Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm chức danh, có gì mới?

03/11/2021 10:47
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thủ trưởng các đơn vị bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp theo Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Ngày 19/10/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ra Công văn số 2802/SGDĐT-TCCB triển khai, hướng dẫn các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nguyên tắc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp

Thứ nhất, việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và đảm bảo tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Thứ hai, khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20, 21, 22 và 23/2015/TT-BNV-BGDĐT vào chức danh nghề nghiệp giáo viên theo quy định tại Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì không được kết hợp thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Thứ ba, không căn cứ trình độ được đào tạo để bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn hạng chức danh nghề nghiệp đã trúng tuyển đối với giáo viên mới được tuyển dụng.

Như vậy, để được bổ nhiệm vào hạng cao hơn trong cùng ngành, lĩnh vực, ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo thì giáo viên còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về bồi dưỡng, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ (trong đó có yêu cầu về thành tích, đóng góp đã đạt được và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề) và đặc biệt phải trúng tuyển trong kì thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.

Ngày 19/10/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 2802/SGDĐT-TCCB. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Ngày 19/10/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 2802/SGDĐT-TCCB. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Một số lưu ý trong thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp

Thứ nhất, việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người, đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp từng hạng.

Thứ hai, yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III chỉ áp dụng đối với:

- Giáo viên mầm non, tiêu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tuyển dụng sau ngày Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành (cho phép trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng, giáo viên phải bổ sung chứng chỉ theo quy định).

- Giáo viên mầm non hạng III đã được bổ nhiệm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, được xem xét bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III theo quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT.

- Những trường hợp không thuộc đối tượng nêu trên thì chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III theo quy định.

Thứ ba, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có giá trị thay thế trong trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thay đổi chức danh nghề nghiệp ở cùng hạng (giáo viên ở cấp học này chuyển sang cấp học khác cùng hạng chức danh nghề nghiệp).

Thứ tư, trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này, đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới.

Sở Giáo dục lấy ví dụ, giáo viên trung học cơ sở hạng II chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II nhưng đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I, thì phải bổ sung chứng chỉ bồi chức danh nghề nghiệp hạng II để đảm bảo điều kiện theo quy định; còn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I giáo viên đã có sẽ được sử dụng để đăng kí dự thi xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I.

Sở Giáo dục cũng lưu ý, theo ý kiến của Bộ Nội vụ, đối với những giáo viên đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp (hạng II đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và hạng I đối với giáo viên trung học cơ sở) do thiếu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì tạm thời chưa thực hiện việc bổ nhiệm, chuyển xếp lương cho đến khi có quy định mới.

Thứ năm, đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông mà trường không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu đơn vị căn cứ phân công nhiệm vụ, chịu trách nhiệm quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được Hội đồng trường thống nhất thông qua.

Thứ sáu, giáo viên đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp (giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học hạng IV, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở hạng III) nếu chưa đáp ứng trình độ chuẩn đào tạo theo quy định thì giữ nguyên mã số và áp dụng hệ số lương hiện hưởng.

Thứ bảy, giáo viên đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp (hạng II đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và hạng I đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông) do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng thì được bổ nhiệm vào các hạng: hạng III đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và hạng II đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông).

Việc chuyển xếp lương đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ hạng II, I cũ sang hạng III, II mới được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV, sau khi đủ tiêu chuẩn và được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng mới thì thực hiện xếp lương theo quy định tại khoản 1 mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV.

Thư tám, đối với các tiêu chuẩn quy định về thành tích đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được thực hiện theo quy định tại Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Đôi điều băn khoăn việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp

Theo ý kiến cá nhân người viết, việc thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp vẫn có đó những bất cập khiến giáo viên tâm tư.

Thứ nhất, “việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận”. Trong khi đó, chỉ có vị trí việc làm của lãnh đạo ở trường học là rõ ràng nhất, còn giáo viên thì khó phân biệt rạch ròi vì nhiệm vụ chính của họ là giảng dạy và quản lí giáo dục học sinh.

Ví dụ, trường trung học phổ thông có 12 vị trí việc làm. Nhóm vị trí việc làm gắn với các nhiệm vụ quản lý, điều hành (02 vị trí): Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng; nhóm vị trí việc làm gắn với các nhiệm vụ hoạt động nghề nghiệp (01 vị trí): giáo viên; nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ phục vụ (09 vị trí): Thư viện; Thiết bị, thí nghiệm; Công nghệ thông tin; Kế toán; Thủ quỹ; Văn thư; Y tế; Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; Giáo vụ (áp dụng đối với trường trung học phổ thông chuyên).

Như thế, nhóm vị trí việc làm gắn với các nhiệm vụ hoạt động nghề nghiệp (01 vị trí): giáo viên, thì căn cứ vào đâu để bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho công bằng, “đúng người, đúng việc”?

Thứ hai, quy định chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong việc bổ nhiệm chức danh còn bất cập.

Tôi lấy ví dụ, “trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này. Đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới”.

Quy định chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn không được sử dụng cho hạng thấp hơn là bất hợp lí.

Hay quy định, “đối với những giáo viên đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp do thiếu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì tạm thời chưa thực hiện việc bổ nhiệm, chuyển xếp lương cho đến khi có quy định mới” – cũng sẽ khiến giáo viên tâm tư.

Thứ ba, “đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mà trường không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu đơn vị căn cứ phân công nhiệm vụ” cũng rối rắm. Bởi, trừ ban giam hiệu, chỉ cần tổ trưởng, tổ phó hay nhóm trưởng điều hành công việc của tổ chuyên môn là ổn chứ không cần “phân công nhiệm vụ quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan”.

Thiết nghĩ, Bộ giáo dục nên dừng thực hiện chuyển xếp lương nhà giáo theo tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT. Bởi, thực tế nhiều địa phương chưa thực hiện chùm Thông tư này, thậm chí mỗi nơi làm một kiểu gây bức xúc cho giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

http://sonoivu.tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin?/khung-vi-tri-viec-lam-va-dinh-muc-so-luong-nguoi-lam-viec-trong-cac-truong-trung-hoc-co-so-truong-trung-hoc-pho-thong-truong-tieu-hoc-va-nha-tre-truong-mau-giao-truong-mam-non/8801466

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương