Trưởng phòng Giáo dục Đông Anh: cấm tuyệt đối dạy thêm trong bối cảnh dịch COVID

20/10/2021 06:58
Trung Dũng
GDVN- "Phòng Giáo dục cũng đã ra văn bản để tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh, nhằm chấn chỉnh chung tất cả các trường học trên địa bàn", cô Sáu cho biết

Chiều ngày 18/10, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản hồi từ cô Dương Thị Sáu – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh (Hà Nội) để thông tin về một số vấn đề liên quan đến việc dạy thêm, học thêm ở Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ.

Trước đó, phóng viên cũng đã nhiều lần gọi điện thoại và để lại tin nhắn liên hệ công tác với lãnh đạo phòng Giáo dục huyện Đông Anh nhưng không có kết quả.

Ngoài trường Trung học cơ sở Kim Nỗ, Phòng Giáo dục huyện Đông Anh còn cho rà soát lại tất cả các trường trên địa bàn về việc dạy thêm. Ảnh: Trung Dũng

Ngoài trường Trung học cơ sở Kim Nỗ, Phòng Giáo dục huyện Đông Anh còn cho rà soát lại tất cả các trường trên địa bàn về việc dạy thêm. Ảnh: Trung Dũng

Cô Dương Thị Sáu cho biết: “Đầu tiên, thay mặt ngành giáo dục huyện Đông Anh chúng tôi xin cảm ơn những đóng góp, chia sẻ và những phản ánh về thực trạng giáo dục xảy ra trên địa bàn huyện của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Về sự việc của Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ thì Phòng Giáo dục cũng đã được nghe qua báo cáo của trường gửi lên. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đã yêu cầu nhà trường kiểm tra, làm rõ tất cả các vấn đề. Trong đó, việc dạy thêm và học thêm chúng tôi đã cấm tuyệt đối rồi, không được dạy thêm, học thêm trong bối cảnh học sinh đang còn phải học trực tuyến như hiện nay.

Hôm trước (ngày 17/10 - PV), chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường tiến hành kiểm điểm với cô T. và cô H, là giáo viên dạy thêm của lớp 9A1. Đồng thời, chúng tôi cũng làm rõ trách nhiệm, tại sao lại có sự việc như thế và phải kiểm điểm nghiêm túc.

Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục cũng đã ra văn bản để tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh, nhằm chấn chỉnh chung tất cả các trường học trên địa bàn. Trong đó có việc chấn chỉnh dạy thêm học thêm của các trường (nếu có). Kể cả việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh khi tham gia học trực tuyến. Để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc như cháy, nổ thiết bị học tập với học sinh khi học trực tuyến giống như một số địa phương mà báo chí đã thông tin.

Ngoài các văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trên thì đồng thời chúng tôi cũng chấn chỉnh tất cả các vấn đề liên quan đến việc thu chi của các trường. Hiện tại, huyện cũng chưa có thông báo các khoản thu chi gì với các trường theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội."

Phóng viên cũng đề cập về vấn đề phụ huynh cho rằng, việc học thêm không chỉ mới diễn ra, ở một nhóm nhỏ như nhận định của Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ mà tình trạng này còn diễn ra nhiều năm nay, ở nhiều lớp khác trong trường. Cụ thể là việc học thêm ở lớp 8A1 mà chúng tôi đã nêu ra trong bài viết "Phụ huynh THCS Kim Nỗ tố 'dạy thêm ở nhiều lớp, Hiệu trưởng không biết là vô lý"

Về việc này, cô Sáu thông tin thêm: “Sau khi Tạp chí đưa ra thông tin về việc dạy thêm của lớp 8A1 thì chúng tôi cũng đã yêu cầu là phải làm rõ cái vấn đề đó ra. Cụ thể tên tuổi giáo viên đó là gì? Bây giờ đang như thế nào? (còn dạy thêm nữa hay không – PV) và yêu cầu nhà trường phải mời giáo viên ấy lên để làm rõ các vấn đề như thế.

Trên cơ sở những phản ánh đó, chúng tôi sẽ cho rà soát lại về vấn đề dạy thêm học thêm, không chỉ riêng trường Trung học cơ sở Kim Nỗ mà với tất cả các đơn vị khác trên địa bàn huyện Đông Anh. Để làm sao cho việc học trực tuyến của các học sinh trong thời điểm này nó vẫn đảm bảo hiệu quả và tốt nhất cho học sinh.

Qua đây, cũng mong được nhận được sự đồng hành của Tạp chí để chúng tôi có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trong việc quản lý giáo dục trên địa bàn. Thực tế, ngay sau khi tiếp nhận thông tin của phóng viên thì Phòng Giáo dục huyện Đông Anh cũng đã cho cán bộ về kiểm tra, xác minh sự việc ngay lúc đó rồi.

Còn với mong muốn của các phụ huynh trong việc nâng cao chất lượng hay chuẩn bị cho các con thi vào lớp 10 mà muốn tổ chức dạy thêm thì tôi khẳng định, trong thời điểm này, chúng tôi cũng không có chủ trương. Chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường thể hiện rõ quan điểm của mình với phụ huynh về việc đó. Vì việc học trực tuyến nó cũng đang có những phát sinh bất ngờ không giống như khi các em học trực tiếp”.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường và các cá nhân tổ chức việc học thêm trực tuyến khi chưa có chủ trương của cấp trên, cô Sáu nhận định: “Hiện tại thì chúng tôi cũng đang cho rà soát tất cả mọi việc theo những thông tin mà báo chí phản ánh.

Còn trong trường hợp nó để lại những vấn đề khác thì chúng tôi phải tiến hành những bước tiếp theo. Khi đó Phòng Giáo dục cũng cần phải có báo cáo lên Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh để xem xét trách nhiệm với các đồng chí trong Ban Giám hiệu. Bước đầu thì chúng tôi cứ cho rà soát, để chấm dứt việc dạy thêm học thêm trên địa bàn.

Với sự việc tại trường Trung học cơ sở Kim Nỗ, ngay sau khi có thông tin và Hiệu trưởng báo cáo lên thì chúng tôi đã cho dừng ngay việc dạy thêm học thêm ở lớp đó. Đồng thời, chúng tôi cũng đang xử lý trong phạm vi của từng lớp để xảy ra sự việc trước đã. Các giáo viên cũng đã phải kiểm điểm trách nhiệm của mình rồi. Khi ổn thỏa, chúng tôi sẽ tính đến các phương án tiếp theo để làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường”.

Sau khi xác minh có sự việc, các giáo viên tổ chức dạy thêm ở Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ đều phải làm tường trình, kiểm điểm trách nhiệm. Ảnh: NTCC

Sau khi xác minh có sự việc, các giáo viên tổ chức dạy thêm ở Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ đều phải làm tường trình, kiểm điểm trách nhiệm. Ảnh: NTCC

Trước đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải phản ánh, kêu cứu của cha mẹ học sinh về việc học thêm trực tuyến diễn ra ở một số lớp của Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ.

Theo đó, việc học thêm theo hình thức trực tuyến này chủ yếu được diễn ra với các môn như: Toán, Văn, Hóa học và tiếng Anh, thường xuyên xảy ra tại trường Trung học cơ sở Kim Nỗ với hầu hết các lớp trong nhiều năm nay.

Nếu học sinh nào không tham tham gia hoặc có ý định học thêm ở các lớp do giáo viên khác tổ chức, nằm ngoài sự “sắp xếp” của giáo viên chủ nhiệm thì học sinh ấy sẽ bị “quan tâm đặc biệt” suốt trong quá trình học tại trường.

Nhiều họ sinh tỏ ra mệt mỏi vì ngoài lịch học chính khóa từ thứ 2 đến thứ 6 thì các em còn bị "ép" học thêm trực tuyến vào các khung giờ phụ, thậm chí cả thứ 7 và Chủ nhật khiến phụ huynh bức xúc

Bên cạnh đó, khi theo dõi trong các clip của các lớp học thêm được phụ huynh cung cấp có thể thấy, dù là buổi học thêm nhưng các học sinh trong lớp 9A1 đều phải trải qua việc điểm danh theo thứ tự để đảm bảo tham gia đủ 100%. Học sinh nào vắng mặt, nghẽn mạng, míc không nói được hoặc gọi tên nhiều lần không trả lời đều bị giáo viên nhắc nhở.

Trung Dũng