Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5512/BGDĐT 2020 về tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục trong trường học, đã nhận được muôn vàn phản ứng trái chiều của dư luận giáo giới.
Điều đáng buồn nhất, Công văn 5512/BGDĐT 2020 đã tạo ra một “thị trường giáo án” (Kế hoạch bài dạy) nhộn nhịp trên mạng xã hội.
Nhiều hội nhóm giáo viên được thành lập để soạn, bán giáo án theo mẫu Công văn 5512. Có những hội nhóm chia sẻ “đã bán thành công 10.000 bộ giáo án, nay tri ân, miễn phí cho 100 thầy cô nhắn tin sớm nhất”.
Chưa biết thực hư thế nào, hay chiêu trò của “đầu nậu”, nếu như 1 bộ giáo án được bán với “phí nhỏ” 800.000 đồng/bộ/năm học, “đầu nậu” đã thu về 8 tỷ đồng; một con số mà không ít người vin vào đây để nói, Công văn 5512 có “lợi ích nhóm”.
Nhưng sự thật là đã có những cái "chợ online" chuyên bán giáo án mẫu và tài liệu phục vụ giáo viên, như thế này:
Chợ giáo án, một nhóm kín có 31.900 thành viên, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
Mẫu giáo án 5512 được rao bán trên nhiều trang với mức giá khác nhau, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
Bảng giá giáo án mẫu 5512 được một trang liệt kê chi tiết, ảnh chỉ mang tính chất minh họa. |
Trước thực tế mà dư luận đã phản ánh, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH, chỉ yêu cầu thực hiện các kế hoạch giáo dục theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ở lớp 6, các lớp còn lại vẫn thực hiện các kế hoạch như trước đây, các phụ lục trong Công văn 5512 dùng để tham khảo.
Thế nhưng “thị trường” giáo án vẫn không hề “hạ nhiệt”, vì giáo viên thừa hiểu, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH mang tính “nước đôi”, để “đi tắt, đón đầu” trước sau gì các cơ sở cũng chỉ đạo thực hiện theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.
Một giáo viên cốt cán, hướng dẫn tập huấn, chia sẻ với người viết: “Em biết, nếu soạn giáo án theo 5512 thì nhiều bất cập, bất cập nhất là hình thức và không được sáng tạo. Dù Bộ đã nói 5512 chỉ để tham khảo, thế nhưng giáo viên khi làm bài thu hoạch vẫn phải theo 5512, không chỉ với lớp 6 đâu, nếu không sẽ trượt”.
Ví thế, gánh nặng “sổ sách” vẫn di căn sau mỗi năm học được cho là “tinh giản sổ sách” giảm áp lực cho giáo viên.
Xin giáo án Powerpoint được đăng tải trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình) |
Giáo viên mua giáo án để làm gì?
Đây là câu hỏi của một số hội nhóm giáo viên không bán giáo án trên mạng xã hội. Câu hỏi này đã nhận được sự quan tâm, bình luận của giáo viên; nào là mua giáo án để tham khảo; mua giáo án để khỏi mất công soạn, vì dài quá, hình thức quá; bình luận nhận nhiều lượt thích nhất chính là “mua giáo án để đối phó”.
Giáo dục không thể đồng phục, đặc biệt là giáo án (kế hoạch bài dạy) trước xu thế phát triển “mở” của xã hội; vì thế, những quy định gò ép ý chí sáng tạo của con người nói chung, giáo viên nói riêng, chỉ nảy sinh tâm lý đối phó; phản tác dụng, không nâng cao chất lượng giáo dục.
Rao bán giáo án Powerpoint trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình) |
Dạy trực tuyến, “chợ” giáo án trở nên nhộn nhịp
Dịch bệnh Covid-19 hoành hành, học sinh không đến trường nhưng không ngừng học, các địa phương chuyển qua dạy trực tuyến.
Hiện nay, chưa có phần mềm nào được Bộ quy định để dạy trực tuyến trên cả nước, các địa phương, các cơ sở vẫn “mạnh ai nấy làm”.
Để dạy trực tuyến, giáo viên phải có bài soạn Powerpoint, với các lớp chương trình cũ không khó, qua cơ chế “xin cho”, giáo viên dễ dàng có bài soạn để dạy.
Với lớp 6, giáo viên đã lên mạng cầu cứu, thể hiện nhu cầu, có cung ắt có cầu, chợ giáo án trở nên sôi động, với hình thức “bán bia kèm lạc”, muốn có bài soạn Powerpoint, giáo viên đành mất “phí cf”.
Mua bán giáo án trên mạng, pháp luật chưa có điều khoản nào cấm, thế nhưng cũng có giáo viên không đồng tình; cũng có những hội nhóm giáo viên tặng hoàn toàn giáo án có chất lượng cao cho giáo viên cần, với mục đích lan tỏa chuyên môn, giúp đồng nghiệp có thêm kênh thông tin tham khảo.
Group Thư viện STEM-STEAM trên Facebook, hơn 100.000 thành viên tuyệt đối không bán giáo án. (Ảnh chụp màn hình) |
Dạy học nói chung, dạy trực tuyến nói riêng, muốn đạt kết quả tốt cần nhiều yếu tố hội tụ, nhưng đầu tiên là sự chủ động chuẩn bị bài, sáng tạo trong dạy học.
Tiết dạy thành công khi và chỉ khi giáo viên dạy bằng trái tim nhiệt huyết và khối óc sáng tạo của mình. Việc thay đổi nhiều công văn chỉ thị về phương thức soạn bài, chuẩn bị bài, vô hình trung gây mất niềm tin, chán nản cho giáo viên.
Vì thế, rất cần những chỉ đạo của Bộ phải gắn với thực tiễn, xuất phát từ nội tại của thực tế, tránh hình thức. Điều đó không khó, Bộ nên giới thiệu văn bản dự thảo sớm, lấy ý kiến đóng góp của dư luận;
Thực tế, người làm ít, người chỉ trích đông hơn, để cán bộ, giáo viên đang trực tiếp công tác tại địa phương đóng góp ý kiến chất lượng, Bộ nên hướng dẫn đóng góp có giải thích, phản biện; Bộ nên có “cơ chế” khen thưởng ý kiến hay của giáo viên đang trực tiếp giảng dạy;
Với bộ phận tham mưu của mình, Bộ nên có hình thức “phạt nguội”, để nâng cao trách nhiệm; “xem dự thảo đoán chuyên viên”, nếu không có thực tài, thực lực, thực tâm, khó mà tham mưu tốt.
Mỗi văn bản chỉ đạo của Bộ đang và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục và tương lai đất nước, nên cần lắm những văn bản đi vào cuộc sống.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.