Khó khăn học trực tuyến, nhờ trưởng thôn, đoàn viên đi giao và thu bài tập

05/10/2021 06:29
AN NGUYÊN - MINH THẢO
GDVN- Học sinh ở Cư M’gar vẫn chưa quen với việc học tập trực tuyến hay học qua truyền hình nên rất ít em hưởng ứng hay tham gia giờ học một cách sôi động.

Học sinh thiếu thốn thiết bị học trực tuyến

Mặc dù năm học mới tại tỉnh Đắk Lắk đã bắt đầu nhưng nhiều học sinh tại huyện Cư M’gar vẫn chưa thể đến trường và cũng không thể học trực tuyến vì thiếu thiết bị.

Theo thống kê của phòng Giáo dục huyện này thì chỉ có 47,6% (khoảng 8.869 học sinh) bậc tiểu học và 65,37% (khoảng 7.614 học sinh) bậc trung học cơ sở có thiết bị công nghệ để học trực tuyến.

Nhiều học sinh ở các tỉnh Tây Nguyên thiếu thiết bị để học trực tuyến. Ảnh: MT

Nhiều học sinh ở các tỉnh Tây Nguyên thiếu thiết bị để học trực tuyến. Ảnh: MT

Tuy nhiên, việc học trực tuyến của những học sinh này cũng rất chập chờn bởi đường truyền internet của nhiều vùng không ổn định.

Cô Nguyễn Thị Huệ (giáo viên tiểu học ở Cư M’gar) cho biết, học sinh ở Cư M’gar vẫn chưa quen với việc học tập trực tuyến hay học qua truyền hình nên rất ít em hưởng ứng hay tham gia giờ học một cách sôi động.

“Không được đầu tư đồng bộ nên giáo viên phải tự trang bị thiết bị để dạy học, nhưng nhiều thiết bị không tương thích với các phần mềm sử dụng trong dạy học.

Khó khăn về công nghệ khiến nhiều giáo viên chọn phương án tổ chức giao bài tập tận nhà cho các em thông qua trưởng thôn, buôn và lực lượng thanh niên tình nguyện.

Cách đó tuy đảm bảo việc học cho các em nhưng do không được quản lý trực tiếp nên nhiều em nhận bài tập nhưng không làm”, cô Huệ nói.

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Đăng Khoa –Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện có hơn 67.000 học sinh trên địa bàn thiếu thiết bị học trực tuyến.

“Hiện việc học trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các bậc học thấp như tiểu học, mầm non. Khó khăn nhất là thiếu thiết bị học trực tuyến.

Tỉnh đã báo cáo Bộ về việc thiếu khoảng 67.000 em học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến rơi vào nhiều cấp học, trong đó chủ yếu khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Khó khăn thứ nữa đó là đường truyền rất chập chờn. Như Đắk Lắk thì vẫn còn hơn 15% khu vực vùng sâu vùng xa chưa phủ sóng đến.

Hệ thống đường truyền yếu nên khi học sinh đồng loạt vào học thì rất chập chờn. Đó không chỉ là khó khăn của riêng Đắk Lắk mà nhiều khu vực Tây Nguyên đều vậy”, ông Khoa chia sẻ.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cũng đã chia sẻ những giải pháp để bảo đảm việc “học sinh ngừng đến trường chứ không ngừng việc học”.

Trong đó, ngoài dạy học trên truyền hình thì giáo viên ở các huyện, xã khó khăn thực hiện việc giao bài, phát các phiếu học tập trực tiếp cho các em.

“Từng địa phương trong buôn làng tổ chức các tổ, có sự phối hợp của đoàn thể, chính quyền địa phương rồi thầy cô giáo đưa bài tới cho các em. Sau đó hướng dẫn và thu bài về.

Tổ chức các điểm học tập trung tại các buôn. Tức là chỗ nào có sóng mạnh, có thiết bị để đến học nhóm cùng nhau. Có sự hướng dẫn của anh chị em đoàn xã, giáo viên.

Sở cũng đã chỉ đạo cho các trường rà soát lại trong lớp đó có bao nhiêu em thiếu thiết bị. Phụ huynh nào thừa thiết bị thì hỗ trợ, cá nhân hay mạnh thường quân cũng tham gia hỗ trợ.

Chúng tôi đã sử dụng nhiều giải pháp để các em không đến trường nhưng không dừng học. Và làm sao huy động được sức mạnh của cả phụ huynh, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, mạnh thường quân, hỗ trợ cho các em trong việc học”, ông Khoa nói thêm.

Công khai, minh bạch nguồn hỗ trợ

Cuộc vận động “Sóng và máy tính cho em” được lan tỏa tại nhiều địa phương, thu hút sự tham gia của nhiều cá nhân, doanh nghiệp, đoàn thể cùng chung tay hỗ trợ để các em học sinh nghèo, học sinh vùng sâu vùng xa không bị gián đoạn việc học.

Nhưng một vấn đề cũng được đặt ra là quá trình quản lý các quỹ vận động này ra sao, rồi việc phân bổ thiết bị cho các em học sinh như thế nào để đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng nhận được nhiều sự quan tâm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Khoa cho biết, hiện địa phương đang thực hiện cuộc vận động trang thiết bị cho học sinh học trực tuyến thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như: Vietel (trao học bổng 1,2 tỷ đồng để mua máy tính thiết bị học cho học sinh), VNPT cũng hỗ trợ 1 tỷ đồng…

“Cái này mình phải làm một cách minh bạch, công khai để đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh đang gặp khó khăn, thiếu thốn về thiết bị học tập.

Đồng thời, nguồn quỹ vận động cũng có sự giám sát hết sức chặt chẽ. Hiện Sở đã thành lập Ban vận động do Ban lãnh đạo Sở, công đoàn ngành giáo dục, hội khuyến học, hội cựu giáo chức đảm nhiệm.

Từng huyện cũng thành lập từng ban vận động như thế. Rồi khi huy động được các nguồn hỗ trợ nào thì được chuyển vào một tài khoản chung. Mua sắm như thế nào từ tài khoản này cũng đều phải công khai minh bạch”.

Đó là cách quản lý nguồn quỹ, ông Khoa thông tin thêm về cách phân phối thiết bị cho học sinh theo từng đối tượng.

“Chọn đối tượng như thế nào để nhận thiết bị thì Bộ Giáo dục cũng đã có hướng dẫn cụ thể như: hỗ trợ cho các em hộ nghèo, hộ cận nghèo, những em gia đình bố mẹ mất vì Covid-19... Đây là ba đối tượng được ưu tiên hàng đầu.

Việc làm này chúng tôi kiểm tra, rà soát rất kỹ, tránh trường hợp hỗ trợ nhầm địa chỉ, sang các đối tượng khác.

Dù làm ở khâu nào, công đoạn nào cũng có sự giám sát rất chặt chẽ của các lực lượng, kể cả kênh báo chí”, ông Khoa nói.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

AN NGUYÊN - MINH THẢO