Bổ nhiệm hạng II, tôi thấy trả lời của Bộ và Cục Nhà giáo không đúng Thông tư

04/11/2021 09:02
BÙI NAM
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc bổ nhiệm qua các hạng mới không cần căn cứ nhiệm vụ đang giữ, sau khi bổ nhiệm xong sẽ được phân công nhiệm vụ.

Ngày 02/11 Báo điện tử Chính phủ, chuyên mục Trả lời công dân có đăng tải nội dung trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ý kiến thắc mắc của một giáo viên tiểu học về việc chuyển xếp lương, cụ thể là việc có căn cứ nhiệm vụ đang giữ để bổ nhiệm hạng mới hay không [1].

Xin được đăng tải nội dung câu hỏi, phần trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo bên cạnh đó người viết trình bày thêm những hiểu biết và quan điểm cá nhân về vấn đề trên, ngõ hầu mong được trao đổi cùng quý đồng nghiệp có chung quan tâm, thắc mắc để tìm câu trả lời chính xác.

Cụ thể, ông Nguyễn Tuấn Minh (Hà Giang) là giáo viên tiểu học hạng II cũ, hệ số lương 3,98 (thực tế lương hạng II giáo viên tiểu học chỉ có hệ số 3,99 - người viết chú thích); đang giữ chức vụ phó hiệu trưởng.

Theo Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập thì ông đã đủ tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng II.

Tuy nhiên theo Điểm c Khoản 1 Điều 4 của Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT về nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II thì ngoài những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên tiểu học hạng II phải tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học.

Ông Minh từng được Phòng Giáo dục và Đào tạo cử đi tập huấn các chương trình thay sách và nhiều chương trình khác, tham gia làm giám khảo các kỳ thi giáo viên giỏi cấp trường, học sinh giỏi cấp huyện. Ông hỏi, như vậy có được coi là đã thực hiện nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học không?

Hiện nay có nơi xét chuyển hạng cho giáo viên vô cùng khắt khe vì vận dụng Thông tư một cách máy móc, nơi lại khá thông thoáng, khiến không ít thầy cô giáo thiệt thòi. Ông Minh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện thống nhất.

Về câu hỏi của giáo viên trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

“Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học trong Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường được giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).

Do vậy, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng trường tiểu học giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này (nhà trường đó được giao nhiệm vụ đó, ví dụ: Tham gia đoàn kiểm tra chuyên môn, dạy đối chứng chuyên đề, tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi ...) và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra tại Khoản 8 Điều 10 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT cũng đã quy định: "Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học mà trường tiểu học công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường tiểu học công lập báo cáo cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan". [1]

Tại công văn 1099 của Bộ Giáo dục và Đào tạo phúc đáp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc tại mục 1 đã có nêu:

“Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các Thông tư 01; 02; 03; 04/TT-BGDĐT là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).

Do đó, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sở giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.”

Như vậy, qua các hướng dẫn Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có hướng dẫn việc bổ nhiệm qua các hạng mới không cần căn cứ nhiệm vụ đang giữ, sau khi bổ nhiệm xong sẽ được phân công nhiệm vụ.

Tuy nhiên về tính pháp lý thì lại khó áp dụng khi các hướng dẫn này chỉ là câu trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 1 địa phương, 1 giáo viên cụ thể mà không phải là văn bản hướng dẫn chung, thống nhất trên cả nước.

Băn khoăn hướng dẫn của Bộ có trái với các Thông tư?

Tuy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời cho giáo viên tiểu học trên khá rõ nhưng người viết vẫn thấy còn khá nhiều băn khoăn, thắc mắc.

Thứ nhất, không căn cứ nhiệm vụ đang giữ để bổ nhiệm hạng mới liệu có phù hợp?

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo khi bổ nhiệm không cần căn cứ vào nhiệm vụ giáo viên có nghĩa là không cần biết hiện nay, trước đây giáo viên đang thực hiện nhiệm vụ gì, thậm chí chưa từng đảm nhận 1 nhiệm vụ nào trong các nhiệm vụ giáo viên hạng II mới thì cũng có thể bổ nhiệm sang hạng II mới.

Trích nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II mới theo Thông tư 02/2021 gồm:

“Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên tiểu học hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên;

b) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;

c) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học;

d) Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có).”

Một giáo viên chưa từng đảm nhận nhiệm vụ, liệu sau khi bổ nhiệm hạng II mới thì sẽ phân công như thế nào để giáo viên thực hiện được tất cả các nhiệm vụ trên?

Liệu như vậy có phù hợp trong khi tại công văn Số: 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ngày 12/3/2021, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục có hướng dẫn:

“a) Việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở từng hạng…”

Và tại Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT ở Điều 6. Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học cũng quy định: “1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 Thông tư này…”

Nội dung Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, các công văn hướng dẫn của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục số 971 hướng dẫn chung hay công văn 1077, 1099 Cục trả lời riêng tỉnh Vĩnh Phúc và nội dung Bộ trả lời giáo viên Nguyễn Tuấn Minh ở Hà Giang lại không thống nhất, không rõ ràng thì các địa phương áp dụng nội dung nào mới chính xác?

Thứ hai, theo câu trả lời của Bộ với ông Nguyễn Tuấn Minh thì sau khi bổ nhiệm hạng II mới, giáo viên sẽ được hiệu trưởng phân công nhiệm vụ ra sao?

Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học trong Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng nếu nhà trường được giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ; nếu không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường tiểu học công lập báo cáo cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan.

Điều này cũng gặp nhiều vấn đề, có một số giáo viên đang ở hạng II cũ hiện nay do hưởng lương đại học được chuyển ở thời điểm năm 2015 theo Thông tư 21/2015 có một số giáo viên chưa từng đảm nhận bất kỳ nhiệm vụ nào trong nhiệm vụ giáo viên tiểu học hạng II mới, không có năng lực, không có kinh nghiệm và không được uy tín, tín nhiệm của tập thể nên đương nhiên không được phân công nhiệm vụ giáo viên hạng II mới.

Như vậy sau khi bổ nhiệm hạng II mới họ không được phân công nhiệm vụ thì sẽ giải quyết như thế nào? Hoặc họ không hoàn thành nhiệm vụ, bị kỷ luật,… thì có “xuống hạng” không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có giải thích là nếu không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường tiểu học công lập báo cáo cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan thì người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên hướng dẫn cụ thể việc quy đổi này ra sao? Làm gì có nhiệm vụ nào quy đổi cho những nhiệm vụ của giáo viên hạng II?

Làm gì có nhiệm vụ nào quy đổi cho nhiệm vụ báo cáo viên, chủ trì sinh hoạt chuyên môn, ban giám khảo chấm thi, quy đổi giáo viên giỏi, thanh tra kiểm tra,… của giáo viên tiểu học hạng II.

Hiệu trưởng báo cáo cơ quan nào có đủ thẩm quyền để quy đổi nhiệm vụ của giáo viên?

Thứ ba, việc này có áp dụng cho giáo viên tiểu học hạng I và giáo viên mầm non, trung học cơ sở trung học phổ thông hay không?

Đây tiếp tục là một câu trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho trường hợp một giáo viên tiểu học hạng II.

Vậy nội dung này có áp dụng cho giáo viên tiểu học hạng I hay giáo viên ở các cấp học bậc học khác như mầm non, trung học cơ sở hay trung học phổ thông không?

Hiện nay, vấn đề này và nhiều vấn đề khác về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 còn nhiều điều chưa rõ ràng, nhiều ý kiến trái chiều nên rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có văn bản chung hướng dẫn việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cả nước và khắc phục các bất cập tránh để các địa phương mỗi nơi mỗi kiểu, tránh tình trạng các địa phương thắc mắc, cá nhân giáo viên thắc mắc thì Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời thì khó có thể áp dụng cả nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/tieu-chuan-bo-nhiem-giao-vien-tieu-hoc-hang-ii/451660.vgp

[2] Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM