Sau bài viết “Tất cả giáo viên hạng II cũ sẽ sang hạng II mới không cần thời gian giữ hạng?” được đăng tải ngày 12/10 trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều quan tâm, bình luận và chia sẻ của thầy cô giáo đang đứng lớp.
Bài viết nhận được rất nhiều sự đồng tình của dư luận về việc bất cập của việc chuyển xếp lương từ hạng II cũ sang hạng II mới hầu như theo cảm tính, không căn cứ tiêu chuẩn, mỗi nơi cách hiểu khác nhau nên cách vận dụng và xếp lương mới cũng khác nhau.
Rất nhiều người cho rằng chỉ riêng việc cả hệ số lương 2,67- 3,99 cùng có thể chuyển qua hệ số lương 4,0 là vô cùng bất hợp lý, không nên xuất hiện trong một Thông tư bổ nhiệm, xếp lương ảnh hưởng đến cả triệu giáo viên.
Trong đó, một thêm vấn đề rất nhiều người quan tâm là việc một số địa phương, đơn vị khi thực hiện phương án lương mới thì chỉ xếp những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn từ hạng II cũ (hệ số lương 2,34-4,98) sang hạng II mới (hệ số lương 4,0-6,38).
Còn hầu hết tất cả các trường hợp khác thì dù có thành tích gì hoặc những người từng làm hiệu trưởng, tổ trưởng cũng không được sang hạng II mới mà phải chuyển xuống hạng III mới (cùng hệ số 2,34-4,98).
Đây cũng là một bức xúc chung của rất nhiều người không giữ chức vụ, có nhiều thành tích cống hiến nhưng lại chuyển xuống hạng III mới.
Một bạn đọc có tên N.T.K.G có địa chỉ mail gi….@gmail.com phản ánh bức xúc: “Tôi thấy cách xếp lương hạng II mới với tiêu chí giáo viên cốt cán của trường (những người đang giữ chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng) là rất bất hợp lý.
Giáo viên cốt cán đã được hưởng phần trăm của phụ cấp chức vụ. Nếu hạng 2 mà đưa ra tiêu chí ấy thì rất thiệt thòi cho những giáo viên trước đây họ cũng từng làm tổ trưởng và họ đạt hết tất cả các tiêu chí của Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT nhưng nay họ không làm tổ trường họ lại bị tụt hạng. Điều đó rất không công bằng và Thông tư này đã phủ nhận công lao phấn đấu của họ. Thông qua Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp lãnh đạo xem xét”.
Theo quan điểm của người viết thì đây không phải là bức xúc của riêng bạn đọc trên mà cũng là tâm tư, trăn trở của nhiều bạn đồng nghiệp đã từng làm cán bộ quản lý không chỉ ở ở tiểu học mà cả ở trung học cơ sở, trung học phổ thông. Họ đã đạt nhiều thành tích trong quá khứ nhưng trong đợt chuyển xếp lương mới họ lại không được quan tâm, phải bị xuống hạng III mới.
Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn |
Ưu tiên xếp lương hạng II cho giáo viên là tổ trưởng, ban giám hiệu là chưa đúng?
Giống như câu chuyện bạn N.T.K.G phản ánh, người viết cũng đọc được nhiều ý kiến phản hồi của các nhà giáo trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội than phiền một số địa phương ưu tiên chỉ xếp hạng II cho tổ trưởng, tổ phó, hiệu trưởng, hiệu phó,… còn các giáo viên khác dù có thành tích gì thì cũng chuyển xuống hạng III mới là có diễn ra ở một số địa phương khi thực hiện phương án bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mới.
Tuy nhiên, theo hiểu biết của bản thân và những căn cứ pháp lý là Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT, Luật Viên chức 2010, Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức…, trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật người viết không thấy có bất kỳ nội dung nào có việc quy định ưu tiên cho những người là tổ trưởng, tổ phó, ban giám hiệu đương nhiệm.
Trong các Thông tư 02, 03 thì ở hạng II có các tiêu chuẩn về nhiệm vụ; tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và các tiêu chuẩn nay tuy cao hơn tiêu chuẩn của giáo viên hạng III nhưng trong tất cả các tiêu chí đều không có quy định nào quy định giáo viên đang giữ nhiệm vụ tổ trưởng hay ban giám hiệu thì được ưu tiên chuyển xếp hạng II mới.
Chỉ có một số tiêu chí thường gắn với nhiệm vụ tổ trưởng như: Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên; Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên; Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi,…
Tuy những tiêu chuẩn này thường gắn với tổ trưởng, ban giám hiệu nhưng vẫn có những giáo viên thực hiện hoặc những người từng làm cán bộ quản lý đã từng trải qua.
Do đó giáo viên vẫn có nhiều người đạt các tiêu chuẩn này không nhất thiết phải là đương nhiệm cán bộ quản lý.
Ở tất cả các tiêu chuẩn đều không có quy định về thời gian đạt các tiêu chuẩn, tức là nếu đã đạt cách đây 1 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn vẫn xem như là đạt các tiêu chuẩn.
Do đó, không có việc phân biệt những người đương nhiệm hiệu trưởng, tổ trưởng và những người từng làm hiệu trưởng, tổ trưởng trước đây.
Bên cạnh đó, ý kiến trình bày của bạn N.T.K.G cũng khá chính xác bởi lẽ cán bộ quản lý nhà trường đang thực hiện nhiệm vụ đã được giảm số tiết theo quy định (hiệu trưởng chỉ dạy 2 tiết/ tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/ tuần, tổ trưởng giảm 3 tiết/ tuần, tổ phó giảm 1 tiết/ tuần), họ còn được hưởng phụ cấp chức vụ hiệu trưởng, hiệu phó (từ 0,25-0,55 tùy theo hạng trường), tổ trưởng 0,2, tổ phó 0,15 nên nếu ưu tiên cho họ trong việc chuyển xếp lương hạng II mới là bất hợp lý.
Phải căn cứ vào tiêu chuẩn, đạo đức, nhiệm vụ,… không phải tổ trưởng, hiệu trưởng nào cũng tốt, giỏi hơn giáo viên.
Bên cạnh đó theo vị trí việc làm có quy định, đối tượng giáo viên cũng có giáo viên hạng II, giáo viên hạng III nên giáo viên dù giữ nhiệm vụ cán bộ quản lý hay không nếu đạt tiêu chuẩn giáo viên hạng II đều được chuyển sang hạng II mới mà không cần phải là cán bộ quản lý.
Do đó, đơn vị nào ưu tiên cho cán bộ quản lý được chuyển sang hạng II mới, không xét đến giáo viên đủ tiêu chuẩn là không đúng tinh thần Thông tư mới, không đúng với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì nên dừng lại và xếp công bằng cho tất cả giáo viên.
Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cụ thể vấn đề trên đừng để thiệt thòi cho giáo viên cả nước.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.