Ngày 3/6, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến với các cơ sở giáo dục đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến, dạy học từ xa thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có nhiều chia sẻ thú vị.
Theo Bộ trưởng, phương thức dạy học qua internet, trên truyền hình sẽ tiếp tục được triển khai, đây không phải là phương thức tình thế mà là phương thức cộng hưởng với trực tiếp.
Nếu làm tốt được việc này không chỉ hỗ trợ giáo viên mà còn rút ngắn thời gian học tập trên lớp của học sinh.
Tuy nhiên, với tình hình thực tế hiện nay, phương thức dạy học qua internet, trên truyền hình nếu được áp dụng rộng rãi ở các nhà trường thì vẫn còn nhiều băn khoăn- nhất là đối với người học.
Bộ cần cân nhắc kĩ khi đưa việc dạy trực tuyến và truyền hình vào thực hiện ở cấp học phổ thông (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Tạm yên tâm về giáo viên, nhưng học sinh phổ thông thì còn nhiều lo lắng
Nhìn lại thời gian ngành giáo dục triển khai dạy trực tuyến ở các nhà trường trong thời điểm học sinh phải nghỉ vì dịch bệnh, chúng ta tạm thời yên tâm về giáo viên vì phần lớn giáo viên đã triển khai, thực hiện được các bài học trực tuyến.
Dù đa phần giáo viên ở trường phổ thông lần đầu tiên thực hiện phương thức dạy học này nhưng họ cũng đã làm chủ được công việc giảng dạy của mình với rất nhiều cách thức, phương pháp dạy khác nhau nhằm giúp cho học sinh tiếp cận được các nội dung bài học.
Và rõ ràng, việc dạy trực tuyến của giáo viên hay dạy trên truyền hình của các Sở Giáo dục đã nhen nhóm một phương thức dạy mới cho các nhà trường phổ thông.
Nếu được áp dụng rộng rãi cho các nhà trường thì nó sẽ thể hiện được nhiều ưu điểm, giúp cho học sinh có nhiều cách học chứ không lệ thuộc một phương thức dạy trực tiếp trên lớp.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế, khách quan sự việc thì chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng việc học qua truyền hình hay trực tuyến đối với học sinh phổ thông vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Cái khó nhất là nhiều học sinh ở các trường phổ thông không chịu học phương thức dạy học từ xa của thầy cô đã triển khai.
Động lực để tự học hiện nay của nhiều học sinh còn rất hạn chế, nó chỉ phát huy được ở một bộ phận học sinh ở khu vực thành thị hoặc những gia đình coi trọng việc học của con mình…
Những con số báo cáo của các địa phương về tỉ lệ học sinh tham gia học trực tuyến và trên truyền hình với con số thực học có lẽ vẫn còn rất xa nhau.
Nhiều bài học được các thầy cô đưa lên mạng nhưng không có học sinh học tham gia học, thậm chí đối với các môn học chính ở cuối cấp cũng rất ít học sinh tham gia học tập.
Vì thế, vừa qua dù ngành chủ trương không dạy lại các bài đã dạy qua truyền hình và dạy trực tuyến mà chỉ bố trí ôn tập một vài tiết.
Nhưng, đa phần giáo viên phải dạy lại hoàn toàn những bài mà bản thân mình đã dạy trực tuyến, Sở đã dạy qua truyền hình.
Bởi, hỏi học sinh trong lớp, theo dõi lịch sử bài dạy, số lượng học sinh tham gia chỉ có một số ít học sinh tham gia học.
Không dạy lại, học sinh không nắm được nội dung bài học, tất nhiên không tham gia kiểm tra, thi cử được, nhất là học sinh cuối cấp.
Có những chuyện rất tế nhị nhưng chúng tôi cũng phải thú nhận là có những trường học thì các thành viên trong Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm phải vào “học thay” cho học trò.
Bởi, nếu học sinh không học thì Sở, Phòng kiểm tra sẽ quở trách nhà trường nhưng nhà trường triển khai, cấp mật khẩu cho học sinh học trực tuyến mà học trò không chịu học.
Thành ra, thầy cô phải lấy mật khẩu của học trò để vào các bài học cho có tỉ lệ học sinh tham gia học trực tuyến.
Còn dạy trên truyền hình, chúng ta cứ nhìn vào số lượt người xem trên truyền hình, người xem ở các kênh Youtube sẽ hiểu có bao nhiêu lượt xem…
Vì thế, dù giáo viên có cố gắng, thầy cô thực hiện đúng chủ trương của ngành nhưng học sinh ít tham gia học thì mọi cố gắng của thầy cô cũng thành công cốc.
Phải cân nhắc thật kĩ khi áp dụng dạy từ xa ở các cấp học phổ thông
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Tới đây phương thức dạy học qua internet, trên truyền hình sẽ tiếp tục được triển khai.
Đây không phải là phương thức tình thế mà là phương thức cộng hưởng với trực tiếp.
Nếu làm tốt được việc này không chỉ hỗ trợ giáo viên mà còn rút ngắn thời gian học tập trên lớp của học sinh”.
Chúng ta đều biết: “phương thức dạy học qua internet, trên truyền hình” có rất nhiều ưu điểm và phù hợp với xu thế hiện nay nhưng nếu trong điều kiện bình thường mà triển khai ở bậc phổ thông thì cần phải cân nhắc thật kỹ.
Điều kiện, phương tiện dạy và học rồi đây sẽ đủ đầy nhưng cái chính là động lực học tập của học sinh vẫn là bài toán khó nếu được áp dụng đại trà.
Vì thế, nếu triển khai thì Bộ cũng nên lựa chọn, cân nhắc thấu đáo. Trước tiên là chỉ nên áp dụng ở bậc đại học, cao đẳng, khối trường chuyên, các trường phổ thông có điều kiện.
Khi điều kiện chín muồi thì mới áp dụng đại trà vì nếu triển khai rộng rãi ngay trong những năm học tới đây cho tất cả các cấp học sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về chất lượng dạy và học.
Bởi, nhiều học sinh bây giờ học trên lớp mà thầy cô khản tiếng, năn nỉ còn không chịu học tập thì học từ xa vẫn là điều rất xa vời…
Tài liệu tham khảo:
//vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/day-hoc-truc-tuyen-se-duoc-thua-nhan-chinh-thuc-o-bac-pho-thong-646238.html