Thực tế hiện nay, những giáo viên không dạy môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, đều được học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, lãnh đạo xếp vào “giáo viên môn phụ”.
Dạy gần 10 năm nay, là giáo viên môn Sinh học bậc trung học cơ sở, tôi luôn cố gắng hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dù “giáo viên môn phụ” vẫn đè nặng tâm trí tôi.
Tôi còn nhớ, khi dạy bài “Cấu tạo ngoài của thân” môn Sinh vật lớp 6, tôi có yêu cầu học sinh tìm hiểu trước, đọc sách, sưu tầm một mẫu vật có trong vườn nhà, có phụ huynh đã gọi điện “mắng vốn” tôi: “Môn phụ mà cô bắt con tôi tìm hiểu, sưu tầm làm gì, mất thời gian, để cháu tập trung học 3 môn chính”.
Cũng chính phụ huynh đó, gọi điện phản ánh lên hiệu trưởng, hiệu trưởng gọi tôi vào phòng, nhỏ nhẹ “Phụ huynh phản ánh…, thôi, môn phụ cô đừng làm căng quá”.
Thật lòng, tôi như bị dội cả xô nước đá vào đầu, từ “môn phụ mà” từ đó gắn vào “miền ký ức” của tôi. Học sinh không học bài cũ, không học bài mới, … được tôi lý giải “môn phụ mà” cho lòng nhẹ nhõm.
Cuối kì, cuối năm học, tổng kết thật theo năng lực học tập của học sinh, chất lượng thấp hơn người khác, tiếng xầm xì chính từ giáo viên “môn phụ mà khó thế”…, có người “chân thành” nói riêng với tôi “Dạy môn phụ như em, cần phải thoáng, có mất gì đâu, cứ tổng kết theo chỉ tiêu chung, vui cả làng”.
Chia sẻ với bạn bè đồng môn, tôi cũng nhận được sự đồng cảm. Có bạn kể “Mình chứng kiến tận mắt, học sinh líu lo khoe với ba, hôm nay con được điểm 10 môn Địa, ba nói ngay, 10 điểm môn phụ mà khoe gì”.
(Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Cảm ơn Bộ đã trả lại công bằng cho chúng tôi
Môn chính hay môn phụ không phải ngẫu nhiên mà có, tất cả là do đánh giá xếp loại tổng kết cuối kì, cuối năm học của chúng ta gây ra.
Khi muốn đạt học sinh giỏi, khá, trung bình ngoài điểm trung bình cả học kì, cả năm, tiêu chí quan trọng vẫn là điểm môn Toán, môn Ngữ văn, nên mới có “Nỗi khổ của những giáo viên môn phụ”.
Ngày 20/7/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.
Đánh giá nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học.
Học sinh học chương trình mới không còn phân loại học sinh theo các mức: giỏi, khá, trung bình, yếu, kém như hiện nay; thay vào đó, kết quả học tập của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Theo quy định đang áp dụng cho học sinh Chương trình 2000, học sinh đạt học lực giỏi phải có ít nhất 1 trong 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ đạt 8,0 trở lên.
Với Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, học sinh học chương trình 2018, để đạt được mức tốt: mỗi học sinh được xếp loại tốt thì các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức đạt, các môn đánh giá cho điểm kết hợp nhận xét phải đạt mức 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 8,0 trở lên.
Mức khá: tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức đạt. Tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ , điểm trung bình môn cả năm từ 5,0 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 6,5 điểm trở lên.
Mức đạt: có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức "chưa đạt". Có ít nhất 6 môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm từ 5,0 điểm trở lên; không có môn học nào có điểm trung bình môn học kỳ, điểm trung bình môn cả năm dưới 3,5 điểm.
Như vậy, theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, tất cả các môn học đều công bằng như nhau, không còn phụ thuộc vào điểm môn Toán hay Ngữ văn, Ngoại ngữ; không còn “môn chính, môn phụ” trong đánh giá, xếp loại học sinh nữa.
Cảm ơn Bộ đã trả lại công bằng cho chúng tôi, những giáo viên từ trước đến nay phải “ngậm ngùi” mang tiếng “giáo viên môn phụ”.
Đôi điều tiếc nuối
Không thể bắt cá leo cây, bắt chim sống dưới nước, mỗi học sinh là một chủ thể khác biệt; năng lực, phẩm chất khác nhau; học sinh này có thể học tốt môn này, học yếu môn khác và ngược lại.
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đánh giá theo phẩm chất, năng lực mỗi học sinh; hướng đến sự tiến bộ của mỗi học trò; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh giữa học trò này với học trò khác.
Giáo viên chủ nhiệm thông báo riêng cho cha mẹ học sinh về quá trình, kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2021 và thực hiện theo lộ trình sau: Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6; Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7 và lớp 10; Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11; Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 9 và lớp 12.
Trong khi đó, giáo viên đã và đang đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh; hướng đến phát triển phẩm chất năng lực, vì sự tiến bộ của học sinh; đủ điều kiện để thực hiện Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngay từ năm học này, cho toàn bộ bậc trung học.
Tiếc thay, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT không áp dụng với tất cả học sinh bậc trung học, chỉ áp dụng cho học sinh học chương trình mới.
Nếu Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT áp dụng ngay cho toàn bậc trung học từ năm học 2021-2022 thì hay biết bao; sẽ góp phần xóa bỏ những tệ nạn dạy thêm, học thêm; tệ nạn “văn mẫu”… đang làm nhức nhối xã hội.
Điều quan trọng hơn, sẽ góp phần chấn hưng giáo dục, giáo dục hướng đến vì sự tiến bộ của học trò ngay từ năm học này, không phải chờ thêm 3 năm nữa; dẫu vậy, giáo viên “môn phụ” chúng tôi cũng xin cảm ơn Bộ.
Tài liệu tham khảo:
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.