Chương trình 2006 tính đến nay đã được Bộ giảm tải nhiều lần nhưng việc giảm tải chưa thực sự khoa học, manh mún và có lúc rơi vào trường hợp “nước đến chân mới nhảy” nên dẫn đến những khó khăn cho các nhà trường, giáo viên dưới cơ sở khi thực hiện.
Bởi, mấy tháng nay dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi nhưng Bộ chưa có những định hướng cụ thể nào cho việc điều chỉnh giản nội dung dạy học ở các cấp phổ thông. Vì thế, ở thời điểm hiện tại, đa phần các địa phương đã triển khai nhiệm vụ năm học, tiến hành thực hiện các kế hoạch giáo dục thì Bộ mới “bật tín hiệu” tiếp tục tinh giản, điều chỉnh nội dung dạy học…
Nhưng, Bộ chỉ chậm “một nhịp” là hàng loạt kế hoạch của Sở, Phòng Giáo dục, Ban giám nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên phải thay đổi, phải làm lại và tốn rất nhiều công sức của cấp dưới đã thực hiện trong nhiều ngày qua.
Giá như Bộ triển khai việc điều chỉnh nội dung dạy học sớm hơn
Năm học 2021-2022 đã được các địa phương triển khai từ nhiều tuần qua và đa phần thời điểm này thì các địa phương đã bước vào thực học từ ngày 6/9 vừa qua. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương ở phía Nam phải triển khai dạy và học trực tuyến nên các nhà trường cũng đang gặp một số khó khăn nhất định.
Chính vì thế, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học đã “bật mí” về việc tiếp tục tinh giản nội dung dạy học trong năm học 2021-2022 này trong những ngày tới đây.
Ông Nguyễn Xuân Thành-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết sẽ điều chỉnh nội dung dạy học trong những ngày tới đây. (Ảnh: moet.gov.vn) |
Chia sẻ vấn đề này với Báo Vietnamnet, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết như sau: “Thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh đặc biệt, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cấp học rà roát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung”.
Ông Thành cho biết Bộ đã có công văn 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Theo đó, nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Cùng đó, không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, không thực hiện, không yêu cầu,...
“Năm học này, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Song song với việc này, dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu…”. [1]
Chúng tôi cho rằng, việc Bộ Giáo dục tiếp tục tinh giản, điều chỉnh nội dung dạy học để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay là rất cần thiết nhằm giảm tải cho giáo viên, học sinh ở các trường phổ thông trong một điều kiện đặc biệt.
Hơn nữa, những nội dung kiến thức trùng lặp, không còn phù hợp thì giảm tải đi cũng phù hợp. Song, có một điều chúng tôi thấy chưa phù hợp, đó là việc triền khai điều chỉnh nội dung dạy học có phần chậm trễ so với khung thời gian năm học.
Bởi, theo ông Nguyễn Xuân Thành thì “trong tuần này hoặc tuần tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ gửi tài liệu biên soạn đến các thầy cô để lan toả, tổ chức các giờ học trực tuyến nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.
Như vậy, thay vì ngồi trước màn hình thì học sinh có thể tự chủ hơn trong giờ học”.[1]
Vì vậy, chúng tôi cảm thấy tiếc nuối một điều là chủ trương này nếu được triển khai trước thời điểm Khai giảng năm học khoảng 1-2 tuần thì đã giảm tải được rất nhiều đầu công việc cho các cấp dưới của Bộ.
Chúng tôi lại khẳng định như vậy bởi thời điểm này các Sở, Phòng, Ban giám hiệu nhà trường, Hội đồng bộ môn đã triển khai nhiều kế hoạch giáo dục cho năm học mới. Và, tất nhiên là các nhà trường, tổ trưởng chuyên môn đã và đang xây dựng, thực hiện nhiều kế hoạch theo hướng dẫn của các cấp.
Nếu trong tuần này hoặc đầu tuần tới mà Bộ gửi tài liệu tinh giản xuống thì tất nhiên các Hội đồng bộ môn, các tổ chuyên môn phải điều chỉnh các nội dung dạy học cho phù hợp với hướng dẫn của Bộ.
Và, tất nhiên là những kế hoạch đã xây dựng trước đó cũng phải điều chỉnh theo, dẫn đến rất mất thời gian, công sức của đội ngũ nhà giáo dưới cơ sở. Nhiều nội dung trong các kế hoạch chuyên môn của Sở, Phòng, Ban giám hiệu nhà trường cũng phải thay đổi theo.
Trong khi, dịch bệnh Covid-19 không phải là mới phức tạp trong vài tuần gần đây mà nó đã bùng phát trong nhiều tháng. Đa phần các tỉnh phía Nam đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã gần 2 tháng và riêng Thành phố Hồ Chí Minh thì thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 còn sớm hơn.
Vì thế, chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học của Vụ Giáo dục trung học lần này đã có phần bị động, chậm trễ và gây ra một số khó khăn cho cơ sở.
Tinh giản nội dung dạy học phải đi liền với số tiết dạy
Theo chia sẻ của ông ông Nguyễn Xuân Thành thì “năm học này, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh” nhưng chúng tôi thấy Bộ chưa giảm đồng nhất giữa số lượng bài học và số tiết học/ từng môn.
Bộ mới “tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục” [1] chứ chưa giảm số tiết học.
Như vậy, mới tinh giản được một nửa vấn đề mà vẫn gây áp lực cho giáo viên.
Bởi, chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay thì Bộ đã tinh giản các nội dung kiến thức, các bài học của nhiều môn học đến 2 lần và nếu lần này nữa là 3 lần.
Điều này cũng đồng nghĩa là nhiều bài học đã không dạy hoặc chuyển sang các hình thức tự học, khuyến khích tự học, tự đọc, đọc thêm hoặc chuyển sang thành các chủ đề.
Nhưng, số tiết học vẫn giữ nguyên như cũ, không hề giảm. Vì thế, nhiều bài học trước đây được biên chế 1-2 tiết thì bây giờ được bố trí 3-4 tiết. Trong khi, nguyên tắc của việc dạy trực tuyến là dạy cho học sinh những gì trọng tâm nhất.
Vậy, trong mỗi bài học còn dư rất nhiều thời gian như vậy thì giáo viên và học sinh sẽ làm gì? Nếu học trực tiếp thì giáo viên có thể tăng thêm một số hoạt động để học sinh nắm kỹ hơn về bài học hoặc cho học sinh tương tác, thảo luận nhóm với nhau.
Nhưng, học trực tuyến thì mỗi em mỗi máy, mỗi em mỗi nhà làm sao thảo luận? Vì vậy, “thời gian chết” sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho giáo viên.
Chúng tôi cho rằng trong bối cảnnh đặc biệt như hiện nay, song song với việc tinh giản số bài học, một số đơn vị kiến thức thì Bộ cần tính đến phương án giảm số tiết tương ứng, hoặc một số tiết nhất định đối với những đơn vị kiến thức đã được tinh giản mới thực sự khoa học.
Làm như vậy, mới được gọi là tinh giản, điều chỉnh đúng nghĩa. Nếu chỉ giảm nội dung bài học, vẫn giữ nguyên số tiết như lâu nay thì thực ra chưa phải là điều chỉnh mà vô tình còn gây thêm khó khăn cho giáo viên trong quá trình giảng dạy.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bo-giao-duc-noi-ve-tinh-gian-noi-dung-khi-day-hoc-truc-tuyen-772538.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.