Nhức nhối quy định 3 hạng đạo đức nhà giáo và yêu cầu minh chứng

15/10/2021 06:46
NHẬT DUY
GDVN- Người thầy mà không có đạo đức tốt thì sẽ khó trở thành một nhà giáo tốt nên việc phân ra đạo đức nhà giáo ở 3 mức và yêu cầu họ phải minh là không cần thiết.

Khi nó về phạm trù đạo đức của con người thì chúng ta thường nghĩ đến nhiều khía cạnh khác nhau như: phẩm chất, lối sống, tác phong… Nhưng, thực tế thì việc nhìn nhận, đánh giá một con người có đạo đức tốt, chưa tốt vẫn rất trừu tượng, chung chung và khó định lượng.

Đạo đức của một nhà giáo cũng vậy, phần lớn các nhà giáo từ xưa đến nay đều có đạo đức, phẩm chất tốt, ứng xử với đồng nghiệp, học trò phù hợp, họ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách và quy chế cơ quan.

Thế nhưng, để minh chứng họ chấp hành tốt, gương mẫu chấp hành như thế nào lại rất khó vì không có ai cấp các loại giấy tờ để có thể minh chứng cụ thể về đạo đức của người thầy.

Tuy nhiên, trong một số văn bản quy định về đạo đức nhà giáo hiện nay lại yêu cầu nhà giáo minh chứng về đạo đức của mình nên đây thực sự là một công việc khó khăn khi hàng năm giáo viên cứ phải đi tìm minh chứng để chứng minh đạo đức của mình.

Giáo viên phải minh chứng về các mức xếp loại đạo đức của mình (Ảnh minh họa: Thanh An)

Giáo viên phải minh chứng về các mức xếp loại đạo đức của mình

(Ảnh minh họa: Thanh An)

Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT xếp đạo đức nhà giáo làm 3 mức

Các văn bản liên quan đến đạo đức nhà giáo đã và đang được áp dụng trong các cơ sở giáo dục phải kể đến như: Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT; Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT; Các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức…

Tuy nhiên, phần lớn các văn bản này chỉ quy định về đạo đức nhà giáo chứ không đòi hỏi minh chứng cụ thể. Riêng đối với việc xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên trong hàng chục năm qua luôn đòi hỏi phải có minh chứng về đạo đức của người thầy.

Bắt đầu từ năm học 2018-2019 thì giáo viên phổ thông trên cả nước bắt đầu thực hiện việc xếp chuẩn giáo viên hàng năm theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT, thay thế cho Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT trước đây.

Cùng với việc ra đời của Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT thì ngày 1/10/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD để hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 20/2018. Kèm theo Công văn này là Phụ lục I quy định các ví dụ về minh chứng đánh giá chuẩn giáo viên theo Thông tư 20/2018.

Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên giáo dục phổ thông gồm có 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí. Hàng năm, giáo viên các nhà trường sẽ xếp chuẩn nghề nghiệp của mình theo Thông tư này.

Điều mà giáo viên luôn cảm thấy băn khoăn là ở tiêu chí 1 thì đạo đức nhà giáo được xếp thành 3 mức khác nhau, đó là:

a) Mức đạt: Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo;

b) Mức khá: Có tinh thần tự học, tự rèn luyện và phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo;

c) Mức tốt: Là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo”.

Nhưng, để phân biệt đạo đức của người thầy giữa các mức đạt: “Thực hiện nghiêm túc” với mức khá: “có tinh thần tự học, tự rèn luyện và phấn đấu” và mức tốt: “là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo” thực ra không hề đơn giản chút nào.

Bởi, đạo đức nhà giáo chỉ được xếp ở mức “tốt” khi “Là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo” nhưng hiểu về hướng dẫn này như thế nào cho đúng vẫn là một điều khó khăn đối với giáo viên khi đánh giá, xếp loại?

Nếu nhà giáo chỉ dừng lại ở cụm từ “là tấm gương mẫu mực đạo đức nhà giáo” thì mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy ở các đơn vị nhưng nhà giáo có những “chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo” thì e là quá khó.

Cái khó ở chỗ chẳng có thầy cô nào dám đứng ra để “chia sẻ kinh nghiệm” về đạo đức của mình với đồng nghiệp và tất nhiên là những đồng nghiệp trong đơn vị cũng không muốn được “hỗ trợ rèn luyện đạo đức nhà giáo” cho mình.

Nếu “hỗ trợ” về chuyên môn, về phương pháp dạy học thì gần như trường nào cũng có nhưng “hỗ trợ” về đạo đức thì có lẽ hiếm gặp trong các nhà trường bởi họ đều là những người thầy đang hàng ngày dạy dỗ, uốn nắn đạo đức cho học trò.

Trường hợp “hỗ trợ” chỉ có thể xảy ra khi giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, bị xử lý kỷ luật và họ được lãnh đạo nhà trường, các đoàn thể, đồng nghiệp góp ý…chứ “hỗ trợ rèn luyện đạo đức nhà giáo” thì rất hiếm khi xảy ra.

Nhưng, nếu căn cứ vào hướng dẫn như vậy, xếp loại đúng như vậy thì phần lớn nhà giáo đang công tác sẽ khó có cơ hội được xếp đạo đức ở mức “tốt” vì bản thân các nhà giáo rất ít khi có cơ hội hoặc không ai dám đứng ra “chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức nhà giáo”.

Và, tất nhiên là cũng chẳng có giáo viên nào muốn được đồng nghiệp của mình “hỗ trợ” rèn luyện đạo đức bao giờ. Nhưng, cho dù có “hỗ trợ” đồng nghiệp trong việc này thì lấy gì để minh chứng?

Trong khi đó, tại Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD thì đối với mức khá và mức tốt Bộ Giáo dục hướng dẫn ví dụ minh chứng đạo đức nhà giáo như sau:

Mức khá: - Không mặc trang phục hoặc có lời nói phản cảm, không làm các việc vi phạm đạo đức nhà giáo;

- Bản đánh giá và phân loại giáo viên (phiếu đánh giá và phân loại viên chức)/biên bản họp nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường/cha mẹ học sinh/kết quả thực hiện nề nếp ra vào lớp, tiến độ thực hiện công việc... ghi nhận giáo viên có tác phong, phong cách làm việc phù hợp với công việc dạy học, giáo dục và có ý thức rèn luyện, phấn đấu xây dựng tác phong làm việc mẫu mực, khoa học, tác động tích cực tới học sinh lớp dạy học/chủ nhiệm; hoặc kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp dạy/chủ nhiệm có sự tiến bộ.

Mức tốt: Bản đánh giá và phân loại giáo viên (phiếu đánh giá và phân loại viên chức) ghi nhận giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua;

- Giấy khen/biên bản họp/ý kiến ghi nhận của đồng nghiệp/nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên/cha mẹ học sinh về việc giáo viên có phong cách mẫu mực trong thực hiện nhiệm vụ dạy học, giáo dục;

- Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp dạy/chủ nhiệm có sự tiến bộ/vượt mục tiêu đề ra; hoặc giáo viên có ý kiến chia sẻ tại buổi họp nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường về kinh nghiệm, biện pháp, cách thức tạo dựng phong cách nhà giáo phù hợp tình hình thực tiễn của nhà trường, địa phương và quy định của ngành”.

Nhìn vào ví dụ minh chứng như thế này, giáo viên chỉ có thể xếp đạo đức của mình ở mức tốt khi “(phiếu đánh giá và phân loại viên chức) ghi nhận giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua” là dễ tìm minh chứng nhất còn các minh chứng còn lại khó như “hái sao trên trời” vậy.

Nhưng, trong nhiều năm qua thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định 56, Nghị định 88 sửa đổi thì những giáo viên được xếp ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và xét danh hiệu “chiến sĩ thi đua” phải là người có sáng kiến kinh nghiệm.

Vậy, sáng kiến kinh nghiệm làm thước đo cho đạo đức của người thầy hay sao?

Nên bỏ minh chứng đạo đức của nhà giáo

Chúng tôi cho rằng đạo đức của mỗi nhà giáo rất quan trọng bởi họ đang là những người làm thiên chức dạy người. Một người thầy mà không có đạo đức tốt tất nhiên sẽ khó trở thành một nhà giáo tốt nên việc phân ra đạo đức nhà giáo ở 3 mức là không cần thiết.

Sự không cần thiết còn thể hiện ở việc họ phải đi tìm minh chứng về đạo đức cho mình khi đánh giá chuẩn nghề nghiệp hàng năm.

Thứ nhất: đạo đức của người thầy không thể lấy một vài tờ giấy mơ hồ, viển vông chẳng liên quan gì đến đạo đức để xếp loại họ như: “Giấy khen/biên bản họp/ý kiến ghi nhận của đồng nghiệp/nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên/cha mẹ học sinh về việc giáo viên có phong cách mẫu mực trong thực hiện nhiệm vụ dạy học, giáo dục” mà thực tế chẳng bao giờ có những loại giấy tờ này.

Thứ hai: đánh giá, xếp loại đạo đức của người thầy ở mức tốt là khi họ làm tốt công việc, hoàn thành trách nhiệm của mình với học trò, nhà trường, không vi phạm pháp luật hay thuần phong mỹ tục thì tất nhiên họ đã có đạo đức tốt rồi.

Thứ ba: chỉ xếp loại đạo đức nhà giáo ở mức khá, mức đạt khi mà bản thân giáo viên đó vi phạm đạo đức, pháp luật, họ có những ngôn phong, cách ứng xử không phù hợp với đồng nghiệp, học sinh, cộng đồng và bị lập biên bản, quyết định kỷ luật…

Còn khi họ đã “Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo” thì lấy lý do gì mà xếp đạo đức nhà giáo ở “mức đạt” như hướng dẫn của Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT?

Rõ ràng, việc Bộ yêu cầu giáo viên hàng năm đi tìm minh chứng về đạo đức của mình đã và đang có nhiều bất cập. Chỉ tiếc, những phản biện của đội ngũ nhà giáo cả hàng chục năm qua không được Bộ lắng nghe nên năm nào cũng yêu cầu nhà giáo đi tìm minh chứng cho đạo đức của minh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY