Rối tinh rối mù việc triển khai môn Khoa học tự nhiên lớp 6

20/10/2021 06:38
Tùng Dương (ghi)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để áp dụng dạy tích hợp liên môn vào nền giáo dục Việt Nam, ở thời điểm hiện tại, theo tôi cần đặc biệt cẩn trọng và phải xây dựng một lộ trình rõ ràng, khả thi.

Từ năm học này, cả nước đã bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt là lần đầu tiên có sự xuất hiện của môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 Trung học cơ sở, môn này được xây dựng trên nền tảng tích hợp 3 môn học là Vật lý, Hóa học và Sinh học trong chương trình cũ.

Thực tế, hiện nay nhiều trường trung học cơ sở vẫn đang phải dạy riêng 3 phân môn trong môn tích hợp giống như đơn môn trước đây, bởi hầu hết các trường chưa có điều kiện cần và đủ để một giáo viên đảm nhiệm dạy toàn bộ môn Khoa học tự nhiên mà vẫn bố trí 2 - 3 giáo viên cùng đảm nhiệm.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Mai Văn Túc - Giáo viên dạy môn Vật lý Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Thầy Túc cho biết: “Những mục tiêu chính đặt ra cho lần thay sách này là dạy học theo định hướng phát triển năng lực và dạy tích hợp liên môn ở trung học cơ sở.

Cả hai mục tiêu này đều là điều mà các quốc gia có nền giáo dục phát triển đã và đang thực hiện đạt được những thành quả rất lớn. Tuy nhiên, để áp dụng vào nền giáo dục Việt Nam ở thời điểm hiện tại thì tôi nghĩ cần đặc biệt cẩn trọng và phải xây dựng một lộ trình rõ ràng, khả thi.

Để đạt được hai mục tiêu trên cần những yếu tố sau: Đội ngũ giáo viên, đây là yếu tố quyết định. Sách giáo khoa, sách cho giáo viên, sách bài tập và không thể thiếu là trang thiết bị dạy học. Nếu một trong các yếu tố trên không đạt yêu cầu thì không thể có kết quả như mong muốn”.

Theo thầy Túc: "Tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên thì nội dung còn mang tính chất nghĩa vụ, hời hợt, chung chung và mang mầu sắc quảng cáo bán hàng”. Ảnh: NVCC.
Theo thầy Túc: "Tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên thì nội dung còn mang tính chất nghĩa vụ, hời hợt, chung chung và mang mầu sắc quảng cáo bán hàng”. Ảnh: NVCC.

Đội ngũ giáo viên chưa sẵn sàng dạy tích hợp?

Theo thầy Túc:Các giáo viên dạy lâu năm do chỉ dạy chuyên môn chính nên kiến thức về lĩnh vực còn lại của môn Khoa học tự nhiên không còn nhớ. Thứ hai, những khóa tập huấn ngắn ngày không thể đảm bảo chỉ để hiểu lại kiến thức do lâu ngày không sử dụng, chứ chưa nói đến nhớ và tích hợp để dạy, và dạy theo định hướng phát triển năng lực lại càng khó.

Tác giả viết sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6 có chuyên môn chính là Hóa học, khi viết bài có kiến thức liên quan đến Vật lý thì bị sai căn bản tất cả các hiện tượng Vật lý có trong bài, ví dụ: Hình vẽ mực nước trong cốc và ngoài cốc ngang nhau là sai vì khi úp cốc xuống nước trong cốc sẽ bị đẩy ra.

Lỗi nữa là cả cây nến và đế nhựa có trọng lượng đáng kể nhưng hình vẽ cho thấy không có phần nào ngập trong nước là sai.

Lỗi thứ 3: Cây nến chỉ cháy trong khoảng thời gian cỡ 5 đến 10 giây mà giảm chiều cao như ở hình (1) đến ngắn như ở hình (3) là không thực tế.

Như vậy, giáo viên không vững kiến thức liên môn sẽ không thể phát hiện ra để dạy đúng cho học sinh và hậu quả để lại là rất lớn. Rất tiếc là lỗi này đang rất phổ biến trong sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6”.

Thầy Túc nói: “Hiện nay, giáo viên chưa sẵn sàng dạy học phát triển năng lực là do lỗi hệ thống, từ khi học phổ thông cho đến học đại học hầu hết các thầy cô đều bị học chay, học không hiểu bản chất, học lệch, học đối phó với điểm số, thi cử. Đã thế, phương pháp được đào tạo là phương pháp truyền thụ kiến thức đã quá lạc hậu.

Một trong những yêu cầu hàng đầu của dạy học theo định hướng phát triển năng lực là cần sử dụng hiệu quả các hạng mục thiết bị dạy học nhưng hiện tại chưa có trang thiết bị môn Khoa học tự nhiên. Số ít các thiết bị sẵn có thì không đồng bộ, chất lượng thấp. Hầu hết các giáo viên không làm chủ được trang thiết bị thí nghiệm khi dạy môn Khoa học tự nhiên.

Muốn dạy phát triển năng lực thì người dạy phải được đào tạo theo hướng phát triển năng lực và phải có năng lực. Nhiều giáo viên ngay cả chuyên môn chính được đào tạo còn đang rất vất vả để dạy đúng theo cách truyền thống, thì việc dạy liên môn theo định hướng phát triển năng lực là không thể. Tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên thì nội dung còn mang tính chất nghĩa vụ, hời hợt, chung chung và mang mầu sắc quảng cáo bán hàng”.

Thầy Túc nhận định: “Hiện đang còn rất nhiều lỗi sai kiến thức căn bản ở cả ba bộ sách giáo khoa, và ở cả sách giáo viên, sách bài tập. Nhiều bài học viết rất chung chung, không làm rõ được bản chất của vấn đề, do đó không thể phát huy được năng lực tự học, sáng tạo của học sinh.

Chưa có hệ thống câu hỏi, bài tập đánh giá năng lực ở các cấp độ khác nhau như: Nhớ - Hiểu – Vận dụng – Phân tích – Đánh giá – Sáng tạo. Ít có liên hệ, vận dụng kiến thức vào thực tế làm cho học sinh không thấy hấp dẫn. Nội dung tích hợp chưa thể hiện rõ trong bộ sách”.

Lúng túng trong tổ chức triển khai dạy và học

Thầy Túc nhận định: “Đây là vấn đề hiện đang được dư luận bàn đến nhiều nhất vì dễ nhận ra những bất cập ngay ở khâu đầu triển khai dạy và học. Trong hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường chủ động bố trí kế hoạch dạy học phù hợp với logic các chủ đề của chương trình môn học. Hướng dẫn này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gây nên sự không thống nhất triển khai dạy môn Khoa học tự nhiên trên toàn quốc, điều này ảnh hưởng lớn đến kết quả dạy và học.

Theo thông tin tôi nhận được từ rất nhiều đồng nghiệp trên cả nước, hiện tại nhiều trường đang có một số cách phân công dạy môn môn Khoa học tự nhiên như sau:

Cách 1: Chỉ đạo tách môn Khoa học tự nhiên thành 3 “phân môn” và phân công giáo viên dạy như cũ. Cách làm này phá bỏ đi toàn bộ logic của một môn học mới, phá bỏ đi hoàn toàn tính tích hợp nội dung. Và không có gì thay đổi nhiều đối với học sinh và giáo viên. Bỏ ra nhiều công sức để xây dựng chương trình mới và viết sách giáo khoa mới là vô nghĩa.

Cách 2: Dạy theo tiến độ logic mà sách giáo khoa đã viết, gặp chủ đề nào thuộc lĩnh vực của giáo viên nào thì giáo viên đó dạy, cách này có những trở ngại sau: Khối lượng công việc của giáo viên là không cố định, có cô giáo phản ánh một tuần phải dạy đến 28 tiết, nhưng có tuần chỉ có 2 tiết. Gặp những phần có kiến thức liên môn thì giáo viên không thể triển khai đạt kết quả như mong muốn.

Cách 3: Phân công một giáo viên dạy cả môn Khoa học tự nhiên. Về vấn đề này, ở nhiều trường trung học cơ sở đang không có sự thống nhất giữa Ban giám hiệu và tổ bộ môn nên bàn cãi, tranh luận rất nhiều trong các cuộc họp từ hàng tháng trước khai giảng. Giáo viên phản đối vì tự thấy không thể dạy khác chuyên môn mình đã đào tạo”.

Theo thầy Túc: "Cây nến chỉ cháy trong khoảng thời gian cỡ 5 đến 10 giây mà giảm chiều cao như ở hình (1) đến ngắn như ở hình (3) là không thực tế". Ảnh: NVCC.
Theo thầy Túc: "Cây nến chỉ cháy trong khoảng thời gian cỡ 5 đến 10 giây mà giảm chiều cao như ở hình (1) đến ngắn như ở hình (3) là không thực tế". Ảnh: NVCC.

Về chuẩn bị giáo án, thầy Túc nói:Các giáo viên sẽ soạn giáo án, vì là một môn học mới nên giáo viên cần sự tham khảo từ rất nhiều nguồn uy tín. Đáng tiếc rằng hiện tại chưa có các nguồn tài liệu đấy, chưa có sách giáo viên, chưa có thiết bị. Trong khi đó thị trường giáo án mẫu, giáo án lậu và bồi dưỡng chứng chỉ đang hoạt động hết sức sôi động. Một thực trạng rất phi giáo dục.

Hơn nữa, nếu một giáo viên soạn giáo án thì không có gì đảm bảo nó đạt tiêu chuẩn tích hợp và phát triển năng lực của môn Khoa học tự nhiên. Nhưng nếu phải cả 3 giáo viên hợp sức để cùng soạn một bài thì khối lượng công việc quá lớn. Khâu duyệt giáo án cũng nhiều vấn đề để nói, tuy nhiên thì khâu này ở nước ta còn mang tính hình thức và nể nhau”.

Với dạy học, theo thầy Túc: “ Giai đoạn này là kết quả thừa hưởng mọi thành quả và bất cập của giai đoạn trước. Tuy nhiên trong thực tế có thể có nhiều vấn đề nhỏ sẽ nảy sinh, nếu trước đây giáo viên bị thiếu giờ dạy hoàn toàn có thể hẹn học sinh buổi sau. Nhưng với việc phân công công như hiện nay thì buổi sau hoàn toàn có thể là giáo viên khác.

Cho đến thời điểm hiện tại, các giáo viên chưa nhận được bất kì sự hỗ trợ chính thức nào từ phía những tác giả sách và chương trình về việc kiểm tra đánh giá học sinh. Rõ ràng là với một môn học hoàn toàn mới này giáo viên cần phải được hỗ trợ rất nhiều dạng mẫu để tự học, tránh tình trạng mò mẫm lạc đường. Sách giáo viên là rất quan trọng và càng đặc biệt quan trọng khi năm đầu tiên tích hợp thì lại nhiều nơi chưa có”.

Khó trong việc tổng kết, đánh giá

Thầy Túc nói: “Việc phân công đánh giá cũng hết sức khó khăn vì là một môn học nên chỉ có số lượng điểm giới hạn, khi phân công 3 giáo viên sẽ cho điểm đánh giá định kì, kiểm tra ngắn như thế nào để điểm số đó có thể hiện gần đúng nhất năng lực của học sinh.

Liệu rằng nếu một học sinh được 2 giáo viên khen ngợi trong khi bị giáo viên còn lại không đồng ý về kiến thức, kỹ năng sẽ có số điểm như thế nào?

Tuy mới là đầu năm học, nhưng với bài thi cuối kì tổng kết nội dung môn học, liệu rằng thí sinh thi 3 bài ứng với 3 giáo viên hay chỉ làm một bài duy nhất? Hiện tại cũng chưa thể có giáo viên nào ra được một câu hỏi tích hợp, mà nếu chỉ trả lời những câu hỏi đơn từ từng bài thì lại không thể hiện được đúng ý nghĩa và vai trò của môn học tích hợp.

Theo tôi, giáo viên được tập huấn bài bản cả 3 lĩnh vực Lý, Hóa, Sinh, Bộ cần thống nhất trên toàn quốc một phương án để triển khai dạy môn Khoa học tự nhiên theo hướng dạy tích hợp, dạy phát triển năng lực sẽ hiệu quả. Khắc phục được thực trạng triển khai dạy môn Khoa học tự nhiên đang rối bời theo hình thức chữa cháy thiếu khoa học ở các trường trung học cơ sở như hiện nay”.

Đến đây ta thấy rõ vai trò, nhiệm vụ chỉ huy, hướng dẫn, làm mẫu của Bộ càng thêm nặng. Mong rằng Bộ sớm triển khai không để tình trạng các địa phương phản ánh quá gay gắt mới bắt đầu trù tính. Hiện tại, chưa có hệ thống câu hỏi, bài tập, dự án khoa học cụ thể để đánh giá năng lực thì làm sao có thể biết kết quả để phân tích, đánh giá”.

Tùng Dương (ghi)