Nhà trường cần đánh giá nhận xét nhà giáo, đừng "xếp hạng đạo đức" thầy cô

21/10/2021 06:32
Tùng Dương
GDVN-Nhà giáo thì phải có đạo đức tốt, nếu đạo đức ở mức khá và theo quan niệm từ xưa đến nay nếu ở mức khá có nghĩa là “mắc” cái gì đó, như vậy thì sao mà đi dạy được.

“Là giáo viên thì tính mô phạm, tính sư phạm luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng ở mỗi một cơ sở giáo dục lại có một giá trị cốt lõi riêng dựa trên tất cả quy định, yêu cầu cơ bản chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn mực của một giáo viên.

Ví dụ giá trị cốt lõi của trường chúng tôi là yêu thương, trách nhiệm, trung thực, chủ động, sáng tạo dành cho cả học sinh và các thầy cô giáo, đầu tiên phải đảm bảo yêu nghề, yêu trẻ; Thứ hai là phải có tính trách nhiệm; Thứ ba là phải có sự đoàn kết vì bản chất ở đây là một tập thể.

Vì những giá trị cốt lõi đó, ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng một bản đánh giá giáo viên, ví dụ nhà trường muốn đánh giá giáo viên có yêu nghề hay không…thì cũng cần phải có tiêu chí riêng, có như vậy mới có thể đánh giá được.

Về yêu nghề, nó cũng sẽ có mức độ thể hiện tình yêu của thầy cô, và ở đây chúng tôi không đánh giá về phẩm chất đạo đức, nhưng tình yêu nghề của thầy cô sẽ có sự khác nhau. Có thầy cô rất đam mê với công việc đó, không cần nhắc nhở cũng làm…Thực tế bản đánh giá của chúng tôi không nhằm mục đích xếp hạng giáo viên, mà bản đó là “con đường” với mục đích chỉ rõ, hướng cho các thầy cô muốn phấn đấu lên mức cao nhất thì hãy làm những gì. Giáo viên tự soi vào đó và hoàn toàn biết được mình đang ở đâu, mức độ nào. Ngoài việc bản thân nhìn vào bản đánh giá, những đồng nghiệp cùng công tác sẽ quan sát, sẽ “theo dõi” anh."

Cô Vũ Thị Hồng Nhung - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Vũ Thị Hồng Nhung - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Vũ Thị Hồng Nhung - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Có quy trình riêng đánh giá giáo viên

Theo cô Nhung: “Trên cơ sở những yêu cầu của Nhà nước về chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học gồm các tiêu chuẩn khác nhau,…từ đó ban giám hiệu nhà trường triển khai, xây dựng thêm những tiêu chí mà nhà trường mong muốn, chọn lọc những gì mang giá trị cốt lõi của trường mình, đồng thời có diễn giải cụ thể, giúp cho các thầy cô nhìn vào đó biết được để phấn đấu.

Cuối mỗi học kì, thầy cô dựa trên những tiêu chí đó và tự đánh giá bản thân, sau đó cả Tổ chuyên môn sẽ họp, trao đổi về những ưu khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu của từng thầy cô rồi tổng hợp lại gửi lên ban giám hiệu nhà trường. Việc đánh giá này không chỉ riêng về đạo đức, mà còn có đánh giá về chuyên môn, sự phát triển bồi dưỡng giáo viên,…Nhưng một việc nữa là bản đánh giá đó ở năm nay sẽ khác năm sau, bởi nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của nhà trường sẽ thay đổi, luôn vươn lên.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 như hiện nay nhưng giáo viên đó vẫn luôn luôn tìm tòi nghiên cứu để làm sao giúp cho học sinh thấy hứng thú nhất, như vậy rõ ràng giáo viên đó thể hiện sự đam mê yêu nghề. Nhưng cũng có thầy cô nói rằng: Thôi, nhà trường quy định thế nào tôi làm như vậy.

Theo tôi điều đó không phải là vấn đề xếp hạng về đạo đức, nhưng ở đây niềm say mê, cống hiến, khẳng định mình sẽ là sự khác biệt, tạo nên chất lượng công việc khác nhau, và chắc chắn sẽ hơn rất nhiều với thầy cô chỉ làm việc theo quy định”.

Sao lại xếp hạng đạo đức?

Cô Nhung nói: “Đã là nhà giáo thì phải có đạo đức tốt, nếu đạo đức ở mức khá và theo quan niệm từ xưa đến nay nếu ở mức khá có nghĩa là “mắc” cái gì đó, như vậy thì làm sao có thể đi dạy được.

Quan điểm của tôi về đạo đức nhà giáo, đầu tiên là phải tâm huyết yêu nghề, yêu trẻ. Khi thầy cô đã yêu nghề thì họ sẽ tìm mọi cách để làm mọi việc thật tốt, còn khi đã không yêu thì mọi thứ đều là khiên cưỡng.

Về vấn đề chuyên môn và đạo đức, theo tôi đây là 2 vấn đề độc lập và không thể dùng chuyên môn để đánh giá đạo đức. Thầy cô có thể rất giỏi về chuyên môn, nhưng vẫn phải xem lại về vấn đề đạo đức, bởi có thể anh dùng chuyên môn giỏi đó để dạy thêm ngoài chính khóa, để làm “việc nọ việc kia” chứ không phải để lên lớp.

Theo tôi 2 việc này phải rõ ràng, không phải thầy cô cứ có tài là có đức, tài và đức khác nhau. Ở góc độ quản lý, tôi sợ nhất là những người giỏi nhưng lại không có đức, và họ sẽ làm những việc khuất tất mà về mặt quản lý nhà trường không nắm được. Vậy nên không thể nói một giáo viên giỏi về chuyên môn là đương nhiên có đạo đức tốt được, vấn đề này tôi không dám khẳng định.

Đạo đức của một con người chỉ tốt không thôi chưa đủ, cần phải có hiểu biết, nếu bản thân mình không liên quan đến ai thì mình tốt là được rồi, nhưng mình lại liên quan đến học sinh, là “tấm gương” để các con nhìn vào, và cũng chính là người tạo dựng “nhào nặn” một đứa trẻ trở thành một công dân tốt, có ích cho đất nước, vậy chính bản thân thầy cô cần phải có điều đó, rồi mới có để đem cho người khác. Nếu giáo viên đó mới chỉ tốt không thôi thì chưa đủ”.

Thầy cô có thể rất giỏi về chuyên môn, nhưng vẫn phải xem lại về vấn đề đạo đức, bởi có thể anh dùng chuyên môn giỏi đó để dạy thêm ngoài chính khóa, để làm “việc nọ việc kia” chứ không phải để lên lớp. Ảnh minh họa: N.T.

Thầy cô có thể rất giỏi về chuyên môn, nhưng vẫn phải xem lại về vấn đề đạo đức, bởi có thể anh dùng chuyên môn giỏi đó để dạy thêm ngoài chính khóa, để làm “việc nọ việc kia” chứ không phải để lên lớp. Ảnh minh họa: N.T.

Về vấn đề yêu cầu giáo viên phải minh chứng đạo đức nhà giáo, theo cô Nhung: “Thực ra, nếu tự nhiên bảo phải tìm cái gì để chứng minh là tôi tốt thì cũng rất khó, đã làm qua rồi thì nhớ làm sao được, làm gì có giấy tờ chứng nhận gì. Nhưng ở góc độ khác, cuối năm nhìn vào bản thi đua thì thầy cô cứ áp những quy định trong đó vào làm minh chứng.

Còn việc phải xin ý kiến nhận xét, đánh giá thầy cô từ phía phụ huynh và học sinh thì nhà trường tôi cũng đã áp dụng từ rất lâu, đó cũng là một kênh đánh giá để nhà trường tham khảo, và trẻ con có gì không vừa lòng là các em nói ngay, phụ huynh cũng vậy. Bản thân ban giám hiệu nhà trường chúng tôi cũng muốn được nghe những điều từ phía phụ huynh và học sinh, đây là điều cần thiết của mỗi nhà trường để từ đó rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô và chất lượng giảng dạy.

Tôi thấy việc xin ý kiến là một chuyện cần thiết, nhưng quan trọng hơn nữa là ban giám hiệu phân tích, xử lí bản ý kiến đóng góp đó một cách nhân văn thế nào? Ví dụ: Vừa nghe phụ huynh nhận xét tôi không hài lòng với giáo viên này là lập tức đưa ra hình thức kiểm điểm, kỉ luật,…mà không tìm hiểu nguồn gốc của sự việc đó ra sao, theo tôi nhiều việc nhìn như vậy mà không phải vậy.

Ban giám hiệu chỉ nghe để biết thông tin, còn lại phải xem cặn kẽ đầu đuôi câu chuyện thế nào, đưa ra quyết định phải hợp tình hợp lí, mô phạm đúng với tính chất giáo dục, đó mới là điều quan trọng. Việc đánh giá đạo đức một con người rất khó, không thể dựa vào một vài ý kiến là đã đủ quy kết rằng người đó có đạo đức hay không, trong giáo dục là con người và “sản phẩm” này phải hàng chục năm nữa mọi người mới nhìn thấy thành quả, nếu chúng ta làm những gì đó vội vàng, làm tổn thương thầy cô, điều đó sẽ không tốt.

Chúng ta cần hạn chế, quản trị cái rủi ro đó càng nhiều càng tốt, tất nhiên trong quá trình làm vẫn sẽ có sự va vấp, nhưng hãy cố gắng làm thế nào đó để không ảnh hưởng và tổn thương các thầy cô, và với học sinh cũng vậy”.

Tùng Dương