Sau các bài viết phản ánh về việc học thêm trực tuyến diễn ra tại lớp 9A1, Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ, Đông Anh (Hà Nội) mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải, nhiều phụ huynh có con học tại trường tiếp tục gửi phản ánh về cho chúng tôi.
Đặc biệt trong bài viết “Phụ huynh tố con bị ép học thêm, Hiệu trưởng THCS Kim Nỗ nói đây là việc nhỏ” chúng tôi cũng đã đề cập đến bản tường trình của cô N.T.T, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A1, sau khi việc tổ chức học thêm của giáo viên này bị các phụ huynh tố giác.
Theo các phụ huynh, việc học thêm ở Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ ở hầu hết các lớp và diễn ra trong nhiều năm nay. Ảnh: Trung Dũng |
Đáng nói, sau khi tiếp cận với nội dung của bản tường trình, các phụ huynh bày tỏ sự bức xúc vì các nội dung mà giáo viên chủ nhiệm lớp 9A1 đề cập trong đó có nhiều điểm không đúng sự thật.
Cụ thể, trong mục 1 của bản tường trình mà cô N.T.T trình bày có nội dung như sau: “Việc ôn tập của lớp 9A1 do tôi chủ nhiệm gồm có 2 nhóm. Nhóm Toán do tôi trực tiếp giảng dạy gồm 15 học sinh (là những học sinh gần nhà, trong họ, cùng thôn, cùng xã) do một phụ huynh của lớp đứng lên tổ chức vì lo cho các con thi vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2022 – 2023.
Nhóm Anh văn gồm có 12 em học sinh cũng thuộc đối tượng như trên do phụ huynh mời giáo viên (trong họ) đang hợp đồng dạy ôn thi và bồi dưỡng. Cả hai môn đã thực hiện được 2 buổi bằng hình thức trực tuyến”.
Tuy nhiên, các phụ huynh khẳng định, trước mỗi buổi tham gia học thêm trực tuyến, giáo viên phụ trách môn đó đều tiến hành điểm danh theo thứ tự trong danh sách của lớp để đảm bảo không học sinh nào vắng mặt. Nên không thể nào có chuyện là đang học với nhóm nhỏ.
Chị H, một phụ huynh có con học tại Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ cho biết: “Có lớp sĩ số học chính khoá theo danh sách ở trường là 40 em thì tất cả 40 em đó đều phải tham gia học thêm trực tuyến đầy đủ, bình thường. Như vậy, trong bản tường trình, cô giáo chủ nhiệm lớp 9A1 nói nhóm cô dạy thêm chỉ có từ 10 đến 15 học sinh là hoàn toàn không đúng sự thật. Nếu là lớp học thêm trên tinh thần tự nguyện, nhờ vả mà có thì tại sao các giáo viên phụ trách của tất cả các môn học thêm phải điểm danh đầu giờ để rà soát học sinh?.
Hơn nữa, bản tường trình của giáo viên này cũng đề cập đến việc, những học sinh theo học ở những lớp học thêm trực tuyến này đều là những học sinh gần nhà, trong họ, cùng thôn thì hoàn toàn không có căn cứ. Chính như bản thân tôi là phụ huynh có con học thêm ở lớp của cô nhưng cũng đang không hiểu mình là hàng xóm hay là cùng người cùng họ với cô giáo ấy theo con đường nào nữa.
Hiện, không chỉ tôi mà các phụ huynh khác cũng đang rất bức xúc vì nội dung không đúng thực tế trong bản tường trình của giáo viên chủ nhiệm. Các học sinh cũng đang rất hoang mang vì sự thật một đường lại được nói theo một nẻo.
Trong khi các con đang ở độ tuổi hình thành nhân cách và coi giáo viên làm hình mẫu và khuôn thước mà bị chi phối trong môi trường giáo dục còn giả dối thì các con biết tin vào đâu. Rất nhiều lần, nhiều năm nay các con của chúng tôi phải chịu như vậy rồi”.
Lịch học thêm tiếng Anh của lớp 8A1, Trường THCS Kim Nỗ được lên lịch vào ngày thứ Bảy trên ứng dụng học trực tuyến của trường, không có trong khung thời gian thời khoá biểu chính thức. Ảnh: Phụ huynh cung cấp |
Tương tự lịch học thêm môn Ngữ văn của lớp 8A1 cũng được tạo sẵn trên ứng dụng học trực tuyến của Trường THCS Kim Nỗ, không có trong khung thời gian thời khoá biểu chính khoá. Ảnh: Phụ huynh cung cấp |
Không chỉ bức xúc với nội dung trong bản tường trình của giáo viên, các phụ huynh cũng cho rằng, Hiệu trưởng nhà trường đang có dấu hiệu bao che, không phản ánh đúng thực trạng dạy thêm trực tuyến tràn lan đang diễn ra tại trường Trung học cơ sở Kim Nỗ.
Cụ thể, các phụ huynh cho rằng đoạn trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam của thầy Trần Văn Mười, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ không đúng thực tế.
Theo đó, khi nói về việc dạy thêm trực tuyến tại lớp 9A1, thầy Mười có trả lời phóng viên rằng: “Thực ra, việc này theo tôi thì không gọi là dạy thêm mà nó giống như là dạy nhóm, dạy gia sư tại nhà thôi. Nếu trực tiếp thì cũng chỉ 5 đến 7 cháu đến trực tiếp nhà một giáo viên nào đó dạy, còn học trực tuyến thì cô ngồi ở nhà dạy thì mới có 8 đến 10 cháu đi học. Nếu như vậy, tôi không quan niệm nó là học thêm, nó cũng không đến mức độ nặng nề như thế.
Việc dạy thêm này từ trước đó tôi không biết, không nắm được, khi có thông tin của phóng viên thì chúng tôi mới nắm được nội dung này. Bây giờ đang học trực tuyến thì nắm làm sao được, chứ còn học trực tiếp thì chúng tôi biết ngay. Khi học trực tiếp, học sinh đi học ầm ầm, hàng xóm họ biết, trưởng thôn họ thông báo với ban giám hiệu mình biết ngay. Chứ học trực tuyến này khó nắm lắm, mà có khi cô cũng chỉ lên giao bài các thứ thôi”.
Về việc này, theo các phụ huynh, nhiều năm nay, trường Trung học cơ sở Kim Nỗ đã để giáo viên tổ chức dạy thêm tràn lan. Ngoài việc học sinh học 2 buổi sáng, chiều theo thời khoá biểu chính khoá của trường, các con còn phải học thêm vào buổi tối và các ngày cuối tuần, diễn ra ở tất cả 26 lớp.
Phụ huynh cho rằng, chưa kể việc giáo viên chủ nhiệm viết trong tường trình là mới bắt đầu học thêm trực tuyến được 2 buổi, mà ngay cả việc Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ cho rằng đây chỉ là những nhóm nhỏ đi học thêm nên không nắm được là vô lý.
Vì thời gian này ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên các học sinh mới học thêm theo hình thức online tại nhà, còn nếu đi học bình thường thì học sinh vẫn phải đi học trực tiếp tại trường do chính giáo viên trực tiếp trên lớp giảng dạy.
Để minh chứng cho việc dạy thêm tràn lan, các phụ huynh có con học thêm ở các lớp khác (ngoài lớp 9A1) tại trường Trung học cơ sở Kim Nỗ cũng đã cung cấp thêm cho chúng tôi một số hình ảnh về các lớp học thêm trực tuyến này.
Đơn cử, tại lớp 8A1, Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ phóng viên ghi nhận cũng có tình trạng các tiết học thêm được tổ chức lên lịch, ngày giờ cụ thể trong các ứng dụng học trực tuyến vào các khung giờ buổi tối hoặc cuối tuần.
Cụ thể, môn Ngữ văn, người tổ chức là N.K.C với khung giờ từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30 vào thứ Ba (12/10). Đối chiếu trong thời khoá biểu của lớp 8A1, chỉ có khung thời gian vào buổi sáng và chiều, không có lịch học nào kết thúc vào khung giờ buổi tối.
Môn tiếng Anh, người tổ chức là N.T.P.L với khung giờ từ 7 giờ 30 đến 9 giờ ngày thứ Bảy (9/10). Đối chiếu trong thời khoá biểu của lớp 8A1 không thấy có tiết học nào được lên lịch vào ngày thứ bảy.
Bản tường trình của giáo viên chủ nhiệm lớp 9A1, Trường THCS Kim Nỗ về việc học thêm đang gây bức xúc trong phụ huynh. Ảnh: NTCC |
“Việc học thêm này hầu hết được học trên Teams (ứng dụng học trực tuyến – PV), nhà trường trước đó cũng đã tổ chức tập huấn giáo viên và giới thiệu cho phụ huynh rằng đã liên hệ với Microsoft để mua bản quyền ứng dụng này. Để tổ chức được các lớp học này thì đều phải có quản trị viên ở trường quản lý.
Vì thế, không lý do gì mà Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ lại không biết đến các lớp học được lên lịch cụ thể, rõ ràng ngày giờ trong ứng dụng trực tuyến đó cả”, một phụ huynh bức xúc cho biết.