3 thầy dạy 1 môn nhưng chẳng biết ai sẽ chịu trách nhiệm đánh giá chính

01/10/2021 06:53
Cao Nguyên
GDVN- Giáo viên nào sẽ vào điểm sổ cá nhân, học bạ và chịu trách nhiệm chính trong đánh giá học sinh cho môn tích hợp là câu hỏi chưa có lời giải.

Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Theo đó, nội dung 1 Điều 5 của Thông tư này yêu cầu: “Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh”.

Thế nhưng, với sự xuất hiện những môn tích hợp của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không biết giáo viên nào sẽ vào điểm sổ cá nhân, học bạ và chịu trách nhiệm chính trong đánh giá học sinh đối với các môn tích hợp (gồm 2-3 phân môn, do 2-3 thầy cô cùng dạy).

Khó khăn trong đánh giá định kì

Tôi nhận thấy, giáo viên (và cả học sinh) bậc trung học cơ sở đang gặp những khó khăn trong đánh giá định kì môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và địa lý, như sau:

Sau khi thực hiện xong đánh giá cuối kì (kiểm tra học kì) thì giáo viên nào sẽ vào sổ điểm cá nhân? Chẳng hạn, môn Khoa học tự nhiên có 3 phân môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, nếu 3 giáo viên cùng vào 3 sổ điểm cá nhân là vô lí, vì 2 phân môn còn lại không phải là môn dạy của mình, sao phải vào điểm?

Nhưng nếu cả 3 giáo viên không vào điểm thì không thể tính ra điểm trung bình học kì, điểm trung bình cả năm, vì 3 môn cùng chung 1 cột điểm kiểm tra học kì.

Tiếp theo, giáo viên nào sẽ vào điểm Sổ gọi tên và ghi điểm? Giáo viên nào vào điểm học bạ? Giáo viên nào ghi nhận xét? Giáo viên nào chịu trách nhiệm chính về chất lượng chuyên môn của "môn tích hợp"?

Chuyện vào điểm ở Sổ gọi tên và ghi điểm, 3 giáo viên có thể phân công nhiệm vụ lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ 1 giáo viên vào điểm học bạ là thiếu tính pháp lí vì 2 giáo viên còn lại không thực hiện việc kí tên.

Tiếp đến, 1 giáo viên không thể ghi nhận xét cho 2 môn còn lại, bởi giáo viên chỉ dạy riêng phân môn của mình. Ví dụ, giáo viên Vật lí không thể nhận xét học cho phân môn Hóa học, Sinh học.

Cuối cùng, không biết giáo viên nào chịu trách nhiệm chính về chất lượng chuyên môn của "môn tích hợp", điều này kéo theo hệ lụy là cuối năm hiệu trưởng sẽ đánh giá viên chức thế nào khi 3 thầy dạy 1 môn?

Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn

Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn

Bên cạnh đó, Điều 7 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định “đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện”, cũng còn những bất cập nhất định.

Giả sử, giáo viên môn Khoa học tự nhiên cho học sinh làm bài thực hành thì phải tổ chức ở phòng thí nghiệm. Ở trường trung học cơ sở, 3 bộ môn Vật lí, Hóa học, Sinh học đều có 3 phòng thí nghiệm riêng biệt. Không lẽ, học sinh làm bài ở phòng thí nghiệm này xong thì phải chuyển sang phòng thí nghiệm khác – bởi 1 phòng thí nghiệm đâu có thể “tích hợp” cho cả 3 phân môn.

Ngoài ra, việc học sinh bậc trung học cơ sở phải làm bài kiểm tra “tích hợp” cho cả 3 phân môn khiến các em phải ghi nhớ cùng một lúc khối lượng kiến thức nhiều hơn, gây áp lực vô cùng nặng nề. Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm qua cho thấy, thí sinh phải làm liền một lúc 3 phân môn của môn tổ hợp là quá căng thẳng.

Bộ Giáo dục chưa lường hết khó khăn khi triển khai dạy học tích hợp

Ngày 27/2/2017, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã giải thích trên báo về phương pháp dạy học tích hợp để nâng cao hiệu quả giáo dục trong giai đoạn tới.

Theo đó, trước những băn khoăn của giáo viên khi triển khai dạy học tích hợp, ông Nguyễn Xuân Thành nói rằng, khó khăn của giáo viên hiện nay nếu có chỉ là vấn đề tâm lí. Về thực chất thì không có nhiều khó khăn cả về kiến thức lẫn phương pháp dạy học. [1]

Thế nhưng, thực tiễn triển khai dạy học môn tích hợp ở năm học này cho thấy, giáo viên đang gặp khó về kiến thức, phương pháp lẫn tâm lí. Chỉ riêng việc đánh giá học sinh sao cho phù hợp đã là vấn đề nan giải như người viết đã nêu phía trên.

Tiếp đến, ngày 23/6/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Công văn hướng dẫn dạy học 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí nêu rõ: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.” [2]

Bộ Giáo dục chỉ đạo là thế nhưng hiện tại giáo viên dạy đơn môn vẫn chưa kịp học để có thể dạy tích hợp. Nhiều trường bố trí 3 thầy dạy 3 phân môn, học sinh vẫn ghi vào 3 quyển vở khác nhau. Còn các chuyên đề tích hợp thì nhóm/tổ giáo viên cùng thiết kế, thống nhất bài giảng. Chủ đề nghiêng về môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, các giáo viên khác hỗ trợ.

Và gần đây nhất, ngày 27/8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số: 3699/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022. [3]

Tuy vậy, nội dung công văn này cũng không có một dòng nào hướng dẫn phương án phân công, đánh giá đối với môn Khoa học tự nhiên khiến các nhà trường rất lúng túng trong triển khai dạy học môn tích hợp.

Một điều nữa mà cá nhân người viết cũng rất băn khoăn khi phân môn Hóa học xuất hiện ở môn Khoa học tự nhiên 6. Bởi, theo chương trình 2000 thì học sinh lớp 8 mới bắt đầu học môn Hóa.

Tôi đem vấn đề này trao đổi với phó hiệu trưởng (giáo viên Hóa) phụ trách chuyên môn một trường trung học cơ sở-trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thì thầy nói thẳng:

“Riêng tôi thấy khó (học sinh lớp 6 đã học môn Hóa – tác giả chú thích). Tôi 39 tuổi rồi mà còn thấy khó. Đọc nhiều câu hỏi trong sách, tôi cũng không dám chắc là mình có trả lời đúng hết hay không. Các tác giả sách muốn phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực của học sinh thì tôi thua rồi”.

Tài liệu tham khảo:

[1] //moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-trung-hoc/Pages/default.aspx?ItemID=4502

[2] //luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-3699-bgddt-gdtrh-208404-d6.html

[3] //luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-2613-bgddt-gdtrh-2021-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-trung-hoc-2021-2022-204323-d6.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên