PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền: Giảng viên chậm nâng cao năng lực, sinh viên chịu thiệt

16/09/2021 07:05
Ngọc Quang (Thực hiện)
GDVN- Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Bích Hiền cho biết, giảng viên đại học cần phải chủ động nâng cao trình độ, năng lực thì mới đảm nhiệm tốt công việc giảng dạy.

Trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô nhấn mạnh, để làm tốt nhiệm vụ việc giảng dạy ở trường đại học thì việc bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng... là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi giảng viên. Nếu giảng viên không chủ động nâng cao trình độ, năng lực thì không chỉ riêng bản thân bị tụt lùi so với đồng nghiệp mà còn gây ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, khiến sinh viên chịu thiệt thòi, nhất là khi học trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19.


- PV: Trong hai năm liên tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Trường Đại học Thủ Đô đã chuẩn bị những phương án nào để các chương trình đào tạo không bị gián đoạn, đảm bảo cung cấp kiến thức cho sinh viên, thưa
bà?

Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Bích Hiền: Nhà trường luôn duy trì tổ chức đào tạo theo đúng lịch trình năm học thông qua 2 phương án là giảng dạy trực tiếp (khi không có bệnh dịch) và giảng dạy trực tuyến (khi có dịch bệnh).

Riêng năm học 2020-2021, nhà trường đã phải lùi lịch đào tạo 2 tuần theo lịch trình bằng việc kéo dài thời gian nghỉ Tết nguyên đán theo tình hình chung để phòng chống dịch Covid-19 và hướng dẫn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Các phương án tổ chức đào tạo trên tuân thủ theo các thông báo, văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Trước khi xảy ra dịch Covid thì nhà trường đã quan tâm và triển khai nghiên cứu xây dựng hệ thống học liệu số phục vụ cho mục tiêu phát triển của trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo khác nhau. Điều này mang đến lợi ích cả về mặt kinh tế do tiết kiệm được chi phí vì giảm được các bài giảng truyền thống là phải tới giảng đường, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho thầy cô và sinh viên có được nguồn tài liệu phong phú, chủ động nghiên cứu, nâng cao trình độ.

Vì vậy, trong thời gian giãn cách chống dịch, nhà trường luôn đảm bảo được các hoạt động đào tạo trực tuyến diễn ra tương đối thuận lợi, ngay cả các chương trình bảo vệ luận văn tốt nghiệp thạc sĩ cũng đã triển khai trực tuyến thành công.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô. Ảnh: NVCC.

PV: Một trong những vấn đề mà rất nhiều người quan tâm là dịch Covid-19 kéo dài khiến cho các kỳ thực tế, thực tập của sinh viên bị ảnh hưởng rất nhiều, đang phải tạm dừng. Vậy nhà trường có giải pháp gì để xử lý vấn đề này?

Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Bích Hiền: Đối với sinh viên sư phạm, nhà trường thực hiện việc điều chỉnh nội dung thực tập cho sinh viên từ khối tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Sinh viên được thực tập online trong thời gian không thể đến trường thực tập, nhưng sau khi học sinh các trường phổ thông đi học bình thường thì sinh viên vẫn tiếp tục đến thực tập, hoàn thành các nội dung thực tập. Đặc biệt, khối mầm non không thực tập online, chỉ tổ chức thực tập khi các trẻ mầm non đi học trở lại.

Đối với sinh viên ngoài sư phạm, những trường hợp không đi thực tập được do doanh nghiệp chưa thể tiếp nhận thì sau đó nhà trường sẽ bố trí để sinh viên đi thực tập bù, đảm bảo về nội dung và thời lượng của công tác thực tập.

Năm học 2019-2020, một số đoàn thực tập được chuyển sang học kỳ 1 năm học 2020-2021.

Các kỳ thực tập rất quan trọng đối với kế hoạch đào tạo, qua thời gian được tham gia công việc thực tế ở từng đơn vị, tổ chức khác nhau, sinh viên có điều kiện để bộc lộ khả năng của mình, biết được mình còn thiếu hoặc yếu ở những điểm nào và tiếp tục hoàn thiện bản thân, tự tin ứng tuyển vào các vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

Vì vậy, nhà trường đã chuẩn bị các phương án khác nhau để triển khai đưa sinh viên đi thực tập ngay khi hết thời gian giãn cách.

PV: Có ý kiến cho rằng hàng năm đều có một bộ phận cử nhân tốt nghiệp nhưng thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm phù hợp do yếu và thiếu kỹ năng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, lỗi còn thuộc về giảng viên và chương trình đào tạo. Quan điểm của thế nào về vấn đề này?

Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Bích Hiền: Sinh viên tốt nghiệp nhưng thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm phù hợp do nhiều nguyên nhân khác nhau cả từ phía đơn vị sử dụng lao động, người học, nhà trường và các cơ quan quản lý các cấp, nhu cầu việc làm của xã hội theo từng giai đoạn, thời kỳ...

Chương trình đào tạo của nhà trường luôn được điều chỉnh, cập nhật hàng năm để đáp ứng ngày càng phù hợp hơn giữa nhu cầu về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng của người được đào tạo, của đơn vị sử dụng lao động cũng như nhu cầu nhân lực của xã hội nói chung.

Thực tế, vẫn còn một số nội dung chưa thực sự cần thiết, gắn với nhu cầu thực tiễn việc làm, đây là câu chuyện chung của nhiều trường và cần tiếp tục được khảo sát, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động.

Giảng viên của các cơ sở giáo dục nói chung, cơ sở giáo dục đại học nói riêng phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu tuyển dụng, phải thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công đảm nhiệm.

Tuy nhiên, thực tế còn có khoảng cách nhất định giữa trình độ được đào tạo với năng lực thực hiện của mỗi giảng viên. Do đó, dù bất cứ công việc nào, đặc biệt là giảng dạy ở trường đại học thì việc bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng để đáp ứng phù hợp và có chất lượng với yêu cầu ngày càng cao trong đào tạo là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi giảng viên.

Bên cạnh năng lực giảng dạy, giảng viên còn cần phải có năng lực về khoa học, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, phương pháp nghiên cứu, năng lực phát triển môn học theo kịp sự phát triển của thị trường lao động. Giảng viên mà chậm nâng cao năng lực, sinh viên sẽ chịu thiệt thòi.

Khung chương trình chung là một vấn đề, nhưng khi triển khai giảng dạy thì từng giảng viên sẽ có những cách làm sáng tạo khác nhau, cần vận dụng nhiều bài học thực tiễn giúp sinh viên đến gần với quá trình tạo ra sản phẩm hoặc trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra các sản phẩm cụ thể thì sẽ đạt được hiệu quả tốt.

Kỹ năng làm việc độc lập hay làm việc nhóm, kỹ năng phân tích, nghiên cứu đánh giá một vấn đề, kỹ năng giao tiếp... cũng đều hình thành và hoàn thiện trong quá trình được tham gia các công việc từ thực tế.

PV: Nhà trường đã có những chương trình gì để hỗ trợ sinh viên trong giai đoạn dịch bệnh, thưa bà? Trường có kiến nghị gì với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng khác để giải quyết những khó khăn đang gặp?

Phó giáo sư Nguyễn Vũ Bích Hiền: Nhà trường đã triển khai hỗ trợ cho 4 nhóm sinh viên gặp khó khăn do dịch bệnh theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm: Sinh viên ở ký túc xá, thuê trọ; Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Sinh viên F0, F1 bị cách ly tập trung từ tháng 3/2021; Sinh viên tham gia tình nguyện phòng chống dịch Covid-19.

Nhà trường cũng đã hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên có gia đình ở tâm dịch không thể về quê ăn Tết năm 2021.

Trong thời gian giãn cách phòng chống dịch Covid-19 vừa qua,nhà trường đã hỗ trợ cho gần 200 sinh viên tại ký túc xá và đang ở trọ trên địa bàn với các suất quà chứa nhu yếu phẩm, mỗi suất trị giá 400.000 đồng.

Trường cũng liên tục tổ chức tuyên truyền cho sinh viên các biện pháp phòng dịch, phối hợp với các khoa đào tạo, bộ phận quản lý ký túc xá theo dõi sức khỏe của sinh viên; đảm bảo đủ thuốc, vật tư cho công tác phòng dịch. Tổ chức đo thân nhiệt cho sinh viên trước khi vào lớp học; tự sản xuất và cung cấp miễn phí cho cộng đồng hơn 1000 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn chống dịch.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà trường đã vận dụng các biện pháp vừa đảm bảo giãn cách vừa triển khai thực hiện đào tạo. Quá trình này kéo dài đã nảy sinh những khó khăn nhất định, vì vậy nhà trường mong muốn có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo cho việc thực hiện toàn bộ quá trình tổ chức đào tạo. Đồng thời, nhà trường mong có chính sách hỗ trợ, nhất là chính sách về tài chính, tiêm vắc-xin đối với sinh viên gặp khó khăn trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền!

Ngọc Quang (Thực hiện)