“Cử nhân thất nghiệp, phần nhiều do lỗi của thầy cô và nhà trường”

09/09/2021 06:29
Ngọc Quang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thạc sĩ Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông thẳng thắn cho rằng thất nghiệp không phải chỉ lỗi của cử nhân mà còn do nhà trường và giảng viên.

Câu chuyện mỗi năm có hàng nghìn cử nhân tốt nghiệp rồi thất nghiệp không mới nhưng vẫn luôn là vấn đề thời sự, cho thấy rất nhiều cơ sở đào tạo chưa theo kịp được nhu cầu của thị trường; đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã khiến hàng nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động, dẫn tới sự tranh tranh vị trí việc làm càng trở nên căng thẳng hơn.

Trao đổi xung quanh nội dung này, Thạc sĩ Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông đã chỉ ra những nguyên nhân từ cả phía người học và cơ sở đào tạo, giảng viên.

PV: Thưa ông, đã có nhiều nhận định về việc cử nhân bị thất nghiệp do thiếu quá nhiều kỹ năng, điều này thực chất là do chương trình đào tạo và chất lượng giảng viên. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Thạc sĩ Trần Thanh Hải: Tôi cho rằng điều này đến từ cả hai phía sinh viên và nhà trường. Đối với sinh viên, cùng học chương trình đào tạo như nhau nhưng có những em tìm được việc làm phù hợp, có em thì thiếu may mắn hoặc do khả năng thích ứng chậm nên không được tuyển dụng.

Phần lớn các bạn trẻ không tìm được việc làm phù hợp hoặc không trụ nổi ở vị trí đã có cơ hội thử việc là do thiếu quá nhiều kỹ năng cả về giao tiếp, làm việc độc lập hay làm việc nhóm, sự chủ động ở mức thấp… Tấm bằng cử nhân chỉ là một điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Vì thế thị trường thiếu trầm trọng những lao động có trình độ có kỹ năng, mà thừa cũng vô vàn cử nhân có bằng nhưng thiếu mọi thứ khi được làm việc thực tế.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nguyên nhân ở phía người học chỉ là một phần, còn phần lớn lỗi thuộc về thầy cô và nhà trường. Chất lượng đào tạo là hệ quả của nhiều thành tố (factors) trong đó chất lượng giảng viên là yếu tố quan trọng nhất. Tôi nhấn mạnh điều này vì chính giảng viên mới là người có thể xây dựng chương trình đào tạo (curriculum) phù hợp, rồi sau đó mới thông qua Hội đồng,…; kế đến cũng chính giảng viên là người đề xuất các thiết bị (mua hay nhập), đề xuất thiết bị tự làm hay đề xuất các cơ sở thực hành (intership) phù hợp.

Trên thực tế có những trường đại học, cao đẳng đã xây dựng được thương hiệu trong suốt nhiều năm qua bởi vì họ tuyển dụng được giảng viên có trình độ cao, rồi theo thời gian tiếp tục đào tạo nâng cao cho các giảng viên để họ cập nhật được kiến thức, chương trình mới từ các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.

Để tuyển dụng được giảng viên có trình độ cao thì điểm mấu chốt là nhà trường phải đảm bảo được thu nhập xứng đáng với chất xám họ bỏ ra, xứng đáng với thời gian và công sức dành cho giảng dạy, hướng dẫn sinh viên.

Thầy Trần Thanh Hải trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên ngành Điều dưỡng. Ảnh: NVCC.

Thầy Trần Thanh Hải trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên ngành Điều dưỡng. Ảnh: NVCC.

PV: Thực tế là có rất nhiều sinh viên không biết làm thế nào chọn ngành phù hợp dẫn tới chọn theo phong trào hoặc theo mong muốn của bố mẹ, điều này dẫn tới hệ lụy gì, thưa ông?

Thạc sĩ Trần Thanh Hải: Nhiều năm trước đây và thậm chí cả bây giờ nhiều em không biết chọn ngành thế nào, có phù hợp với năng lực phát triển của bản thân không. Là một người làm việc trong lĩnh vực đào tạo nhiều năm, tôi chia sẻ với các em vài điều như sau: Đầu tiên lựa chọn ngành học phải dựa vào sở thích và năng lực của mình. Hai vế này phải đi cùng nhau, không bên nào nặng hơn bên nào, tại sao vậy? Bởi vì các bạn yêu thích thì mới thật sự tìm tòi, học tốt và thành công. Tuy nhiên, yêu thích ấy phải phù hợp với hoàn cảnh gia đình, năng lực của bản thân, về điều này thì phải tính toán dựa trên thực tế và có thể tham khảo những người có kinh nghiệm để lựa chọn chính xác.

Kế đến là khả năng tích hợp (liên kết-mở rộng) của ngành học trong tương lai. Ví dụ học sinh chọn khối B thì chỉ nên chú tâm học các ngành y-dược-xét nghiệm hay ngành chăm sóc sắc đẹp.

Yếu tố truyền thống ngành nghề của gia đình cũng được xem là nhân tố chọn nghề nhưng theo tôi phải xếp sau sở thích-năng lực. Nếu như các bạn chọn ngành chỉ vì sự sắp xếp của bố mẹ, trong khi bản thân không yêu thích thì rất khó để thành công.

Trên thực tế đã có không ít sinh viên dù học tới năm thứ 2 đại học nhưng đã dũng cảm chuyển sang trường khác để học ngành đúng với sở thích. Thậm chí có nhiều sinh viên đã đậu đại học nhưng lại chọn vào cao đẳng, vì có nhiều chương trình mà trường kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo, thời gian học trong vòng 3 năm mà phần lớn là thực hành, tốt nghiệp có việc làm ổn định. Sau này, khi có điều kiện các em cũng có thể học liên thông lên đại học, tùy vào nhu cầu công việc.

Nói tóm lại dù chọn bất cứ ngành học nào thì các bạn cũng phải có sự tính toán thật kỹ và trả lời được câu hỏi tại sao lại học ngành đó, có phù hợp với năng lực và sở thích không? Các bạn có hướng phát triển gì và mục tiêu trong tương lai là gì khi chọn ngành?

Nếu các bạn chọn ngành, chọn trường theo sự thúc giục và sắp xếp của người khác mà bản thân không hề muốn thì rõ ràng đó là một sai lầm lớn. Tôi tin rằng để tìm được một công việc thì không phải quá khó, nhưng để thành công có vị trí trong xã hội thì chắc chắn phải có đam mê.

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên ngành đào tạo kỹ thuật chưa thể dành nhiều thời gian cho thực hành, đây là "bài toán" khó với nhiều trường.

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên ngành đào tạo kỹ thuật chưa thể dành nhiều thời gian cho thực hành, đây là "bài toán" khó với nhiều trường.

PV: Có một thực tế là dịch Covid-19 kéo dài 2 năm qua đang gây ảnh hưởng tới thị trường lao động khi mà hàng nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động, số người thất nghiệp tăng lên trong đó có hàng nghìn cử nhân. Dịch Covid-19 cũng đang gây ra những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động đào tạo của các trường. Theo ông, cần những giải pháp nào gì để đối phó với tình trạng này, đặc biệt là để bù đắp khoảng thời gian phải học online kéo dài và ít được thực tập tại các doanh nghiệp, nhà máy?

Thạc sĩ Trần Thanh Hải: Dịch Covid đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của nhiều trường, trong đó có Trường Cao đẳng Viễn Đông. Thí dụ các em sinh viên các tỉnh Đông nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu long thường chiến gần 50% số lượng sinh viên theo học của trường, nhưng năm nay tỷ lệ này có thể bị giảm do lo sợ dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với hoạt động đào tạo, nhà trường chú ý dạy thực hành rất nhiều, thời lượng chiếm trên 60%, do đó nhiều môn học chỉ kết thúc được 1/3 (lý thuyết thuần) hay 2/3 (do có sự hỗ trợ của thiết bị mô phỏng), 1/3 còn lại cần tương tác thực trên những sản phẩm (hàng hoá-dịch vụ hay bệnh nhân thực) thì chưa thể hoàn thành.

Cuối cùng học online cũng cần hệ thống mạng tốt, máy tính và tinh thần tự học. Đối với sinh viên giáo dục nghề nghiệp thì một số em chưa thật sự tự chủ và tự giác trong quá trình theo dõi bài. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng trong nguy có cơ, qua đây chúng tôi đã và đang sàng lọc được đội ngũ giảng viên chất lượng hơn, chịu đổi mới hơn. Đây mới thực sự là đội ngũ cần thiết cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và là nhân tố quan trọng số một như tôi đã chia sẻ ở trên.

Sinh viên ngành Điều dưỡng đã tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch Covid-19.

Sinh viên ngành Điều dưỡng đã tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch Covid-19.

PV: Theo ông, làm thế nào để công tác đào tạo đạt được mục tiêu "học thật, thi thật" mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu?

Thạc sĩ Trần Thanh Hải: Thủ tướng nêu ra yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật” là vô cùng cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Theo tôi, ba cái thật trên chỉ thể hiện rõ ra khi sử dụng lao động, do đó thay vì loay hoay đánh giá quanh chuyện học và thi thì hãy tập trung cho việc tuyển chọn công bằng và sử dụng thật.

Sử dụng thật là các cơ quan (đặc biệt khu vực hành chính công, sự nghiệp công) phải công khai nhiệm vụ và định lượng (quantitative evaluation) của công chức - viên chức phải đạt và làm được, sau đó mới xét đến bằng cấp.

Đối với khu vực tư nhân hay những đơn vị có vốn nước ngoài thì đã và đang sử dụng lao động có năng lực thật đi kèm với trả lương tương xứng, vì họ thật sự quan tâm tới tính hiệu quả. Nếu các cơ quan, đơn vị thuộc khối hành chính công cũng làm được như vậy thì hoạt động đào tạo của các trường buộc phải thay đổi mạnh mẽ và người học cũng buộc phải nỗ lực cố gắng thật sự, đồng thời cũng tạo ra sự cạnh tranh công bằng thúc đẩy xã hội ngày càng văn minh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang