Năm học 2021-2022 là năm học đầy khó khăn thách thức đối với ngành giáo dục khi dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên cả nước.
Lo ngại về sự an toàn của học sinh và chất lượng giáo dục, nhiều phụ huynh ở các tỉnh phía nam mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch lùi thời gian tiến hành năm học chậm hơn so với kế hoạch từ 1 đến 2 tháng.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn xác định bối cảnh thì khó khăn, kỳ vọng thì lớn, nhiệm vụ thì nặng nề, nhiều thách thức, nên tinh thần chung của năm học mới sẽ là: ưu tiên trước mắt tập trung các biện pháp để chuyển trạng thái của ngành giáo dục thích ứng với bối cảnh của dịch bệnh, nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch, giảm mức độ tổn thương của ngành giáo dục trước dịch bệnh.
Bộ trưởng cũng nêu rõ tinh thần năm học mới việc dạy học trực tuyến không còn ở thế tạm thời nữa mà phải xác định dịch Covid-19 là câu chuyện lâu dài để thích ứng.
Ảnh minh hoạ: Qdnd.vn |
Những khó khăn khi dạy trực tuyến
Qua gần hai năm triển khai dạy học trực tuyến, linh hoạt khi các làn sóng dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, ngành giáo dục ở các địa phương đã dần thích ứng được với giải pháp dạy học này. Tuy nhiên trong quá trình dạy học trực tuyến đã bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế nhất định.
Thứ nhất, về phía người học. Nếu như ở vùng thành thị hoặc những gia đình có điều kiện kinh tế thì việc sở hữu một thiết bị điện tử để phục vụ cho việc học trực tuyến là chuyện không hề khó. Nhưng đối với các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi thì rất khó khăn.
Trong năm học 2020-2021 chúng tôi thống kê toàn trường nơi tôi công tác, (một trường thuộc xã đạt chuẩn nông thôn mới) thì có khoảng 47,6% học sinh có điện thoại hoặc máy tính.
Một số địa phương thuộc xã đặc biệt khó khăn thì tỉ lệ học sinh có điện thoại thông minh khoảng dưới 10%. Nhiều nơi cáp quang internet chưa được kéo đến, nếu có nhu cầu sử dụng internet trên điện thoại thì người dân phải đăng ký với những gói cước rất đắt so với thu nhập của họ. Do đó ở những vùng này việc dạy học trực tuyến là không thể.
Thứ hai, học sinh lớp 1 không thể học trực tuyến. Ai cũng biết rằng các em học sinh lớp 1 khi bước vào môi trường học tập mới với nhiều bỡ ngỡ.
Vì vậy các em cần sự yêu thương, gần gũi, động viên, dạy dỗ từ thầy, cô giáo để có động lực học tập.
Hơn nữa đa phần các em chưa được học viết, tập viết trước khi vào lớp 1 nên khi học trực tuyến sẽ không hiệu quả.
Muốn vậy, cha mẹ hàng ngày phải đồng hành cùng con cái nhưng chắc chắn không phải phụ huynh nào cũng có đủ thời gian để ngồi hướng dẫn cùng các con trong quá trình học.
Nên chú trọng dạy học trên truyền hình
Ngoài dạy học trực tuyến thì dạy học trên truyền hình được xem là một giải pháp lâu dài và hiệu quả.
Trong làn sóng Covid-19 lần thứ nhất, Bộ Giáo dục và các địa phương đã tiến hành xây dựng các bài giảng trên truyền hình rất hiệu quả. Tuy nhiên sau khi khống chế được đại dịch, chúng ta chỉ chú trọng vào dạy học trực tuyến mà chưa thấy nói gì đến việc dạy trên truyền hình.
Một số thầy cô cho rằng, trong điều kiện kinh tế của đại bộ phận nhân dân ở nước ta còn khó khăn, nhiều gia đình chưa có điều kiện mua điện thoại thông minh, máy tính nhưng đa số các gia đình, dù nghèo đến đâu cũng có sẵn ti vi.
Việc học qua truyền hình nếu thực hiện sẽ đạt được lợi ích về chất lượng bài giảng. Bởi vì để có những bài giảng này, ngành giáo dục địa phương phải lựa chọn những giáo viên vững về chuyên môn, tự tin trong giảng dạy để ghi hình. Do đó, học sinh sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn. Đồng thời thông qua việc dạy trên truyền hình, khi có nhu cầu xem lại bài giảng, học sinh sẽ thực hiện thuận lợi hơn so với dạy học trực tuyến.
Một vấn đề khó nhất của dạy học trên truyền hình đó là với khối lượng kiến thức không hề nhỏ của các môn học ở bậc phổ thông thì liệu ngành giáo dục có đảm bảo được hay không?
Chúng tôi nghĩ rằng nếu ngay từ bây giờ Bộ Giáo dục triển khai dạy học trên truyền hình thì vẫn còn kịp. Với khối lượng kiến thức ở các môn học, Bộ Giáo dục không thể đảm nhiệm hoàn toàn. Vì vậy Bộ nên có kế hoạch phân về cho mỗi Sở Giáo dục phụ trách một số bài hoặc chủ đề để các địa phương ghi hình rồi phát sóng trên cả nước.
Với 63 tỉnh thành trên cả nước, ở mỗi môn học chỉ cần mỗi địa phương ghi hình từ 1 đến 3 chủ đề thì chắc chắn việc dạy học trên truyền hình sẽ được thực hiện hiệu quả.
Trong hoàn cảnh hiện nay, việc dạy học trực tuyến, linh hoạt hay dạy học trên truyền hình đều có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên nếu chúng ta chú trọng vào dạy học trực tuyến kết hợp với dạy học trên truyền hình thì sẽ khắc phục được những khó khăn trong năm học đầy thử thách này.