Mỗi lần Bộ điều chỉnh nội dung sách giáo khoa, giáo viên sửa kế hoạch rất vất vả

10/09/2021 06:20
KIM OANH
GDVN- Sách giáo khoa của chương trình 2006 đã có 7 lần điều chỉnh, chuẩn bị thực hiện lần thứ 8 mà số tiết vẫn giữ nguyên thì đủ biết nội dung ban đầu nặng như thế nào.

Ngày 8/9/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: “Bộ điều chỉnh chậm 1 nhịp, từ giáo viên đến các sở phải sửa hàng loạt kế hoạch” của tác giả Nhật Duy đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Chỉ sau một ngày bài báo được đăng thì đã có trên 500 ngàn người đọc trực tiếp trên trang chủ của Tạp chí. Nhiều ý kiến của giáo viên đã thể hiện sự…băn khoăn của mình trước thông tin này.

Đáng lẽ ra, trước thông tin Bộ sẽ điều chỉnh, tinh giản một số nội dung kiến thức của 10 môn học thì đội ngũ nhà giáo sẽ mừng nhưng có lẽ nhiều thầy cô giáo không mừng được trong lúc này bởi vì nhiều kế hoạch giáo dục đã được nhà trường, giáo viên xây dựng xong và được phê duyệt.

Ảnh minh họa: Xuân Trung / GDVN.

Ảnh minh họa: Xuân Trung / GDVN.

Việc Bộ điều chỉnh nội dung dạy học trong những ngày tới cũng đồng nghĩa là họ lại phải thực hiện lại nhiều kế hoạch giáo dục và tất nhiên là phải đầu tư thêm nhiều thời gian, công sức nữa mới có thể hoàn thành.

Bộ đã 7 lần giảm tải, điều chỉnh nội dung sách giáo khoa chương trình năm 2006

Trước thông tin Bộ sẽ điều chỉnh nội dung 10 môn học trong những ngày tới đây qua lời chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) với báo chí khiến cho nhiều giáo viên có phần rối bời.

Bởi, nội dung sách giáo khoa 10 môn học mà Bộ định điều chỉnh trong tuần này hoặc đầu tuần tới đã có quá nhiều lần điều chỉnh, giảm tải mà đến bây giờ vẫn…quá tải và có những kiến thức “không phù hợp” như lời chia sẻ ông Nguyễn Xuân Thành.

Liệu lần này đã là lần cuối cùng hay chưa?

Nhìn lại quá trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa năm 2006 chúng tôi đã thấy Bộ có những lần điều chỉnh nội dung sách giáo khoa như sau:

Năm học 2011-2012, trên cơ sở rà soát chương trình, sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 5842/BGDĐT-VP ngày 01/9/2011 hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải. Từ văn bản này, các Sở Giáo dục và Hội đồng bộ môn đã điều chỉnh và nhiều bài học trong sách giáo khoa bị bỏ hẳn không dạy hoặc chuyển sang đọc thêm hoặc tự học có hướng dẫn.

Tiếp theo phải kể đến các công văn như: Công văn số 791/HD-BGDĐT, ngày 25/6/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông, bắt đầu từ năm học 2013-2014.

Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Công văn số 793/BGDĐT-GDTrH ngày 12/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công văn số 803/BGDĐT-GDTrH, ngày 13/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 (lần 2).

Ngày 27/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Theo tinh thần của Công văn này thì “việc điều chỉnh nội dung dạy học nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp”.

Ngày 02/11/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo góp ý tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học lớp 5, lớp 9 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018 và trong thời gian qua thì giáo viên cũng đã được tập huấn và bổ sung thêm một số nội dung đối với 2 lớp cuối 2 cấp học này.

Như vậy, sách giáo khoa nhiều môn học của chương trình 2006 tính đến nay đã có tới 7 lần tinh giản, điều chỉnh nội dung dạy học. Rất nhiều bài học đã không còn dạy hoặc chuyển sang mục đích khác nhưng số tiết theo quy định từ ban đầu thì vẫn được giữ nguyên, không hề thay đổi.

Và mới đây, theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì “trong tuần này hoặc tuần tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ gửi tài liệu biên soạn đến các thầy cô” [1]. Như vậy, đây là lần thứ 8 điều chỉnh nội dung dạy học sách giáo khoa hiện hành- chương trình năm 2006.

Đôi điều kiến nghị

Trong một bối cảnh rất đặc biệt của dịch bệnh như hiện nay, Bộ có chủ trương tiếp tục điều chỉnh nội dung đối với 10 môn học cũng là điều hợp lý nhằm giảm tải cho các nhà trường phổ thông.

Song, đáng lẽ ra Bộ thực hiện sớm hơn thì giáo viên đỡ vất vả. Bởi, trong những ngày qua thì đa phần các trường học đã triển khai cho giáo viên thực hiện nhiều kế hoạch giáo dục theo quy định.

Bên cạnh đó, giáo viên phải chuẩn bị cho việc dạy trực tuyến của nhà trường với rất nhiều công việc khác nhau. Vừa phải soạn giáo án word để lưu, vừa phải soạn giáo án PowerPoint để dạy học trực tuyến…

Trong khi, làm một kế hoạch giáo dục thường mất rất nhiều thời gian, thậm chí có những việc giản đơn như xây dựng phân phối chương trình của mỗi khối lớp ở từng môn học cũng phải họp tổ chuyên môn lại để lấy ý kiến, tính toán và cùng xây dựng.

Sau đó mới có thể bắt tay vào chỉnh sửa theo số tiết, chủ đề, đưa các mục tiêu bài học vào từng mục tương ứng. Nhiều kế hoạch giáo dục ríc rắc với nhau nên việc điều chỉnh nội dung bài học là phải chỉnh sửa hàng loạt kế hoạch đi kèm.

Dù biết rằng, việc Bộ có chủ trương điều chỉnh nội dung nhiều môn học là một điều hợp lý nhưng nó bất hợp lý ở chỗ đáng lẽ ra Bộ phải làm việc này từ trước tuần tựu trường để các đơn vị trường học, giáo viên không bị động và đỡ mất thời gian vô ích cho công việc này.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học và Bộ Giáo dục cần tính toán kỹ lưỡng một số việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng nó ảnh hưởng đến hàng triệu nhà giáo cả nước.

Thứ nhất: việc triển khai các kế hoạch giáo dục, hay tinh giản, điều chỉnh nội dung dạy học nên thực hiện trước thềm năm học mới để nhà trường, giáo viên không bị động. Năm học 2020-2021 cũng rơi vào trường hợp tương tự như năm nay, khi mà mọi kế hoạch đã thực hiện xong thì Bộ điều chỉnh nội dung dạy học.

Chính vì thế, các trường học triển khai cho giáo viên làm lại phân phối chương trình dạy học, làm lại kế hoạch giáo dục và yêu cầu giáo viên xây dựng các chủ đề dạy học theo hướng dẫn của Bộ. Nhưng, dù sao năm học trước cũng dễ dàng thông cảm hơn vì dịch bệnh đến đột ngột còn năm nay thì Bộ hoàn toàn có thể chủ động được việc này.

Thứ hai: việc triển khai xây dựng các chủ đề trong từng môn học ở sách giáo khoa chưa thực sự khoa học, thay đổi gần như từng năm học. Năm này chủ trương xây dựng chủ đề này, sang năm lại chủ đề khác khiến giáo viên rất mệt mỏi mà làm như vậy đã phá đi ý tưởng ban đầu của các tác giả sách giáo khoa.

Sách chủ trương viết theo từng bài, mấy năm qua lại hướng tới xây dựng chủ đề nên nhiều khi được gán ghép khiên cưỡng, không khoa học. Đó là chưa nói những năm qua các môn học đã được “tích hợp” quá nhiều thứ vào nên nhìn giáo án của giáo viên bây giờ giống như nồi thập cẩm vậy.

Vì thế, các kế hoạch chỉ đạo chuyên môn của Bộ cần có tính dài hạn, khoa học hơn.

Thứ ba: Bộ cần sát sao trong khâu biên soạn và thẩm định kĩ lưỡng với những bộ sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tránh lặp lại việc điều chỉnh, tinh giản như Chương trình 2006.

Có bao giờ mà một vòng đời sách giáo khoa chưa hết đã có tới đến 7 điều chỉnh rồi mà vẫn còn nhiều “kiến thức trùng lặp, không còn phù hợp” [1]- như lời chia sẻ mới đây của ông Nguyễn Xuân Thành.

Trong khi, chương trình năm 2006 được thực nghiệm nhiều năm. Việc này đã được Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên hoặc Đồng chủ biên sách Tiếng Việt và Ngữ văn từ lớp 2 đến lớp 9 chia sẻ: “Bộ sách giáo khoa hiện hành được dạy thử nghiệm 4 năm ở hàng trăm trường, với sự tham gia của hàng trăm nghìn giáo viên và học sinh mà khi triển khai còn bộc lộ nhiều hạn chế” [2].

Mỗi lần điều chỉnh, tinh giản giáo viên chúng tôi rất vất vả xây dựng lại chủ đề, soạn lại kế hoạch giáo dục, giáo án.

Bởi, sách giáo khoa của chương trình 2006 đã có 7 lần điều chỉnh, chuẩn bị thực hiện lần thứ 8 mà số tiết vẫn giữ nguyên như ban đầu thì đủ biết nội dung ban đầu nặng như thế nào và những năm qua thì giáo viên chúng tôi đã vất vả chạy theo việc điều chỉnh của Bộ trong từng năm học ra sao.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bo-giao-duc-noi-ve-tinh-gian-noi-dung-khi-day-hoc-truc-tuyen-772538.html

[2] https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bon-cau-hoi-ve-de-an-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-3104517.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH