Đại học nào ở Việt Nam đã đạt đẳng cấp quốc tế vào năm 2020?

21/09/2021 06:50
Thùy Linh
GDVN- Xây dựng một số đại học đạt đẳng cấp quốc tế để làm đầu tàu về khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ cấp thiết của Việt Nam.

Trong bài viết “12 tiêu chí nhận diện một đại học đẳng cấp quốc tế”, ông Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục và Tư vấn LV&F, nguyên Phó trưởng phòng Phòng Tổ chức hành chính Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã phân tích các tiêu chí về một đại học đẳng cấp quốc tế.

Hôm nay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Quang để xem phân tích của ông khi đối chiếu với 12 tiêu chí đó thì Việt Nam đã có đại học nào đạt đẳng cấp quốc tế vào năm 2020 chưa?

Phóng viên: Theo ông, sự cần thiết đối với việc xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Quang: Đối với Việt Nam, một nước đang phát triển, để tránh bị tụt hậu phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước càng sớm càng tốt.

Trong lúc chúng ta công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các nước đã công nghiệp và hiện đại hóa trước ta họ cũng tiến lên. Các nước chưa công nghiệp hóa tương tự Việt Nam cũng đua với chúng ta để vào nhóm các nước công nghiệp, hiện đại chứ họ không phải ngồi chơi. Do đó; Việt Nam muốn đua với các nước trên trong cuộc đua vào nhóm các nước công nghiệp, hiện đại, chúng ta phải “đi tắt, đón đầu” để tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn các nước trên, đạt mục tiêu mà Đại hội Đảng đề ra.

Lời giải cho quyết tâm này là phải phát triển kinh tế tri thức trên nền tảng nhân lực chất lượng cao, muốn đạt được điều này thì việc xây dựng các đại học đẳng cấp quốc tế là giải pháp then chốt. Chính vì vậy, Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách, chiến lược để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học, Chính phủ cũng đã có quyết tâm nhanh chóng xây dựng một số đại học Việt Nam đạt đại học đẳng cấp quốc tế.

Nhưng hiện trạng là giáo dục đại học ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn phôi thai và chưa đồng bộ. Một vài đại học hoạt động tốt, có khả năng trở thành tinh hoa nếu tiếp tục được hỗ trợ cơ chế, đa số còn lại hoạt động như đại học bao cấp.

Tình trạng hội nhập và liên thông với thế giới gần như không đáng kể kéo theo hệ lụy cho nền kinh tế là lao động chất lượng, chuyên nghiệp và đẳng cấp không có nhiều; hệ thống sản xuất nội địa vừa thiếu đầu tư, vừa thiếu nhân lực khiến đa phần là thực hiện gia công, lắp ráp cho thị trường thế giới.

Sản phẩm lắp ráp thì mẫu mã có độ tinh tế chưa cao, sức cạnh tranh trong khu vực còn hạn chế, khoa học-công nghệ chưa thực sự phát triển mạnh và nghiên cứu đa số theo lối cũ,...;. Với tình hình trên, giáo dục đại học Việt Nam sẽ khó đáp ứng kịp thời cho việc thực hiện chủ trương công nghiệp và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng đã đề ra.

Do đó, việc xây dựng thành công một số đại học đạt đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam hiện nay để làm đầu tàu về khoa học-công nghệ, về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao liên thông được với tiêu chuẩn chất lượng cao của đại học đẳng cấp quốc tế ở các nước tiên tiến là một vấn đề hết sức cần thiết và rất cấp bách để tạo nền tảng:

Lôi kéo và kích thích sự cạnh tranh lành mạnh, để các đại học khác trong nước đuổi theo các mô hình đại học đẳng cấp quốc tế này; tạo sự chuyển biến tất yếu cho cả hệ thống giáo dục đại học;

Nhanh chóng có những cơ sở giáo dục không những cung cấp ngay nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia trong thời kỳ hội nhập toàn cầu;

Và khẩn trương hình thành các trung tâm học thuật, sáng tạo (khoa học-công nghệ) trọng điểm, để giúp đất nước mau chóng bước vào sân chơi chung và cạnh tranh cấp độ toàn cầu về kinh tế tri thức.

Trong lúc các nước đã phát triển tiếp tục chú trọng phát triển giáo dục đại học tinh hoa để duy trì thứ hạng về kinh tế; mong muốn đại học của họ luôn có vị trí tốt nhất trong thang xếp hạng đại học thế giới và đầu tư hàng tỷ USD để có được đại học đẳng cấp quốc tế thì Việt Nam lại có nguồn lực tài chính đầu tư cho đại học rất hạn hẹp; chính sách phát triển đại học tinh hoa không nhất quán trong thời gian dài; cơ chế tự chủ thì lúc triển khai mạnh, lúc e dè; việc thực hiện tự chủ không đồng bộ ở các cấp.

Để giải quyết nan đề “muốn phát triển đại học tinh hoa để xây dựng nền kinh tế tri thức, thì phải có rất rất nhiều tiền và cơ chế đúng; trong khi chúng ta không đủ tiền và cũng thiếu cả cơ chế”.

Việt Nam nhất định phải cần sự quyết tâm. Bởi 2 lời giải cho nan đề luôn là: “Giao cơ chế đúng” và “tập trung đầu tư vào những đại học có khả năng quản trị tốt để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế và hội nhập nhanh”. Khi và chỉ khi 2 điều này được thực hiện, các đại học tự họ sẽ giải quyết bài toán hiệu quả và năng suất, cũng như thu hút nhân lực giỏi cần thiết để phát triển thành tinh hoa.

Hiện trạng thì khó khăn, nhưng theo ông, với sự nỗ lực tự thân, tính đến 2020 những đại học nào của Việt Nam có thể nói đã đạt đẳng cấp quốc tế không? Nếu có, ông có thể minh chứng?

Ông Nguyễn Minh Quang: Hiện có nhiều trường ở Việt Nam mong muốn phát triển theo hướng đại học đẳng cấp quốc tế và cũng có nhiều cơ sở đã, đang đi trên con đường xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế.

Những đại học/ trường đại học mấy năm gần đây liên tiếp được xếp hạng trên các bảng xếp hạng đại học uy thế giới như: Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là các minh chứng. Chúng ta chỉ có thể đưa ra minh chứng về đại học đẳng cấp quốc tế trên cơ sở xếp hạng của quốc tế; chúng ta không thể duy ý chí đến mức tự mình phong hạng cho mình!

Về một trường hợp điển hình, thì tôi may mắn được công tác tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng và cũng đã góp một phần sức lực nhỏ trong giai đoạn từ khi bắt đầu xác định mục tiêu, xây dựng Kế hoạch 30 năm phát triển thành đại học đẳng cấp quốc tế vào TOP 500 thế giới (2007) cho đến khi đạt được kết quả bước đầu (TOP 800 thế giới theo ARWU 2020).

Kết quả này một lần nữa đã được khẳng định trong năm 2021 (TOP 500 thế giới theo THE); nên tôi hiểu và có thể trình bày những minh chứng về một đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam đến thời điểm năm 2020. Còn hiện nay (2021) và về sau, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có đi tiếp con đường, cách làm này hay theo cách làm và con đường khác thì tôi không thể biết được, do tôi đã là người đứng ngoài cuộc.

Từ năm 2007, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có chiến lược mở rộng và phát triển thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu đa ngành, đa chức năng; có uy tín trong nước và quốc tế theo định hướng quốc tế hóa và trở thành một đại học nghiên cứu thuộc vào TOP 60 trường đại học tốt nhất Châu Á vào năm 2037.

Quá trình thực hiện mục tiêu phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng thành đại học nghiên cứu trong TOP 60 của Châu Á đồng thời cũng chính là phát triển Trường trở thành một đại học đẳng cấp quốc tế, bởi đại học trong TOP 60 của Châu Á tức là tương đương TOP 401 đến 500 của thế giới. Hiện nay, hầu như các đại học TOP 800 thế giới theo ARWU và THE đều là đại học đẳng cấp quốc tế.

Trong hoàn cảnh tự chủ và tự trang trải toàn bộ chi phí đầu tư, không đòi hỏi Ngân sách nhà nước phải tài trợ, việc Trường Đại học Tôn Đức Thắng mạnh dạn đặt mục tiêu trên rõ ràng là rất đáng khích lệ và tạo ra tiền lệ để góp phần cho sự đổi mới hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Để đến mục tiêu này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đi những bước nền tảng rất vững chắc nhưng nhanh chóng, cụ thể:

Một là, nhờ cơ chế tự thu -chi, tự lo về tài chính, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tự quyết được các kế hoạch đầu tư phát triển; bào đảm tính nhanh, kịp thời và hiệu quả. Trường đã linh hoạt huy động, khai thác các nguồn vốn hợp pháp để bảo đảm các dự án đầu tư được triển khai tập trung, dứt điểm, đúng tiến độ và đặc biệt hiệu quả, tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư.

Nhờ đầu tư nhanh, hầu như công trình nào cũng hoàn tất trong vòng 12 tháng, cơ sở vật chất, kỹ thuật của Nhà trường liên tục phát triển nhanh, hiện đại và đúng chuẩn quốc tế. Hệ thống phòng thí nghiệm ngày càng nhiều và chuyên sâu; một số phòng Lab phục vụ cho nghiên cứu cũng đã được trang bị theo nhu cầu của Nhóm nghiên cứu, trong đó có những thiết bị vào loại hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Với quyết tâm đầu tư tập trung, chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm, quản lý và giám sát chặt chẽ về chất lượng và tiến độ, tiết giảm tối đa chi phí, các hạng mục công trình đầu tư xây dựng của Trường đều được hoàn thành đúng tiến độ để đưa vào sử dụng đúng kế hoạch làm việc. Tốc độ xây dựng cơ bản và phát triển cơ sở vật chất của Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong giai đoạn 2007-2020 tăng trưởng 40% mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng chung về lượng và chất của Nhà trường là 33% mỗi năm.

Môi trường quốc tế trong hoạt động là tiêu chuẩn thứ 2 mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đạt được ngoài cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế. (ảnh: tdtu.edu.vn)

Môi trường quốc tế trong hoạt động là tiêu chuẩn thứ 2 mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đạt được ngoài cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế. (ảnh: tdtu.edu.vn)

Hai là, xây dựng được môi trường học thuật, môi trường làm việc hoàn chỉnh, nề nếp, khang trang, hiện đại như các đại học nước ngoài. Chuyên gia, nhà nghiên cứu nước ngoài đến làm việc rất hài lòng vì môi trường không khác với đại học của họ; thậm chí còn có nhiều điếu tốt hơn. Văn hóa đại học cũng đã được xây dựng thành công. Việc sử dụng tiếng Anh làm công cụ giao tiếp trong các trường đại học, chuẩn đầu ra cho sinh viên đã được Nhà trường thực hiện từ lâu.

Môi trường quốc tế trong hoạt động là tiêu chuẩn thứ 2 mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đạt được ngoài cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế.

Ba là, xây dựng hệ thống thư viện hiện đại với nguồn dữ liệu dồi dào, kết nối 24/7 đến hàng nghìn thư viện trên thế giới, để phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy.

Bốn là, hoạt động nghiên cứu khoa học ngay từ đầu đã được đặt mục tiêu là: Phải có sản phẩm là bài báo công bố quốc tế trong danh mục ISI; Bằng sáng chế công nghệ do Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO) cấp; Hoặc các hợp đồng chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp.

Nhà trường còn tích cực hợp tác nghiên cứu với các đại học đẳng cấp quốc tế nước ngoài; khuyến khích nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống; thành lập liên tục nhiều Viện/ Nhóm nghiên cứu trọng điểm; với mục tiêu tiến tới thành các viện nghiên cứu lớn, trung tâm xuất sắc.

Xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học-công nghệ, phân loại công bố quốc tế và có chính sách hợp lý để phát triển từng loại; tiêu chuẩn hóa và quốc tế hóa tầm nghiên cứu của lực lượng chuyên gia tại Trường. Tổ chức và đồng tổ chức nhiều hội nghị uy tín và tầm cỡ quốc tế tại Trường; luôn chủ động hợp tác tích cực với các đại học đẳng cấp quốc tế theo Mục tiêu chất lượng hằng năm.

Tập trung đầu tư trọng điểm cho nghiên cứu; quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu; sử dụng nhiều chuyên gia giỏi của nước ngoài; và hợp tác với các đại học đẳng cấp quốc tế là tiêu chuẩn thứ 4 mà một đại học đẳng câp quốc tế phải có.

Năm là, việc thu hút sự trở về của nguồn chất xám trong nước đã ra đi và thành công ở các nước tiên tiến đã được Trường Đại học Tôn Đức Thắng triển khai triệt để, thông qua nhiều chính sách linh hoạt. Nhiều nhà khoa học là Việt kiều có danh tiếng trong giới học thuật quốc tế, đã làm việc dài hạn với Trường Đại học Tôn Đức Thắng (cho đến 2020) để thực hiện các hoạt động nghiên cứu và đào tạo.

Điểm quan trọng là Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tính toán việc đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của Trường mấy chục năm về sau, bằng việc tích cực tìm kiếm nguồn học bổng, hoặc bằng ngân sách tự có của Trường cấp học bổng để liên tục qui hoạch, tuyển chọn và gửi giảng viên đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài hàng năm. Do đó, đội ngũ chuyên gia trẻ ngày càng già dặn hơn trong làm khoa học và giảng dạy; số lượng chuyên gia được xác định sẽ phát triển qui mô lớn, tương xứng tầm đại học đẳng cấp quốc tế.

Sáu là, Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn ban hành nhiều chính sách để mở rộng việc thu hút các chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài đẳng cấp cao đến làm việc và cộng tác; giúp Trường thẩm định dự án nghiên cứu cũng như tư vấn cho chiến lược phát triển của Trường thành đại học đẳng cấp quốc tế.

Bảy là, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã được hình thành, mặc dù chưa hoàn thiện. Do tự lo tài chính, Trường đã từng có quyền tự chủ trong đầu tư mua sắm; tự chủ một phần về nhân sự và chuyên môn; và Nhà trường đã tận dụng được tối đa lợi thế này để phát triển; từ đó, rất có kinh nghiệm về quản trị đại học trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Hệ thống và cách thức quản trị đại học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thực hiện theo cách làm của đại học đẳng cấp quốc tế từ khi bắt đầu đặt ra mục tiêu vào năm 2007 kéo dài suốt cho đến tháng 8/2020.

Trường áp dụng chính sách quản trị nghiêm minh, công bằng với một hệ thống văn bản qui định, qui trình công việc đầy đủ, bài bản, chặt chẽ; lấy tiêu chí chất lượng và hiệu quả làm thước đo mức độ cống hiến và hoàn thành nhiệm vụ của từng vị trí công việc. Chính sách thu nhập được chi trả dựa trên kết quả, hiệu quả công việc làm thước đo. Đây cũng là một cuộc cách mạng trong chi trả thu nhập trong sự đối sánh với pháp nhân đại học công lập tại Việt Nam.

Chính vì thế, năng suất lao động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng rất cao. Trong 13 năm, Trường phát triển nhanh chóng đến mức Lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã xem sự phát triển của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn này là “thực sự thần kỳ”; có một không hai!

Tám là, xây dựng và áp dụng Chuẩn đầu ra đối với sinh viên dần phù hợp với yêu cầu lao động quốc tế; đào tạo công dân toàn cầu với suy nghĩ và hành xử đẳng cấp quốc tế:

Về chuyên môn: Sinh viên phải đạt yêu cầu theo chương trình đào tạo như các đại học TOP 100 thế giới; kết thúc kỳ thực tập tại doanh nghiệp, sinh viên phải thi và đạt yêu cầu môn Kỹ năng thực hành (đề thi của môn này do các doanh nghiệp biên soạn).

Về kỹ năng ngoại ngữ và tin học: Nhận thức rằng kỹ năng tiếng Anh là công cụ quan trọng nhất đối với công dân toàn cầu, ngay từ năm 2007, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã qui định sinh viên tốt nghiệp phải đạt tiếng Anh >=500/990 điểm TOEIC quốc tế. Từ năm 2013 qui định kỹ năng tin học theo chuẩn quốc tế Microsoft Office Specialist (MOS) 700/1.000 điểm.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng dành cả một tòa nhà cho việc giảng dạy tiếng Anh; qui mô lớp 25 sinh viên với trang thiết bị hiện đại. Chương trình MOS được cải tiến và Trường tự thiết kế 1 chương trình tập luyện riêng. Đến những năm 2018-2019 chuẩn tiếng Anh đã được nâng cao và thay thế dần bằng IELTS; chuẩn MOS đã là tối thiểu 750/1000.

Về giáo dục con người toàn diện: Nhà trường có đầy đủ Nhà thi đấu đa năng, Sân vận động tiêu chuẩn FIFA, bể bơi, các sân chơi và các trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện các môn học nâng cao thể lực, trí lực; cách sống, làm việc và sinh hoạt cộng đồng;... điều kiện để giáo dục con người toàn diện và tinh hoa.

Sinh viên bắt buộc phải học Môn bơi và phải bơi liên tục đạt 50m; đây cũng là chuẩn đầu ra có tính bắt buộc để bảo đảm an toàn sinh mạng. Ngoài ra, sinh viên có thể lựa chọn một trong 13 môn thể thao còn lại để học tập và sinh hoạt câu lạc bộ trong suốt quá trình học tại Trường.

Sân vận động tiêu chuẩn FIFA của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: tdtu.edu.vn)

Sân vận động tiêu chuẩn FIFA của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: tdtu.edu.vn)

Về đạo đức: sinh viên được rèn luyện theo 3 nội dung: Phải học tập đạt kết quả tốt để báo hiếu Cha-Mẹ; Rèn thói quen ứng xử công dân, tôn trọng pháp luật, nội qui của Trường; Sống vì cộng đồng, không ích kỷ, cá nhân. Đây là văn hóa đặc trưng của sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Sự thành công trong giáo dục con người toàn diện, coi trọng trách nhiệm xã hội và gắn với cộng đồng; điểm hoạt động cộng đồng quan trọng không kém điểm chuyên môn trong đánh giá sinh viên cuối năm chính là kiểu cách giáo dục của đại học nghiên cứu tinh hoa thế giới trong TOP 500.

Chín là, chú trọng cải thiện chương trình và đổi mới phương pháp giảng dạy ở đại học, sau đại học đã được Trường Đại học Tôn Đức Thắng thực hiện ngay khi có quyền tự chủ về chương trình.

Cùng với mục tiêu nỗ lực tiếp cận và rút ngắn khoảng cách đối với các trường đại học đẳng cấp quốc tế, tạo môi trường mở để sinh viên có thể chuyển tiếp học ra nước ngoài dễ dàng vào bất cứ lúc nào,Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã triển khai chương trình đào tạo của các ngành bậc đại học, sau đại học theo Chương trình đào tạo được xếp hạng trong TOP 100 trên thế giới.

Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với chương trình TOP 100; gắn học phần nghề nghiệp và cách đào tạo mới với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội; phát huy tính chủ động và sáng tạo của người học; áp dụng tối đa hiệu quả của công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý. Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học cơ bản, công nghệ, kỹ thuật phải công bố 2 công trình ISI; Nghiên cứu sinh khoa học xã hội, kinh tế, quản trị phải ít nhất 1 công trình ISI (hoặc 2 công trình trên Scopus) mới đủ điều kiện bảo vệ Luận án.

Từ chương trình, học liệu, tài liệu, đến cách thức dạy-học; đánh giá, đo lường và chuẩn đầu ra đều theo yêu cầu của đại học Top 100 thế giới. Vì thế mà số lượng người học nước ngoài toàn thời gian và lượng trao đổi sinh viên nước ngoài đã tăng rất nhanh chóng những năm 2018-2020.

Mười là, việc tập trung vào các ngành khoa học và kỹ thuật đã được Trường Đại học Tôn Đức Thắng thực hiện thành công; và rõ nét hơn khi mở các ngành đào tạo bậc tiến sĩ và thạc sĩ. Việc trang bị các phòng thí nghiệm chuyên sâu phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy luôn được bổ sung.

Đối với những công nghệ mới, Trường Đại học Tôn Đức Thắng liên kết với các doanh nghiệp để đưa sinh viên xuống học và thực tập; và nhất là liên kết Phòng thí nghiệm với các trường đại học trên thế giới để sinh viên, học viên, giảng viên có thiết bị thích hợp để nghiên cứu; giảng viên có thể thực hiện hợp tác nghiên cứu, mỗi năm có thể ra nước ngoài để thực hiện dự án của mình.

Mười một là, thành lập và tham gia điều hành các tạp chí quốc tế; liên kết xuất bản với các nhà xuất bản uy tín của Thế giới. Trường Đại học Tôn Đức Thắng là đại học duy nhất ở Việt Nam có 2 tạp chí tiếng Anh đều được Nhà xuất bản danh tiếng nước ngoài thiết kế, xuất bản.

Sảnh ký túc xá của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: tư liệu)

Sảnh ký túc xá của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: tư liệu)

Mười hai là, xúc tiến việc đánh giá ngoài bởi các tổ chức xếp hạng đại học có uy tín thế giới và tiến hành kiểm định trường học, kiểm định chương trình bởi các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín. Việc thiết lập qui trình đối chiếu so sánh quốc gia và quốc tế này đã được Nhà trường triển khai từ năm 2012 để xác định vị thế của Trường Đại học Tôn Đức Thắng so với chuẩn mực quốc tế; từ đó có kế hoạch hoạt động một cách định lượng, cụ thể và khoa học nhằm đạt mục tiêu trở thành đẳng cấp quốc tế đúng thời hạn.

Điều cốt lõi là việc phân tích chi tiết của tổ chức xếp hạng đại học thế giới sẽ cho Nhà trường biết điểm yếu nằm ở những chỗ nào, từ đó có thể đề ra những kế hoạch và chương trình hành động cụ thể nhằm chắc chắn đạt được mục tiêu.

Từ kinh nghiệm học tập của một số nước và các trường đại học trên thế giới, Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngay từ đầu đã xây dựng những chính sách, kế hoạch ở tất cả các mặt hoạt động, trong đó nhiều kế hoạch được triển khai thực hiện hiệu quả và khá tương đồng với 5 biện pháp của Salmi trong lộ trình trở thành đại học đẳng cấp quốc tế.

Quan điểm của Nhà trường là “chọn một hình mẫu đại học đẳng cấp quốc tế gần với điều kiện của Trường nhất; học tập họ; và tập trung nguồn lực làm đúng như họ đã và đang làm; cái gì họ đã có, Trường phải tập trung đầu tư để có; họ đang làm gì, mình làm như vậy”.

Nhờ chọn hướng đi đúng, cách làm đúng kết hợp tốt với cơ chế tự chủ từng phần; nhờ quyết tâm cao của tập thể dưới sự quản trị đại học xuất sắc của Hiệu trưởng là Giáo sư Lê Vinh Danh trong 13 năm Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã từ một đại học không tên tuổi gì, vị trí rất thấp trong hệ thống đại học Việt Nam vươn vai như người khổng lồ để trở thành đại học xuất sắc được vinh danh trong TOP 500 đại học tốt nhất thế giới bởi Tổ chức xếp hạng đại học thế giới thuộc Thời báo Times vào năm 2021 với dữ liệu tích lũy từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2020.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đạt đẳng cấp quốc tế vào năm 2020 không chỉ được minh chứng qua việc xếp hạng của Bảng xếp hạng danh giá này (bảng xếp hạng mà những đại học từ TOP 800 trở lên đều là đại học nghiên cứu tinh hoa) và Bảng xếp hạng Thượng Hải (ARWU); mà còn được thấy qua việc Trường đã thỏa mãn hầu như tất cả những nội hàm, tiêu chí của một đại học đẳng cấp quốc tế theo bất cứ cách định nghĩa nào.

Trân trọng cảm ơn ông.

Thùy Linh