Chuyện đạo văn, văn mẫu ở nước ta không phải là mới, nó đã có từ rất lâu, nguyên nhân được nhiều người cho là do “cơ chế”, chính nạn đạo văn, văn mẫu đã hình thành “chợ giáo án, giáo trình”.
Chuyện “xin cho” giáo án đã xảy ra ngay từ khi sinh viên sư phạm đi… kiến tập. Phần lớn sinh viên sư phạm đi kiến tập có hứng thú với nghề giáo đều chủ động xin giáo viên giáo án để học hỏi các bước lên lớp như thế nào, hiện thực hóa giữa lý thuyết và thực hành ra sao.
Có sinh viên sau khi đọc xong giáo án, dự vài tiết đã biết… mình không hợp với nghề, lặng lẽ rút lui có kế hoạch. Khi đi thực tập, giáo sinh cũng xin giáo án của giáo viên hướng dẫn, tức là chuyện “xin cho” giáo án là chuyện bình thường trong giáo dục.
Nhưng phải khẳng định rằng, chuyện mua bán giáo án như hiện nay là chưa có; nếu có chỉ rất âm thầm, lặng lẽ, cả người bán và người mua đều trong vòng “bí mật”, mang tính đơn lẻ, không có “đầu nậu” giáo án như hiện nay.
“Bán 10 ngàn bộ giáo án 5512 cho giáo viên thu về 8 tỷ đồng, chuyện thật hay đùa?” của tác giả Nguyễn Mạnh Cường phần nào đã nói lên thực trạng “thị trường” giáo án hiện nay.
Trước khi Công văn 5512 ra đời, có thể nói, “chợ giáo án” chưa có trên mạng xã hội, chỉ có “chợ giáo trình”, như vậy, chính Công văn 5512 vô hình trung tạo ra “thị trường” để “chợ giáo án” có đất sống?
Giáo viên mua giáo án có phải là xấu hay lười?
Chuyện xoay quanh giáo án chưa bao giờ cũ với giáo viên, khi quản lý chất lượng giáo dục dựa vào tỷ lệ học sinh giỏi và… giáo án đẹp, đúng khuôn mẫu; thành tích, thành công của học trò là điểm số.
Giáo viên mua giáo án có phải là xấu hay lười? Câu hỏi này, người viết có câu trả lời ngay, mua giáo án không phải giáo viên đó xấu hay lười!
Khi Công văn 5512 ra đời, cả tổ chuyên môn trong trường học nọ đã “chia” tiền giáo án; việc mua bán, có khi mua phải hàng giả, với giáo án cũng vậy, có “giáo án giả”.
Đồng lương eo hẹp, giáo viên phải cất nhắc khi bỏ tiền mua giáo án, giải pháp “chia” tiền mua giáo án đã nói lên điều đó; cùng đường rồi, nên họ mới phải mua giáo án, đáng thương thay, mua phải hàng giả.
Người trong cuộc đã khuyên giáo viên không nên mua giáo án, tránh bị lừa, làm lợi cho “đầu nậu” giáo án, lấy “đổi mới giáo dục” để làm giàu.
Chia sẻ của một giáo viên mua phải “giáo án giả”. (Ảnh chụp màn hình) |
Giáo viên mua giáo án để làm gì? Khẳng định, giáo viên mua giáo án để nộp chứ không phải để dạy; song song với giáo án để nộp, giáo viên có một bộ giáo án khác để dạy, như vậy giáo viên không lười.
Giáo viên mua giáo án để nộp, nhằm đối phó với những bất cập của “cơ chế”, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ; giáo viên mua giáo án không phải là “giáo viên xấu”.
Cái xấu ở đây, chính là “cơ chế nào” đã làm cho giáo viên lười, giáo viên “xấu”?
Giáo dục khai phóng, đầu tiên phải khai phóng người thầy, người thầy còn “mẫu” dạy học thì đừng nghĩ đến việc “khai phóng” trò.
Công văn 5512 đã “đóng khung” giáo án dạy học của giáo viên, dù sau đó Bộ đã khẳng định Phụ lục trong Công văn 5512 là “tham khảo”, thế nhưng giáo viên vẫn khẳng định Bộ vẫn chỉ đạo mang tính “nước đôi”. Vì thế “Còn phải soạn giáo án đúng mẫu 5512, giáo viên còn mua bán trên mạng”.
“Công văn 5512 là văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực chất là hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch thực thi chương trình quốc gia cho phù hợp nhất với học sinh trường mình, với điều kiện cụ thể của trường mình, trong bối cảnh thực tế của địa phương mình.
Như vậy nếu các mục tiêu được quy định trong chương trình là chung và duy nhất, thì cách tổ chức rèn luyện cho học sinh, lộ trình… sẽ mỗi nơi mỗi khác. Và chỉ có bằng con đường như vậy các phẩm chất, năng lực được qui định trong chương trình mới có thể được thực hiện thành công”.[1]
“Công văn 5512 là văn bản quan trọng, thể hiện tinh thần của chương trình định hướng phát triển năng lực học sinh. Tuy nhiên, cần chỉnh sửa các phụ lục để triển khai tới từng giáo viên, cán bộ quản lí các cấp trên phạm vi cả nước thì mới có thể thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018, tức là góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 29 Trung ương về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam”.[1]
Vì thế, Bộ cần chỉnh sửa các phụ lục trong công văn 5512, làm “mất đất” sống của những đối tượng “đầu nậu” giáo án, lấy “đổi mới giáo dục” để làm giàu; đảm bảo giáo án (Kế hoạch bài dạy), giáo viên được tự do sáng tạo.
Mỗi giáo viên, mỗi địa phương, mỗi lớp học, mỗi học sinh, phải có giáo án khác nhau, không thể theo một mẫu giáo án chung được; xin hãy để giáo viên tự do sáng tạo, đừng áp đặt giáo viên vào bất cứ khuôn mẫu nào;
Hãy để giáo viên tự do soạn giáo án, ngắn hay dài, dạy thế nào, soạn thế đó, miễn là phù hợp với thực tế ở địa phương, với đối tượng học trò, đừng bắt “học sinh thành phố tả gà…”.
Chỉ có giáo viên mới là người thực sự biết học sinh mình cần gì nhất, giáo viên không xấu, không lười, không phải mua giáo án, sẽ trao cho học trò điều tốt đẹp nhất.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-su-nha-giao-nhan-dan-nguyen-duc-chinh-chi-ra-nhieu-bat-cap-o-cong-van-5512-post220949.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.