Vượt qua định kiến "môn phụ", cô giáo Tin học chia sẻ giải pháp cuốn hút học trò

14/11/2021 06:40
Tùng Dương
GDVN- Với tôi, dạy học không chỉ là dạy chữ, mà là một quá trình giáo dục lâu dài. Trong nhiều bài giảng, tôi cố gắng lồng ghép nhiều nội dung giáo dục kỹ năng sống.

“Tôi luôn trăn trở làm thế nào để mỗi bài giảng có hiệu quả, để học sinh thấy hứng thú, vì thế tôi đã tự tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng nhiều phương pháp cải tiến bài giảng để làm sao gần với thực tiễn, sinh động, hấp dẫn học sinh.

Luôn học hỏi các kinh nghiệm hay của đồng nghiệp, nghiên cứu bài học, tiết dạy giỏi, tham gia các khóa học kỹ thuật dạy học online hiệu quả, các hội thảo chuyên đề để nắm vững kỹ thuật triển khai các phương pháp dạy học mới, đồng thời học lên cao học để phát triển hơn về chuyên môn.

Sau mỗi mỗi bài giảng, tôi luôn nhìn lại những gì đã và chưa làm được, cố gắng tìm cách cải thiện để bài giảng áp dụng tại các lớp đạt hiệu quả”, cô Phan Thị May - Giáo viên dạy Tin học Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Phan Thị May - Giáo viên dạy Tin học Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), tham gia dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021. Ảnh: NVCC.
Cô Phan Thị May - Giáo viên dạy Tin học Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), tham gia dự thi “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 – 2021. Ảnh: NVCC.

Cô May chia sẻ: “Khi mới đi dạy, có nhiều lúc tôi thấy rất buồn bởi định kiến xã hội cho rằng môn Tin học của tôi là “phụ của môn phụ”, môn không quan trọng. Nhưng với tôi, trong thời đại hiện nay thế giới không ngừng phát triển về công nghệ, một công dân hiện đại thì nhất định không thể thiếu kĩ năng về công nghệ số.

Phụ trách đội tuyển học sinh giỏi môn Tin học của nhà trường, tôi xây dựng kế hoạch, phối hợp cùng đồng nghiệp và trực tiếp bồi dưỡng học sinh. Công việc này yêu cầu giáo viên phải tâm huyết, đầu tư nhiều về bài giảng, những nội dung nâng cao và chuyên sâu, đồng thời sát sao học sinh, hỗ trợ từng em, và kết quả đã có nhiều học sinh đạt giải vô địch Tin học văn phòng quốc tế (MOS - WC).

Đạo đức nhà giáo không bao giờ cho phép bỏ qua các học sinh yếu kém, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ giảng dạy tại một vài lớp mà phong trào học tập chưa được tốt. Vừa giảng dạy, vừa sống và trải nghiệm cùng học sinh, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng em, từ đó tìm ra phương pháp khơi gợi tinh thần học tập, sau đó dần nâng cao kết quả học tập của cả lớp.

Tôi nhớ là lớp 12A6, sau thời gian dài kiên trì, bền bỉ, mối quan hệ cô trò vô cùng thân thiết, học sinh sẵn sàng chia sẻ và hỏi ý kiến tôi trong nhiều vấn đề, đặc biệt kết quả học tập môn Tin của các em đều đạt loại khá, 95% đều đạt bộ 3 chứng chỉ tin học văn phòng quốc tế MOS khi tốt nghiệp".

Lồng ghép kỹ năng sống vào môn Tin học

Theo cô May: "Tôi quan niệm dạy học không chỉ là dạy chữ, mà còn là một quá trình giáo dục lâu dài. Trong nhiều bài giảng, tôi cố gắng lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục tình yêu quê hương đất nước, hay nâng cao ý thức xã hội của các em.

Có khi nội dung giáo dục được đưa ra ở tình huống tạo vấn đề trong các bài giảng về ảnh hưởng của Tin học đối với xã hội, có khi học sinh được phản biện về ưu và nhược của game online, của mạng xã hội, từ đó rút ra bài học về kỹ năng sử dụng mạng xã hội và các hình thức giải trí online. Cũng có khi học sinh khảo sát và báo cáo về thực trạng sử dụng internet trong giới trẻ hay ở trường học của mình, từ đó các em thấy xu hướng nào đang là tốt, xu hướng nào cần phải được cảnh báo để nhắc nhở lẫn nhau.

Học sinh cũng được thể hiện tình yêu với Hà Nội, với các vùng miền khác nhau của tổ quốc bằng chuyên đề thiết kế album ảnh hay cẩm nang du lịch, các em cũng trở nên mạnh dạn hơn, kỹ năng thuyết trình được cải thiện, và đặc biệt thể hiện được quan điểm bản thân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường với nhiệm vụ sử dụng công cụ 4 powerpoint thiết kế video thuyết trình chủ đề môi trường".

Cô Phan Thị May và các em học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Cô Phan Thị May và các em học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Cô May nói: "Tôi nhận thức vai trò của người giáo viên không chỉ là dạy học mà là người truyền cảm hứng cho học sinh. Cảm hứng đến từ phong cách lạc quan, vui vẻ của người giáo viên mỗi giờ lên lớp, cảm hứng từ những thông điệp nhân văn trong bài học. Đó là thông điệp “gửi lời yêu thương” trong tiết dạy soạn thảo văn bản, qua đó giáo dục học sinh biết sử dụng công nghệ thông tin lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Thông điệp “sống tích cực giữa mùa dịch” được tôi gửi gắm cho học sinh trong tiết khởi động đầu năm học trong mùa dịch, thông qua “bài học về đặc quyền” tôi gửi đến học sinh thông điệp về trân trọng và tận dụng những cơ hội mình đang có, nhất là những cơ hội và điều kiện để học tập online .

Bài học “thấu hiểu để yêu thương” trong lần đầu làm quen với 5 học sinh lớp 10 đã giúp các em hiểu về mình, về bạn bè, thầy cô, học cách yêu thương và tôn trọng bản thân. Tôi mong muốn kích thích sự tự tin trong học sinh nên đã gửi gắm thông điệp “hãy dám ước mơ” cho các học sinh qua video và câu chuyện ý nghĩa.

Những phản hồi của học sinh qua mỗi bài học, và xa hơn là sự thay đổi trong quá trình học tập của các em là nguồn động lực giúp tôi tự tin, và tiếp tục lồng ghép các thông điệp truyền cảm hứng trong các bài học của mình.

Đặc thù môn Tin học, học sinh phải tương tác với máy tính nên nhiều em gặp khó khăn về mặt kỹ thuật, biết được điều đó nên tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ trong bất kể thời gian nào, nhiều khi đêm muộn, học sinh vẫn nhắn tin nhờ hỗ trợ.

Để hỗ trợ được nhiều học sinh hơn, tôi tạo các video hướng dẫn các thủ thuật khi sử dụng máy tính, sửa chữa các lỗi cơ bản, cài đặt phần mềm,…rồi đưa lên kho tài nguyên học tập, các học sinh có thể chủ động tìm kiếm và học tập khi cần".

Đổi mới để giờ học không còn tẻ nhạt

Cô May cho biết: “Trong hoạt động chuyên môn, việc chọn được các phương pháp phù hợp với nội dung bài học, phù hợp với đối tượng học sinh luôn là điều bản thân tôi đưa lên ưu tiên hàng đầu.

Tôi chủ động tìm kiếm các phần mềm phù hợp nhất trong rất nhiều công cụ hỗ trợ hiện có, nghiên cứu cách sử dụng sao cho hiệu quả mà đơn giản. Để bài giảng hấp dẫn, tôi thiết kế đa dạng hoạt động, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh. Bài học có các câu hỏi phân hóa theo thang Bloom, để học sinh từ trung bình tới khá giỏi đều được phát huy năng lực của mình.

Tôi cũng bổ sung các hình ảnh minh họa, sơ đồ, video tình huống hay tự mình thiết kế các video hoạt hình lồng ghép trong bài giảng để thu hút học sinh, giúp học sinh tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả.

Có khi đó là một buổi thuyết trình, có lúc lại là buổi tranh biện, buổi giới thiệu sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm, hay là buổi học đầy hứng khởi với các hoạt động thi đua, tích điểm...Các thay đổi này giúp tạo hứng thú cho học sinh, học sinh yêu thích môn học hơn.

Với quan niệm không chỉ dạy để học sinh biết kiến thức mà còn phải biết vận dụng được kiến thức đó vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, tạo được các sản phẩm có tính ứng dụng cao. Để làm được điều này tôi thường chọn các vấn đề mang tính thực tiễn, gần gũi, gắn với sở thích học sinh hay các sự kiện chuẩn bị diễn ra để khởi động, tạo động lực cho học sinh bắt đầu giờ học.

Cô May nói: "Tôi nhận thức vai trò của người giáo viên không chỉ là dạy học mà là người truyền cảm hứng cho học sinh". Ảnh: NVCC.
Cô May nói: "Tôi nhận thức vai trò của người giáo viên không chỉ là dạy học mà là người truyền cảm hứng cho học sinh". Ảnh: NVCC.

Ví dụ: Sắp tới nhà trường tổ chức hội xuân chào năm mới, các học sinh đều rất hào hứng tham gia, tôi sẽ đưa ra vấn đề để quảng bá cho sự kiện này các em hãy thiết kế các poster, infographic phục vụ sự kiện. Tôi cũng hướng sự chú ý của học sinh vào bài dạy bằng cách giới thiệu các sản phẩm mà học sinh có thể tạo ra nhờ nội dung kiến thức bài học.

Hay sau khi học sinh tạo được sản phẩm, tôi khuyến khích các em chia sẻ sản phẩm của mình trên mạng hay hội nhóm, vừa để ghi nhận học sinh, vừa tạo thi đua giữa các học sinh đồng thời lan tỏa ý nghĩa sản phẩm.

Các sản phẩm như thiệp chúc mừng ngày 20/11, chúc mừng 8/3 được học sinh gửi tới thầy cô giáo và những người thân yêu của mình chính là những giá trị thực tiễn lớn lao mà nội dung học tập về soạn thảo văn bản với MS Word đem đến. Trong mùa dịch, học sinh thiết kế Poster tuyên truyền phòng chống dịch rất đáng yêu. Những sản phẩm này sau khi hoàn thiện đã được sử dụng cho các mục đích thực tiễn trong học tập các môn học khác và cuộc sống của học sinh”.

Cô May chia sẻ thêm: “Môn Tin học ở Trường Trung học phổ thông Yên Hòa chúng tôi hiện nay được đánh giá cao và chưa bao giờ coi đây là môn “phụ”, chính vì vậy cũng đã phần nào thay đổi được suy nghĩ của xã hội về môn học này. Ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm, tạo mọi điều kiện, luôn đồng hành cùng chúng tôi trong việc đổi mới, sáng tạo.

Đối với mỗi học sinh khi tốt nghiệp ra trường, thì những gì mà các em học được trong môn Tin học thật sự rất có ý nghĩa, nhiều em yêu thích môn này và học tiếp lên cao hơn. Còn với bậc đại học, những gì các em có được từ nền tảng Tin học tại Trường Yên Hòa cũng đã giúp các em đạt thành tích cao hơn trong học tập.

Tôi thấy, môn Tin học rất có ý nghĩa đối với tất cả học sinh, và tôi cũng mong muốn được truyền động lực của mình để giúp cho các em yêu thích môn học này, học tập tích cực hơn và thấy được ý nghĩa, tác dụng to lớn của nó trong đời sống”.

THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC

Cô Phan Thị May - Giáo viên dạy Tin học Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Dự chung khảo xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 năm học 2020 - 2021

Giải nhất hội thi giáo viên giỏi cụm Thanh Xuân – Cầu Giấy năm học 2019-2020.

Giải nhì hội thi giáo viên giỏi cấp Thành phố, năm học 2020 – 2021.

Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2018 - 2019, 2019 – 2020.

Danh hiệu nhà giáo Yên Hòa tâm huyết sáng tạo năm học 2019 - 2020, 2020 – 2021.

Giáo viên dạy giỏi cấp trường năm học 2017 - 2018, 2018 - 2019, 2019 - 2020, 2020 - 2021.

Sáng kiến kinh nghiệm năm 2018 - 2019 xếp loại C, 2 sáng kiến kinh nghiệm năm 2019 - 2020 và 2020 - 2021 xếp loại B cấp Thành phố.

Tùng Dương