tốt; Kết quả học tập ít nhất 6 môn đạt điểm 8 trở lên và tất cả các môn học đều đạt 6.5 trở lên.
Ngoài ra, còn khen học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học; khen học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét đề nghị cấp trên khen thưởng.
Như vậy, nếu như trước đây xếp loại theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT thì danh hiệu Học sinh Giỏi là đứng ở mức cao nhất, danh hiệu Học sinh Tiên tiến đứng ở mức thứ 2.
Bây giờ, xếp loại theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT thì không còn Học sinh Tiên tiến nhưng thêm danh hiệu Học sinh Xuất sắc và dĩ nhiên là danh hiệu Học sinh Giỏi đã bị mất giá, nó chỉ xếp ở mức 2- tương đương với danh hiệu Học sinh Tiên tiến trước đây.
Thực hiện không khéo vẫn xảy tình trạng loạn danh hiệu
Chúng ta thấy thay đổi lớn nhất của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT so với Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT thực ra không nhiều. Số bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ, nhận xét theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT cơ bản giống như hướng dẫn Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT trước đây.
Nó chỉ khác là không còn xếp điểm trung bình và các mức xếp loại học tập không bị khống chế bởi các môn Toán, Văn, Anh như trước đây mà thôi.
Điều này cũng được ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ khẳng định chỉ là thay đổi trong tên gọi các danh hiệu.
Nhưng, nó thêm danh hiệu Học sinh Xuất sắc - đây là điều mà chúng tôi băn khoăn nhất bởi với danh hiệu này nó cũng na ná như cách xếp loại và khen thưởng học sinh cấp Tiểu học trong những năm qua.
Thực ra, với cách tổ chức kiểm tra hiện nay, việc học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện nay đạt được 9 điểm ở 6 môn để đạt danh hiệu Học sinh Xuất sắc, hay 6 môn từ 8.0 điểm trở lên để đạt danh hiệu Học sinh Giỏi không phải quá khó vì nhiều môn học chỉ có 1-2 tiết/ tuần, kiến thức môn học ít.
Lâu nay, học sinh bị khống chế danh hiệu Học sinh Giỏi vì 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ khó học, nhiều tiết mà còn xảy ra tình trạng loạn học sinh giỏi ở các nhà trường. Nay, bỏ đi rồi thì thì mọi thứ đều dễ dàng hơn nhiều.
Mục tiêu mà Bộ ban hành là hạn chế bệnh ngụy thành tích, hạn chế khen thưởng học sinh tràn lan như những năm qua mà báo chí đã phản ánh nhiều lần. Thế nhưng, dù nâng lên 8.0 hay 9.0 điểm để được khen thưởng danh hiệu học tập cũng không hẳn sẽ giúp cho chất lượng dạy và học thật hơn.
Một khi các trường vẫn còn giao chỉ tiêu cho giáo viên, khống chế điểm số để xét thi đua giáo viên và tình trạng học thêm vẫn tràn lan như hiện nay thì rất khó để hạn chế được số lượng học sinh khen thưởng ở cuối học kỳ, cuối năm học.
Cứ nhìn vào cách khen thưởng ở cấp Tiểu học hiện nay, cứ nhìn vào báo cáo điểm học bạ lớp 12 mà các địa phương báo cáo về Bộ trong năm học vừa qua thì mọi người sẽ thấy bản chất của sự việc rõ ràng hơn nhiều.
Vì thế, nếu đánh giá, xếp loại học tập của học sinh không nghiêm thì chuyện loạn Học sinh Xuất sắc ở cấp Tiểu học sẽ được “dịch chuyển” lên cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trong những năm tới đây vì chữa bệnh ngụy thành tích bây giờ thực sự không hề dễ dàng...
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.