Xung quanh vấn đề các trường công lập tuyển sinh ồ ạt nhiều năm qua nhưng chất lượng đầu ra thì luôn gây tranh cãi, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, xu hướng chung với các nước có nền phát triển giáo dục hàng đầu là phải quan tâm đẩy mạnh sự phát triển của giáo dục ngoài công lập. Các trường thuộc công lập chỉ nên đào tạo trong phạm vi nhất định, phục vụ đối với các nhiệm vụ của nhà nước, của ngành.
PV: Là người tham gia công tác đào tạo đại học nhiều năm nay, ông có suy nghĩ gì khi mà các trường công lập vẫn liên tục mở ngành và tuyển sinh số lượng lớn?
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận: Tôi và nhiều chuyên gia khác cũng đã từng lên tiếng về vấn đề này, nhưng xem ra sự chuyển biến rất chậm. Bây giờ nhiều trường lấy lý do tự chủ và khi xây dựng đề án tuyển sinh họ cũng mở ra rất nhiều ngành. Quy định đề ra là các trường phải báo cáo số liệu sinh viên tốt nghiệp có việc làm (sau 1 năm từ khi tốt nghiệp), các con số nêu ra rất đẹp, đều trên 80% cho tới gần 100% có việc làm.
Vậy hậu kiểm làm sao để đánh giá được con số này thật hay không? Chất lượng đào tạo ở các trường công lập mở mới hàng trăm ngành, trong số đó rất nhiều trường mở trái ngành thì thực tế thế nào? Lực lượng thanh tra, kiểm tra của Bộ làm được bao nhiêu, và có truy xét tới cùng không? Liệu rằng trong những năm qua, các cơ quan kiểm tra, thanh tra đã xử lý được trường nào chưa, hay là tất cả các trường đều đang làm tốt?
Việc tuyển sinh tràn lan của nhiều trường đại học công lập không chỉ gây ra tình trạng thất nghiệp do cử nhân yếu kém nhiều kỹ năng mà còn làm “sa mạc hóa” các trường ngoài công lập.
Qua theo dõi của tôi và các chuyên gia từ nhiều năm nay thì sản phẩm đào tạo ở rất nhiều trường đại học công lập yếu kém cả kỹ năng, kiến thức và ngoại ngữ. Chúng tôi có được những thông tin xác thực như vậy nhờ quá trình liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động để định hướng. Các doanh nghiệp cho biết, khi tuyển nhân sự từ các trường đại học công lập thì phần lớn là phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung khi tuyển dụng. Đây là sự lãng phí rất lớn cho chính người học, với các gia đình và xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, việc tuyển sinh tràn lan của nhiều trường đại học công lập không chỉ gây ra tình trạng thất nghiệp do cử nhân yếu kém nhiều kỹ năng mà còn làm “sa mạc hóa” các trường ngoài công lập. Ảnh: NQ. |
Đối với những trường ngoài công lập như chúng tôi thì từ tuyển sinh đã làm rất tốt hướng dẫn, định hướng nghề nghiệp, giúp cho các em và gia đình có được sự lựa chọn phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, chúng tôi tiến hành đào tạo chuyên sâu, kết hợp mô hình giảng đường tại doanh nghiệp, đẩy thời gian học lý thuyết linh động và ngắn gọn (sử dụng tài liệu điện tử) và dành thời lượng lớn cho các em đi thực tế, thực tập, tham gia công việc tại các đơn vị; sẵn sàng cam kết đầu ra nếu như các em đăng ký đầu vào và thực hiện đúng với yêu cầu học tập, nghiên cứu của nhà trường.
Chúng tôi phải chủ động tiến hành liên kết với các trường đại học, các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada, Singapore...) để đào tạo lao động theo nhu cầu của họ và mở ra rất nhiều cơ hội cho các em sinh viên.
Tôi cũng tự hào để nói rằng, trường chúng tôi có lẽ là một trong số ít cơ sở đào tạo đại học cho phép sinh viên đánh giá và đề nghị thay đổi giảng viên. Đối với từng môn học đều cho phép sinh viên nhận xét, đánh giá về giảng viên và có bộ phận đánh giá độc lập để thúc đẩy cho từng giảng viên phải liên tục cập nhật, nâng cao trình độ và ngày càng giảng dạy tốt hơn.
Chúng tôi phải chủ động lo cho sinh viên của mình từ khi vào trường cho tới khi ra trường tìm việc làm phù hợp, điều này khác biệt hoàn toàn với các trường công lập.
PV: Việc các trường công lập mở trái ngành và vẫn đang thu hút được số lượng thí sinh lớn còn do tâm lý sính bằng cấp và phân luồng chưa tốt, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận: Với tình trạng mở ngành nhiều và tuyển sinh ồ ạt như hiện nay thì phần nhiều thí sinh vẫn sẽ đăng ký vào đại học, mặc dù rất nhiều em không biết tại sao lại học ngành ấy, mà phụ thuộc vào sự sắp đặt của gia đình hoặc đua theo bạn bè. Đó là do cả tâm lý sính bằng cấp và một phần do mất phương hướng nên cứ đăng ký học đại rồi tính tiếp.
Tâm lý sính bằng cấp của nhiều người Việt xuất phát từ cơ chế hành chính bao cấp, xin cho, đa phần các gia đình cũng muốn con em có tấm bằng rồi vào làm trong một cơ quan nhà nước, nghiễm nhiên thành công chức, viên chức. Và để có được chức phó phòng hay trưởng phòng ở nhiều cơ quan nhà nước thì họ lại phải cố lấy được bằng thạc sĩ, thậm chí cao hơn nữa.
Tôi đồng ý tấm bằng là căn cứ để chứng thực rằng bạn đã học một chuyên ngành, bậc học nào đó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn đạt được trình độ xứng đáng đúng với tấm bằng ấy, vì như tôi đã nói chuyện cấp bằng ở nhiều cơ sở đào tạo tại nước ta còn quá dễ dàng.
Cái bằng là điều kiện cần nhưng nó không phải là yếu tố quyết định sự thành danh của một con người, mà bằng chứng là trên thế giới có hàng trăm tỷ phú chưa từng học đại học.
Ở Việt Nam cũng có nhiều người trở thành tỷ phú dù chưa tốt nghiệp đại học. Điều quan trọng là kiến thức và kỹ năng mà bạn học được trên hành trình lấy được tấm bằng ấy có thực sự đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng không, chứ không phải bạn chìa cái bằng đại học ra là nghiễm nhiên có việc làm.
Muốn giải quyết được thực trạng này thì phải nhanh chóng thay đổi chương trình đào tạo và có định hướng phân luồng rõ hơn ngay từ khi các em học hết trung học cơ sở để theo hai nhánh: học tiếp phổ thông trung học và vào đại học; nhánh còn lại học trung học phổ thông kết hợp với học nghề. Về vấn đề này thì nhiều nước họ phân luồng rất tốt và tạo được sự cân bằng về nguồn nhân lực.
PV: Vậy theo ông, phải giải quyết vấn đề tuyển sinh và đào tạo tràn lan ở các trường công lập thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận: Trong suốt hơn 20 năm làm công tác giáo dục, tôi đã đến hơn 40 quốc gia, làm việc với hàng trăm trường đại học, cao đẳng và nhận thấy xu hướng chung là họ không để tồn tại hệ thống trường công lập nhiều như ở nước ta hiện nay.
Theo tôi, đối với các trường công lập, cho dù là đã tự chủ hay chưa tự chủ thì cần định hướng tập trung thực hiện nhiệm vụ đúng với sứ mệnh ra đời của họ. Vì vậy, nhà nước chỉ nên đào tạo một số ngành nghề đặc thù phục vụ cho hệ thống hành chính công và những lĩnh vực nhà nước buộc phải nắm giữ. Còn lại thì không bao cấp nữa mà phải để người học quyết định và trả tiền. Đối với những trường hợp xuất sắc thì nhà nước tặng học bổng như nhiều quốc gia vẫn đang làm.
Hiện tại số lượng tuyển sinh lên đến khoảng 85% vẫn là vào các trường công lập, mà như tôi đã nói thì điều này chỉ gây ra sự lãng phí khi mà cử nhân cầm bằng tốt nghiệp nhưng thất nghiệp, thậm chí nhiều em còn quay trở lại học nghề để tìm việc làm.
Để giải quyết được tình trạng này và đi vào giáo dục thực chất thì nên quy hoạch lại hệ thống các trường đại học, không để cho mỗi bộ ngành và mỗi địa phương lại có một trường đại học như bây giờ. Quy hoạch lại tức là phải đánh giá năng lực của từng trường và cho sáp nhập để tạo được năng lực đào tạo tốt hơn.
Đã có một thời gian ở một số địa phương tiến hành nâng cấp cao đẳng thành đại học, nhưng thực chất thì cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy liệu thay đổi được bao nhiêu, có thực sự xứng đáng với danh xưng đại học không? Vấn đề này các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem lại để xử lý dứt điểm, không thể để lãng phí nguồn lực kéo dài mãi.
Bên cạnh đó, phải có định hướng rõ ràng để các trường công lập chỉ tuyển sinh 10-15% trên tổng thí sinh vào đại học hàng năm. Số này là đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho hệ thống chính trị, thực hiện các nhiệm vụ của bộ, ngành, các cơ quan nhà nước, đó là nghiên cứu khoa học, an ninh quốc phòng và một số ngành đặc thù mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội như: nông, lâm, ngư nghiệp, khai thác...
Đồng thời cũng cần tính toán cho phép định hướng để chuyển một số trường thành trường cộng đồng, phục vụ nhu cầu học tập của một bộ phận con em các gia đình hoàn cảnh khó khăn. Nhóm này chỉ nên tuyển sinh khoảng 35% trên tổng chỉ tiêu mỗi năm của toàn hệ thống.
Như vậy 50% số thí sinh còn lại sẽ vào các trường đại học ngoài công lập. Làm được điều này thì vừa giải quyết được bài toán lãng phí rất lớn ở hệ thống đại học công lập hiện nay, đồng thời cũng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong thời gian tới.
Cần phải có ngay một kế hoạch cụ thể và quyết tâm thực hiện ngay thì sau 5-10 năm nữa mới nhìn thấy được thành quả rõ nét, còn nếu cứ loay hoay như bây giờ thì lại tiếp tục chìm trong sự lãng phí, nguồn nhân lực thì vẫn yếu kém, điều đó thì vô cùng nguy hại khi mà đất nước ngày càng hội nhập.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận!