Năm học 2021-2022, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai cho lớp 6. Các nhà trường đang gặp khó khăn trong việc triển khai đánh giá môn “tích hợp”, trong đó có môn Nghệ thuật. Bởi, môn học này có 2 phân môn (tác giả tạm gọi) hoàn toàn độc lập là Âm nhạc và Mỹ thuật, được đánh giá bằng nhận xét nên lãnh đạo nhiều trường rất băn khoăn.
Môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) lớp 6 đánh giá thế nào?
Ngày 20/10/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản số 2822/SGDĐT-GDTrH gửi Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức và 21 quận huyện trên địa bàn về hướng dẫn thực hiện kiểm tra đánh giá môn Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật năm học 2021-2022.
Theo đó, đối với môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) lớp 6 thực hiện theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 29/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; Công văn 3699/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.
Ảnh minh họa: Thethaovanhoa.vn |
Môn Nghệ thuật lớp 6 bao gồm 02 nội dung Âm nhạc và Mỹ thuật, mỗi nội dung chọn 01 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kỳ; khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập.
Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ bao gồm 02 nội dung Âm nhạc, Mỹ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được đánh giá mức Đạt khi cả 02 nội dung Âm nhạc, Mỹ thuật được đánh giá Đạt.
Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập khi thực hiện, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được qui định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện.
Căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng và các yêu cầu cần đạt môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, thái độ tích cực và sự tiến bộ của học sinh để nhận xét kết quả các bài kiểm tra đối với môn học Nghệ thuật.
Kết quả học tập theo môn học được đánh giá bằng nhận xét theo 01 (một) trong 02 (hai) mức: Đạt, Chưa đạt; nhận xét những trường hợp đặc biệt về năng khiếu hoặc về ý thức và thái độ học tập (nếu có).
- Đánh giá kết quả trong mỗi học kỳ: Mức Đạt khi có đủ số lần kiểm tra và các lần kiểm tra được đánh giá mức Đạt. Mức Chưa đạt: các trường hợp còn lại.
- Đánh giá kết quả cả năm học: Mức Đạt khi có đủ số lần kiểm tra và các lần kiểm tra được đánh giá mức Đạt. Mức Chưa đạt: Kết quả học tập học kỳ II được đánh giá mức Chưa đạt.
Một số bất cập khi đánh giá môn Nghệ thuật
Thứ nhất, Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2021 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022 có nội dung như sau:
“Môn Nghệ thuật bao gồm 02 nội dung Âm nhạc và Mĩ thuật, mỗi nội dung chọn 01 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì; khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.
Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt”.
Như thế, với môn Nghệ thuật, sách giáo khoa riêng, giáo viên dạy riêng nhưng bài kiểm tra định kỳ (kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ) thì gộp lại 1 kết quả gây khó khăn chung cho giáo viên.
Thứ hai, vì môn Nghệ thuật gộp lại 1 kết quả cuối kì, cuối năm nên vấn đề đặt ra là: giáo viên nào sẽ vào điểm, ghi nhận xét và chịu trách nhiệm chính về chất lượng chuyên môn giảng dạy? Giáo viên phân môn Âm nhạc, Mĩ thuật có thể luân phiên vào điểm nhưng chắc chắn 1 giáo viên không thể nhận xét chung cho môn Nghệ thuật vì bản chất 2 phân môn này khác nhau.
Có thể nhận thấy, Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo và văn bản số 2822/SGDĐT-GDTrH của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đều chưa hướng dẫn tường minh giáo viên nào sẽ ghi nhận xét cho môn Nghệ thuật. Hay chính cả Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục cũng đang gặp khó khi hướng dẫn đánh giá môn học này?
Thứ ba, có trường hợp một học sinh đạt ở phân môn này và không đạt ở phân môn kia thì nhà trường phải tổ chức kiểm tra lại theo quy định. Giả sử, học sinh kiểm tra lại nhưng vẫn không đạt, phải ở lại lớp là rất vô lí vì phân môn thứ nhất (của môn Nghệ thuật) đã đạt – tức đảm bảo 50% yêu cầu.
Hơn nữa, học sinh chỉ kiểm tra lại 1 phân môn nhưng giáo viên của phân môn thứ 2 cũng chịu trách nhiệm liên đới vì phải ghi kết quả kiểm tra lại, cùng kí tên chịu trách nhiệm chung, liệu có đúng? Kéo theo, hiệu trưởng sẽ gặp lúng túng khi đánh giá viên chức giáo viên cuối năm, khó khăn nhất là tiêu chí chất lượng chuyên môn.
Việc đánh giá môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Nghệ thuật còn nhiều bất cập, đã được các tác giả phản ánh trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam thời gian qua. Cá nhân tôi mong muốn, Bộ Giáo dục hãy nghiên cứu để thay đổi những bất cập ở môn Nghệ thuật sao cho hợp lí, nhằm giúp thầy trò gặp thuận lợi hơn trong quá trình dạy học Chương trình mới.
Tài liệu tham khảo:
https://hcm.edu.vn/thong-bao/huong-dan-thuc-hien-ktdg-mon-nghe-thuat-am-nhac-my-thuat-nam-hoc-2021-2022/ct/41000/67476
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.