Hiện nay Việt Nam có 70 cơ sở giáo dục cung cấp chương trình giáo dục quốc tế với tổng số 452 chương trình với hơn 30 quốc gia trên thế giới. Các chương trình đào tạo liên kết quốc tế với các đại học uy tín ở nước ngoài không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Với sự công nhận liên tục của các bảng xếp hạng danh tiếng trên toàn thế giới như ARWU, URAP, THE.. Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thực sự trở thành đại học có đẳng cấp quốc tế.
Gần đây, câu chuyện chất lượng liên kết đào tạo quốc tế liên tục được dư luận quan tâm, Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Huỳnh Tuấn Cường, Trưởng khoa giáo dục quốc tế, Trường Đại học Tôn Đức Thắng để hiểu rõ hơn về cách làm của nhà trường.
Phóng viên: Xin thầy cho biết kinh nghiệm của Nhà trường khi lựa chọn đối tác để liên kết đào tạo đảm bảo chất lượng, tránh được chuyện liên kết với “đại học ma”?
Tiến sĩ Huỳnh Tuấn Cường: Hiện nay trong bối cảnh thế giới mở và tất cả các nước đều chủ trương hội nhập, các đại học trên thế giới đều phải trở thành đầu tàu cho quá trình hội nhập này bởi việc hợp tác về khoa học công nghệ, về giáo dục với sự trao đổi qua lại nghiên cứu viên, giáo sư, chuyên gia và sinh viên quốc tế chính là cầu nối rất hiệu quả.
Đại học dù đã xếp hạng hay chưa đều được lợi ích lớn từ quá trình hội nhập; bởi nó luôn là cơ sở để đại học học lẫn nhau, so sánh đối chứng để biết mình thiếu những gì, yếu những gì so với một đại học đẳng cấp quốc tế.
Trong đó, đại học chưa có đẳng cấp, chưa được xếp hạng sẽ được lợi ích nhiều hơn do họ còn nhiều nguồn lực chưa khai thác hết. Nguyên lý lợi thế so sánh của David Ricardo từ ngày xưa đã chứng minh.
Tiến sĩ Huỳnh Tuấn Cường (ảnh: NVCC) |
Ngày nay, thông tin về các đại học uy tín hầu như đã được các bảng xếp hạng quốc tế công khai. Ngay cả những đại học lớn, thành công lâu đời như Harvard, MIT cũng được các bảng xếp hạng công khai.
Do đó, thứ nhất, hãy xem đại học mình cần liên kết đã được xếp hạng bởi ARWU, URAP, THE hay QS chưa và có thứ hạng nào?.
Thứ hai, nếu đại học này chưa được xếp hạng, thì cách duy nhất để bảo đảm việc liên kết không nhầm lẫn, là phải trực tiếp sang thăm họ để kiểm tra.
Thầy có thể cho biết một số kinh nghiệm về liên kết quốc tế trong giáo dục của Trường không?
Tiến sĩ Huỳnh Tuấn Cường: Liên kết quốc tế trong giáo dục có nhiều giai đoạn, từ đơn giản đến phức tạp. Ở bước đầu, liên kết quốc tế chủ yếu để tuyển sinh người học từ nước ngoài và tuyển sinh người học trong nước để đưa đi nước ngoài học theo các chương trình 2 giai đoạn.
Để có thể thu hút sinh viên quốc tế, đa số các trường đều sử dụng 3 cánh cửa chủ yếu: Một là, tuyển sinh trực tiếp, học toàn thời gian.
Hai là, mở phân hiệu/cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
Ba là, liên kết đào tạo 2 giai đoạn (một tại nước ngoài và một tại Việt Nam, có thể cấp 2 văn bằng hoặc 1 văn bằng tùy theo thỏa thuận).
Lĩnh vực liên kết đào tạo quốc tế (thuật ngữ được qui định chính thức), Đại học Tôn Đức Thắng có những điểm khác biệt sau:
Thứ nhất, về tên gọi của chương trình: Đại học Tôn Đức Thắng đã chuyển đổi thuật ngữ liên kết đào tạo quốc tế sang thuật ngữ “du học luân chuyển campus”. Đây không chỉ đơn thuần là thay đổi tên gọi mà thực chất là đặt đúng tên gọi cho chương trình liên kết quốc tế đặc thù của Trường.
Nguyên nhân là do các trường quốc tế liên kết với Đại học Tôn Đức Thắng đều là những đối tác thân hữu hoặc nằm trong Mạng lưới hợp tác đại học quốc tế UCI (University Consortium International).
Do đó, Đại học Tôn Đức Thắng có thể khai thác, sử dụng campus tại các trường liên kết và ngược lại các đối tác liên kết có thể sử dụng campus của Đại học Tôn Đức Thắng phục vụ đào tạo.
Vì vậy, chương trình liên kết quốc tế của Trường thực chất là sinh viên sẽ du học luân chuyển giữa các campus trong hệ thống 10 đại học của UCI.
Thứ hai, bằng cấp và quản lý sinh viên: trong 14 chương trình du học luân chuyển campus hiện đang triển khai có 10/14 chương trình là cấp song bằng (sinh viên tốt nghiệp có bằng của Đại học Tôn Đức Thắng và bằng của đối tác).
Thời gian đầu khi mới triển khai chương trình và Đại học Tôn Đức Thắng chưa được xếp hạng trong các bảng xếp hạng danh tiếng của thế giới, thì việc triển khai các chương trình song bằng rất khó khăn do Đại học Tôn Đức Thắng và các trường không cùng đẳng cấp.
Thế nhưng cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, khoa học-công nghệ, điều kiện bảo đảm chất lượng; và được các bảng xếp hạng quốc tế công nhận, thì hiện nay 10/14 chương trình của Đại học Tôn Đức Thắng đã được đối tác thống nhất cấp song bằng, 4 chương trình còn lại thuộc quyền tự quyết của Đại học Tôn Đức Thắng về đơn bằng hay song bằng.
Với việc triển khai chương trình song bằng, sinh viên chuyển tiếp giai đoạn 2 sang nước ngoài vẫn thuộc sự quản lý của Đại học Tôn Đức Thắng cho đến khi xét tốt nghiệp và cấp bằng; bởi người học phải đạt tiêu chuẩn đầu ra toàn diện của Đại học Tôn Đức Thắng thì mới được nhận bằng của chúng tôi.
Như vậy, người học sau khi hoàn tất giai đoạn 1 tại Việt Nam và chuyển tiếp giai đoạn 2 sang học ở campus nước ngoài không bị bỏ rơi; vẫn là sinh viên của Trường; vẫn chịu sự quản lý và hỗ trợ học tập của Đại học Tôn Đức Thắng.
Đây là điểm khác biệt lớn của chương trình so với các nơi khác.
Thứ ba, đối tác liên kết mà Đại học Tôn Đức Thắng liên kết phải thuộc 1 trong 3 đối tượng chính:
Đại học đã được xếp hạng Top 500 thế giới theo ARWU, URAP, THE hoặc QS.
Hoặc đối tác là thành viên của UCI.
Hoặc đối tác đã được quốc gia sở tại kiểm định, công nhận và được Hội đồng khoa học và đào tạo của Đại học Tôn Đức Thắng xem xét, chấp thuận.
Xác định đối tác liên kết như trên đã rõ ràng loại bỏ được tình huống liên kết nhầm.
Kinh nghiệm của Đại học Tôn Đức Thắng chỉ ra rằng để đảm bảo quyền lợi của người học và tránh liên kết với “đại học ma”, đảm bảo chất lượng đào tạo của chương trình thì phải có 3 yếu tố.
Một là, phải tổ chức đào tạo giai đoạn 1 tại cơ sở đạt chất lượng quốc tế để sinh viên có thể hòa nhập ngay vào môi trường đào tạo nước ngoài khi chuyển tiếp giai đoạn sau.
Hai là, phải tiếp tục hỗ trợ đào tạo, quản lý sinh viên khi sinh viên đã chuyển tiếp giai đoạn 2-học tại nước ngoài.
Ba là, phải xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn của các trường quốc tế thỏa điều kiện liên kết; và chỉ xem xét hợp tác với các trường thỏa tiêu chí đặt ra mà thôi.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng được biết đến điểm đến của các đại học lớn trên toàn thế giới trong 10 năm trở lại đây. Thầy có thể chia sẻ việc thu hút học thật, dạy thật có quá khó không?
Tiến sĩ Huỳnh Tuấn Cường: Nếu trả lời “không khó” thì quá chủ quan!. Chúng tôi đã rất vất vả để có được kết quả như ngày nay, nên đâu có dễ được!. Nếu câu trả lời là “có” thì cũng chưa chính xác. Thành công hiện tại là quá trình trồng cây gian nan để chờ ngày hái quả.
Những ngày đầu tiên triển khai chương trình, Hiệu trưởng chúng tôi đã quyết định phải “làm đúng ngay từ đầu”.
Thư viện trường Đại học Tôn Đức Thắng, ảnh minh họa, nguồn: tdtu.edu.vn |
Đại học Tôn Đức Thắng bắt đầu nhập khẩu và chọn lọc chương trình đào tạo của các đại học thuộc Top 100 để tinh lọc thành chương trình đào tạo riêng có của Đại học Tôn Đức Thắng;
Nhập khẩu luôn đề cương chi tiết, sách-tài liệu tiếng Anh và thiết bị hỗ trợ đính kèm theo yêu cầu của chương trình Top 100. Với nền tảng này, toàn bộ hệ thống đào tạo của Đại học Tôn Đức Thắng đã hội nhập với các đại học đẳng cấp quốc tế.
Kiên quyết phải thực hiện đúng chương trình đã đề ra, kiên quyết sàng lọc sinh viên trong quá trình đào tạo; để từ đó từng bước xây dựng tiếp nối các thế hệ sinh viên với chất lượng đào tạo đúng chuẩn.
Như vậy, quá trình “dạy thật, học thật” đã được thực hiện có hệ thống, nhiều mặt liên quan; và nhờ thế đã thành công. Không thể chỉ làm phiến diện mà có thể có được một liên kết đào tạo quốc tế có chất lượng. Không dễ là ở chỗ này!
Thế nhưng câu nói “hữu xạ tự nhiên hương” ngày xưa chưa chắc đúng trong thời đại thông tin hiện nay, đặc biệt là trong môi trường quốc tế.
Phải kiên trì, miệt mài truyền thông đến bạn bè quốc tế, chấp nhận chi phí để đối tác quốc tế đến với Đại học Tôn Đức Thắng, để họ tận mắt thấy, và tự cảm nhận.
Với thành quả hiện nay, Đại học Tôn Đức Thắng vẫn còn phải tiếp tục kiên định giữ vững và phát triển chất lượng giáo dục, đồng thời liên tục quảng bá thành quả ra thế giới.
Như vậy, theo các bạn, để tạo sự nhận diện của xã hội ở trong nước và quốc tế là dễ hay khó?. Câu trả lời sẽ do chính các bạn đưa ra từ thực tế của mình.
Hiện nay Trường Đại học Tôn Đức Thắng có môi trường đại học hiện đại; không thua và có nhiều điểm hơn đại học tiên tiến của nước ngoài; với đội ngũ chuyên nghiệp và thái độ cầu thị trong hợp tác. Đây có phải là những “điểm cộng” qua quá trình Trường liên kết đào tạo với nước ngoài không, thưa thầy?
Tiến sĩ Huỳnh Tuấn Cường: Điều này hoàn toàn chính xác. Hiện tại, theo những đánh giá khách quan từ bên ngoài thì Đại học Tôn Đức Thắng là đại học hiện đại; không thua và có nhiều điểm hơn một số đại học tiên tiến của thế giới.
Với trường học đạt chuẩn kiểm định quốc tế bởi HCERES, văn hóa đại học độc đáo, nhân lực chuyên nghiệp từ ban lãnh đạo đến giảng viên, ngay cả sinh viên của Đại học Tôn Đức Thắng cũng được đánh giá chuyên nghiệp, thái độ cầu thị luôn tìm tòi, học tập và áp dụng những điểm mới trong đào tạo đại học, tôn trọng đối tác nhưng vẫn giữ bản sắc của mình.
Đây là những “điểm cộng” được đối tác quốc tế đánh giá rất cao trong quá trình tìm hiểu và đàm phán hợp tác.
Có những đại học danh tiếng trong Top 300 thế giới của Úc, sau khi sang Việt Nam, đi nhiều đại học, đến khi vào Đại học Tôn Đức Thắng là quyết định ngay hợp tác với Trường chúng tôi như là đối tác duy nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên thành công về cơ sở vật chất, con người, chương trình chỉ là “nhất thời”. Cái đối tác, cơ quan kiểm định đánh giá cao nhất là Ban giám hiệu trường đã tạo dựng được qui trình phát triển bền vững và minh bạch.
Thành công của Đại học Tôn Đức Thắng không dừng lại mà còn sẽ tiếp tục phát triển theo dòng chảy thời gian, nếu cơ chế tự chủ đại học bởi Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật số 34/2018 được bảo vệ và thực hiện đúng ở các cấp.
Cuối cùng, theo thầy, muốn nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục quốc tế và chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài thì cơ sở giáo dục đại học cần phải làm gì?
Tiến sĩ Huỳnh Tuấn Cường: Để nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục quốc tế nói chung và chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài nói riêng, cơ sở giáo dục đại học cần nghiêm túc các việc sau:
- Chương trình liên kết quốc tế ngoài loại hình đưa người Việt được đào tạo xong giai đoạn 1 sang nước ngoài học tiếp giai đoạn 2; cần được các đại học Việt Nam tiến nhanh đến thực hiện 2 chiều.
Không thể tiếp tục tồn tại việc đại học Việt Nam chỉ là cái “mỏ” cung cấp sinh viên quốc tế cho đại học nước ngoài. Cần phải đào tạo giai đoạn 2 tại Việt Nam những sinh viên nước ngoài đã xong giai đoạn 1 ở nước họ.
Điều này là minh chứng rõ ràng nhất về việc đại học Việt Nam được quốc tế công nhận chất lượng đào tạo tương đương họ; và yên tâm gởi sinh viên của họ sang Việt Nam học tập để tốt nghiệp. Bên cạnh đó cũng thể hiện sự hợp tác bình đẳng, công bằng; và giúp đại học Việt Nam thoát khỏi cái bóng tự ti bao năm nay.
- Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo ở Việt Nam. Điểm yếu của người học Việt Nam là ngoại ngữ và tư duy vĩ mô.
Các đại học Việt Nam muốn liên kết quốc tế đạt chất lượng thì phải tự xây dựng cho mình các cơ sở bồi dưỡng ngoại ngữ, thiết lập môi trường đào tạo quốc tế ngay tại chính cơ sở của mình giống như ở nước ngoài; thực hiện phương pháp giảng dạy kích thích tư duy.
Những điều này sẽ giúp sau khi kết thúc giai đoạn 1, người học sẽ tự tin học tập thành công ở nước ngoài; và đây cũng là minh chứng hùng hồn về chất lượng tầm quốc tế của mình thay cho lời nói.
- Phải quản lý được sinh viên đang học chuyển tiếp ở nước ngoài. Thông thường các trường đại học ở Việt Nam sau khi kết thúc đào tạo giai đoạn 1 sẽ gởi người học sang trường nước ngoài và coi như kết thúc nhiệm vụ. Việc đào tạo và cấp bằng từ đây sẽ do đối tác thực hiện và đại học Việt Nam không tham gia.
Đây là quan điểm cần phải thay đổi; vì việc tiếp tục duy trì quan hệ và quản lý sinh viên đang chuyển tiếp là thể hiện tính chuyên nghiệp và điều quan trọng là không thể phó mặc chất lượng đào tạo giai đoạn cuối cho đối tác nước ngoài; mà phải có theo dõi để đề nghị đối tác hiệu chỉnh cho phù hợp. Nhất là với loại hình cấp song bằng.
- Phải hỗ trợ sinh viên sau tốt nghiệp. Hiện nay các đại học Việt Nam đã làm rất tốt việc hỗ trợ sinh viên sau tốt nghiệp với tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp rất cao.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực liên kết đào tạo quốc tế, sinh viên sau khi kết thúc đào tạo ở nước ngoài có thể làm việc đúng chuyên ngành ở Việt Nam hay nước ngoài hay không? vẫn chưa được quan tâm.
Như vậy, ngay từ khi đàm phán chương trình hợp tác, nội dung hỗ trợ sinh viên sau tốt nghiệp cần phải được đưa vào hợp đồng để đảm bảo đối tác quốc tế sẽ thực hiện các hỗ trợ sau tốt nghiệp.
Cho dù cả 2 phía có cố gắng đảm bảo chất lượng đào tạo, nhưng nếu người học sau tốt nghiệp không tìm được công việc tốt, thì chương trình liên kết quốc tế vẫn coi như chưa đảm bảo chất lượng.
Trân trọng cảm ơn thầy.