Tìm minh chứng "đạo đức nhà giáo" để tải lên TEMIS rối rắm, vô bổ

11/10/2021 06:54
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những minh chứng vô bổ đang khiến giáo viên các cấp phải mất rất nhiều thời gian, công sức rà soát để tải lên hệ thống TEMIS.

Ngày 13/ 8/2021, Ban quản lí Chương trình ETEP (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có Công văn số 488 /CV-ETEP về hướng dẫn rà soát minh chứng và hỗ trợ tự đánh giá của giáo viên trên Hệ thống TEMIS.

Theo đó, nội dung Công văn này cho biết, trong thời gian triển khai xây dựng Báo cáo TEMIS năm 2020 và năm 2021 tại các Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Chương trình ETEP đã tiếp nhận nhiều phản hồi liên quan đến khó khăn của giáo viên trong quá trình tìm kiếm và tải minh chứng tự đánh giá theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành ngày 22/8/2018 quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và Công văn số 4530/BGD ĐT-NGCBQLGD, ngày 01/10/2018 hướng dẫn thực hiện thông tư ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Để phù hợp với thực tiễn triển khai và hỗ trợ cho các trường trong việc kiểm tra các báo cáo TEMIS 2020, chuẩn bị cho công tác kiểm đếm, Ban Quản lý Chương trình ETEP gửi đến các trường hướng dẫn rà soát minh chứng tự đánh giá của giáo viên trên Hệ thống TEMIS đã nhận được sự đồng thuận của Ngân hàng Thế giới (trong Phụ lục đính kèm).

Trong đó, lưu ý rằng, đối với báo cáo TEMIS 2020, cần hướng dẫn giáo viên chỉ bổ sung minh chứng và mô tả các hoạt động thực hiện từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020.

Rối rắm quy định minh chứng theo Công văn 488

Công văn số 488/CV-ETEP cho biết, giáo viên chỉ bổ sung minh chứng và mô tả các hoạt động thực hiện từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, gợi ý minh chứng theo Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD và gợi ý minh chứng có thể sử dụng thay thế trên TEMIS còn mông lung, rối rắm.

Chẳng hạn, tiêu chuẩn 1 “Phẩm chất nhà giáo” gồm 2 tiêu chí “Đạo đức nhà giáo” và “Phong cách nhà giáo”, trong đó gợi ý minh chứng “Đạo đức nhà giáo” theo Công văn 4530 yêu cầu liệt kê:

“Phiếu đánh giá và phân loại viên chức; Thư cảm ơn, khen ngợi của các bên về giáo viên có phẩm chất đạo đức mẫu mực; Báo cáo chuyên đề/ý kiến trao đổi, thảo luận trong nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/nhà trường về những kinh nghiệm trong rèn luyện, nâng cao phầm chất đạo đức; Hình ảnh, tấm gương giáo viên cùng nhà trường vượt qua những khó khăn (do thiên tai, bão lũ…) để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học”.

Hướng dẫn rà soát minh chứng tự đánh giá của giáo viên trên TEMIS năm 2020, ảnh: Cao Nguyên.Hướng dẫn rà soát minh chứng tự đánh giá của giáo viên trên TEMIS năm 2020, ảnh: Cao Nguyên.

Tôi nhận thấy, chỉ riêng “phiếu đánh giá và phân loại viên chức” thì cuối năm giáo viên đã được lãnh đạo đánh giá và lưu hồ sơ. Còn các loại minh chứng khác như “thư cảm ơn”, “báo cáo chuyên đề”, “gương giáo viên vượt khó…” thì nhiều giáo viên không biết lấy đâu ra minh chứng.

Còn gợi ý minh chứng có thể sử dụng thay thế trên TEMIS cũng cũng “hình thức”, rối rắm, mông lung không kém.

Cụ thể: “Tải Phiếu đánh giá và phân loại viên chức; Liệt kê minh chứng/hoặc mô tả về những ghi nhận của các bên về phẩm chất đạo đức mẫu mực của giáo viên; Liệt kê minh chứng/hoặc mô tả về những hoạt động rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức; Liệt kê những hành động vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu và kế hoạch dạy học” (do thiên tai, bão lũ, giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19…).

Công văn 488 gợi ý minh chứng có thể sử dụng thay thế trên TEMIS, nhưng gợi ý kiểu như “mô tả về những ghi nhận của các bên về phẩm chất đạo đức mẫu mực của giáo viên; Liệt kê minh chứng/hoặc mô tả về những hoạt động rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức” nghe quá tù mù, cá nhân tôi đọc đi đọc lại cũng không biết phải làm sao cho đúng.

Hoặc, quy định “phong cách nhà giáo” theo Công văn 4530 cũng hết sức vô lí, đó là: “Phiếu đánh giá và phân loại viên chức; Giấy khen/biên bản họp/ý kiến ghi nhận về việc giáo viên có phong cách mẫu mực; Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; Ý kiến chia sẻ tại buổi họp về kinh nghiệm, biện pháp, cách thức tạo dựng phong cách nhà giáo phù hợp tình hình thực tiễn của nhà trường, địa phương và quy định của ngành”.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Phong” là vẻ bề ngoài, “cách” là cách thức để biểu hiện, trưng bày ra. “Phong cách” là sự biểu hiện bản chất, những tính cách của bên trong của con người. Như vậy “phong cách” (cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự...) thể hiện cái riêng của một người hay một lớp người nào đó. Nói cách khác “phong cách” là “hình thức” để thể hiện “nội dung”.

Vậy thì, quy định minh chứng nhà giáo được thể hiện qua các phiếu đánh giá, khen thưởng, nêu ý kiến trong các cuộc họp… không mấy liên quan đến phong cách nhà giáo. Theo tôi, để xây dựng phong cách nhà giáo mẫu mực thì bản thân mỗi người giáo viên cần rèn luyện đạo đức, trong sáng, lối sống lành mạnh, là người mẫu mực trong từng lời nói và việc làm…

Ngoài ra, một số tiêu chuẩn khác gồm hàng loạt tiêu chí đi kèm cũng rất “hình thức”, khiến giáo viên phải loay hoay minh chứng như: “Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; Xây dựng mô trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội”.

Thay lời kết

Những minh chứng vô bổ đang khiến giáo viên các cấp phải mất rất nhiều thời gian, công sức rà soát để tải lên hệ thống TEMIS. Điều đáng nói là, loạt minh chứng này cũng chẳng có tác dụng gì trong việc nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường hiện nay. Chưa kể, yêu cầu giáo viên cung cấp hàng loạt minh chứng là đi ngược lại với những văn bản mà Bộ Giáo dục đã ban hành về giảm tải cho giáo viên.

Công văn 488/CV-ETEP về hướng dẫn rà soát minh chứng và hỗ trợ tự đánh giá của giáo viên trên Hệ thống TEMIS dài 7 trang A4, trong đó hết 6 trang gợi ý minh chứng theo Công văn 4530 và gợi ý minh chứng có thể sử dụng thay thế trên TEMIS. Chỉ riêng gợi ý minh thay thế, tôi đã đếm tất cả có 39 nội dung được yêu cầu, đúng là gây quá tải cho giáo viên thực sự.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên